LỜI GIỚI THIỆU
Luật văn trong Hán tạng gồm có 5 bộ Luật và 5 bộ Luận.
Năm bộ Luật là: Luật Thập Tụng 61 cuốn, Tứ Phần 60 cuốn, Ma-ha Tăng Kỳ 40 cuốn, Ngũ Phần 30 cuốn và Căn Bản Thuyết Nhất Thế Hữu Bộ Tỳ-nại-da 50 cuốn.
Năm bộ Luận là: Luận Tỳ-ni mẫu 8 cuốn, Ma-đắc lặc-già 10 cuốn, Thiện Kiến 18 cuốn, Tát-bà-da 9 cuốn và Minh Liễu 1 cuốn. Nếu kể thêm phần chú giải của các nhà Luật học xưa nay thì số lượng không phải ít.
Tại Việt Nam theo chỗ tôi biết, từ trước đến nay đã có các bộ Luật sau đây được dịch ra tiếng Việt: Tứ Phần Như Thích của Hòa Thượng Hành Trụ, Tứ Phần Tỳ-kheo ni sao của Hòa Thượng Đôn Hậu, Yết-ma Chỉ Nam của Thượng tọa Bình Minh… Tứ Phần Hiệp Chú, Yết-ma Yếu Chỉ của Hòa Thượng Trí Thủ soạn thuật, Giới đàn tăng của Hòa Thượng Thiện Hòa soạn thuật… và đây là bộ Tứ Phần Tỳ-Kheo-Ni Lược ký của Ni Sư Thể Thanh dịch từ bản chữ Hán.
Ni sư Thể Thanh vốn con nhà vọng tộc, từ nhỏ xuất gia với Ni Trưởng Diệu Hương tại chùa Diệu Đức (Huế). Ni sư vốn có trí thông minh lại có tâm cầu giải thoát vững chắc. Trên đường tiến tu, Ni sư thường chuyên về Luật, học và hành trì luật rất chuyên cần, song không câu nệ từ 6 chương. Ni sư thường đem chỗ sở học của mình dạy lại cho chúng Tỳ-kheo-ni mới thọ giới. Khi dạy ở Ni viện Diệu Quang – Nha Trang, khi dạy ở Cam Ranh, khi dạy tại Diệu Đức. Ni sư dạy ở đâu cũng được sự đón nhận chăm chỉ. Rút kinh nghiệm từ đó, Ni sư đã dịch thành bộ Luật ký này.
Bộ Tứ Phần Tỳ-Kheo-ni lược ký này khá đầy đủ và rõ ràng, được đa số Ni chúng ưa thích. Song có một điều mà tác giả Lược ký nêu lên. Đó là vấn đề cầu giáo thọ trong các ngày Bố -tát và Tự tứ, tác giả dùng câu “Vô khả vô bất khả”. Theo tôi câu này cần làm rõ.
Vô khả là khi Tỳ-kheo Tăng không thanh tịnh hòa hiệp thuyết giải, thì Ni tăng không đến cầu giáo thọ, có thể được.
Vô bất khả là khi Tỳ-kheo Tăng thanh tịnh hòa hiệp thuyết giới mà Ni tăng không đến cầu giáo thọ, là không được. Việc Ni cầu giáo thọ là cầu với Đại tăng thanh tịnh hòa hợp thuyết giới trong ngày Bồ-tát, Tự-tứ, chứ không phải cầu với cá nhân.
Như vậy việc Ni cầu giáo thọ không thể xem là việc dễ dãi tùy tiện thay đổi được. Ni sư Thể Thanh đã tịch năm 1988, lúc 66 tuổi, để lại bản dịch này. Nay môn đệ của Ni sư đem ra ấn hành với tâm nguyện báo đáp trong muôn một công ơn thầy mình, đến nhờ tôi hiệu đính và viết lời giới thiệu.
Vậy tôi xin có mấy lời này giới thiệu đến quý vị có tâm nguyện trì Luật.
Từ Đàm, ngày 06/04/1990
Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Thảo luận về post