GNO – Tôi xem kinh sách Phật giáo được biết những lời Phật dạy là chân lý như Tứ diệu đế, Duyên khởi v.v… Dù Đức Phật có nói ra hay không thì những sự thật này vẫn như vậy. Gần 49 năm Ngài vân du khắp xứ Ấn Độ thuyết pháp độ sinh, giúp nhiều người nhận ra những sự thật ấy để thoát ly khổ đau, sinh tử.
Thế rồi trong những kinh khác, tôi được biết “Chánh pháp còn phải bỏ, huống nữa là phi pháp”. Đặc biệt có một số đoạn kinh gần như Ngài phủ nhận hoàn toàn cơ nghiệp hoằng pháp “Trong suốt 49 năm thuyết pháp, Như Lai chưa từng nói một lời nào”. Những người học theo giáo pháp đắc đạo nhiều vô số nhưng Ngài lại nói: “Độ hết thảy chúng sinh vào Vô dư Niết-bàn mà không có chúng sinh nào được độ” v.v… Xin hỏi các kinh nói như vậy có gì mâu thuẫn không? Vì sao? (HẬU THIÊN, thienhau…@gmail.com)
Bạn Hậu Thiên thân mến!
Theo lịch sử, Đức Phật sau khi giác ngộ đã vân du hoằng pháp gần 49 năm, đến lúc gần nhập Niết-bàn Ngài vẫn thuyết pháp. Những lời dạy của Ngài hiện còn trong Tam tạng Thánh điển. Hàng tứ chúng đệ tử của Ngài (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di) chứng đắc các Thánh quả nhiều vô số với những công hạnh khác nhau cũng được lưu truyền trong Tam tạng.
Đúng như bạn nói, những lời dạy của Đức Phật là chân lý, chỉ ra những sự thật vô thường – khổ – vô ngã của thế gian và con đường đưa đến giác ngộ, vượt thoát khổ đau. Vấn đề là cần chứng ngộ và thể nhập chân lý chứ không phải chỉ hiểu biết về nó. Hiểu biết mới nhận ra con đường, cầm trên tay bản đồ, tiếp theo là bước đi và cuối cùng là đến đích. Không có bản đồ thì không biết phương hướng mà đi. Có bản đồ chính xác rồi mà không đi thì chẳng đến đâu cả. Tấm bản đồ không phải là đích đến. Cũng vậy, Chánh pháp là chiếc bè dùng để qua sông. Chưa qua sông mà bỏ bè ắt bị chìm nghỉm. Qua sông rồi thì cần bỏ lại chiếc bè cho người khác cần dùng (Kinh Ví dụ con rắn, Trung bộ, số 22).
Lời dạy “Trong suốt 49 năm thuyết pháp, Như Lai chưa từng nói một lời nào” trong kinh Lăng-già mang ý nghĩa quan trọng nhằm nhận rõ phương tiện và cứu cánh. Tuy Ngài nói ra chân lý nhưng nếu chưa thực chứng thì chỉ là ngôn ngữ, khái niệm mà thôi. Nên “được ý rồi quên lời”, không cố chấp vào văn tự, bám víu vào ngữ nghĩa, lầm tưởng “ngón tay là mặt trăng” mà quên đi sự thể nhập Chân tâm, Phật tánh. Những gì Đức Phật nói ra là bản đồ, không phải đích đến. Đừng ôm giữ bản đồ, xem như kho báu nữa mà phải bước tới để đến bờ kia.
Vấn đề “Độ hết thảy chúng sinh vào Vô dư Niết-bàn mà không có chúng sinh nào được độ” là không kẹt vào bốn tướng (tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả). Kinh Kim cang, Đức Phật giải thích “Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát”. Không chấp thủ, không trụ tướng, với tâm đại từ bậc Bồ-tát làm tất cả những việc cần làm để lợi ích hữu tình mà không vướng bận, xả buông hết thảy.
Thế nên, tùy vào cấp độ nhận thức mà Đức Phật nói pháp thích hợp, từ thấp đến cao, từ tương đối đến tuyệt đối và không có gì mâu thuẫn cả. Lúc mới học đạo thì cần nương vào Chánh pháp để bỏ ác làm lành, đó là chân lý tương đối (tục đế, thế gian). Khi học đạo sâu hơn, để thể nhập chân lý tuyệt đối (chân đế, xuất thế gian) thì cần vượt lên tự ngã (phân biệt, ngôn ngữ, khái niệm, tư tưởng,… nhị nguyên), buông bỏ hết mới đến bờ kia.
Chúc bạn tinh tấn! Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ
Thảo luận về post