YẾT-MA YẾU CHỈ
KARMAVACANĀBINDUSĀRA
HT. Thích Tri Thủ Giảng thuật
Tỳ-kheoThích Đỗng Minh & Thích Nguyên Chứng Biên tập
———–
LỜI GIỚI THIỆU
Trước khi nhập Niết bàn, đức Phật đã huấn thị tối hậu: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp. Giới luật còn, Phật pháp còn.”
Giới luật là sinh mệnh, là sự sống của Phật tử, nhất là của hàng Tỳ kheo thừa Như lai sứ, hành Như lai sự.
Sống theo giới luật tức là sống đời sống phạm hạnh, tự mình đã tìm được nơi an trú của tất cả thiện pháp. Đó cũng là một cách sống ” ưng vô sở trú.”
Giới luật là một trong ba tạng giáo điển của Phật giáo: Kinh, Luật và Luận tạng. Luật tạng có nhiều bộ không mấy đơn giản, trên nguyên tắc phần cơ bản đều đồng nhất nhưng các giới điều nhẹ và sự tác pháp có nhiều khác biệt tùy hoàn cảnh và quốc độ sinh hoạt của Tăng đoàn.
Việc nghiên cứu, phiên dịch, biên soạn về giới luật hiệnnay bằng Quốc văn còn ít ỏi, phần lớn còn bằng chữ Hán. Đây cũng là vấnđề có hạn chế nhất định đối với Tăng ni trong sự nghiệp tu trì.
Hòa thượng Thích Trí Thủ, sau mấy mươi năm chuyên trách nhiệm vụ hoằng pháp, giảng dạy giới luật tại các Phật Học viện: Báo Quốc, Hải Đức, Quảng Hương Già Lam, Tịnh xá Trung Tâm, tuổi đời đã cao sức khỏe giảm sút, nhưng với hạnh nguyện thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, Hòa thượng hằng lưu tâm đến tiền đồ của Đạo pháp trong sự nghiệp “Tục diệm truyền đăng”, đã nỗ lực vừa hành trì, vừa tìm tòi, nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn bộ LUẬT TỲ KHEO, chú trọng trình bàyý nghĩa có đối chiếu giữa các bộ Kinh, Luật, Luận, và sự thi hành Luật của Tăng già Bắc tông và Nam tông hiện nay.
Nội dung có hai phần:
Phần 1 : “YẾT MA YẾU CHỈ”, trình bày các nguyên lý căn bản của Yết ma song song với tác pháp tức là phần tác trì.
Phần II : “TỨ PHẦN HIỆP CHÚ”, giảng giải (tập I), thiên tụ của giới bổn tức là phần chỉ trì (tập 2).
Nói cách khác, là trình bày phương cách hành trì giới luật và giảng giải bản thân của giới luật.
Đây là một sự đóng góp lớn cho Tăng Ni chúng ta, qua đó Tăng Ni có thể dễ lãnh hội, dễ thu thập đối với việc thọ trì giới luật, phát huy đạo nghiệp. Đạt đến mục đích có thể bằng nhiều con đường nhưng con đường rút ngắn được không thời gian cho chúng ta vẫn là con đường thẳng ngắn nhất. Đó là điểm mà Hòa thượng có thể giúp cho Tăng Ni chúng ta là một phần không nhỏ.
Nếu đã hiểu giới luật chính là bước thang đầu của đạo quả Giác ngộ, là nền tảng của Thiền định, Trí tuệ, là ngọc Anh lạc để trang nghiêm Pháp thân, là thuyền bè để đưa người qua biển khổ sanh tử, là kho tàng vô lượng công đức của bậc đại thiện hữu đối với chúng ta.
Tôi xin nhất tâm tùy hỷ với sự tùy hỷ của Hòa thượng đã dành cho tôi đọc bản văn này. tôi trân trọng giới thiệu với toàn thể Tăng Ni làm hành trang VĂN, TƯ, TU trong đạo nghiệp.
Hy vọng càng tiếp cận với đời sống phạm hạnh càng tích lũy được muôn hạnh lành, chánh pháp càng có cơ thường trú tại thế gian. đó chính là kết quả vô lượng vô biên của người thọ trì giới luật. Và đó chính cũng là đại nguyện của hàng đệ tử Phật, của Tăng Ni chúng ta.
Nha Trang Mùa An Cư năm Quý Hợi
Phật lịch 2527 – 1983
Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU
LỜI TỰA
Theo quan điểm Bộ phái Đàm Vô Đức, tức các vị thọ trì Luật Tứ phần thì một trong các dấu hiệu về sự diệt tận của chánh pháp là các pháp yết ma hoàn toàn không được thực hiện, không có pháp yết ma sẽ không có các Tỳ kheo đắc giới như pháp, bản thể của Tăng khôngthành tựu. Không có sự tồn tại của Tăng thì chánh pháp mà Phật giảng dạy không có người tu và chứng. Như vậy có nghĩa là Chánh pháp sẽ không tồn tại.
Cho nên, việc học hỏi các học xứ trong giới Kinh và thông suốt các pháp yết ma là phận sự hàng đầu của Tỳ kheo trong suốt 5 năm đầu kể từ khi đắc giới cụ túc. Đây là điều kiện căn bản tác thành tưcách bậc thầy hàng Thượng tọa trong Tăng chúng. Nếu Tỳ kheo không hoàn tất phận sự học hỏi này không bao giờ được phép rời Y Chỉ sư dù cho tuổiđời 80 và tuổi hạ 60, nghĩa là luôn luôn phải sống nương tựa vào bậc Thượng tọa, không được phép thế độ người xuất gia. Đây là điều quy định trong tất cả Luật Tạng, cần phải nghiêm chỉnh chấp trì vì sự tồn tại bềnvững của Phật pháp.
Về các nguyên lý căn bản của yết ma, tất cả các bộLuật đều đồng nhất, nhưng sự tác pháp có rất nhiều khác biệt, do điều kiện lịch sử và địa lý nơi mà Tăng đoàn sinh hoạt. Nếu không có sự lý giải về các nguyên tắc căn bản, tất sẽ khó có thể hội thông các điều saibiệt này. do đó việc nghiên cứu và học hỏi các phép Yết ma cần phải hộiđủ hai mặt: nắm vững sự lý giải và thông suốt tác pháp. tổng quát mà nói, có hai bộ phận chính của tất cả pháp yết ma.
Một bộ phận chi phối các sinh hoạt tập thể của Tăng, tức gồm các luật yết ma như kết giới, truyền thọ cụ túc, thuyết giới, tự tứ v.v… Bộ phận khác chi phối sinh hoạt cá nhân một Tỳ kheo, tức các yết ma trị phạt như sám tăng tàn, ba dật đề…
Bộ luật này gồm có hai phần:
Phần thứ nhất là YẾT MA YẾU CHỈ, trình bày các nguyên lý căn bản của yết ma song song với tác pháp.Phần thứ hai là TỨ PHẦN HIỆP CHÚ, giảng giải các thiên tụ của giới bổn.Bộ luật này ra đời là do kết quả nhiều năm giảng dạy luật cho tăng chúng tại các Phật học viện: Báo Quốc, Hải Đức, Quảng Hương Già Lam. Nhưng sự biên tập được hoàn thành là do công đức đóng góp của các thầy ĐỔNG MINH và NGUYÊN CHỨNG. Hai vị đã cố gắng rất nhiều trong công việc ghi chép lại những điều tôi đã giảng giải, tham khảo cácluật bộ, đối chiếu và thảo luận đả thông những điểm sai biệt giữa các luật bộ.Ở đây tôi ghi nhận công đức đóng góp của hai vị và cùng hồi hướng công đức này cầu nguyện chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian để lợi lạc hữu tình.
Quảng Hương Già Lam, mùa hạPL. 2527 – 1983
Tỳ kheo THÍCH TRÍ THỦ
YẾT-MA YẾU CHỈ
KARMAVACANĀBINDUSĀRA
HT. Thích Tri Thủ Giảng thuật
Tỳ-kheoThích Đỗng Minh & Thích Nguyên Chứng Biên tập
———–
Thảo luận về post