>>> Nói Với Người Xuất Gia Trẻ | Thiền Sư Nhất Hạnh
Cùng Phật Đi Chơi
“Hết thảy chúng sanh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật”. Ấy là lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ. Và lời dạy ấy của Ngài ngày nay ta đem tư duy để chạm tới, thì vẫn còn mới tinh khôi.
Phật tính là những gì cao quý nhất, sáng suốt nhất, tinh anh nhất, rộng lớn nhất và xinh đẹp nhất nơi tự tâm của mỗi chúng ta.
Sống ở trong đời, ta đánh mất sự cao quý, vì tâm ta chạy theo sự ngu hèn, nên làm khuất lấp tánh Phật nơi ta; sống ở trong đời, ta đánh mất sự sáng suốt, vì tâm ta chạy theo bản ngã, nên làm khuất lấp tính sáng nơi ta; sống ở đời ta phóng tâm chạy theo tiền tài, sắc dục, danh lợi, đam mê ăn uống và hưởng thụ ngủ nghỉ, nên làm khuất lấp tinh anh trong đời sống của ta; sống ở trong đời, ta đánh mất sự rộng lớn, vì ta nghĩ về ta và cái của ta quá nhiều, nên làm khuất lấp tính rộng lớn nơi ta và sống ở đời, vì ta nghĩ xấu cho người, nên cái xấu chảy tràn ra trong tâm ta và tưới tẩm thân thể của ta bằng chất xấu ấy, nên cái đẹp nơi tâm ta bị khuất lấp.
Cái đẹp nơi tâm ta đã bị che khuất, thì dáng hình và đời sống của ta làm sao mà đẹp được; tâm ta đã bị đắm chìm trong những vũng thấp kém, thì ta lấy gì để sống đời cao thượng; tâm ta bị đẩy lùi trong vô minh, thì lấy gì mà bước ra ánh sáng; tâm ta suốt ngày đêm bận rộn, tính toán hơn thua, lời lỗ, trên dưới, trước sau, bên nầy bên kia, thì lấy gì để kết tụ tinh hoa; và tâm ta bị trăm dây não phiền trói buộc, thì lấy cái gì để bước tới chân trời rộng lớn, tự do!
Ta có Phật tính mà ta không biết quý tính Phật nơi ta, thì ở trong đời ai quý giúp cho ta nhỉ!
Vì vậy, ta phải biết quý Phật tính nơi ta, trước khi đức Phật đến giúp ta khai ngộ và hội nhập Phật tính, ấy là cái biết mà ta cần phải biết!
Ta phải biết thỉnh mời đức Phật trong tâm ta dậy, để Ngài cùng ăn cơm, uống nước, cùng đi, đứng, nằm, ngồi, thở vào, thở ra và cùng làm việc cũng như cười nói với ta, để ta cùng với Phật đi chơi và chơi ở đâu ta cũng có Phật!
>>> NÓI VỚI EM – NGƯỜI XUẤT GIA TRẺ
Từ Những Ý Thức Ấy
Có nhiều vị xuất gia trẻ đã hỏi tôi, làm thế nào để vượt qua những nhu cầu thấp kém của đời thường và đi trọn vẹn con đường của mình chọn? Tôi đã trả lời cho họ rằng, ý thức xuất gia chưa bao giờ bỏ tôi để đi.
Người xuất gia mà ý thức xuất gia vắng mặt, thì thế nào họ cũng gặp tai nạn và rủi ra trong đời tu của họ.
Ta xuất gia không từ một thế lực nào, mà từ ý thức trong sáng của ta. Vì vậy, ngay đó ta đã có sự tự do và hạnh phúc, chứ không phải đợi đến khi thọ đầy đủ giới pháp và có danh tiếng ở trong giáo hội và ở ngoài đời.
Có những vị xuất gia có danh tiếng trong giáo hội và ở ngoài đời, nhưng chưa hẳn họ đã có tự do và hạnh phúc.
Hạnh phúc của người xuất gia không phải là danh tiếng mà được sống một cách trọn vẹn cả thần và tâm ở trong đời sống xuất gia ấy.
Và sự tự do của người xuất gia không phải là những loại tự do thuộc về ý thức chính trị mà ý thức giác ngộ.
Ý thức được thế gian vô thường, nên không khởi tâm bám lấy bất cứ những gì đang hiện hữu ở trong sự vô thường ấy.
Ý thức được mọi tham dục là tai họa, nên không chạy theo chúng.
Ý thức được sự nghiệp của người xuất gia là trí tuệ, chứ không phải là những thứ danh vọng và tài sản thế gian, nên ngày đêm thực hành giới định tuệ không biết mỏi mệt.
Ý thức được những biếng nhác đối với sự học tập kinh, luật, luận, tụng kinh, niệm Phật, lay Phật, ngôi thiền và làm những công việc lợi ích, đem lại an lạc cho nhiều người là không phải đời sống của người xuất gia.
Ý thức được rằng, vô minh làm cho ta mê muội, phiền não trói ta vào trong đời sống khổ đau, nên nỗ lực tu học chuyển hóa vô minh và cắt đứt phiền não.
Ý thức được rằng, giận hờn và trách móc người khác, chỉ tạo ra thêm những rối rắm và khổ đau cho chính mình, nên luôn luôn thực hành hạnh từ bi và hỷ xả.
Ý thức được rằng, giới định tuệ là tài sản quý báu nhất của người xuất gia, nên đi đâu cũng mang theo, sống với ai cũng sẵn sàng chia sẻ không lẫn tiếc.
Ý thức được rằng, tâm lớn của người xuất gia là tâm bồ đề; nguyện lớn của người xuất gia là nguyện không hưởng thụ hạnh phúc cá nhân, mà nguyện tu tập là vì lợi ích cho mọi người, và mọi loài; và hạnh lớn của người xuất gia là thực hành hết thảy thiện sự với tâm không nhân ngã.
Nếu những ý thức ấy, luôn luôn được thắp sáng trong đời sống của người xuất gia, thì người xuất gia không bị đời đồng hóa mà trái lại, họ có khả năng chuyển hóa được những nhu cầu thấp kém của con người trong cuộc sống đời thường.
Hạnh phúc của đời sống xuất gia đã đến với tôi từ những ý thức ấy.
Vậy, từ những ý thức ấy, tôi xin chia sẻ với những người bạn trẻ xuất gia!
Thích Thái Hòa
Trích từ: Khung Trời vàng
Thảo luận về post