ĐẠI LỄ CẦU SIÊU – TRAI ĐÀN BẠT THUỶ – GIẢI OAN BẠT ĐỘ –
CHẨN TẾ ÂM LINH CÔ HỒN – NGUYỆN CẦU QUỐC THÁI DÂN AN
Vào ngày 16 – 17 – 18 – 19 tháng 03 âm lịch năm Giáp Ngọ
(Nhằm ngày 15 – 16 – 17 – 18/ 04 năm 2014)
I – ĐỂ HIỂU VỀ TRAI ĐÀN CHẨN TẾ
1 – Ý NGHĨA ĐÀN TRÀNG
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính thưa toàn thể quý liệt vị.
Mắt Thế Tôn nhìn xa ngoài muôn dặm
Lòng Thế Tôn như biển thẳm xanh mầu
Tay hiền từ thắp đuốc giữa đêm thâu
Với pháp nhủ đầy vàng châu cảm mến.
Là người Việt Nam, từ hàng nghìn năm trước, bởi ảnh hưởng Đạo Phật nên ông bà tổ tiên chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng: “Chết – không hoàn toàn mất đi, thần thức vẫn mãi còn đó”, vì vậy con cháu phải lo phụng thờ. Hai nghìn năm sau, định luật Bảo toàn năng lượng của nền khoa học Vật lý đã chứng minh được rằng: “Sự vật không bao giờ mất đi, chỉ biến đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác”.
Vậy thì, những tội lỗi mà khi sinh tiền ta tạo ra cũng không mất đi. Ngược lại, nó theo ta như bóng với hình. Tuy người thân ta chết rồi nhưng vẫn bị dày vò bởi kết quả của tội lỗi đã tạo. Họ quá khổ đau nên tìm về người thân còn sống để níu kéo. Những Hương linh không còn ai để nương nhờ giúp đỡ thì đi lang thang vật vờ làm thành thế giới Cô hồn Ngạ quỷ. Tất cả, họ luôn bao quanh chúng ta.
Càng đau khổ vì oan khiên nghiệp báo vay trả – trả vay níu kéo dày xéo, Hương Linh càng mất phương hướng để tìm đường tái sinh hay siêu thoát. Do vậy, chư Tổ lập ra Đàn Tràng Chẩn Tế, y vào lời Phật dạy là nhằm giúp cho thế giới Âm Linh, Cô Hồn một cơ hội lớn nhất để siêu thoát. Chỉ có trong Đàn Tràng ta mới hợp nhất thành một sức mạnh lớn lao được.
Âm siêu thì Dương cũng nhẹ nhàng thư thái mà đi lên, con người thanh thản, hưởng phúc ấm của tổ tiên mà an lành, làm ăn thuận đường phát đạt… Lợi ích của Đàn Tràng thật vô biên không thể nói hết được.
2. DUYÊN KHỞI
Đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Hạt giống Bồ Đề đều sẵn có trong mỗi chúng sanh. Nhưng vì vô minh che lấp nên điên đảo mê lầm tạo gây nghiệp tội. Để rồi cứ mãi chịu luân hồi quẩn quanh trong sáu nẻo, lên xuống lộn lạo nơi ba đường, mà cội nguồn sanh tử trầm luân chính là vô minh và ái thủ. Nếu muốn được giải thoát, an lạc thì phải tu hạnh viễn ly, xa rời năm trần cấu.
Chư Tổ lập giáo là đối cơ: “Phật thuyết nhất thiết Pháp, vi trị nhất thiết tâm; nhược vô nhất thiết tâm, hà dụng nhất thiết Pháp?” – Đức Phật thuyết pháp, hoàn toàn nhắm vào việc “trị tâm”, cho nên nói: “Phật nói tất cả pháp, để trị tất cả tâm; nếu không có tất cả tâm, cần gì dùng đến tất cả pháp?
Sở dĩ, con người ta khổ đau là do mất đi tính Từ bi. Cho nên, Khởi nguyên đàn Chẩn tế là do Quan âm đại sĩ biến hình Diệm khẩu quỷ vương, khẩn cầu tôn giả A nan, để ngài khẩn thỉnh đức Bổn sư Thích tôn tuyên thuyết những hành pháp chủ yếu của Du dà Mật tôn về đàn Chẩn tế, làm lợi lạc cho chúng sinh.
(Để hiểu đàn chẩn tế – HT. Trí Quang) có viết: Khoa văn Chẩn tế, mang tên “Du dà diệm khẩu thí thực khoa nghi”, hoàn tất năm 2550. Hòa thượng Huyền tôn, dịch giả, chứng tỏ bản thân là vị Gia trì đàn Chẩn tế, rất rành Ấn Chú và nghi tiết. Dịch phẩm đủ cả nguyên bản Hoa văn, dịch âm và dịch nghĩa. Và tiểu phẩm của Trúc diệp (Trọng ân), mang tên “Văn triệu thỉnh thập nhị loại âm linh, phụ bài Chiêu hồn của Nguyễn Du”, in năm 1962; 12 loại cô hồn của khoa được dịch với thể thơ song thất lục bát,… trong mục Truy điệu 12 loại cô hồn có đoạn:
Tổ chức đàn tràng
Chẩn tế cô hồn
là do A nan
tôn giả khải thỉnh
Thế tôn dạy cách
tổ chức đàn ấy,
sau khi tôn giả
được đức Quan âm
hiện hình quỷ vương
cầu ngài như vậy.
Giờ này đêm nay
nhớ ơn của Phật,
và nhờ thần lực
Ấn Chú bí mật,
cứu vớt cô hồn
đến hưởng pháp vị.
(Trích “Để hiểu đàn chẩn tế” – Tỷ kheo Trí Quang)
Theo kinh “Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu đà la ni chú”, sách “Thí ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp”, “Du già tập yếu cứu A Nan đà-la-ni diệm khẩu quỷ nghi kinh” và “Du già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi” có viết rằng: Một hôm nọ, ngài A Nan đang nhập thiền định thì một vị ngạ quỷ Diệm Khẩu xuất hiện và nói với ngài A Nan rằng, trong ba ngày nữa ngài A Nan sẽ chết, nếu muốn vượt qua khổ nạn này thì nên đem thức ăn, nước uống nhiều bằng số cát sông Hằng để bố thí cho các loài ngạ quỷ đang đói khổ. Xuất thiền, Ngài A Nan vô cùng lo âu, tự nghĩ rằng thân xuất gia, ngày ngày đi khất thực của đàn na tín thí, làm sao có đủ phẩm vật để cứu vớt chúng ngạ quỷ được đây. Ngài trình lên đức Phật. Đức Phật khuyên ngài A Nan chớ có lo sợ và dạy rằng: “Trong một kiếp về quá khứ, đức Phật sinh ra trong một gia đình Bà La Môn, và đã được học hỏi pháp bí yếu chân ngôn Đà la Ni có tên là Biến Thực Biến Thủy chân ngôn. Pháp này có thể trì tụng, thân khẩu ý thanh tịnh, biến một thành mười, mười thành trăm vạn ngàn ức, nhiều bằng số cát sông Hằng để có thể cứu giúp các loài ngạ quỷ đang đói khổ”. Và đức Phật đã truyền lại cho ngài A Nan để cứu khổ ngạ quỷ. Từ đó về sau, mỗi lần thọ trai, các đệ tử của Phật thường sớt phần ăn của mình lại để bố thí chúng sanh và ngạ quỷ. Mãi về sau, chư Tổ sắp xếp lại theo thứ lớp: Cúng Phật, cúng Tổ, thí thực ngạ quỷ cô hồn trước khi chư Tăng thọ trai. Tại chùa, cúng thí thực cô hồn là một phần không thể thiếu trong hành trì thiết yếu hằng ngày vào thời công phu chiều. Tại Việt Nam, bất cứ thời gian và không gian nào, khi trong tư gia có đám giỗ, ma chay đều có cúng thí thực cô hồn. Đơn giản thì một mâm nhỏ, 1 nồi cháo trắng gọi là cúng cô hồn, cúng kẻ khuất mặt khuất mày, không nơi thờ tự, không người cúng tế để thể hiện lòng từ bi của đạo Phật.
3. XUẤT XỨ KHOA NGHI
3.1 HAI BẢN KHẮC GỖ XƯA
Hòa thượng Trí Quang chia sẻ: Phật giáo Huế có 2 bản khắc gỗ ngày xưa về khoa văn đàn Chẩn tế.
– Thứ nhất là bản Thiên Hòa, khắc năm thứ 2 triều vua Minh mạng (Tân tị, 1821), do Tỷ kheo Tánh tình chủ trì, có 99 tờ. Bản gỗ cất ở Thiên hòa, chùa của ngài. Bản này mang tên “Diệm khẩu du dà tập yếu thí thực khoa nghi”, không đề tên soạn giả, nhưng cứu xét cũng biết biên soạn vào cuối đời Thanh. Nội dung phong phú, nhưng cái nhiều làm hại cái tinh. Thêm nữa, nguyên bản để khắc rõ ràng thiếu hiệu đính, có những chỗ sai hay sót quá rõ và gây hoang mang. Tuy thế, có lắm chỗ đáng quý, đáng chọn, đến nỗi độc đáo nữa, đáng giá dùng để tham khảo.
– Thứ hai là bản Báo quốc, khắc năm Mậu tí (1888), triều vua Đồng khánh. Bản này là khoa nghi chính thức của đàn Chẩn tế. Cả 2 bản, Thiên hòa và Báo quốc, đều không có trong Đại tạng bản Đại chính và Tục tạng bản chữ Vạn. Đại Mông sơn (Khoa văn Chẩn tế) có cùng chỗ với tiểu Mông sơn (văn Thí thực) trong Trung hoa đại tạng kinh, tập 2, sách 17, tr 30081.
3.2 SOẠN GIẢ KHOA CHẨN TẾ
Soạn giả Khoa văn Chẩn tế là Bất Động pháp sư, người Tây vức. Ngài chuyên tu Kim cang, 1 trong 5 bộ Du dà Mật tôn, mà thành tựu công đức. Chí nguyện quảng bá công đức ấy, ngài đến Tàu vào cuối đời Tống, Lý tôn (1225). Ban đầu ở Hạ châu, chùa Hộ quốc nhân vương, trì kinh cùng tên, rất linh. Cùng lúc ngài biên soạn “sám Hồng danh” và “tiểu Mông sơn”, đứng tên Kim cang Bất Động pháp sư biên tập.
Sau đó ngài đến ở Mông sơn, thuộc Nhã châu. Mông sơn có 5 đỉnh, cao nhất là đỉnh Thượng thanh. Ngài ở và tu tại đây, tự sản loại xuất trà rất thơm, mát ngọt như cam lộ, cùng lúc biên soạn “đại Mông sơn”, đứng tên Mông sơn cam lộ Bất Động pháp sư biên tập.
Bất Động pháp sư chỉ có 3 văn phẩm, thứ tự thời gian, như đã thấy, là sám Hồng danh, tiểu Mông sơn và đại Mông sơn, nhưng tràn đầy trong đó là sự trì nghiêm mật, hết lòng cẩn trọng, lý giải sâu rộng, văn phong truyền cảm, chẳng trách hơn 1000 năm đã qua mà vẫn thịnh hành, chưa bị thay thế. (Nhị khóa hiệp giải, Tỷ kheo Trí Quang, bản in mới, tr. 176 và 232).
4. ĐẠI CƯƠNG DẪN NHẬP ĐÀN CHẨN TẾ
4.1 CHỦ THỂ ĐÀN CHẨN TẾ
Phổ hiền đại sĩ – nhị tổ Mật tôn, sau sơ tổ Tỳ Lô Giá Na như lai. Quan âm đại sĩ – Bổn tôn đàn chẩn tế.
Chủ thể ấy là đức Tỳ lô, viết đủ là Tỳ lô giá na, ý nghĩa là Đại quang minh tạng: kho tàng ánh sáng cực lớn (KCht, Khoa văn Chẩn tế 8/b). Mật tôn nói Tỳ Lô là hồng danh của pháp thân đức Thích ca. Lại nói đàn Chẩn tế thì Ngài là chủ thể.
Tỳ Lô là Tâm vương: Vua Tâm. Hết thảy trí ấn đều là diệu dụng của Tỳ lô và thành ra vô số cửa ngõ cho chúng sinh bước vào Tâm ấy. Chưa nói “ngũ trí Như lai” chỉ nói Ấn Chú, qua đó cũng thấy được ý nghĩa vừa nói.
Ấn là tay tiêu biểu, Chú là miệng diễn tả.
Ấn sử dụng 2 bàn tay, mỗi bàn có 5 ngón, từ nhỏ đến lớn theo thứ tự tiêu biểu 5 nguyên tố lớn (ngũ đại) là đất, nước, lửa, gió, không (cố thể, dịch thể, nhiệt lực, động lực, không khí). Tay trái là Định, tay phải là Tuệ (Phật học đại từ điển, Đinh Phúc Bảo, 1025/t). Nói giản dị, với 10 ngón của 2 bàn tay, Ấn vận dụng toàn bộ tâm lý vật lý của Tâm, tĩnh cũng như động, để tiêu biểu diệu dụng của Tâm mà ở đàn Cht là diệu dụng cứu độ của đàn này.
Như đã nói ở trên, có thể nói nôm na, rằng Ấn là tay chỉ, Chú là miệng nói. Không có sự hội ý thì không biết được ý nghĩa của Ấn Chú. May mà có tiểu đề (và hình vẽ), nên ý nghĩa ấy cũng hình dung được. Ấy thế, Ấn Chú là 2 mặt của 1 ý: ý của Phật, của Tâm. Ấn Chú này, ở đây, diễn thành đàn Chẩn tế, 1 trong vô lượng diệu dụng của Tâm vương Tỳ Lô giá na.
Tâm vương Tỳ Lô như vậy là bản thể luận của Mật tôn. Bản thể này siêu phạm trù duy tâm duy vật, đến cả phạm trù mê giới ngộ giới cũng siêu luôn. Nhục đoàn tâm, quả tim khối thịt, cũng là kiên thật tâm, tức pháp tánh chân như. Mảy lông với vũ trụ tương tức tương nhập. Với bài tán “La liệt” (Khoa Chẩn tế 12/B) tôn giả Bất động đã hình dung Giá na diệu thể là Hoa tạng huyền môn. Vô lượng trí ấn của Tỳ Lô tâm vương được hình dung bằng “sự sự pháp giới” tuyệt vời như vậy. Thế nên chúng sinh sinh sống là sinh sống trong sự tương quan tác động, trùng trùng vô tận Man na ra (Mandala, Mạn-đà-la) dù luân hồi thế nào đi nữa rồi ra cũng nhập vào Tỳ lô tánh hải.
Chủ thể Tỳ Lô là như vậy, hoạt dụng ra Man na ra, Mạn-đà-la (mà ở đây là đàn Chẩn tế), là như vậy. Mandala: dịch ý là Đàn, dịch rõ là Luân viên cụ túc. Mandala của Mật tôn rõ ràng là Hoa tạng giới của Hoa nghiêm tôn. Tư tưởng sử của Phật giáo Tàu, cuối bách kỷ 7 dương lịch (dl) Hoa nghiêm tôn đại thịnh; đầu bách kỷ 8 dl Mật tôn du nhập; đầu bách kỷ 13 dl, khi biên tập Khoa Chẩn tế thuộc Du già Mật tôn, tôn giả Bất Động đưa học lý Hoa nghiêm vào đó, rõ rệt nhất là bài tán “La liệt” và bài kệ “Duy tâm” (KCht 12/B và 44/B).
4.2 TỪ ĐỨC TỲ LÔ ĐẾN VỊ GIA TRÌ CỦA ĐÀN CHẨN TẾ
(Để hiểu đàn chẩn tế – HT. Trí Quang) Đã nói nhục đoàn tâm cũng là kiên thật tâm, thì biết sắc thân cũng là pháp thân – tức thân thành Phật. Đức Tỳ lô liên quan đến vị gia trì là như vậy.
Gia trì là vị sám chủ đàn Chẩn tế. Vị này được gọi là “đại vị cô hồn thuyết giới”, dịch rõ: Thay Phật mà truyền thọ cho cô hồn về Tam muội da giới. Cô hồn lãnh thọ giới này là thành Phật tử: Phật tử cô hồn, như bất cứ Phật tử nào khác.
Vị Gia trì khi đăng đàn, trước hết, phải tịnh hóa sắc thân bằng Ấn Chú đặc biệt giành riêng, và kỹ, cho việc này. Bấy giờ sắc thân vị ấy là pháp thân Tỳ lô. Vị ấy tác pháp theo Khoa Chẩn tế, truyền Tam muội da giới của Mật tôn – là Bồ tát giới, truyền thọ giới ấy bằng cách dạy Quy y Tam bảo, phát bồ đề tâm, truyền cho giới ấy, làm cho Phật tử cô hồn hưởng thọ pháp thực, siêu thoát thảm khổ. Vì thế mà vị Gia trì phải đặc cách nghiêm cẩn, tinh tiến. Ấn Chú phải lão luyện. Lại phải hiểu Ấn Chú ấy qua tiểu đề (và hình vẽ). Đọc tiểu đề là quán tưởng được liền. Do đó mà trước đó phải bỏ công học và tập.
Phải trì tụng đủ số của Chú: tối thiểu 3 lần, đa số 7 lần; riêng chú “biến thực” và “biến thủy” ít nhất 21 lần, “hoặc 49 lần, 108 lần, càng nhiều càng tốt”. (Nhị khóa hiệp giải, tr. 264).
Khai yết hầu chân ngôn nhiều bản dư 1 chữ “Rị”, khiến trùng lặp với “Phổ triệu thỉnh chân ngôn” – phải là: “Án, bộ bộ đế, rị dà đa, rị đát đa, nga đa da (3 lần).
Ấn Chú cẩn trọng, đầy đủ, mới cứu độ được cho cô hồn (và tăng phước tuệ cho tín chủ, cho chính Đại tăng tác pháp).
Hãy hết lòng thương cảm cô hồn, trong đó có tiên linh. Lòng thương cảm ấy chính là Đại bi tâm của Quan âm đại sĩ, thể tánh của đàn Chẩn tế.
4.3 BỔN TÔN CỦA ĐÀN CHẨN TẾ: QUAN ÂM ĐẠI SĨ
Như trước đã có đề cập, khởi nguyên đàn Chẩn tế là do Quan âm đại sĩ biến hình Diệm khẩu quỷ vương, khẩn cầu tôn giả A nan, để ngài khẩn thỉnh đức Bổn sư Thích tôn tuyên thuyết những hành pháp chủ yếu của Du dà Mật tôn về đàn Chẩn tế. Rồi Khoa văn chẩn tế, tờ 19/B-20/A, vẽ đức Quan âm an tọa đồng hàng nhưng cách với chư Phật cả 3 thì gian, để diễn tả tiểu đề Ấn hiện đàn nghi (Mandala Chẩn tế).
(Cẩn trọng nhắc lại rằng: “tam thế chư Phật”, câu này không phải chuyên chỉ các đức Di đà, Thích ca, Di lạc. Tam thế mà nói như vậy thì nói quốc độ Cực lạc hay quốc độ Ta bà đều sai cả. Còn ở đây vẽ 3 tượng Phật là tượng trưng cho hết thảy chư Phật cả 3 thì gian của hết thảy quốc độ – mà nói đúng Khoa văn Chẩn tế là 35 đức Phật (tờ 19/B–22/A).
Vài chi tiết như vậy cũng đã thấy vị trí bổn tôn của Quan âm đại sĩ đối với đàn Chẩn tế. Nhưng vị trí ấy còn hơn thế rất nhiều. Ngài là biểu tượng của Đại bi tâm, viết đủ là Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm: “Lòng thương không gì cản trở được, nắm giữ cho chúng sinh bằng cả ngàn tay, soi sáng cho chúng sinh bằng cả ngàn mắt”. Đại bi tâm này là nhân tố chư Phật Bồ tát vận dụng để tu hành, là kết quả chư Phật Bồ tát vận dụng để cứu độ chúng sinh. Và ở đây, nói về đàn Chẩn tế, thì thể tánh đàn này là Đại bi tâm ấy, biểu tượng của Đại bi tâm ấy là Quan âm đại sĩ bổn tôn của đàn Chẩn tế là chính Ngài.
5. ĐÀN TRÀNG CHẨN TẾ
Biết chủ thể của đàn Chẩn tế là đức Tỳ lô, biết đại vị Ngài là vị Gia trì của đàn Chẩn tế, biết bổn tôn của đàn Chẩn tế là đức Quan âm – biết như thế là biết đại thể. Nhưng đàn Chẩn tế còn thiết trí mà phụng thờ các vị phải thờ nữa. Vì vậy, ở đây muốn tổng quát và đầy đủ hơn, thì phải có các Ngài trong 3 danh mục sau đây.
- 3 Vị Khai Thị Đàn Chẩn Tế:
Giữa: đức Bổn sư Thích Ca thế tôn (khai thị),
Phải: Quan âm đại sĩ (biến hình thỉnh cầu),
Trái: A nan tôn giả (trực tiếp thỉnh cầu).
- 5 Vị Căn Bản Của Đàn Chẩn Tế:
Trung Ương: Tỳ lô Giá na như lai (pháp giới tánh trí, địa đại),
Đông phương: Bất động như lai (đại viên cảnh trí, không đại),
Tây phương: A Di đà như lai (diệu quán sát trí, phong đại),
Nam phương: Bảo sanh như lai (bình đẳng tánh trí, hỏa đại),
Bắc phương: Thành tựu như lai (thành sở tác trí, thủy đại).
- 3 Vị Viên Thành Đàn Chẩn Tế:
Quan âm đại sĩ (bổn tôn đàn Cht),
Địa tạng đại sĩ (tiếp dẫn cô hồn),
Diệm khẩu quỉ vương (thống suất cô hồn).
Từ 3 danh mục trên đây, đã thấy mục 3, thừa vị bồ tát Dẫn hồn vương, lại thiếu 2 vị đại sĩ là đức Quan âm và đức Địa tạng. Như vậy đàn Chẩn tế mất ý nghĩa không nhỏ nếu không sửa chữa.
(Phụ lục: – 5 Vị Căn Bản Của Đàn Chẩn Tế: Mật tôn nói 5 Như lai + 5 trí, nhưng đức Tỳ lô là trung ương với pháp giới tánh trí, thì Ngài là “Đại nhật tâm vương”, 4 Ngài 4 phương là “toàn bộ trí ẩn của Ngài”.
– 3 Vị Viên Thành Đàn Chẩn Tế: Danh mục này có vấn đề nhất, nhất là trong cách thờ. Rất cẩn trọng mà nói, đức Quan âm phải có tượng Ngài, và phải thờ riêng ra. Không thể nói chỉ thờ Diệm khẩu quả vương (Tiêu diện quả vương hay ông Tiêu) là được. Vị này chỉ là biến hình của Ngài trong vai thống lãnh cô hồn mà thôi. Ngài là bổn tôn đàn Chẩn tế, không thể thiếu tượng Ngài với tư thế ấy.
Trường hợp đức Địa tạng cũng vậy. Khi sắp nhập diệt, Phật đã đem chúng sinh ký thác cho Ngài trong quãng thì gian sau đó đến lúc đức Di lặc xuất thế. Phật khẩn thiết ký thác cho Ngài cái trọng trách giáo hóa chư thiên nhân loại chớ làm ác để rồi sa vào ác đạo, nhất là ác đạo địa ngục, quỷ đói; lại cứu thoát cho họ khi sa vào đó. Sự thể này được ghi rõ trong kinh Địa tạng (phẩm 2, tr.115-116). Ở đây, đàn Chẩn tế, thì cái việc giáo hóa và cứu thoát ấy của Ngài đúng là tiếp dẫn cô hồn. Còn vị bồ tát danh hiệu Dẫn hồn vương thì không chỗ nào nói đến, trừ Tục tạng kinh chữ Vạn 104/0914/d. Tờ 29/B của Khoa Chẩn tế có ghi, thì rõ ràng hậu thế thêm vào. Ngay bản khắc gỗ chùa Thiên Hòa trước đó cũng không có (coi tờ 50/A). Như vậy Dẫn hồn vương bồ tát đối với đức Địa tạng cũng như Diệm khẩu quỷ vương đối với đức Quan âm, không thể nói chỉ thờ Dẫn hồn vương bồ tát là được, khỏi thờ Địa tạng đại sĩ với tư thế được Phật ký thác trọng trách.)
6. TÓM LƯỢT Ý NGHĨA KHOA NGHI MÔNG SƠN
Đến đời nhà Tống, Soạn giả Khoa Chẩn tế là Bất Động pháp sư, người Tây vức lập một trai đàn cúng thí thực trên đỉnh núi Mông thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Phần khoa nghi dựa theo kinh chú Phật thuyết và lời cầu nguyện tóm lược như sau:
- Trình bày tất cả do tâm tạo qua bài kệ Hoa nghiêm: Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo.
- Nguyện xa lìa cảnh ác thú bằng cách tập trung tư tưởng phá tan mọi phiền não, sám hối tội lỗi, giải sạch oan khiên qua thần chú: Phá Địa ngục chân ngôn, phổ triệu thỉnh chơn ngôn, giải oan kết chân ngôn….
- Cung thỉnh mười phương Tam Bảo, Đức Thích Ca, Đức Quán Âm, Đức Địa Tạng, và ngài A Nan giáng lâm đàn tràng chứng minh.
- Hướng dẫn chúng sanh quy y Tam Bảo.
- Sám hối nghiệp chướng: Tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình, bao gồm cả người cúng và người được cúng phải thành tâm sám hối mới có lợi lạc.
- Phát đại nguyện: Thề cứu độ hết chúng sanh, thề phá hết phiền não, nguyện học các pháp môn tu tập, thề nguyện thành Phật đạo.
- Diệt tội: Thành tâm sám hối, phát đại nguyện và hành giả tụng các thần chú mới có linh cảm như chú Diệt Định nghiệp chơn ngôn của Ngài Địa Tạng, Diệt bất định nghiệp chơn ngôn của Ngài Quán Âm.
- Tuyên thuyết định giới: Thần chú khai yết hầu chơn ngôn và Tam Muội gia giới chơn ngôn để chúng sanh diệt trừ chướng ngại, mở rộng yết hầu thọ hưởng pháp thực, thọ xong giữ giới để thoát phiền não nghiệp chướng.
- Biến thức ăn thành pháp vị: Biến thực chơn ngôn, biến thủy chơn ngôn, nhất tự thủy chơn ngôn, nhũ hải chơn ngôn khiến cho chúng sanh ngạ quỷ thọ hưởng được sung mãn.
- Kết nguyện: Thần chú gia trì tịnh pháp thực, tất cả chúng sanh cô hồn đã no đủ, xả hết tâm tham lam mau thoát cảnh địa ngục u đồ, trì chú: “Vô giá thực chơn ngôn” phá tan sự ngăn ngại thánh phàm, tăng tục, bình đẳng thọ hưởng cam lồ pháp vị.
- Hồi hướng: Cầu cho tất cả chúng sanh an lành, vãng sanh cực lạc.
Khoa nghi chẩn tế cô hồn có ba điểm: 1) tâm thành 2) kinh chú 3) thân khẩu ý thanh tịnh. Chú trọng đến siêu độ cho các âm linh oan hồn uổng tử, chết bất đắc kỳ tử, bất định nghiệp, chiến sĩ trận vong không nơi nương tựa. Không những cúng tiến thức ăn nước uống mà còn gia trì Pháp sự, thực hành mật tông, một lòng cầu mong cho chư vị thoát khỏi cảnh khổ, nghiệp ác của cõi ngạ quỷ được tiêu trừ. Một khoa nghi rất nhiều lợi lạc nhưng rất khó hành trì, vì đòi hỏi sự tinh thông cả hai mặt kinh điển và mật điển.
Mật điển của khoa Du Già chẩn tế cô hồn là Tam Mật đồng tu:
– Thân kết ấn: Thì thân nghiệp thanh tịnh không tạo các tội ác.
– Miệng niệm thần chú thì khẩu nghiệp thanh tịnh, không nói các lời ác.
– Ý quán tưởng thì ý nghiệp thanh tịnh không nghĩ các điều ác.
Khi cả thân khẩu ý đều thanh tịnh thì gọi là Tam mật tương ưng, hòa nhập vào cảnh giới của chư Phật, chư Bồ Tát. Chư Kinh sư trong trai đàn thành tâm cầu nguyện mười phương Chư Phật gia hộ, tam nghiệp thanh tịnh, phát khởi tam tâm: Từ bi, hỷ xả, bình đẳng để độ thoát chúng sanh trong cõi địa ngục ngạ quỷ, súc sanh tam đồ ác đạo. Có thể nói đây là một pháp hành trì mà âm cảnh và dương gian đồng lợi lạc. Vì vậy vị chủ sám gia trì sư và chư vị kinh sư phải là những người hành trì và giới hạnh nghiêm minh, luôn thanh tịnh thân tâm, đủ sức thần giao cách cảm trong lời chú nguyện khiến thức ăn biến thành Pháp vị để chúng sanh trong các loài ngạ quỷ được thọ dụng và nhờ vào công đức lực cầu nguyện mà cô hồn được siêu sanh tịnh độ.
II- GIẢI THÍCH ĐỀ MỤC:
• Trai đàn (齋 壇) nghĩa là Đàn chay. Trai, nghĩa là tổ chức cúng lễ hoàn toàn dùng đồ thực phẩm hoa quả, đèn nến chay tịnh. Đàn, là cách thiết lập hình thức lớn và tuân thủ một nguyên tắc nhất định. Ở đây Đàn tràng tuân thủ theo nguyên tắc bố trí Mạn Đà La của Mật tông.
• Chẩn tế (振 濟) nghĩa là cấp phát và cứu giúp. Đây là một hình thức Bố thí cho cõi âm. Vì vậy, để người trong Âm giới hưởng được lợi lạc, không còn bị đói khổ hành hạ mà nhẹ nhàng siêu thoát, chúng ta phải vận dụng Nghi thức Đàn Tràng để đạt đến năng lực vô biên từ Thân – Khẩu – Ý thanh tịnh, mới mong cứu giúp các Vong hồn.
• Giải oan (解 冤), là cởi bỏ sự níu kéo oán thù của nhau. Khi sống, ta vô tình hay hữu ý tạo ra hiểu lầm, hay vì u mê, khốn khổ, sân hận đưa đến oán ghét muốn trả thù làm hại nhau.v.v… Vì oán hận nhau mà ta cột ta với người khác bằng sợi dây oan nghiệt. Bởi vậy, chỉ có Năng lượng vô biên của pháp Phật được tạo ra bởi sức chú nguyện của chư Tăng trong Đàn Tràng mới mong cắt đứt sợi dây oan khiên nhiều đời nhiều kiếp.
Đàn Chẩn tế cô hồn – HT. Huệ Phước chủ sám
• Bạt độ (拔 度). Bạt là nhổ lên, độ là vượt qua. Muốn thuyền qua được bờ bên kia, ta phải nhổ cái neo cắm, đã cột chặt chiếc thuyền vào bờ bên này. Ta muốn Hương linh của chúng ta thoát mình ra khỏi những ràng buộc trong oan khiên nghiệp chướng nhiều đời để lên được bến bờ giải thoát, ta phải giúp họ nhổ sạch gốc rễ lầm lỗi. Do tham lam, do sân hận, do si mê mà ta như cái cây, càng sống càng đâm rễ bám sâu vào mảnh đất của tội lỗi nghiệp chướng. Không nhờ Đàn tràng với sức mạnh của công năng tập thể, ta không nhổ sạch được gốc rễ tội chướng.
• Bạt Thuỷ, viết đủ, phải gọi là: “Bạt Độ Tử Nghiệp Trầm Thuỷ”. Bạt là nhổ lên, hay vớt lên. Độ là đưa qua. Trầm là chìm sâu, ngụp lặn. Thuỷ là nước. Nghĩa là: Đàn pháp chuyên dùng cứu vớt siêu thoát cho người mắc nghiệp chết nước.
Chết ở trong nước, thần thức hương linh bị chìm ngập và chịu sự lạnh lẽo dưới nước, đưa thần thức hương linh ra khỏi sự chìm nghỉm giam hãm dưới đó ta phải vận dụng đến Đàn pháp Bạt Thuỷ.
Cõi sống chúng ta ở trên cạn. Sự truyền tải âm thanh và ánh sáng cũng như sự dịch chuyển của mọi vật trên khô không giống như dưới nước. Núi – sông hay sơn – thuỷ đó là hai lĩnh vực khác nhau, nên người xưa khi triệu hồn phải vận dụng đến cành phan cho hai cõi sơn, thuỷ riêng biệt là vậy.
Sư cô Liên Tâm – Trú trì Tịnh thất Tự Tâm – tổ chức trai đàn
Sự cầu nguyện của ta, phát sinh do sự nhất tâm hướng về người mắc nghiệp chết nước, tâm có tác năng tạo sự cảm ứng, hương linh dưới nước có thể cảm nhận được. Tuy vậy, tiếng kinh lời thỉnh nguyện không chạm sâu đến được người đang chìm ngộp trong thế giới đó. Khả năng thức tỉnh không đủ lớn để vượt thoát sự giam hãm dày xéo bức xé bởi nghiệp lực níu kéo chìm nghỉm dưới đáy sông. Họ không lên bờ ra khỏi nước được. Muốn cứu người đang chìm đắm, bởi nghiệp thức giam hãm dưới nước để cầu nguyện siêu thoát, việc trước tiên ta phải “vớt” họ lên khỏi nước.
Cùng là chết trẻ, đều là oan nghiệp níu kéo, nhưng người chết nước khó giải, khó cầu hơn, nên khả năng thoát nghiệp lại càng mong manh. Chỉ cành phan và vài ba lời chú nguyện không đủ năng lực để cứu vớt nghiệp thức giam hảm trong cõi sống kia của người chết nước.
Nguyễn Du có câu thỉnh trong Văn tế: “Lại thỉnh kẻ chìm sông lạc suối”. Nhờ sức mạnh của Đàn pháp Bạt Thuỷ, Đàn Pháp Bạt Độ Giải Oan, khai ngục mở lối cho Hương Linh hướng về Phật Pháp quy y chuyển hoá, cởi bỏ oan trái buộc ràng ngày trước. Đàn Pháp Bạt Thuỷ chuyên vì cứu vớt các vong linh chết chìm sông sâu. Khởi nguyện hoằng duyên pháp Phật chuyển hoá nhân sinh, được nương nhờ oai lực của Tam Bảo đều được siêu thoát.
Sau đây là 1 số hình ảnh tại đàn bạt thủy những vong linh chết nước:
Thượng tọa đạo hiệu Thích Lương Nguyên – chủ sám đàn lễ Bạt thủy & đàn bạt độ giải oan cắt kết.
Hình nhân thế mạng
BBT. CHÙA TỰ TÂM
Chuatutam.net
Thảo luận về post