Trong mùa Phật đản, trên các lễ đài đều thường dùng hình ảnh đức Phật lúc sơ sinh đi trên 7 hoa sen và khẩu hiệu: “Thiên thượng thiên hạ – Duy ngã độc tôn”. Theo đó, khẩu hiệu tuyên bố này mặc nhiên được xem là Phật ngôn phổ biến, thông dụng nhất.
1. Duy ngã độc tôn 唯我獨尊 và Phật giáo Bắc truyền
Ngày nay, trong mùa Phật đản, trên các lễ đài đều thường dùng hình ảnh đức Phật lúc sơ sinh đi trên 7 hoa sen và khẩu hiệu “Thiên thượng thiên hạ – Duy ngã độc tôn”. Theo đó, khẩu hiệu tuyên bố này mặc nhiên được xem là Phật ngôn phổ biến, thông dụng nhất.
Thế nhưng, khi tra cứu Kinh tạng, thì hầu hết trong các kinh điển Hán tạng rất ít (hoặc không) dùng “duy ngã độc tôn – 唯我獨尊” mà chủ yếu là “duy ngã vi tôn – 唯我為尊”, chẳng hạn như:
1) Trong kinh Tu Hành Bản Khởi, Q1 – ĐCTT, T3, tr 463C có chép bài kệ cho lễ Phật đản sau:
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn // Tam giới giai khổ, ngô đương an chi” – có nghĩa: Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý // Ba cõi đều khổ, sự giác ngộ sẽ làm cho chúng sanh an lạc.
2) Trong kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, q1, ĐCTT, T3, tr 473C, có chép bài kệ cho lễ Phật đản sau:
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn. Tam giới giai khổ, hà khả lạc giả?” – có nghĩa: Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý // Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc?
Phật đản sanh chỉ tay nào lên trời?
3) Trong kinh Sơ-Ðại Bản-Duyên – Trường A hàm Q1, có chép bài kệ cho lễ Phật đản sau:
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn // Yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử” – có nghĩa: Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý // Việc cần yếu là độ chúng sanh chủ động trong sanh già bệnh chết.
– Chữ duy 唯 nơi đây có nghỉa là chỉ, chỉ có, đồng nghĩa với chữ độc 獨. Trong phẩm Pháp sư công đức 法師功德 của kinh Pháp Hoa có viết: “Duy độc tự minh liễu, Dư nhân sở bất kiến” 唯獨自明了, 餘人所不見. – Chỉ riêng mình thấy rõ, Người khác không thấy được”.
– Chữ ngã 我 nơi đây có nghĩa là ta, tôi, tao, được giải thích là không mang ý nghĩa triết học Đại ngã hay Tiểu ngã của Ấn Độ giáo, cũng không có ý phê phán sự chấp ngã của người đời, vì đức Phật vốn đã chứng đắc và thành tựu tuệ giác Vô ngã. Do đó, ngã đây là một đại từ ở ngôi thứ nhất, do đức Phật tự trỏ Ngài, mà suốt cuộc đời đức Phật vẫn theo quy ước của thế gian, tự xưng khi giao tiếp với mọi người.
Chữ ngã còn được phân biệt như sau:
+ Vọng ngã (妄我; E: Illusory ego), có các đồng nghĩa là Bản ngã, Chấp ngã.
+ Chân ngã, (眞我; E: Nirvana ego) có đồng nghĩa là Vô ngã, biểu hiện Pháp thân bình đẳng tính trong Phật giáo Bắc truyền hay Duyên khởi bình đẳng tính trong Phật giáo Nam truyền.
– Chữ vi 為 nơi đây có nghĩa là là (động từ). Như “thất bại vi thành công chi mẫu – 失敗為成功之母 – thất bại là mẹ thành công”.
Như thế, cả hai cụm từ “duy ngã độc tôn” và “duy ngã vi tôn” về ý nghĩa không khác nhau lắm, song cụm từ “duy ngã độc tôn” được dùng phổ biến hiện nay, được giới nghiên cứu xem như có thể do ảnh hưởng từ tinh thần của sử truyện.
Còn về hai câu cuối của bài kệ Đản sanh có vô vàn sự khác biệt về văn tự, nội dung và ý nghĩa. Sự phong phú này được xem là nhằm tôn vinh, ca ngợi sự hy hữu, thù thắng của sự kiện Phật đản sanh; nên tùy theo mỗi kinh văn mà có một bài kệ khác nhau, bài kệ nào cũng đúng cả (nếu trích dẫn chính xác). Ngoài ra không có một bài kệ nào thuộc loại “chính xác nhất”.
Những việc làm đơn giản để tích lũy công đức trong mùa Phật Đản
2. Duy ngã độc tôn 唯我獨尊 và Phật giáo Nam truyền
Trong Trường Bộ Kinh, tập I, trang 139, D.II,65, Chaṭṭha Saṅgāyana CD (CSCD) do Viện Ngiên Cứu Vipassana (Vipassana Research Institute) xuất bản, có chép rằng:
Ngay khi mới chào đời Bồ-tát Siddhattha không đề cập gì đến bất kỳ thần linh hay ngoại lực nào, Ngài đã dõng dạc tuyên bố:
“Aggo ahaṃ asmi lokassa,
Jeṭṭho ahaṃ asmi lokassa,
Seṭṭho ahaṃ asmi lokassa,
Ayaṃ antima jāti,
Natthi dāni punabbhavo.”
Có 2 cách trình bày về dịch:
Tự mình là tối thượng của thế gian,
Tự mình là tối tôn của thế gian,
Tự mình là tối thắng của thế gian.
Đây là lần sinh cuối cùng,
Từ nay không còn sinh nữa
Ta là tối thượng của thế gian,
Ta là tối tôn của thế gian,
Ta là tối thắng của thế gian.
Đây là lần sinh cuối cùng,
Từ nay không còn sinh nữa
Có 2 cách giải thích sau:
1. “Tự mình” hay “Ta” ở đây không có ý nghĩa là Bản ngã, mà là Bản Tâm Thanh Tịnh (Pabhassara Citta) được đức Phật mô tả trong Kinh Tăng Chi:
“Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. (Pabhassaram’idaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhaṃ. Taṃ assutavā puthujjano yathābhūtaṃ nappanājāti.)
Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy” (Pabhassaram idaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakkilesehi vippamuttaṃ. Taṃ sutavā ariyasāvako yathābhūtaṃ pajānāti).
2. “Tự mình” hay “Ta” ở đây không có ý nghĩa là Bản ngã, mà theo Tiểu Bộ kinh, là Tính Biết Trong Sáng “không sinh, không hữu, không tác, không thành”. Bản ngã luôn có tham vọng nỗ lực tạo tác để trở thành một con người lý tưởng hay một bậc Thánh nào đó…
Vì vậy, mỗi người chỉ cần trở về quán sát Duyên khởi tính nơi Thân, Thọ, Tâm, Pháp của chính mình, chớ nên bắt chước Pháp của bất kỳ ai khác.
Trước khi đức Phật ra đời, hầu như tất cả tôn giáo thời bấy giờ đều có lý tưởng sở đắc ở bên ngoài mà Thiền tông gọi là “hướng ngoại cầu huyền” nên tuyên ngôn đầu tiên của đức Phật là hãy trở về chính mình, vì tất cả chân lý đều có mặt ở đó. Và sau khi đắc Chánh Quả, một lần nữa trong kinh Pháp Cú (Dhammāpda), bài kệ 160, đức Phật tuyên bố:
“Attāhi attano nātho
Ko hi nātho parosiyā
Attanā va sudantena
Nāthaṃ labhati dullabhaṃ”
Dịch:
“Tự mình nương tựa mình,
Nào có nương tựa khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Ðược nương tựa khó được.”
(Ta là nơi nương nhờ của Ta, không ai khác là nơi nương nhờ được, trở về với cái Ta thuần tịnh, chính là nơi nương nhờ hy hữu)
Theo các giới nghiên cứu, như sư Viên Minh chẳng hạn, đã xem xuất xứ của “duy ngã độc tôn” là chuyển dịch từ bài kệ của Trường Bộ Kinh nói trên.
Nơi đạo Phật, phương pháp để dễ dàng giác ngộ là “Tự mình là hòn đảo của chính mình” giữa bể khổ trầm luân, hay “Tự mình thắp đuốc lên mà đi” giữa nẻo vô minh tăm tối. Vì vậy, bổn phận của người tu chính là chấm dứt sự tìm kiếm bên ngoài, mà là thấy ra Bản Tâm Thanh Tịnh hay Tánh Biết Trong Sáng (Pabhassara Citta) từ chân lý Duyên khởi mà nên.
Đức Phật dạy hành giả nên trở về quán sát Duyên khởi tính nơi Thân, Thọ, Tâm, Pháp của chính mình trong thực hành thiền Tuệ (Vipassana), để thấy biết chúng như chúng đang là … Đó chính là tuệ tri. Thật ra, người giác ngộ chính là người thấy ra bản chất đích thực của đời sống, không nên có thái độ nhị nguyên chấp thủ, cũng không quá hướng ngoại kiếm tìm ảo ảnh cho bản ngã hay tư tưởng vọng cầu.
Tham vọng hay ý chí của bản ngã luôn lăng xăng tạo tác để trở thành … cái khác ngoài chính mình, chính là ái dục vô minh, tức tham-sân-si, chỉ đưa con người đến phiền não khổ đau.
Ví như câu chuyện “Anh thợ đục đá” dưới đây cho ta một ví dụ điển hình về cái bản ngã lăng xăng tạo tác này:
Có một người thợ đục đá vì làm việc cực nhọc nên luôn không bằng lòng với bản thân mình. Một ngày kia, anh thấy một ông vua ngồi kiệu đi qua, được người hầu kẻ hạ rất oai phong và nhàn nhã. Quả là một người đầy quyền lực mà ai ai cũng đều phủ phục kính nể. Anh ta nghĩ, “Ồ ước gì mình được làm vua thì sung sướng biết bao!”
Thật kỳ lạ, anh ta vừa nghĩ xong thì lập tức được biến thành ông vua. Được làm vua anh ta mặc sức ngao du sơn thủy để hưởng lạc thú trên đời, nhưng rồi mùa hè oi bức đến, mặt trời chiếu nóng nực không chịu nổi. “Thì ra vua cũng không bằng uy lực của mặt trời, ước gì mình được làm mặt trời nhỉ!” Thế là anh lại được làm mặt trời như mơ ước của mình.
Thành mặt trời, anh thể hiện uy lực của mình, chiếu ra vô vàn tia nắng trên muôn loài vạn vật với niềm kiêu hãnh, tự cao. Nhưng chính vì chiếu nắng nhiều quá nên hơi nước bốc lên thành mây che khuất cả mặt trời. Thế là anh ta lại ước thành là mây và cũng được như nguyện. Mây cố che hết mặt trời nên không khí thay đổi không điều hòa đã tạo ra gió, và chính gió thổi mây bay tan tác.
Anh lại ước mình làm gió, và khi đã được làm gió anh ra sức hô phong hoán vũ để thể hiện sức mạnh vô địch của mình. Anh hả hê thấy mình thổi gì cũng được, nhưng khi thổi vào núi đá hết sức bình sinh núi đã vẫn trơ trơ bất động. Anh nghĩ, “Chà, làm núi đá mới là uy dũng”, thế là anh biến thành núi đá. Mặc gió mưa nắng rét anh đứng thật oai phong, kiên cố…
Nhưng chẳng bao lâu anh nghe dưới chân đau nhói, nhìn xuống thì anh thấy người thợ đục đá đang giáng những quả búa tạ vào chân mình đau buốt mà anh chẳng làm được gì, chỉ trân mình chịu trận.
“Thợ đục đá lợi hại thật, phải chi mình là anh ta nhỉ” – anh vừa nghĩ xong thì liền thấy mình trở về làm người thợ đục đá năm xưa.
3. Tính hiện thực của “Duy ngã độc tôn 唯我獨尊”
Có thể nhận thấy rằng, nếu bảo “Thiên thượng thiên hạ – Duy ngã độc tôn” là lời của đức Phật, thì lời này phải hàm ý về Chân lý và Đạo đức của đạo Phật, và ngã phải hàm ý là Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Nhân-Quả, Từ bi-Trí tuệ, mà theo Phật giáo bắc truyền, đó là Tam thân và Tam bảo.
Vì thế, “Thiên thượng thiên hạ – Duy ngã độc tôn” được hiểu là “Trên trời dưới trời – Chỉ có chân lý và đạo đức nơi bậc giác ngộ là đáng trân quý trên hết”.
Qua các tìm hiểu trên, câu “Duy ngã độc tôn” có lẽ là nhằm một ý nghĩa biểu tượng triết học nào đó hơn là giá trị lịch sử. Lịch sử đã cho chúng ta biết, khi Thái tử chào đời, chưa chắc Ngài sẽ đi tu, vì đạo sĩ Bà-la-môn A Tư Đà (Asita) tiên đoán, có hai con đường để Thái tử lựa chọn:
– Một là, ở đời làm Chuyển luân Thánh vương.
– Hai là, xuất gia trở thành Bậc Giác ngộ-Giải thoát.
Do đó, chúng ta có thể thấy rằng, về mặt hiện thực, Thái tử đã sinh ra đời cũng bình thường như bao nhiêu đứa trẻ sơ sinh khác, và như thế sẽ không thể cất được tiếng nói vào lúc mới sinh ra. Vậy, chúng ta có thể đặt vấn đề là, vì sao câu ấy được nêu trong các kinh? Có từ thời nào? Nó mang ý nghĩa gì? Và đó cũng là điều nghi vấn về sự mâu thuẫn giữa lịch sử và triết lý.
Thông điệp Đại lễ Phật đản PL. 2566 của Đức Quyền Pháp Chủ GHPGVN
Vì vậy, “Duy ngã độc tôn” có thể đã được thêm vào một trong hai trường hợp sau:
– Một là, sau sự kiện thành đạo vĩ đại của đức Phật, được người đương thời tôn xưng và thêu dệt nên sự kiện siêu phàm đó.
– Hai là, sau khi đức Phật Niết-bàn, hàng đệ tử biên tập kinh điển đã thêm vào, nhằm đề cao nhân cách của một bậc vĩ nhân, phải khác với con người bình thường nơi trần thế.
Minh Tâm
Thảo luận về post