(năm 2013)
Đối với người Việt Nam chúng ta thì ngày Tết Thanh minh chẳng còn xa lạ gì cả. Chỉ cần nhắc đến tết Thanh minh là mọi người lại nhớ đến ngày ra thăm mộ ông bà tổ tiên. So với tết Nguyên đán thì tết Thanh minh không được tổ chức long trọng nhưng nó cũng là một cái tết giúp các thành viên trong gia đình lại có một dịp được quây quần bên nhau.
Ngay từ buổi sớm tinh mơ khi còn hơi sương, nhiều gia đình đã tranh thủ thời gian đến phần mộ tổ tiên để dọn dẹp, nhổ cỏ, quét sơn lại để phần mộ được đẹp hơn. Xong phần công việc đó là đến phần nghi thức trang trọng nhất của buổi lễ. Đại diện gia đình sẽ có một người đứng lên thắp đèn hương, bày lễ vật dâng cúng. Thường thì là người con trưởng đại diện cả gia đình thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu một ngày.
Sư cô Liên Tâm cúng Lễ Thanh Minh tại nghĩa trang Thai nhi… năm 2021
Từ khi đạo Phật đi sâu vào lòng người dân, và nhất là được các vị Tăng Ni giáo hóa thì dần dần lễ mặn cũng được hạn chế vì lế mặn sẽ làm cho hương linh khó được siêu thoát. Nhất là những gia đình Phật tử, họ chỉ sắm sanh bông hoa quả, chén nước, nén hương thơm để dâng cúng ông bà tổ tiên.
Tịnh thất Tự Tâm – theo thông lệ hàng năm từ khi chôn cất, cải táng hài cốt và thai nhi, năm nào Sư cô Liên Tâm cũng phát tâm chuẩn bị hương hoa, trái cây… để cúng cho ” Siêu thị hương linh” của Tịnh thất và nghĩa trang phường Thành Nhất trong ngày Thanh minh này.
Ngày tết Thanh minh mặc dù bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng khi vào đến Việt Nam thì Thanh minh lại mang một màu sắc đậm đà bản chất của dân tộc. Lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên chẳng cần phải mâm cao cỗ đầy, chẳng có món cỗ nào bằng tâm thức của chúng ta cả. Chỉ cần một tấm lòng thành kính thì dù ở xa xôi, chúng ta cũng sẽ được tổ tiên phù hộ. Quan trọng khi cha mẹ, ông bà còn hiện tiền thì phải chăm lo đầy đủ, không để thiếu thốn chứ đừng để khi mất đi rồi mới xây mồ to mả lớn, khói hương nghi ngút, điều ấy không thực sự cần thiết.
Bây giờ xã hội hiện đại nên cũng có nhiều hình thức “Thanh minh hóa” hơn. Nhiều người cứ nghĩ chỉ cần có người ra tảo mộ rồi lau dọn sạch sẽ, thắp nén hương là xong nên tình trạng thuê người tảo mộ đang dần hình thành rộng rãi ở khắp nơi. Liệu những người nằm ở dưới mộ kia có thực sự được an lòng không khi con cháu lại làm như vậy?
Ngày Thanh minh là ngày nhắc nhở chúng ta phải nhớ ơn ông bà tổ tiên, người đã sinh thành, nuôi dạy ta khôn lớn. Dù đi đâu xa xôi, chúng ta cũng hãy nhớ về ngày Thanh minh – ngày để mọi người quây quần bên nhau, được ôn lại những dấu ấn của một thời đã qua. Đâu đó quanh đây vẫn còn hình bóng của ông bà, tổ tiên, của nơi ta đã sinh ra, ấy chính là thứ quý giá nhất mà ta cần phải nhớ. Nếu không thể trở về thăm quê hương vào ngày này, những người con xa xứ hãy tự thắp nén tâm hương để gửi đến ông bà tổ tiên, gửi đến quê hương đất nước nhân ngày tết Thanh minh. Những bậc ông bà cha mẹ cần nhắc nhở con cháu ghi nhớ ngày này, đừng để lãng quên một cái Tết Thanh minh ấm tình dân tộc.
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”.
Xin nguyện cầu cho tất cả sinh chúng. A Di Đà Phật.
Thảo luận về post