Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát
Đối với nền văn minh Á Đông nói chung, và nền văn hóa thuần Việt nói riêng, trong nếp đạo gia phong, chữ Hiếu vốn dĩ được đề cao và đặt lên trên tất cả. Trong tâm khảm của những người con Việt vốn trọng chữ Hiếu, để làm tròn hiếu đạo của một người con, người cháu trong một gia đình, chúng ta phải hiểu rõ thế nào là ý nghĩa của sự hiếu thuận. Nếu ta không hiểu hết ý nghĩa của chữ hiếu, thì ta không thể nào đáp đền trọn vẹn ân đức, công ơn sinh thành dưỡng dục của bậc cha mẹ, của những đấng sinh thành nuôi dưỡng ta đến ngày khôn lớn.
Chánh điện chùa Tự Tâm tp. Ban Mê Thuột
Tổ đường
Sư cô Thích Nữ Liên Tâm
Lễ Ngọ cúng – Cầu An – Cầu Siêu chư Hương linh
Đối với nét văn hóa Phật giáo, luôn đề cao giá trị chữ Hiếu, cứ mỗi độ Vu Lan về, mỗi người con Phật nô nức cung thỉnh mười phương chư Phật cùng chư thanh tịnh Tăng, để dâng lên hương hoa, vật phẩm cúng dường, nhờ gia lực của chư vị thiền tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, nguyện cầu cho cha mẹ tại thế cùng những tiền nhân được thoát sanh Tịnh cảnh.
Theo truyền thống văn hóa Phật giáo, từ ngày rằm tháng tư âm lịch đến ngày rằm tháng bảy âm lịch là lúc chư vị mười phương Tăng tựu trung lại một nơi nhất định, an cư tu hành Giới-Định-Tuệ trong vòng ba tháng, để cảnh tâm được thanh tịnh.
Ngày rằm tháng bảy là ngày lễ Vu Lan, còn gọi là cứu ngược tội nhân, tiếng phạn gọi là Ulambana, xưa ngài Mục kiền liên theo lời chỉ dẫn của đức từ Phụ, cung thỉnh mười phương tăng thiết lễ trai tăng, nhờ từ lực thanh tịnh của tăng chúng mà cứu được mẹ ngài vượt thoát khỏi địa ngục u tối đau khổ.
Đã là người con Phật, người dân Việt, chúng ta không thể không hiếu thuận với cha mẹ. Trong cuộc đời, cha sinh ra ta, mẹ hiền mang nặng cưu mang ta mười tháng, bao nhiêu khổ nhọc vất vả đi đứng nằm ngồi mẹ đều cố chịu cả, mẹ ăn không ngon, ngủ không tròn giấc, đêm ngày canh cánh quan tâm chăm sóc cho thai nhi còn trong bụng mẹ, hi vọng cho đến ngày sinh đều được mẹ tròn con vuông. Đến ngày sinh con, ruột gan đau buốt mà mẹ hiền vẫn nén chịu đau đớn, thân thể thì đau khắp, có lúc mê man thiếp đi.
Sau khi sanh con thơ, mẹ nhìn thấy con được vuông tròn, lòng mẹ trào dâng niềm hạnh phúc, một nỗi niềm hạnh phúc mà không bút mực nào lột tả được. Ba năm cho con thơ bú mớm, tay ẩm tay bồng, đối diện với muôn vàn khó khăn, mẹ vẫn vui lòng. Đêm về khi con thơ khóc đau thì mẹ nào được tròn giấc. Đến khi con chập chững biết đi, mẹ nhẫn nại dìu con từng bước đi đầu đời, khi con đến tuổi đến trường học cùng chúng bạn, mẹ cũng chính là người dẫn bước con tới trường, mong cho con học hành nên danh nên phận, thành người có ích cho xã hội, mà không mong cầu sự báo đáp ở nơi con. Khi con trưởng thành, học hành đủ hiểu biết, có những lúc không hài lòng điều gì đó, con lại hờn trách, hằn học với mẹ cha, mà con đâu biết rằng những khi ấy lòng mẹ quặng thắt biết dường nào, lệ lòng mẹ tuôn con nào thấu hiểu.
Trong kinh Tăng Chi I nói: “Này các tỳ kheo, có hai người ta nói không thể trả ơn được, thế nào là hai? Đó là cha và mẹ, nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm, cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ để trả ơn cho cha và mẹ. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cha mẹ…”
Vì thế, dù chúng ta có cung cấp các món sơn hào hải vị, nệm ấm chăn êm, quần là áo đẹp, nhà cao cửa rộng v.v… vẫn không thể nào báo đáp trọn vẹn ân đức của bậc sanh thành.
Để báo đáp ân đức cho cha mẹ hiện tại và cha mẹ khuất núi trong quá khứ, đạo Phật dạy chúng ta phải khuyên cha mẹ sinh khởi niềm tín tâm đối với chánh pháp, bỏ các điều ác làm các việc lành, hiểu rõ nhân quả, giữ gìn tịnh giới, rũ bỏ ưu phiền, chế ngự tâm tham, nếu chúng ta làm được như vậy mới đích thực đáp đền ân đức của cha mẹ, nên cổ đức nói : “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu” , nghĩa là cha mẹ được giải thoát rời khỏi trần ai, thì người con mới tròn được hiếu đạo.
Là những người Phật tử, phải ghi nhớ những lời dạy của đấng Từ Phụ, từng từng từng phút an trú trong chánh niệm để hồi hướng công đức cho cha mẹ cùng tiền nhân của mình, đặc biệt trong ngày lễ Vu Lan, với tâm chí thành chí kính, lễ Phật hiểu nghĩa lý sâu xa của giáo nghĩa Phật pháp, giữ gìn năm giới, tu hành Giới-định-huệ, tin vào ba ngôi báo, thường làm các việc bố thí, cúng dường chư tăng, để thân mẫu khuất núi của mình thoát khỏi mê đồ, sanh về miền tịnh cảnh. Đó mới đích thực là con thuận hiếu thảo, là phật tử đích thực trong mùa Vu Lan Báo Hiếu.
Lễ Tiến Linh
Bàn Linh nữ Phật tử
Bàn Linh nam Phật tử
Tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát
Tôn tượng Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát
Tôn tượng Tiêu Diện Bồ Tát
Lễ cúng Thí thực trong tiết Vu Lan
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Nghĩ về Mẹ đâu cần chờ tháng bảy
Quà cho Mẹ đâu cần tám tháng ba
Lỡ một mai đường về không có Mẹ
Là niềm đau mất mát nhất trên đời.
Hòa trong không khí chung trong ngày Lễ Vu Lan về trên quê hương đất Việt. Nhân dịp mùa Vu Lan báo hiếu, Tỳ kheo ni Thích Nữ Liên Tâm cùng bổn tự thành tâm tri ân chư Tôn đức tỉnh ĐắkLắk, chư Ni bộ chùa Dược Sư, cùng Quý Phật tử – Thiện nam tín nữ gần xa đã góp lời cầu nguyện và trợ duyên bổn tự hoàn mãn buổi lễ; kính chúc quý vị và gia đình mạnh khỏe, thân tâm an lạc. Và giữ trọn Hiếu đạo. Nguyện cầu chư Hương linh quá vãng được siêu sinh Tịnh độ.
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT MA HA TÁT.
Thảo luận về post