Lời Ban Biên Tập: Nhân dịp tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa viên tịch vào tháng 12, chúng tôi trang trọng giới thiệu bài viết mới nhất của thầy Thích Thắng Hoan nói về cuộc đời và hành trạng của Ngài. Ngài “đã can đảm đứng trước những phong ba bảo táp của thời đại, bình tĩnh vượt qua những gian lao thử thách của thói đời, khôn khéo lèo lái con thuyền Phật Giáo cập được bến bờ vinh quang. Ngài còn có những di ngôn giáo huấn quý giá trong đó có một di ngôn xứng đáng khuôn vàng thước ngọc: “Gánh vác Phật sự là việc tốt, nhưng khi lãnh nhiệm vụ lớn, phải tự xem mình như đứa con nít. Dù bị người chê khen khinh trọng vẫn không nao núng. Đừng nhớ mình có chùa to, có đệ tử nhiều, gặp việc trái ý là xách gói về chùa.”
TIỂU SỬ
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA (1918 – 1973)
Soạn giả Thích Thắng Hoan
Phật Giáo Việt Nam gắng liền với vận mệnh đất nước như bóng với hình như vang với tiếng trong những thăng trầm vinh nhục. Sự thăng trầm của đất nước không kém phần ảnh hưởng sâu đậm với sự thịnh suy của Phật giáo Việt Nam. Đất nước Việt Nam thời nào cũng có những anh hùng cái thế để giữ nước non nhà thì Phật Giáo Việt Nam thời nào cũng có những danh tăng xuất chúng để truyền đăng tục diệm.
Trong thời kỳ nô lệ Pháp quốc, đất nước Việt Nam đã có những nhà cách mạng cứu quốc thì Phật Giáo Việt Nam cũng có những bậc Thạch Trụ siêu phàm đứng ra vận động chấn hưng. Riêng trong phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, các bậc Long Tượng tiếp nối ra đời làm sáng ngời lịch sử Phật Giáo phục hưng, nhất là trong thời kỳ cận đại, những tấm gương sáng chói của phong trào phục hưng trong đó có Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Hòa Thượng là người xuất thân từ miền tây Nam Bộ sông nước hữu tình, có học lực, có tài cao, có chí lớn, có đức tánh hiền hòa điềm đạm, sống bình dị thân thương, nhiệt tình yêu nước mến đạo, linh động hòa hợp dung thông cho đại sự và nhờ đó Phật Giáo Việt Nam từ đấy trở nên sáng ngời khắp bầu trời miền Nam
II. – VỀ THÂN THẾ:
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa con nhà gia giáo thuộc hạng trung lưu, trong gia quyến ai nấy đều theo đạo Phật. Hòa Thượng húy là Trần Thiện Hoa, pháp danh là Thiện Hoa, hiệu là Hoàn Tuyên, sanh ngày 07 tháng 08 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Qui (sau đổi tên là An Phú Tân), huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (sau đổi tên là tỉnh Trà Vinh). Hòa Thượng là con út (thứ chín) trong gia đình tám anh chị em. Vì quy y Phật Giáo từ thuở ấu thơ, Hòa Thượng lấy pháp danh làm thế danh, cho nên mới có tên là Trần Thiện Hoa. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Thế pháp danh Thiện Huệ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sáu pháp danh Diệu Tịnh. Toàn thể gia đình của Hòa Thượng đều quy y với Tổ Chí Thiền chùa Phi Lai ở núi Voi, tỉnh Châu Đốc. Pháp danh Thiện Hoa là Tổ đặt cho Hòa Thượng.
Sau khi thân phụ quá cố, Hòa Thượng theo thân mẫu đi chùa Phước Hậu, làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ làm lễ kỳ siêu bảy tuần thất cho cha, sau đó Hòa Thượng quyết tâm xin mẹ cho ở lại chùa Phước Hậu xuất gia và được cụ bà đồng ý, năm ấy Ngài mới được 7 tuổi. Tiếp đến Hòa Thượng được gởi tới chùa Đông Phước, làng Đông Thành, huyện Cái Vồn (hiện giờ là huyện Bình Minh), tỉnh Cần Thơ theo tu học với Tổ Khánh Anh và được Tổ đặt cho pháp hiệu là Hoàn Tuyên.
Trong gia đình chẳng những một mình Hòa Thượng xuất gia, mà trước đó vài năm người chị thứ bảy đã xuất gia lúc 17 tuổi chính là Sư Bà Thích Nữ Diệu Kim, trụ trì chùa Bảo An tại tỉnh thành Cần Thơ. Người anh thứ tám đồng thời xuất gia với Tổ Khánh Anh được Tổ đặt cho pháp danh là Tịnh Tâm (có chỗ gọi là Thiện Tâm), pháp hiệu là Hoàn Tâm cùng họ Hoàn với Hòa Thượng Thiện Hoa, trụ trì chùa Phật Quang tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Tiếp theo người anh thứ năm cũng xả tục xuất gia với pháp danh là Thiện Minh, trụ trì chùa Linh Quang tại Rạch Sung, Trà Ôn. Sau này lại cũng có những người cháu kêu Hòa Thượng bằng chú như Tịnh Nghiêm, Tịnh Thuận và kêu bằng cậu như Bửu Châu, Hoàn Phú cũng lần lượt xuất gia. Có thể nói rằng đây là một gia đình có nhiều người xuất gia hạng nhất trong vùng.
III. – THỜI KỲ TU HỌC:
a) Tham Học Các Trường Gia Giáo:
Sau khi cầu pháp với Tổ Khánh Anh, Hòa Thượng được Tổ dẫn theo cho tham học với các lớp Gia Giáo là những nơi mà Tổ được mời giảng dạy, khởi đầu từ lớp Gia Giáo chùa Đông Phước và sau cùng là lớp Gia Giáo chùa Long An. Về chùa Long An ở Đồng Đế, huyện Trà Ôn, Tổ Khánh Anh lãnh chùa nầy vào năm 1931 và khai giảng lớp Gia Giáo tại đây. Lúc ấy Hòa Thượng mới có 14 tuổi và nhập chúng tu học nơi lớp Gia Giáo nói trên được 3 năm.
b) Tham Học Phật Học Đường Lưỡng Xuyên:
Để đạt chí nguyện cao cả trên con đường hoằng pháp lợi sanh của một tu sĩ, vào năm 1935, nhân Phật Học Đường Lưỡng Xuyên khải giảng vào đầu mùa hạ, Hòa Thượng được Tổ Khánh Anh cho theo tòng học nơi Phật Học Đường này, bấy giờ Hòa Thượng đã được 17 tuổi và ngay năm ấy Hòa Thượng thọ giới Sa Di tại Phật Học Đường nói trên. Sau khi mãn khóa lớp Sơ Đẳng 3 năm, với ý chí hiếu học và óc cầu tiến, Hòa Thượng cùng một số Tăng sinh khác được Ban Giám Đốc Phật Học Đường Lưỡng Xuyên chấp thuận giới thiệu ra Huế tiếp tục tu học theo sở cầu. Thế là năm 1938, Hòa Thượng được ra Huế tu học, lúc đó Ngài 20 tuổi. Cùng đi với Hòa Thượng ra Huế gồm có sáu Tăng sinh khác như, Hòa Thượng Thiện Hòa, Hiển Thụy, Hiển Không, Chí Thiền, Bửu Ngọc, Giác Tâm.
c) Tham Học Phật Học Đường Báo Quốc:
Sau khi ra Huế, Hòa Thượng cùng sáu Hòa Thượng khác tòng học tại Phật Học Đường Tây Thiên hai năm. Kế đến quý Hòa Thượng vào chùa Long Khánh, Qui Nhơn tham học Phật Pháp với Tổ Phước Huệ ở chùa Thập Tháp hết một năm tròn. Sau đó quý Hòa Thượng lại trở ra Huế lần nữa tham dự lớp học tại Phật Học Đường Báo Quốc ngót bốn năm. Đến năm 1945, Phật Học Đường Báo Quốc dời đến Tòng Lâm Kim Sơn và lớp học tại đây vừa mãn một năm thì chiến tranh tràn đến, cho nên Phật Học Đường Kim Sơn ngưng hoạt động. Hội An Nam Phật Học ủy thác cho quý Hòa Thượng Thiện Hoa và Trí Tịnh. . v. . v… . mang một số học Tăng vào Nam. Thế là suốt tám năm dài (1938–1945), Hòa Thượng cùng quý Hòa Thượng khác nhọc nhằn cần mẫn học tập nơi đất Thần Kinh. Sau đó quý Hòa Thượng trở về miền Nam mang một hoài bảo “Hoằng Pháp Lợi Sanh”, để rồi miền Nam bừng sáng Chánh Pháp do các Hòa Thượng cùng nhau mồi lên ngọn đuốc từ cố đo Huế.
IV. – THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:
Theo quan niệm của Hòa Thượng Thiện Hoa, muốn phục hưng Phật Giáo cho được hữu hiệu trước hết phải có cán bộ để hoằng pháp, vì lý do đó, sau khi về miền Nam, Hòa Thượng nhất quyết phải thành lập Phật Học Đường để đào tạo Tăng tài mới có người tiếp nối sự nghiệp hoằng dương chánh pháp.
1) Khai Giảng Phật Học Đường Phật Quang:
Để đạt được ước nguyện của mình, đầu tiên vào năm 1945, Hòa Thượng hợp tác cùng Hòa Thượng Trí Tịnh khai giảng Phật Học Đường Phật Quang tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, là cơ sở của Thượng Tọa Hoàn Tâm lãnh đạo. Số Tăng sinh đến tu học trên 30 vị. Đến năm 29 tuổi, Hòa Thượng Thiện Hoa mới thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát tại Giới Đàn chùa Kim Huê, Sa Đéc. Năm 1946 và 1947, thấy tình cảnh chiến tranh của đất nước càng ngày càng tăng và thấy Tăng sĩ một phần đã cởi áo Cà Sa mặc áo chiến bào, Hòa Thượng Trí Tịnh quyết định dời về Sái Gòn.
Lúc bấy giờ Phật Học Đường Phật Quang chỉ còn lại một mình Hòa Thượng Thiện Hoa gánh vác tất cả mọi Phật sự, vì thế Phật Học Đường này đã khó khăn lại gặp khó khăn hơn. Một mình Hòa Thượng vừa dạy học, vừa lo đối phó với hoàn cảnh.
a. – Đối Nội: Hòa Thượng vẫn kiên trì giữ vững lớp học. Dù gặp nhiều gian nguy, nào chùa bị đốt, nào chúng bị phân tán, Hòa Thượng vẫn thản nhiên cố duy trì phần còn lại. Hòa Thượng nói: “Dù chỉ còn một Tăng sinh hiếu học tôi vẫn dạy đầy đủ như lúc ba mươi người.” Quả thật, đến năm 1950, Học chúng chánh thức của Phật Học Đường Phật Quang không quá bốn người. Thế nhưng Hòa Thượng vẫn dạy đều đều theo khóa trình đã vạch sẵn như thuở trước.
b. – Đối Ngoại: Trong xã hội loạn lạc thời bấy giờ, nhằm bảo bọc Tăng chúng yên tâm tu học, Hòa Thượng mở các lớp học trẻ con giao cho Tăng sinh đảm trách, đồng thời mở trạm y tế giao cho Tăng Ni thay nhau thuốc men giúp đỡ đồng bào. Mỗi ngày buổi sáng Tăng chúng dạy học, chích thuốc và buổi chiều học tập kinh điển. Hòa Thượng lại mở thêm những lớp học “Bình Dân” ban đêm dạy chữ Quốc Ngữ cho dân chúng thất học để chống nạn mù chữ. Học viên đạt được kết quả nhanh chóng là nhờ Hòa Thượng có sáng kiến soạn ra tập sách “Vần Chữ O”. Hòa Thượng bảo học chúng rằng: “Chúng ta cần đem Tứ Nhiếp Pháp và Ngũ Minh để giáo hóa chúng sanh, nhất là trong hoàn cảnh này.”
2) Cộng Tác Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang:
Đầu mùa Xuân năm 1953, vào ngày mùng 8 tháng Giêng Âm Lịch, Hòa Thượng cùng hàng đệ tử mang hành lý lên đường đi Sài Gòn đến Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang (trong số đó có thầy Thích Thanh Từ). Sau cuộc họp của Giáo Hôïi Tăng Già Nam Việt, quý Hòa Thượng đã đồng tình đề cử Hòa Thượng Thiện Hoa giữ chức vụ Trưởng Ban Giáo Dục kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và luôn cả chức Đốc Giáo Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang, Sài Gòn.
3) Sự Nghiệp Giáo Dục:
Với trách nhiệm Đốc Giáo Phật Học Đường Nam Việt, Hòa Thượng đã tận tâm giảng dạy cho hai cấp nơi trường này: một lớp Cao Đẳng và một lớp Trung Đẳng. Đồng thời Hòa Thượng cũng dạy lớp Trung Đẳng Ni Chúng tại chùa Từ Nghiêm, sau dời về Phật Học Ni Trường Dược Sư. Kết quả sự giáo dục như sau:
a) Tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang, lớp Cao Đẳng và lớp Trung Đẳng gồm những Tăng sinh say đây từng tự ra trường:
* Đợt thứ nhất lớp đầu tiên gồm có: Thầy Bửu Huệ, Thiền
Tâm, Tắc Phước, Tịnh Đức và Đạt Bửu.
* Đợt thứ hai tiếp nối ra trường gồm có: Thầy Thiền Định, Huyền Vi, Thanh Từ, Từ Thông, Chánh Tiến, Quảng Long, Hoàn Quan, v. v…
* Đợt thứ ba ra trường gồm có: Thầy Thắng Hoan, Đức Niệm, Liễu Minh, Như Huệ, Chơn Phát, Trí Quảng, Đồng Quy, Long Nguyệt, v. v…
* Đợt thứ tư ra trường gồm có: Thầy Nhựt Quang, Huệ Thới, Minh Thành, v. v…
b) Tại Ni Trường Dược Sư, các Ni Chúng ra trường gồm có: Sư cô Như Huyền, Hải Triều Âm, Diệu Hoa, Minh Ngọc, Giác Nhẫn, Trí Hòa, Trí Định, Tịnh Thường, v. v…
Số lượng Tăng Ni sinh tốt nghiệp từ hai trường nói trên đều là những vị xuất sắc sau này phụ lực với Hòa Thượng tiếp nối đảm đang các Phật sự của Giáo Hội cũng như công tác hoằng pháp và giáo dục.
c) Đến năm 1957, Hòa Thượng lại chủ xướng mở những khóa huấn luyện trụ trì lấy tên là Như Lai Sứ Giả. Trung tâm huấn luyện cho Tăng giới thì đặt tại chùa Pháp Hội và Trung tâm huấn luyện cho Ni giới thì đặt tại chùa Dược Sư. Mỗi khóa ba tháng trong mùa hạ và mùa đông. Kết quả:
* Bên Tăng đã đào tạo được 52 vị gồm có: Thầy Trường Lạc, Bửu Lai, Trí Châu, Nhật Long, Hồng Tịnh, Hoằng Thông, Huyền Quý, Hiển Pháp, Thiện An, Huệ Thành, v. v…
* Bên Ni đã đào tạo được 30 vị gồm có: Ni sư Vĩnh Bửu, Như Hoa, Phật Bửu, Giác Thiên, Như Huy, Như Chí, v. v…
Những vị tốt nghiệp các khóa huấn luyện này được bổ về các chùa khắp lục tỉnh để tập sự hoằng pháp. Phong trào này làm dấy lên phong trào tu học của các tín đồ Phật tử và cũng là mơ ước của mọi Tăng Ni muốn trở thành sứ giả Như Lai.
d) Với trách nhiệm Trưởng Ban Giáo Dục trong Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Hòa Thượng đã khuyến khích mở trường Phật Học ở các tỉnh như: Trường Phật Học tại chùa Bình An, Long Xuyên (1956), Trường Phước Hòa ở Vĩnh Bình, Trường Giác Sanh ở Phú Thọ, Chợ Lớn, Trường Phật Học ở Biên Hòa và Trường Phật Ân ở Mỹ Tho. . v. . v… . . Hầu hết Tăng Ni miền Nam đương thời dù gián tiếp hay trực tiếp đều chịu ân huệ giáo dục ít nhiều của Hòa Thượng.
e) Đến năm 1956, Hòa Thượng được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đề cử với chức vụ Ủy Viên Hoằng Pháp của Tổng Hội. Ở ngôi vị này, Hòa Thượng đầu tiên thực hiện những dự án sau đây do Hòa Thượng chủ trương:
* Hợp tác với Hòa Thượng Nhất Hạnh xuất bản nguyệt san “Phật Giáo Việt Nam”.
* Lập nên nhà xuất bản Phật Giáo lấy tên là “Hương Đạo”.
* Chủ trương một “Phật Học Tùng Thư” để phổ biến những tác phẩm của Hòa Thượng.
4) Công Trình Hoằng Pháp:
Với trách nhiệm Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt, Hòa Thượng đích thân huấn luyện Tăng Ni sinh tại các Phật Học Đường để trở thành những giảng sư thật sự có thể đi diễn giảng các nơi. Ngoài ra Hòa Thượng còn mở các lớp giáo lý giảng dạy Phật Học Phổ Thông cho hàng Phật tử cư sĩ để họ có khả năng truyền đạt Phật Pháp cho thế hệ cư sĩ mai sau tại các trụ sở như chùa Ấn Quang (Trụ sở GHTGNV), chùa Phước Hòa (Bàn Cờ), chùa Xá Lợi (Trụ sở HPHNV), chùa Giác Tâm (Chi Hội Phật Học tỉnh Gia Định), chùa Dược Sư (Trụ sở Hội Phụ Nữ Phật Tử). . v. . v… . Tiếp theo Hòa Thượng còn đích thân giảng dạy Phật Tử hằng tuần vào tối thứ năm tại chùa Ấn Quang. Nhờ vậy phong trào học Phật miền Nam trỗi dậy như vũ bão, khắp các tỉnh Giáo Hội và Hội Phật Học đều gởi thơ về Trung Ương xin mở lớp Phật Học Phổ Thông tại trụ sở của mình. Để đáp ứng nhu cầu các nơi, Hòa Thượng phân phối Giảng Sư đến giảng dạy Phật Học Phổ Thông mỗi chỗ mười hôm và mỗi năm hai kỳ. Cứ như thế suốt tám năm trời (1955–1962), tinh thần Phật Giáo len lỏi vào tâm hồn người con Phật khắp nơi trở thành phong trào thi đua tu học. Hơn nữa Hòa Thượng còn tổ chức Phật Giáo hằng tuần trên đài Phát Thanh Sài Gòn để phổ biến giáo lý, tin tức Phật sự Giáo Hội, sinh hoạt Học Đường và lập trường chấn hưng Phật Giáo Việt Nam.
5) Công Tác Từ Thiện Xã Hội:
Ngoài Phật sự trọng đại của Giáo Hội, Hòa Thượng còn để tâm đến phương diện Từ Thiện Xã Hội. Trước hết Hòa Thượng cố vấn cho Ban Từ Thiện Ấn Quang trong mọi công tác xã hội từ đô thành Sài Gòn lan đến các tỉnh miền tây Nam Việt. Tiếp theo Hòa Thượng thúc đẩy thành lập Cô Nhi Viện Diệu Quang để làm cơ sở cho Ni chúng trẻ tuổi công tác xã hội. Kế đến Hòa Thượng vận động thành lập Niệm Phật Đường trong khám Chí Hòa và còn cất chùa trong Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. . v. . v… . Có thể nói, mọi Phật sự miền Nam đều được Hòa Thượng trợ giúp, hoặc trực tiếp hay gián tiếp.
V. – THỜI KỲ PHÁP NẠN:
Thời kỳ Pháp nạn năm 1963, để chống lại sự áp bức của chế độ Ngô Đình Diệm, Hòa Thượng đã tích cực đấu tranh cho Phật Giáo với chức vụ Phó Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Với uy tín sẵn có, Hòa Thượng kêu gọi Tăng Ni và Phật Tử miền Nam đứng lên bảo vệ Đạo Pháp và đã được sự đáp ứng nồng nhiệt của Tăng Ni, Tín Đồ khắp nơi đấu tranh kiên trì cho đến ngày thành công. Cuộc đấu tranh sau khi thành công, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Nhiệm kỳ I của Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng nhận chức Đệ Nhất Phó Viện Trưởng, kế đến nhận chức Trụ Trì Việt Nam Quốc Tự. Trong thời gian này Hòa Thượng vận động thành lập Phật Học Viện Huệ Nghiêm và đề cử Hòa Thượng Bửu Huệ làm Giám Đốc để tiếp nối sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài mà Hòa Thượng chủ trương.
Sau Pháp nạn năm 1966, Hòa Thượng đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Trong nhiệm kỳ II này, con thuyền Phật Giáo Việt Nam gặp nhiều sóng gió. Thế nhưng Hòa Thượng vẫn nắm vững tay lái hướng thẳng theo con đường bảo vệ Đạo Pháp và cứu nước cứu dân, lấy sự tồn tại của đạo pháp trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại làm ngọn hải đăng.
Đến nhiệm kỳ III của Viện Hóa Đạo năm 1968, Hòa Thượng được toàn thể đại biểu bỏ thăm lưu nhiệm chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Lúc bấy giờ căn bệnh của Hòa Thượng bộc phát càng tăng mà trách nhiệm Giáo Hội càng nặng nề, nhưng Ngài không nệ hà vẫn gánh lấy trách nhiệm của Giáo Hội giao phó. Hòa Thượng tuyên bố với các môn đồ rằng: “Tôi đặt đời tôi làm ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất chuyên học Phật Pháp, giai đoạn thứ hai nỗ lực truyền bá, giai đoạn thứ ba tịnh dưỡng chuyên tu. Nhưng Đạo Pháp đang trong thời kỳ sóng gió, mọi người đang tin cậy tôi, tôi đâu nỡ buông tay để về ngồi yên tịnh dưỡng.” Thế nhưng Hòa Thượng trước khi viên tịch, Ngài còn có những lời giáo huấn cho môn đồ pháp quyến vô cùng quý giá như nói: “Môt con trâu cũng tốn một thằng chăn, cả bầy trâu cũng chỉ một thằng chăn. Tại sao khuôn mình trong chỗ hẹp mà quên việc lớn?” Khi trả lời Sư Bà Bảo An, Hòa Thượng đáp: “Gánh vác Phật sự là việc tốt, nhưng khi lãnh nhiệm vụ lớn, phải tự xem mình như đứa con nít. Dù bị người chê khen khinh trọng vẫn không nao núng. Đừng nhớ mình có chùa to, có đệ tử nhiều, gặp việc trái ý là xách gói về chùa. Tâm niệm được như thế, mới nên đảm đang đại sự.”
VI. – GIAI ĐOẠN VIÊN TỊCH:
Hòa Thượng khởi bệnh từ tối đêm 17 tháng 11 năm Canh Tý, sau ngày lễ vía Đức Phật A Di Đà, Ngài được đưa vào bệnh viện Đồn Đất điều trị. Bác sĩ cho biết bệnh của Hòa Thượng cần phải giải phẫu. Hòa Thượng thường nói với các đệ tử thăm viếng: “Nếu kỳ đau này tôi phải chết, tôi rất hài lòng, vì đối với sự hoằng hóa tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Đối với Đạo Pháp tôi đã gánh vác được một giai đoạn khó khăn.”
Sau khi giải phẫu, bệnh của Hòa Thượng càng ngày càng nhẹ, ai cũng tin tưởng Hòa Thượng không bao lâu sẽ bình phục trở về chùa. Phóng viên báo Điện Tín đến vấn an và hỏi Hòa Thượng cảm nghĩ gì trong thời gian ở bệnh viện. Hòa Thượng đáp: “Tôi không mong ước gì hơn sớm có ngưng bắn, để cho dân tộc Việt Nam được hưởng một mùa Xuân thanh bình.” Một hôm, khi Hòa Thượng Thiện Hòa vào thăm, Hòa Thượng giao phó cho Hòa Thượng Thiện Hòa đảm trách mọi công việc Phật sự còn đọng lại.
Bất thần ngày 17 tháng 12 âm lịch, Hòa Thượng trở bệnh lại. Đến đêm 19 tháng 12 âm lịch, Hòa Thượng thấy mệt, biết mình không qua khỏi, gọi các môn đệ đến bảo: “Các con niệm Phật cho Thầy vãng sanh, Thầy mệt quá rồi.” Cho đến sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý, nhằm ngày 23 tháng Giêng năm 1973, Hòa Thượng đã an lành viên tịch, thọ 55 tuổi đời và 26 tuổi hạ. Sự ra đi của Hòa Thượng đối với Ngài đã tròn nghĩa vụ, nhưng để lại cho hàng Giáo Phẩm trong Giáo Hội bao nhiêu niềm mến tiếc. Hàng Tăng Ni cảm thấy bơ vơ hết chỗ nương tựa, hàng Phật Tử mất đi một bậc Thầy hiền quý kính. Ngôi nhà Đạo Pháp đã thiếu đi một cây Thạch Trụ chống đỡ!
VII. – NHỮNG TRƯỚC TÁC VÀ PHIÊN DỊCH:
Từ năm 1953 đến năm 1965, Hòa Thượng trước tác và phiên dịch rất nhiều tác phẩm làm nền tảng học Phật cho Tăng Ni và tín đồ Phật Giáo. Những danh mục lớn như sau:
a) Về Phần Trước Tác:
– Phật Học Phổ Thông (12 quyển) cũng gọi là Cây Thang
Giáo Lý.
– Bản Đồ Tu Phật (10 quyển)
– Bài Học Ngàn Vàng (8 quyển)
– Nghi Thức Tụng Niệm.
– Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm.
– Lược Giải Kinh Viên Giác.
– Phật Học Giáo Khoa các trường Bồ Đề.
– Giáo Lý dạy Gia Đình Phật Tử.
– 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo.
– Phật Giáo Việt Nam Ngày Nay.
– Tám quyển sách quý gồm có: Tu Tâm, Dưỡng Tánh, Nhân Quả Luân Hồi, Ngũ Đình Tâm Quán, Tứ Diệu Đế, Từ Bi Trong Đạo Phật, Chữ Hòa Bình Trong Đạo Phật, và Năm Yếu Tố Hòa Bình.
– Tạp Luận.
– Sự Tích, v. v…
b) Về Phần Phiên Dịch:
* Duy Thức Học (6 quyển)
* Kinh Kim Cang
* Tâm Kinh
* Luận Đại Thừa Khởi Tín.
* Luận Nhân Minh.
Tổng cộng những tác phẩm phiên dịch và trước tác là 80 quyển trong đó chia ra có 8 loại chuyên đề.
VIII. – KẾT LUẬN:
Xuyên qua quá trình tu học và hành đạo của người, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đích thực là một vĩ nhân phi phàm, có ý chí phi thường, có những hành động phi thường, can đảm đứng trước những phong ba bảo táp của thời đại, bình tĩnh vượt qua những gian lao thử thách của thói đời, khôn khéo lèo lái con thuyền Phật Giáo cập được bến bờ vinh quang. Hòa Thượng đã tô điểm những nét son sáng ngời trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam cận đại.
Ngoài việc suốt đời hy sinh cho đạo pháp, hết mình hiến thân cho đạo pháp và quên mình phục vụ cho đạo pháp, Hòa Thượng còn lưu lại những dấu ấn vĩ đại, trong đó chứa đựng cả công trình bất hủ và cả tâm huyết sâu đậm cho công cuộc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam mà chính Ngài đã tạo dựng. Hòa Thượng còn có những di ngôn giáo huấn quý giá trong đó có một di ngôn xứng đáng khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta chọn lấy làm phương châm lãnh đạo: “Gánh vác Phật sự là việc tốt, nhưng khi lãnh nhiệm vụ lớn, phải tự xem mình như đứa con nít. Dù bị người chê khen khinh trọng vẫn không nao núng. Đừng nhớ mình có chùa to, có đệ tử nhiều, gặp việc trái ý là xách gói về chùa. Tâm niệm được như thế, mới nên đảm đang đại sự.” Điều đặc biệt, con người của Hòa Thượng tràn đầy tấm lòng bao dung, hòa ái, khiêm cung trong mọi lãnh vực hoạt động, nhưng rất cương nghị trong đường lối lãnh đạo và sáng suốt chỉ đạo theo đúng mục tiêu mà Hòa Thượng đã vạch ra, dù khó khăn đến mấy cũng quyết thực hiện cho được thành công. Và Hòa Thượng đã thành công rực rỡ trong tiến trình thực hiện sứ mạng của một sứ giả Như Lai, để lại cho đời sau một niềm kính mến vô biên và mãi mãi khắc ghi trong lòng ơn đức sâu dầy của Hòa Thượng.
Thảo luận về post