1. “Uống Trà Đi”
Một hôm, thiền sư Triệu Châu hỏi vị tăng mới đến:
– Từng đến đây chưa?
Tăng thưa:
– Đã từng đến.
Sư bảo:
– Uống trà đi!
Sư hỏi vị tăng khác:
– Từng đến đây chưa?
Tăng thưa:
– Chưa từng đến.
Sư cũng bảo:
– Uống trà đi!
Sau, Viện chủ hỏi Sư:
– Vì sao người từng đến bảo uống trà đi, người chưa từng đến cũng bảo uống trà đi?
Sư gọi:
– Viện chủ!
Viện chủ đáp:
– Dạ!
Sư liền bảo:
– Ông cũng uống trà đi!
*** Lời bàn:
Trước khi bàn về công án uống trà đi của thiền sư Triệu Châu, tôi xin nêu một câu chuyện trà đạo trong quyển Giai Thoại Nhà thiền tập 3.
Châu Quang là đệ tử của thiền sư Nhất Hưu, có tật ngủ gục kinh niên, đến nỗi trong những trường hợp công cộng, Sư thường hay ngà ngà. Vì thế Sư rất khổ não, liền đi hỏi thầy thuốc. Thầy thuốc khuyên Châu Quang nên uống nhiều trà. Châu Quang nghe theo lời chỉ bảo của thầy thuốc, quả thật sau đó không còn ngủ gục nữa. Nhân đây, Sư dần dần thích uống trà. Sư nghĩ rằng khi uống trà cũng phải đủ lễ tiết. Do đó, Sư sáng lập “trà đạo” Sau được tôn làm “Trà Tổ”.
Hoàn thành trà đạo xong, thiền sư Nhất Hưu hỏi:
– Châu Quang! Ông dùng tâm nào để uống trà?
Châu Quang đáp:
– Vì khỏe mạnh mà uống trà.
Do đó, thiền sư Nhất Hưu liền đưa cho Sư công án “Uống trà đi!” của thiền sư Triệu Châu và bảo:
– Có học tăng xin thiền sư Triệu Châu chỉ dạy đại ý Phật pháp. Triệu Châu đáp: “Uống trà đi” Đối với chuyện này, ông hiểu thế nào?
Châu Quang lặng thinh.
Khi ấy, thiền sư Nhất Hưu sai thị giả đem đến một chén trà, ngay lúc Châu Quang bưng chén trà trên tay, thiền sư Nhất Hưu liền hét lớn một tiếng, chén trà trên tay Sư rơi xuống đất, nhưng Châu Quang vẫn không động địa gì cả. Một lát sau, Châu Quang nói lời cảm tạ Thiền sư Nhất Hưu, rồi đứng lên đi ra.
Thiền sư Nhất Hưu gọi lại:
– Châu Quang!
Châu Quang quay đầu thưa:
– Đệ tử đây!
Thiền sư Nhất Hưu hỏi:
– Chén trà đã rơi xuống đất, ông còn có trà uống không?
Châu Quang hai tay làm như bưng chén trà, nói:
– Đệ tử vẫn còn uống trà.
Thiền sư Nhất Hưu chẳng chịu thôi, hỏi tiếp:
– Ông đã chuẩn bị rời đây đi chỗ khác, cớ sao còn nói có trà uống?
Châu Quang vội nói:
– Đệ tử đến bên đó uống trà.
Thiền sư Nhất Hưu lại hỏi:
– Ta vừa hỏi ông tâm đắc của việc uống trà, ông chỉ hiểu được bên này uống, bên kia uống mà hoàn toàn không có tâm đắc. Vô tâm uống trà là thế nào?
Châu Quang trầm tĩnh đáp:
– Trà vô tâm, liễu xanh hoa thắm.
Khi ấy thiền sư Nhất Hưu rất vui, liền ấn khả cho Sư. Châu Quang hoàn thành trà đạo mới.
Trong nhà thiền, các thiền sư thường dùng nghệ thuật trà đạo, Trà không những giúp cho đầu óc sáng suốt mà còn trị được nhiều chứng bệnh, nếu biết uống đúng cách. Tục ngữ miền Bắc có câu:
Bạch nhật nhất ẩm trà
Lương y bất đáo gia.
Nghĩa là, vào mỗi buổi sáng uống một bình trà, thì không cần rước thầy thuốc đến nhà. Châu Quang có tật hay ngủ gục, nhờ uống trà mà vượt qua cơn mê.
Nhưng thật khó hiểu khi nói đến trà Triệu Châu, không biết Ngài bảo người ta uống trà với ngụ ý gì. Ai đến cũng bảo uống trà đi mà không có trà, bình trà để uống. Không có trà làm sao uống? Đó là một vấn đề khiến cho thiền giả chóng mặt với trà Triệu Châu.
Trà Triệu Châu không những nổi danh từ nghìn xưa, cho đến ngày nay người tu thiền vẫn còn nhắc đến. Mỗi lần gặp nhau, theo phép lịch sự mời bạn uống trà đi! Có người ngạc nhiên, trà đâu mà uống? Nếu bạn cứ liếc ngó hai bên tìm bình trà thì bạn chỉ chết khát, chứ không thể uống được trà Triệu Châu.
Vậy, trà Triệu Châu là gì?
– Trà Triệu Châu liễu xanh hoa thắm.
Bạn muốn uống được chung trà này, hãy lắng tâm thức xuống bạn mới thưởng thức được hương vị của trà. Nghĩa là trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, bất cứ ở đâu, tâm bạn rỗng rang không phân biệt mà danh từ chuyên môn trong nhà thiền gọi là vô tâm, thì bạn đã uống được trà Triệu Châu rồi đó.
Như vậy, thiền sư Triệu Châu mời mọi người uống trà, dù đến đây hay chưa đến hoặc đã ở lâu rồi, tất cả đều phải vô tâm, Ngài đã thấu rõ tâm can của chúng ta, cái con khỉ ý thức phân biệt quá nhiều chuyện, vì vậy cần phải lắng dịu xuống, đừng để lăng xăng lộn xộn nữa. Đó là cốt tủy của trà Triều Châu.
Mời bạn uống trà đi!
(Trích: “Giai Thoại Thiền Sư Triệu Châu” – Thích Đạo Tâm – Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2011)
2. Triệu Châu Trà
(趙州茶): tách trà của Thiền Sư Triệu Châu Tùng Thẩm (趙州從諗, 778-897). Ông xuất thân môn hạ của Nam Nhạc. Lúc còn nhỏ, ông xuất gia ở Hỗ Thông Viện (扈通院), rồi đến vùng Trì Dương (池陽), tham yết với Nam Tuyền Phổ Nguyện (南泉普願), và được khế ngộ. Về sau, ông còn đến tham bái một số danh tăng đương thời như Hoàng Bá (黃檗), Bảo Thọ (寳壽), Diêm Quan (鹽官), Giáp Sơn (夾山), v.v.; và cuối cùng thể theo lời thỉnh cầu của đồ chúng, ông đến trú tại Quan Âm Viện (觀音院), vùng Triệu Châu (趙州, thuộc Tỉnh Hà Bắc). Tại đây ông đã tuyên dương Thiền phong độc đáo trong suốt 40 năm.
Thuật ngữ triệu châu trà vốn phát xuất từ câu chuyện “Khiết trà khứ (喫茶去, uống trà đi)” được ký lục lại trong khá nhiều thư tịch Thiền Tông. Tỷ dụ như trong Thiền Tông Tụng Cổ Liên Châu Thông Tập (禪宗頌古聯珠通集, 卍 Tục Tạng Kinh Vol. 65, No. 1295) quyển 20 ghi như sau: “Triệu Châu vấn tân đáo: ‘Tằng đáo thử gian ma ?’ Đáp: ‘Tằng đáo.’ Sư viết: ‘Khiết trà khứ.’ Hựu vấn tăng, tăng viết: ‘Bất tằng đáo.’ Sư viết: ‘Khiết trà khứ.’ Hậu Viện Chủ vấn viết: ‘Vi thập ma, tằng đáo dã vân khiết trà khứ, bất tằng đáo khiết trà khứ. Sư chiêu Viện Chủ, Chủ ứng nặc, sư viết: ‘Khiết trà khứ.’ (趙州問新到、曾到此間麼、曰曾到、師曰、喫茶去、又問僧、僧曰、不曾到、師曰、喫茶去、後院主問曰、爲甚麼、曾到也云喫茶去、不曾到也云喫茶去、師召院主、主應喏、師曰、喫茶去, Triệu Châu hỏi người mới đến rằng: ‘Đã từng đến đây chưa ?’ Đáp: ‘Đã từng đến.’ Sư bảo: ‘Uống trà đi !’ Lại hỏi vị tăng khác, người ấy trả lời: ‘Chưa từng đến.’ Sư bảo: ‘Uống trà đi !’ Về sau, thầy Viện Chủ mới hỏi rằng: ‘Người đã từng đến ngài cũng bảo là uống trà đi, người chưa từng đến ngài cũng bảo là uống trà đi, vậy là thế nào ?’ [Khi ấy] sư gọi thầy Viện Chủ, thầy đáp: ‘Dạ.’ Sư bảo: ‘Uống trà đi !’).”
“Khiết trà khứ” đã trở thành một công án Thiền đặc sắc, được tìm thấy trong khá nhiều ngữ lục Thiền; cũng như trong điển tịch trên, Phần Dương Thiện Chiêu (汾陽善昭, 947-1024) có làm bài tụng về công án đó là: “Triệu Châu hữu ngữ khiết trà khứ, thiên hạ nạp tăng tổng đáo lai, bất thị thạch kiều nguyên để hoạt, hoán tha đa thiểu nạp tăng hồi (趙州有語喫茶去、天下衲僧總到來、不是石橋元底滑、喚他多少衲僧回, Triệu Châu có câu uống trà đi, thiên hạ chúng tăng thảy đến đây, chẳng phải cầu đá nguyên bóng mượt, cuối cùng nhiều ít có kẻ về).”
Trong Ngũ Đăng Toàn Thư (五燈全書, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 82, No. 1571) quyển 97, phần Ích Châu Tung Sơn Dã Trúc Phước Tuệ Thiền Sư (益州嵩山野竹福慧禪師), có câu: “Trượng thượng vô tiền cô tự tửu, thả khuynh nhất oản Triệu Châu Trà (杖上無錢沽白酒、且傾一碗趙州茶, trên gậy không tiền mua tự uống, còn nốc một chén Triệu Châu Trà).” Cũng trong thư tịch trên, quyển 98 lại có câu: “Khiết tận Triệu Châu Trà, thiêu khước Huệ Lâm Phật (吃盡趙州茶、燒卻慧林佛, uống sạch Triệu Châu Trà, đốt tiêu Huệ Lâm Phật).”
Trong nghi Cúng Chung Thất Trai Tuần cho chư vị cao tăng viên tịch, cũng có câu kệ liên quan đến Triệu Châu Trà: “Sơ hiến Triệu Châu Trà, phanh lai thật hinh hoa, tấn hiến giác linh tòa, tảo vãng pháp vương gia (初獻趙州茶、烹來寔馨花、進獻覺靈座、早往法王家, mới cúng Triệu Châu Trà, nấu sôi thật thơm tho, dâng cúng giác linh ngự, sớm lên pháp vương nhà).”
3. Lược ý “Trà và Thiền” trong tinh thần Đại Thừa Thiền Phật giáo Bắc truyền
Không biết tự bao giờ, Trà trở thành thân quen trong nếp sống Thiền gia Phật Giáo Bắc Truyền, rồi trà thành một phần văn hóa của Phật Giáo, pháp tu của Đạo Thiền, một phương pháp thưởng thức, yêu mến thiên nhiên, chỉ có bạn trà trong Thiền lâm mới có thể liễu được, một nét văn hóa ẩm thực, thể hiện sự thanh cao, hòa nhã, thanh tịnh đủ tính nết thiền, của những con người “Thế ngoại đào viên”.
Nói đến Trà là nói đến Đông Độ, bàn về Đạo của Trà hay cách thức thưởng thức Trà thì phải nói đến Phật Gia, người Đông độ biết đến Trà rất sớm, trong sách của Tư Mã Tương Như đời Tây Hán (năm 200 trước công nguyên) thiên Phàm Tương đã có đến trà và gọi trà là: “Suyễn sá”, trong sách Thần Nông Bổn Thảo Kinh gọi Trà là: “Trà thảo”, trong sách Quảng Châu Ký của Bùi Uyên thời Đông Tấn thì gọi trà là: “Hạo lư”, trong sách Trà Kinh của Lục Vũ đời Nhà Đường chép về trà như: “Tên của trà có rất nhiều cách gọi, thứ nhất gọi là Trà, thứ nhì gọi là Giả, thứ ba gọi là Thiết, thứ tư gọi là Danh, thứ năm gọi là Suyễn”.v.v… trong Trà Kinh liệt kê tên gọi của Trà có 10 loại.
Phật Giáo Đông Truyền vào cuối thế kỷ thứ nhất đầu thế kỷ thứ hai sau công nguyên, nhưng theo hiện nay có nhiều thuyết cho rằng Phật Giáo đến với Việt Nam còn sớm hơn thời kỳ này. Trong khoảng 1000 năm Bắc thuộc, hầu như tất cả các thể loại văn hóa phương đông đều được truyền đến Việt Nam và cũng như vậy Trà đạo cũng được các vị Thiền sư đem đến, vì Việt Nam cũng là một trong những quê hương cổ xưa nhất của cây trà và cũng như vậy người Việt Nam cũng biết thưởng thức trà từ rất sớm.
Thời kỳ đầu Trà chỉ là cống phẩm cho triều đình dùng vào việc tế lễ cũng như các tầng lớp quý tộc mới có khả năng để thưởng thức trà. Phật Giáo được truyền vào Đông Độ, trong khoảng 300 năm từ thời Tam Quốc đến thời Nam Bắc Triều và đặc biệc vào thời kỳ Nam Bắc Triều Phật Giáo rất thịnh hành, Phật Gia dùng trà để giải trừ cảm giác hôn trầm trong lúc ngồi thiền, cho nên thường thì trong vườn chùa đều có trồng trà, và việc uống trà được truyền lang rộng rãi trong thiền lâm của Phật Giáo, vì thế Phật Giáo là nguyên nhân chính tạo nên phong khí thưởng thức và phát triển trà trong xã hội, đồng thời cũng là những người đầu tiên nghiên cứu và phát hiện những đặc tính và công hiệu của trà, cho nên lai lịch của câu “Trà Phật nhất vị” trong lịch sử của trà đạo là đây vậy. Đến đời Đường thì việc uống trà đã phổ biến khắp nhân gian.
Đại Thừa Phật Giáo đến với Đông Phương, thấm nhuần hương vị văn hóa của người Đông độ, dần dần văn hóa truyền thống của người bản độ, hòa nhập vào tư tưởng của Đại Thừa phát triển và hình thành hệ thống tư tưởng triết lý nếp sống của Bắc Truyền Phật Giáo và Trà cũng như vậy, từ thức uống của nhân gian bước vào cửa thiền vì tính năng của đặc biệt của mình, tư tưởng triết lý của Đạo Thiền hợp thức hóa Trà là Phật.
Phật Pháp Đại Thừa với tinh thần “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” cho rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có chung một khả năng, đều có thể thành Phật, vì hóa độ chúng sanh mà Phật hiện Thiên bá ức hóa thân, cho nên nhất thiết vạn sự vạn vật đều có thể coi là hóa thân của Đức Phật. Vì vậy trà được Bắc Tuyền Phật Giáo cho rằng là một trong thiên bách ức hóa thân của Phật, vì trong trà có đầy đủ tính năng của Phật như: giải độc hại cho chúng sanh, làm cho chúng sanh thoát khổ vì khát, có thể điều dưỡng tâm tánh, làm tâm được thanh tịnh và điều quan trong nhất khi ngồi thiền định có thể chế tâm thoát khỏi hôn trầm, khiến cho mau đạt đến đại định, vược khổ sanh tử, chứng đắc Niết Bàn, cho nên Trà có một vị trí hết sức quan trọng trong Phật Giáo Bắc Truyền “Phật và Trà chỉ có một vị”.
Một chiếc lá vàng rơi cũng có thể làm lay động cả tam thiên đại thiên thế giới, làn gió nhẹ đưa của chiếc lá vàng rơi cũng đủ để lay động ý thức của con người, cảm nhận sự biến đổi của thiên nhiên, thu đã về, chỉ là một chiếc lá rơi thôi mà Đại Thừa Phật Giáo có thể cảm nhận được chân lý thâm diệu vô cùng của thiên nhiên đạo trời như thế, nên khi con người khi thưởng thức trà thì sự tiếp xúc cảm thông với thiên nhiên còn thâm áo đến chừng nào, chính từ xúc cảm với thiên nhiên làm cho sự nhận thức sâu xa về vũ trụ càng thêm thấm thấu và mục đích cuối cùng Đạo của trà là dẫn dắt chúng sanh thể nhập “Phật Tri Kiến” giác ngộ thành Phật.
Trà lại là hóa thân của Bồ Tát vì trong Trà có đầy đủ tính chất của Lục Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Trà thực hành pháp bố thí ba la mật, hợp cùng với nước, xã thân hòa mình thành thức uống, cúng dường chúng sanh. Hương thơm của Trà thanh tịnh, đem đến cảm giác thư thái an lạc dễ chịu cho chúng sanh, sự cảm nhận này cũng không khác gì khi ta tiếp xúc với người trì giới, cảm nhận được Giới Định chân hương, đây là công đức Trì Giới Ba La Mật của Trà có được.
Trà tu hạnh nhẫn nhục ba la mật, kham nhẫn khi bị cắt hái, nhào trộn, hong khô, rồi chịu đựng cái nóng vô cùng của nước sôi khi pha chế, nhưng trà vẫn đượm hương tỏa ngát, ngọt lịm cúng dường chúng sanh. Trợ cho người ngồi thiền không bị hôn trầm, giúp cho họ luôn tỉnh giác khi thiền tư đây là lúc trà đang tu Tinh Tấn Ba la mật. Trà chỉ có một vị, hòa kính và thanh tịnh đây là tính chất Thiền Định Ba la Mật của Trà. Người dùng trà làm pháp phương tiện, dẫn dắt đến cảnh giới tịch tịnh, từ thế giới tịch tịnh viễn ly trần cảnh “Bất cấu Bất tịnh” hòa nhập vào Vô Dư Niết Bàn chứng Vô Thượng Đạo đây là kết tinh Trí Tuệ Ba la Mật của Trà.
Bắc Truyền Phật Giáo coi việc uống trà như một pháp môn tu, một công án thiền định có khởi nguyên từ đời nhà Đường và nói đúng hơn Thiền Tông đưa trà đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, từ một thức uống bình thường trong hằng ngày, trãi qua sự tôi luyện bằng thiền tư của các vị Thiền sư, trà bổng nhiên thoát tục trong cuộc sống, trà trong lễ nghi đối đãi của người trần, trở thành phép tắc tu hành của người thoát tục, Trà với nghĩa giải khát, bằng công năng tu hành sự tỉnh giác của trí tuệ, các Thiền sư đã dụng trà như một công án để tu và để chứng minh cho điều này, trong thiền lâm Phật Giáo Bắc Truyền có công án “Đi uống trà đi”.
“Đi uống trà đi” công án thiền nổi tiếng của Ngài Triệu Châu, trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển thứ 10 chép: Ngài Triệu Châu hỏi một học Tăng mới đến: “đã từng đến chổ này chưa?” vị Tăng đáp: “đã từng đến”. Ngài Triệu Châu dạy: “uống trà đi”. Ngài lại hỏi vị Tăng, vị Tăng đáp: “chưa từng đến”. Ngài lại dạy: “uống trà đi”.
Đây là một công án rất nổi tiếng trong lịch sử của thiền tông có liên quan đến uống trà. Đã đến, chưa đến, từng đến, tất cả đều không có trong hiện tại, chỉ trong phút giây hiện tại uống trà mới nhận được sự an lạc của tất cả các giác quan, vật chất cũng như tinh thần, và trong phúc giây nầy mới tự mình nhìn nhận ra chính mình và đó cũng là Đạo và phương pháp uống trà của thiền gia.
“Trà Thiền nhất vị” đây là câu nói về Trà của thiền sư Viên Ngộ đời Tống viết trong sách Bích Nham Lục chứng minh cho sự khai ngộ về Trà của Thiền tông, câu “Trà Thiền nhất vị” cũng được đệ tử người Nhật Bổn của Ngài là Vinh Tây viết lưu truyền đến Nhật Bản, hiện nay đang được lưu giử tại Chùa Đại Đức, Nại Lương, Nhật Bản.
“Trà Thiền nhất vị” lần kết tinh thứ hai của Trà trong Phật Giáo Bắc Truyền, đối với “Trà Phật nhất vị”, “trà thiền nhất vị” là một bước tiến vô cùng vĩ đại, nó thể hiện sự thể nhập về giáo lý, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, lối sống của Phật Giáo Bắc Truyền, hoàn toàn hòa nhập vào tất cả các khía cạnh đời sống văn hóa của người Đông độ, trở thành nếp văn hóa mới trong xã hội Đông Phương.
Văn hóa Thiền, sự tỉnh thức trong từng phúc giây của hiện tại,trong thế giới hiện tại, và đồng thời tìm đến sự an lạc tỉnh lặng trong cuộc sống, xã hội chính mình đang sống và nhìn lại mình là gì trong thế giới hiện tại nầy, để rồi: “Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh, bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân” trúc biếc hoa vàng không là cảnh bên ngoài, mây trắng bay rồi trăng lại hiện hình xưa.
Trà Thiền là chỉ cho sự thông qua sự đối mặt với Trà, thể nhận và cảm ngộ rồi hành trì thiền tọa, quán tưởng, pháp tu này tương đồng với nhiều phương pháp tọa thiền, như quán thoại đầu.v.v.. của Thiền Tông nên gọi là Trà Đạo. Trà là căn cơ của tham thiền ngộ được phật tánh, Đạo là phương pháp và dụng cụ cách thức pha trà, thể hiện được chân lý “Thị chư pháp không tướng” tương ưng với “cảnh trần hợp nhất”, nếu hai pháp này có thể hợp nhất thì người uống trà chẳng khác gì Thiền sư, Thiền sư cũng là khách uống trà, tâm tâm tương ưng, pháp pháp hợp nhất đây là ý thú của “Trà Thiền nhất vị” vậy.
Trà và Thiền tương ưng từ nhân duyên đến thể dụng cho đến năng sở, có thể lấy Trà để dụ cho Thiền, lấy Trà để hành Thiền, lấy Trà để ngộ Thiền, lấy Trà để tham Thiền, lấy Thiền để giải thích Trà, lấy Thiền để dâng Trà, lấy Thiền để thưởng thức Trà, nếu như có thể như vậy để uống trà, thì liễu được Trà Thiền nhất vị, là người uống trà đạt đến cảnh giới “dĩ tâm truyền tâm, dĩ ngộ tự ngộ” trong Đạo Thiền vậy.
Phật Trà là như vậy, Thiền Trà cũng không hai, đều chung một vị ngọt, giải thoát, niết bàn, tịch tịnh, ly dục. Phật là chân đế, Trà là phương tiện. Thiền là cảnh giới, Trà là pháp môn, tuy hai nhưng chỉ một, nhưng muốn đạt đến một thì không thể thiếu hai. Vì vậy trong Trà có Đạo, trong Thiền có Trà, nếu không liễu được Đạo trong Trà, thì chỉ uống trà bằng vị giác, còn nếu đã thể ngộ được Đạo để uống Trà, thì lục căn thể nhập lục trần, thưởng thức trà trong tâm vô quái ngại, đạt đáo cảnh giới của Thiền “Tâm – Phật – Chúng Sanh tam vô sai biệt”.
BBT CHÙA TỰ TÂM
Thảo luận về post