>>> NHỮNG ĐIỀM MỘNG TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO
>>> Cách loại suy giáo pháp của vua Ba-Tư-Nặc
Đức Phật và hội chúng đang chuẩn bị khởi hành thì đức vua Pāsenadi lại tìm đến Kỳ Viên lúc trời còn mù sương. Nhìn thấy đôi mắt thâm quầng của vị minh quân, đức Phật hướng tâm, biết chuyện gì đã xảy ra.
Sau khi mời an vị xong, đức Phật nói:
– Đại vương lại mất ngủ suốt đêm qua rồi!
– Thưa, đúng vậy!
– 16 giấc mộng kia lại tìm đến?
– Thưa, đúng vậy!
– Nó đến không nhanh, không chậm – mà ngay sau khi được sự bàn ra, tán vào của các lão quan tinh thông chiêm tinh, thuật số ở bên cạnh đại vương!
Đức vua Pāsenadi ngạc nhiên, mở lớn đôi mắt:
– Hóa ra đức Tôn Sư đã biết rồi! Và ông bắt đầu tâm sự – Đệ tử sau khi nghe pháp, bố thí lớn, cúng dường lớn đến đức Tôn Sư và đại chúng, đệ tử cảm giác được an lành, yên ổn. Tuy nhiên, chỉ được mấy hôm, một số lão trượng bà-la-môn đại thần có thẩm quyền về chiêm tinh nhất, đến gặp đệ tử, nói rằng: Việc đại vương bố thí, cúng dường, ấy là việc tốt, nên làm; nhưng việc đoán mộng, giải mộng, đại vương cũng không nên bỏ qua, chớ nên thất lễ với thần linh; vì đấy là trí khôn, kinh nghiệm được tích lũy cả hàng ngàn năm nay, chẳng lẽ nào… Thế xong, họ bỏ lửng câu nói. Nhưng mà đệ tử biết, họ muốn ám chỉ đức Tôn Sư…
Đức Phật mỉm cười:
– Ý họ nói, Như Lai không thể thông thái hơn trí khôn cả hàng ngàn năm cộng lại?
Đức vua im lặng, như thú nhận điều ấy là đúng.
– Lại còn có ý nói rằng, Như Lai chưa từng có thẩm quyền gì về chiêm tinh, về việc đoán mộng, giải mộng cả?
– Quả thật, họ đã có hàm chỉ như thế nhưng không dám nói – vì họ biết, đụng đến đức tin của đệ tử, của một ông vua, họ sẽ bị tội chém đầu!
Chậm rãi, tự tại, đức Phật nói:
– Đại vương cứ yên tâm. Về lãnh vực chiêm tinh, thuật số – Như Lai chưa từng biết, chưa từng thấy trên thế gian này có ai nghiên cứu tới nơi tới chốn bằng Như Lai. Như Lai còn đọc được cả những ký hiệu ngôn ngữ cổ xưa còn lưu lại nơi những tấm thẻ đồng, thẻ vàng trong điện thờ tại Kapilavatthu. Vậy, đối thoại về lãnh vực chiêm tinh, không cần đến Như Lai, chỉ cần hai vị đại đệ tử của Như Lai thôi, cũng đã là bậc thầy của tất thảy chiêm tinh gia trên toàn cõi châu Diêm-phù-đề này!
Nghe nói vậy, đức vua Pāsenadi vô cùng sung sướng, nở mặt, nở mày; ông dè dặt hỏi:
– Vậy thì sẽ có cuộc đối thoại, luận chiến về chiêm tinh để cho các vị bà-la-môn chiêm tinh kia sáng mắt ra, bạch đức Tôn Sư?
– Đúng vậy!
– Và đức Thế Tôn sẽ dạy cho họ một bài học?
– Không cần thiết! Một Sāriputtta hoặc một Moggallāna của Như Lai là đủ rồi!
– Vậy thì đệ tử sẽ bảo họ đến đây, tại Kỳ Viên đại tịnh xá để họ luận chiến về chiêm tinh, về 16 giấc mộng của đệ tử với hai bậc thượng thủ của giáo hội!
Đức Phật xuyên sâu vào tâm lý, hiểu rõ cả tóc tơ của vấn đề, nói rằng:
– Hãy tạo sự ưu tiên và thuận lợi cho các nhà chiêm tinh, này đại vương! Như Lai sẽ bảo hai vị đại đệ tử đến ngay trên đất của họ, chỗ quen thuộc của họ! Nếu mà họ đến Trúc Lâm thì mọi thuận lợi, chúng ta đã chiếm hết tiên cơ mất rồi!
Xiết bao cảm phục, đức vua nói:
– Vậy thì ngay chiều nay, tại hoàng cung, đệ tử sẽ cho tổ chức một cuộc hội thảo về chiêm tinh. Một bên là các lão quan chiêm tinh, một bên là hai vị thượng thủ của giáo hội. Từng giấc mộng một, đệ tử sẽ kể lại, sau đó là nghị luận, luận giải của hai bên… Có hoàng gia và triều thần làm quan khách…
– Ừ! Quan khách sẽ có thêm một số đông tỳ-khưu trưởng lão nữa; và chính Như Lai chỉ ngồi lắng nghe!
Thế rồi, chiều hôm đó, tại hoàng cung, không khác gì một buổi thiết triều nhưng có thêm sự tham dự của đức Phật và 100 vị A-la-hán đứng đầu giáo hội. Đức vua muốn bố cáo chuyện này một cách rộng rãi nên ngoài triều thần, vua đã cho mời thêm một số nhân vật tai mắt trong kinh thành; đấy là các giáo phái chủ, giáo phái sư, các bà-la-môn đạo sĩ hữu danh, các đại triệu phú, các đại doanh gia, đại diện các nghiệp đoàn; nghĩa là đại diện đầy đủ các giai cấp trong xã hội…
Vị quan phụ trách nghi lễ, khánh tiết đã được tôn giả Sāriputta hướng dẫn cho cách sắp xếp các chỗ ngồi cho đức Phật và Tăng chúng, để làm sao tránh được hai cực đoan: Không nên quá kiểu cách, xa hoa như ở cung đình mà cũng không nên quá giản dị, xuề xòa như tại tịnh xá Kỳ Viên.
Hiểu ý đức Phật, đức vua Pāsenadi bỏ qua tất thảy mọi nghi thức. Vị đại lão thần bộ lễ (tương tự thượng thư bộ lễ), tuyên bố lý do, đại ý nói rằng, vì những điềm triệu xảy ra trong giấc mộng của đức vua, liên hệ đến sức khỏe, tai nạn, bệnh tật, tuổi thọ của ngài – đồng thời còn liên hệ đến sự an nguy, khổ vui cho bá tánh và cả quốc độ – nên triều đình đã đứng ra tổ chức buổi hội thảo rộng rãi hôm nay. Một bên là hai vị đại đệ tử của đức Phật, một bên là các lão quan chiêm tinh. Đức vua tối cao của chúng ta lần lượt thuật lại các giấc mộng. Hy vọng rằng, với trí tài, với thông tuệ, học sâu, hiểu rộng của các bậc đại trí thức – các ngài sẽ đoán mộng, giải mộng cho đức vua trên tinh thần học thuật một cách nghiêm minh, chân xác, khách quan, trung thực để đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội…
Nội dung buổi hội thảo, sau đó, diễn ra như sau
Đức vua kể giấc mộng thứ nhất:
– Trẫm thấy bốn con bò đực có sừng, sắc đen tuyền từ bốn hướng, chạy vào sân chầu với vẻ muốn đánh nhau. Thế rồi, dân chúng từ bên ngoài đổ xô đến xem. Nhưng bốn con bò chỉ ra bộ giận dữ, vần qua đảo lại, đạp đất, rùn mình, nghinh sừng … ra oai một hồi rồi bỏ đi – chứ không đánh nhau. Đấy là giấc mộng thứ nhất của trẫm. Các lão quan chiêm tinh trước đây bảo là điềm xấu; bây giờ trước tất thảy mọi người, hãy cho trẫm biết, xấu là xấu như thế nào?
Một vị đứng dậy, tâu:
– Theo thần được học thì giấc mộng này báo triệu hai điều có thể xảy ra, đều là điều xấu! Nhưng nay nhờ có thần linh đã mách bảo cho đại vương để đại vương tìm cách giải nạn vẫn còn kịp thời. Thứ nhất, bốn con bò đen tuyền, có sừng, từ bốn hướng chạy vào sân chầu, ra oai muốn đánh nhau; ở đây muốn ám chỉ bốn lực lượng mạnh mẽ (có sừng) từ bốn phương của quốc độ, sẽ kéo quân về triều đình, có lẽ do quyền lợi, quyền lực, danh vọng gì đó nên đã đấu khẩu, tranh cãi lẫn nhau. Còn dân chúng thì bàng quan đứng xem, không can thiệp, vì đây là việc nội bộ của triều đình. Thứ hai, bốn con bò đực có sừng, từ bốn hướng vào sân chầu cũng tượng trưng cho đất nước lửa gió, bốn sức mạnh của ngoại khí sẽ đe dọa bệnh tật, ốm đau cho bệ hạ. Thưa, đấy là thần đã giải đoán cái mộng thứ nhất là như vậy.
Vị quan bộ lễ cất tiếng hỏi:
– Các ngài trong bộ chiêm tinh, có bổ túc gì nữa không?
– Thưa không, đủ rồi!
Hướng qua hai vị đại đệ tử, vị ấy thưa:
– Bây giờ đến phiên giải mộng của giáo hội đức Tôn Sư.
Tôn giả Sāriputta đoan nghiêm đứng dậy, mỉm cười, phong thái ung dung, tĩnh tại:
– Thưa, tôi cũng có học chiêm tinh; nhưng có lẽ kinh qua quá nhiều khẩu truyền, quá nhiều nhà luận giải nên ngay chuyện bốn con bò đực, đen tuyền, có sừng, tôi lại có hai cách luận giải khác, nhưng đều là điềm tốt! Nay xin được trình bày cái kiến giải thô thiển này để mọi người cùng suy ngẫm, nhất là có đức Tôn Sư của chúng tôi ở đây.
Khai từ vừa khiêm tốn vừa chứng tỏ bản lãnh kiến thức, sở học về bộ môn này của tôn giả, tức khắc, lôi cuốn thính giả tham dự phải chăm chú lắng nghe. Tôn giả bèn hướng đến đức vua, tiếp tục:
– Đại vương khỏi lo. Đây là điềm triệu mai sau. Đại vương có khí cốt lớn, là chân mệnh đế vương, tương lai về sau, ngài còn có phước báu làm một đức Chuyển luân Thánh vương nữa! Điềm triệu này, nhắc nhở đại vương phải biết sống theo chánh pháp để đem lại an vui, hạnh phúc cho quốc độ. Nếu người đứng đầu một nước mà tham lam, bất chính, không có đạo đức thì triều đình cũng tham lam, bất chính, không có đạo đức, và muôn dân sẽ đau khổ, lầm than, kéo theo sát sanh, trộm cắp, tà vạy, bất chánh, dối láo. Nghĩa là khi cái ác, bất thiện pháp tăng trưởng thì thiện thiên thần, thiện dạ-xoa sẽ bỏ đi, các thế lực che chở cho quốc độ không còn nữa. Lúc ấy chuyện gì xảy ra? Bốn con bò đen có sừng từ bốn hướng, nghĩa là mây đen bốn hướng, vần vũ tràn vào kinh thành, ầm ĩ, sấm chớp đùng đùng, hướng đông, hướng tây, hướng nam, hướng bắc… hầm hè như tranh giành nhau, nhưng rốt lại, vẫn không có mưa! Quốc độ rơi vào nạn hạn hán trầm trọng, mất mùa, đói kém, nhân dân trông chờ, kéo nhau đi xem, nhưng trời vẫn không cho họ một giọt nước. Vậy thì muốn mưa thuận, gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp thì đức vua phải chơn chánh, lấy mười vương pháp trị dân, theo đó, đại thần cũng chơn chánh, có đạo đức; muôn dân sống theo chánh pháp thì các thiện dạ-xoa, thiện thiên thần sẽ hoan hỷ theo để hộ trì quốc độ. Cách giải đoán thứ hai cũng tương tợ vậy. Bốn bò đen, có sừng, từ bốn phương tràn vào kinh thành, hầm hè muốn đánh nhau nhưng không làm gì cả rồi bỏ đi. Cũng vậy, đấy là binh lực đen tối từ bốn phương, có thể là các nước chư hầu, cũng có thể là các binh trấn, muốn nổi loạn, ai cũng muốn tranh quyền, cướp ngôi; ai cũng múa võ giương oai; ai cũng muốn áp đảo đối phương… Nhưng khi đến kinh thành, thấy uy lực của một đức vua sống theo chánh pháp, muôn dân thanh bình, đâu đó bình chân như vại nên họ phải tự động giải tán, mây tan, gió lặng…
Nói đến ngang đây, tôn giả Sāriputta đưa mắt nhìn các nhà chiêm tinh, cất giọng êm dịu, hòa hoãn:
– Thú thật rằng, lời giải đoán của chư vị đều là cái “có thể”; mà lời giải đoán của tôi cũng là cái “có thể” làm sao biết nói ai đúng, ai sai…
Hội trường im lặng, rất nhiều người gật đầu lặng lẽ.
Vị quan bộ lễ cất giọng lớn:
– Từ một giấc mộng mà nhóm chiêm tinh gia giải đoán, có khả năng phát sanh hai điềm xấu; còn ngài sa-môn đại đức cũng giải đoán, lại có khả năng ngược lại, là hai điềm tốt! Đúng vậy, chưa biết lẽ phải, sự thật thuộc phần ai. Bây giờ, xin đức vua chí tôn cho nghe giấc mộng thứ hai.
Đức vua kể giấc mộng thứ hai:
– Trẫm thấy có một bụi cây con từ dưới đất trồi lên; khi nó mới cao chừng vài gang tay, thân đang còn xanh nõn đã đơm hoa sum suê rồi tức khắc kết trái, trĩu cành. Thật là lạ lùng. Xin các vị đoán cho.
Một vị chiêm tinh gia tóc bạc trắng, đứng dậy:
– Đây là điềm xấu, điềm dữ! Cây non mà sinh hoa kết trái thì thật là kinh khủng. Đấy là một báo triệu, thần linh sẽ giận dữ nếu không biết cúng tế đúng lễ nghi, phép tắc. Khi mà thần linh nổi trận lôi đình thì các vì tinh tú sẽ lệch vị trí, phương hướng; định luật của đất trời sẽ bị đảo lộn. Đất nước lửa gió bên trong, bên ngoài; thời tiết, mùa vụ, con người, sinh vật, thảo mộc… sẽ bị tác động mà sinh ra quái thai, dị chủng, nghịch thường… Vậy thì không thể không cúng tế thần linh.
Lần này thì tôn giả Mahā Moggallāna trổ tài ngôn luận hùng biện:
– Đúng thay, hay thay! Vị lão trượng chiêm tinh gia đã giải đoán giấc mộng thứ hai này rất chính xác. Tôi cũng đồng ý đấy là điềm dữ, điềm xấu. Tôi cũng đồng ý đất trời đảo lộn, khí huyết tương xung mà sinh ra quái thai, dị chủng, nghịch thường… Tuy nhiên, việc ấy không phải xảy ra bây giờ mà đấy chỉ là dự báo trong tương lai. Xin các nhà tôn giáo học, tâm linh học, đạo đức học, giáo dục học, xã hội học, nhân văn học… hãy để tâm chuyên sâu nghiên cứu về lãnh vực này, nắm nguyên lý của nó mà đưa ra chiến lược, kế sách thích hợp để cứu cho xã hội, con người khỏi rơi vào thảm họa. Chính con người phải tự cứu con người chứ không có thần linh nào cả. Giấc mộng ấy sẽ trở thành hiện thực khi thế gian, thế giới này suy đồi. Con người nếu cứ tăng trưởng mãi mọi dục vọng, ác độc, xan tham, nghĩa là không có đạo đức và giới hạnh thì một mai nào đó sẽ phát sinh ngay trước mắt là những cô con gái rất non trẻ chưa đến tuổi vị thành niên sẽ tìm cách sống chung với bọn đàn ông, không kể trẻ, không kể già, cốt là để thỏa mãn dục vọng, hai là bòn rút, kiếm chác bạc tiền. Và rồi, chúng sẽ thụ thai và sinh con. Cái cây non mởn mà sinh hoa kết trái là báo hiệu thảm họa này đấy; kéo theo sự đảo lộn thương luân bại lý cho toàn xã hội, gây nhiễm độc cho nhân sinh… Vậy thì xin thưa, chính chánh pháp mới cứu được cuộc đời, con người chứ không có thần linh nào ở đấy cả! Như thế, xin đại vương đừng lo gì cả vì đại vương đang sống trong chánh pháp!
Tôn giả Mahā Moggallāna đã phát biểu xong. Quả thật kiến giải ấy rất hợp với luận lý, phơi bày một sự thật có thể kiểm chứng được, hiểu được khi con người suy đồi phẩm chất.
Mọi người yên lặng, suy ngẫm cả hai cách lý giải. Không ai phát biểu ý kiến.
Vị quan Bộ Lễ tiếp tục:
– Xin bệ hạ kể cho nghe giấc mộng thứ ba.
Đức vua kể:
– Trẫm thấy một bầy bò cái cùng nhau bú sữa nơi bầy bò con, mà đáng thương thay, bầy bò con ấy mới chỉ sinh ra trong một ngày mà thôi!
Vị chiêm tinh giải đoán:
– Đấy là điềm xấu, điềm dữ liên hệ thần linh nổi giận! Đây là dấu hiệu những giá trị cổ xưa, những tín ngưỡng thiêng liêng từ ngàn năm không còn được tôn trọng, nể vì. Chúng ta đã sống tốt đẹp, được nuôi dưỡng trong những bầu sữa mẹ thiêng liêng của suối nguồn kinh điển Vệ-đà với những lễ nghi, tập tục, tế lễ, phúng tụng, chú thuật… đem thanh bình yên ổn cho xứ sở, được thần linh che chở. Nay nguồn sữa ấy không còn nữa, đã khô cạn. Rồi ai cũng tuân theo những chỉ dụ mới, đạo đức mới, lẽ phải mới cho đến nỗi thần linh cũng đói meo. Giá trị tốt đẹp, linh thiêng ngàn xưa, những người đại diện cho các giá trị cũ, phải sống gởi, sống nhờ vào những chủ thuyết mới là những chú bê non mới sinh được một ngày, có thảm thương không chứ! Than ôi!
Tôn giả Sāriputta thấy đã đến phiên mình, đứng dậy, phản bác lời kiến giải ấy. Tôn giả nói:
– Biện giải ấy hơi áp đặt, chủ quan; nếu không muốn nói là tự bảo vệ cho mình, lại còn quy cho việc thần linh nổi giận hầu gợi ý cho đức vua chí tôn chúng ta phải tổ chức đại tế, trung tế, tiểu tế rất tốn kém hằng ngàn sinh mệnh của súc vật, của chúng hữu tình cùng với những thúng vàng, thúng bạc từ máu mủ thuế khóa của nhân dân! Giấc mộng ấy rất đơn giản, bậc có trí nghe qua, tức hiểu.
Hướng qua đức vua, tôn giả nói:
– Giấc mộng ấy ứng về tương lai, liên hệ nhân sinh chứ không phải thần linh. Khi đạo đức, luân thường của xã hội không còn được duy trì thì thế hệ người già, bô lão không còn được tôn trọng nữa! Vào thời ấy, con cái không còn biết kính trọng cha mẹ hay nhạc phụ, nhạc mẫu của mình. Chính chúng làm ra tiền, ra bạc nên sẽ cai quản tài sản gia đình. Và nếu vui, chúng sẽ cho cha mẹ thức ăn, áo mặc; còn nếu không thích, do buồn bực, chúng sẽ hất hủi cha mẹ và chỉ cho ăn, cho uống một cách lấy lệ, cầm chừng. Và lúc ấy, lớp người già yếu cô độc, sống rất thiếu thốn, hoàn toàn lệ thuộc vào con cháu, lây lất qua ngày tùy theo ân huệ ban bố của cháu con mình giống như bò cái bú sữa bò con một cách tội nghiệp! Đây là hiện tượng báo triệu nhân luân suy đồi, con cháu bất hiếu chứ không liên hệ gì đến thần linh cả. Xin đại vương sáng suốt, anh minh để nhận ra sự thật ấy và tất thảy cử tọa thính chúng đồng suy ngẫm!
Đức Phật mỉm cười, nhẹ gật đầu. Đức vua cũng gật đầu, áng chừng là đã thấu hiểu. Và rất đông cử tọa như đồng thuận lời giải đoán của tôn giả Sāriputta hơn.
Lần này thì đức vua kể giấc mộng thứ tư của mình:
– Trẫm thấy người ta buộc những con bò lực lưỡng vào một nơi, rồi đem cả đàn bò con buộc vào những cỗ xe lớn, bắt kéo xe. Thế là đàn bò con, do sức yếu nên xe không chuyển dịch được, cứ đứng yên như thế. Thật lạ đời. Các thầy chiêm tinh cũng bảo là điềm xấu, điềm dữ, phải lo cúng tế nhưng không cho trẫm biết lý do tại sao! Trẫm lo lắm!
Đây là lời giải của phe chiêm tinh gia:
– Cũng là điềm dữ, điềm xấu mà thần linh đã báo triệu cho đức vua. Thần linh nhắc nhở rằng, đức vua phải biết quý trọng, tôn trọng các lão thần đã có công với xã tắc từ thời tiên đế. Đấy đa phần là các bà-la-môn trọng thần hoặc hoàng gia quý tộc lão niên đảm nhận, duy trì các chức vụ trọng yếu thì giang sơn mới ổn định được, tâu đại vương! Còn nếu dùng các lớp trẻ, trẻ người non dạ, chưa trưởng thành, thiếu kinh nghiệm thì làm sao gánh nổi trọng trách quốc gia? Xin đại vương phải biết lễ tạ thần linh về sự báo triệu ấy! Đàn bò con mà bắt kéo xe, đàn bò mạnh mẽ lực lưỡng thì đem buộc vào một nơi, cho ngồi chơi xơi nước thì uổng phí nhân tài quốc gia!
Tôn giả Mahā Moggallāna gật đầu:
– Đúng! Tôi cũng giải đoán như thế. Nhưng đây là dự báo về những ông vua bất minh, vô học, không có giới hạnh trong tương lai. Do dục vọng, xan tham, ngu dốt không biết tôn trọng, tin dùng những bậc hiền triết, những nhà thông thái, trí thức, học giả; những người am hiểu lịch sử, văn học, luật pháp cổ kim, những vị cố vấn đa mưu túc kế… để cùng lãnh đạo, cầm cán cân điều hành, có tâm, có tầm để làm cho dân giàu, nước mạnh. Các vị có đạo đức và trí tài này bị đức vua quản thúc, cột lại một đống, một chùm quăng vất một bên, không dùng nữa; vì họ hay nói ngay, nói thẳng, liêm khiết và chính trực; họ chỉ biết nghe lời phải, không biết nịnh bợ, cúi luồn, không chịu bán rẻ lương tâm vì quyền lợi vật chất! Đức vua chỉ sử dụng người nào giỏi ăn, khéo nói, biết quỳ gối, biết khom lưng; kẻ nào biết đem đến nguồn lợi, tạo tiện nghi cho ông ta hưởng thụ ngũ dục đến đỗi bóc lột dân đen cũng không sao. Thời này không còn nói đến công bằng và lẽ phải nữa. Trên pháp đình, những vị quan tòa béo nục, béo tròn, mặt đỏ gay, ai hối lộ cho y nhiều tiền thì thắng cuộc, trắng án; ai không biết luật của đồng tiền vàng thì ở tù rục xương, bị tử hình, bị đóng gông, khắc dấu lưu đày! Các vị quan mới, đa phần là trẻ, thiếu mọi kiến thức chuyên môn nhưng nhờ là con cháu trọc phú hoặc bọn chúng cùng ở một vây cánh, được cất nhắc đưa lên quan to! Vậy là đám người này, đủ mọi thành phần ngu dốt, thiếu đạo đức, vô học lại đảm nhận trách nhiệm lớn lao thì làm sao đủ sức? Giềng mối quốc gia không nghiêng ngả, không điên đảo, không rơi vào vực thẳm mới là chuyện lạ!
Tâu đại vương! Chuyện này chưa xảy ra ở đây. Hiện tại, đức vua không tin dùng một số lão thần và có tin dùng một số người trẻ tuổi thì chưa phải là điềm dở, điềm xấu mà ngược lại, là điềm tốt, điềm hay! Tại sao vậy, tại vì các vị lão thần ấy đã suy kiệt năng lực, trí não đã lão suy, đạo đức đã giảm sút mà cứ mãi ăn trên ngồi trước, tự tại, tự thị trên đầu thiên hạ mà phán quyết, mà kể công! Hạng đại quan ấy cho nghỉ về vườn là đúng! Còn lớp trẻ, tuy trẻ thiệt, nhưng đã qua trường lớp đào tạo chính quy, thâu hái những kiến thức chuyên môn tại đại học Takkasilā nổi danh xưa nay thì tùy trí tài mà đặt đúng nơi đúng chỗ! Dùng họ là anh minh, sáng suốt. Đây chính mới là đàn bò thanh niên, sung sức, lực lưỡng nên để họ kéo xe! Phải biết thu dụng, khuyến khích và nâng đỡ hiền tài. Xin đại vương hãy yên tâm! Điềm báo triệu kia chỉ để dành cho những quốc gia suy đồi, băng hoại bất kể nơi đâu, khi đạo đức, lẽ phải, tình thương xuống cấp, và dục vọng, ngu si, dốt nát lên ngôi!
Tôn giả Mahā Moggallāna ngưng nói đã lâu mà mọi người không ai có ý kiến gì. Họ có vẻ suy nghĩ. Dầu sao, bên nào cũng đúng cả nhưng có khác là phải cúng tế thần linh hay không cúng tế thần linh mà thôi. Mọi người thông qua.
Đức vua kể giấc mộng thứ năm:
– Trẫm mơ thấy một con ngựa hai bên có hai cái mồm. Rồi nó ăn cả hai mồm cùng một lúc?
Nhóm chiêm tinh giải đoán:
– Là điềm xấu, điềm dữ. Nếu không cúng tế thần linh với đầu và máu súc vật thì sau này, người ít mà súc vật nhiều, chúng sẽ ăn hết vật thực của mọi người, như con ngựa mà ăn cả hai mồm cùng một lúc vậy!
Tôn giả Sāriputta mỉm cười:
– Các quan chiêm tinh đã đi quá xa rồi. Đây chỉ là điềm báo triệu tương lai, khi ông vua bất minh, tham lam thì triều đình cũng tham lam, bất chánh. Những vị phán quan đáng lẽ ra phải cầm cán cân công lý cho công minh, phải chính trực và liêm khiết nhưng chúng vơ vét của hối lộ vào cái túi tham không đáy. Chúng tìm cách ăn cả hai bên, cả bên nguyên và bên bị – như con ngựa có hai cái mồm cùng ăn một lúc vậy. Rõ ràng là như thế. Xin hội đồng sáng suốt phân định đúng sai!
Mọi người nghiêng về kiến giải của tôn giả.
Đức vua kể giấc mộng thứ sáu:
– Trẫm thấy có người cầm cái bát vàng quý báu đáng giá một trăm ngàn đồng tiền vàng kahāpaṇā lại đưa ra mời một con chó rừng già nua tiểu tiện vào đấy! Điềm triệu gì mà quái gở quá sức?
– Vẫn là điềm dữ, điềm hung! Cái bát vàng quý giá là tượng trưng cho vận mệnh quốc gia và những giá trị thiêng liêng của đất nước. Vậy, vận mệnh quốc gia và những giá trị thiêng liêng ấy phải biết giao phó cho tập cấp quý phái, cao sang, thượng đẳng của xã hội thì mới tương xứng. Xin đại vương hãy thận trọng đừng sử dụng, cất nhắc những người không xứng đáng như con chó rừng già nua lại tiểu tiện nơi cái bát vàng, nếu không thần linh sẽ nổi giận!
Đến chỗ này, chợt nhiên đức vua cười ha hả, hào sảng:
– Được lắm! Các ngươi lúc nào cũng thần linh, thần linh! Rồi còn nói cạnh, nói khóe trẫm đã cất nhắc một số vị quan trẻ thuộc hai cấp dưới là vệ-xá và thủ-đà-la! Họ có trí tài lắm đấy! Họ không phải là kẻ hạ lưu đâu! Họ không phải là chó rừng già nua đâu!
Tôn giả Mahā Moggallāna cũng mỉm cười:
– Họ nói cũng có phần đúng, tâu đại vương! Và con chó rừng già nua kia có lẽ là những người già lão thiểu trí, liệt tuệ, thiếu đạo đức, thiếu tất thảy mọi khả năng để có thể điều hành, quản lý chuyện trọng đại của quốc gia! Tuy nhiên, đây chỉ là tiên tri thuộc về tương lai, nhưng đại vương nên để tâm ngay từ bây giờ cũng không muộn! Điều đáng nói nữa là, hạ lưu, hạ đẳng ở đây không ám chỉ giai cấp mà muốn nói đến sự thối đọa, xuống cấp của con người; kẻ thiếu nhân cách, kẻ đã đánh mất phẩm giá của mình, tâu đại vương!
Các vị quan chiêm tinh và một số lão thần đã tự xét mình nên xấu hổ cúi mặt. Đức vua biết nhưng cứ giả vờ không biết, kể tiếp giấc mộng thứ bảy:
– Trẫm thấy một người đang đan bện một sợi dây thừng. Sợi dây ngày một dài, được thả xuống đất, lượn ra sau chỗ ghế ngồi. Một con chó rừng, ốm giơ xương, ngồi chồm hổm bên sau, có vẻ do quá đói nên cứ hễ sợi dây thừng dài ra được khúc nào thì nó gặm ngay khúc ấy mà người đan bện chẳng hề hay biết. Thế là thế nào hở các quan chiêm tinh?
Đức vua hỏi hồi lâu mới có vị đứng dậy tâu:
– Chúng thần không dám đoán nữa, vì nếu có đoán, có luận giải gì thì cũng không ra ngoài việc cúng tế thần linh và những kiến giải bảo vệ tập cấp và truyền thống tín ngưỡng cổ truyền. Điều này, chúng hạ thần không có lỗi; vả chăng, tất thảy đều phát xuất từ kinh điển Vệ-đà mà chúng hạ thần đã được học từ tấm bé!
Đức vua cười giòn:
– Ừ, nếu nói vậy thì tốt! Nói vậy chứng tỏ các khanh đúng là bậc thức giả! Sau khi trẫm học hiểu được chút ít giáo pháp của đức Thế Tôn, một giáo pháp có trọng tâm là hoàn thiện những phẩm tính cao đẹp của con người, trẫm không còn tin vào hệ thống, trật tự, quy định phẩm chất con người tùy thuộc các giai cấp nữa. Đâu phải cứ hai giai cấp trên là tốt, là hay, còn hai giai cấp dưới là xấu, là dở! Bằng chứng là chánh hậu của trẫm, tuy thuộc giai cấp thủ-đà-la, nhưng kẻ khó tính nhất, bảo hoàng hay xét nét nhất cũng phải công nhận tư cách, phẩm hạnh của nàng đúng là bậc mẫu nghi thiên hạ! Trẫm chán lắm rồi những cái quy định, những cái phạm trù, những cái ước lệ được xem như là thước đo, những chân lý có sẵn ấy!
Có những tiếng lời lao xao:
– Đúng là bậc minh quân!
– Những thấy biết, kiến giải ấy rất mới mẻ, đã đi ngoài truyền thống nhưng rất thuyết phục, tiến bộ!
Đức Phật bây giờ mới lên tiếng:
– Hay lắm! Đại vương và triều thần đều đã trực nhận được một phần tinh tủy giáo pháp của Như Lai! Một giáo pháp không có thần linh, nói cách khác, không nô lệ thần quyền, mà trọng tâm là vì con người và cho con người; những thấy biết khổ đau, phiền não cùng sự tu tập làm sao để giải trừ, làm cho vắng mặt, tịch diệt những khổ đau và phiền não ấy! Mỗi người phải tự nắm vận mệnh, định mệnh mình mà lên đường; khổ hay lạc, sinh tử hay Niết-bàn đều nằm nơi tấm thân một trượng này cùng với cảm giác và tri giác này!
Đức vua khẽ cúi đầu:
– Tri ân đức Tôn Sư! Rồi đức vua đưa mắt nhìn khắp triều cung, cất giọng dõng dạc – Trẫm không cần các chiêm tinh gia đại thần đoán mộng nữa. Các vị nói như thế nào, đoán như thế nào thì chỉ có một quyển sách, và trẫm cũng đã tiên đoán được quyển sách ấy nói gì, phán như thế nào! Trẫm chỉ cần nghe những lời khuyên, những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai như thế nào để tự răn giữ mình. Bây giờ, xin nhị vị thượng thủ của giáo hội tiếp tục giải minh giấc mộng thứ bảy của đệ tử.
Hai vị tôn giả đồng thanh nói:
– Xin tuân mệnh đại vương!
Rồi tôn giả Sāriputta nói:
– Giấc mộng này sẽ trở thành hiện thực, một vị lai nào đó khi đức vua, bá quan bất chánh, xã tắc suy đồi, đổ nát; mọi giá trị tinh thần bị xem nhẹ, coi khinh thì con người sẽ sa đọa, xuống cấp, bản năng và thú tính lên ngôi, ai cũng tìm cách hưởng thọ ngũ dục. Cha mẹ chăm chỉ làm ra của cải, tài sản thì con cái phá tán để ăn chơi phè phỡn, đàn đúm, cờ bạc, rượu chè! Chồng làm ra bạc tiền, lúa gạo thì bà vợ lăng loàn bớt xén để hú hí, ngoại tình với trai. Vợ đảm đang, đầu tắt mặt tối ruộng đồng, nương vườn, ao cá, trồng dâu nuôi tằm thì chồng phung phí với bạn bè, gái điếm, thanh lâu… Những công phu đan bện những sợi dây thừng bị con chó rừng núp bên sau ăn hết là ám chỉ người trong một gia đình ăn chặn, gặm khới chứ không phải người xa lạ, tâu đại vương!
– À, à! Đức vua chợt nói – Trẫm nhớ lầm, dường như là con chó cái thì phải!
– Nếu vậy thì ứng vào nữ nhân! Tôn giả tiếp tục giải đoán – Nữ nhân không còn biết việc tề gia nội trợ nữa, chỉ biết ăn chơi phóng đãng, đánh cắp tiền bạc của cải của cha mẹ hoặc của chồng con để chạy theo bọn đàn ông vô lại. Bọn nữ nhân này chỉ biết trang điểm vòng hoa, sáp thơm, xiêm y diêm dúa bòn rút sản nghiệp của những người chồng khốn khổ, tội nghiệp để du hí với tình nhân!
– Trẫm hiểu rồi! Còn bây giờ là giấc mộng thứ tám.
Trẫm thấy chính giữa hoàng môn có một cái bình lớn, trang trí châu báu, cực quý, nước đầy tràn; còn xung quanh là những chiếc bình đất xấu xí, sứt mẻ, bên trong khô nước. Rồi từ khắp bốn hướng có bốn dòng người có đủ bốn thành phần giai cấp sát-đế lỵ, bà-la-môn, vệ-xá, thủ-đà-la, liên tục đội những ghè nước đổ vào bình lớn, nước đã đầy tràn rồi nhưng họ cứ đổ hoài, đổ mãi! Chẳng ai thèm để ý những chiếc bình đất khô nước ở xung quanh! Ồ, thật là lạ lùng!
Tôn giả Mahā Moggallāna đáp:
– Chẳng lạ lùng gì cả, tâu đại vương! Chuyện đó sẽ xảy ra trong tương lai. Đây là thời đại của những vua chúa bất chánh, đa đâm dục, hư đốn, độc tài, độc quyền, độc trị, bắt cả bốn giai cấp trong xã hội cung phụng cho mình, cho hoàng gia, cho bầu đoàn thê thiếp, cung phi, mỹ nữ của mình. Dân chúng nai lưng ra làm việc. Họ quần quật cày bừa, đồng sâu đồng cạn, gieo lúa, trỉa hạt… đến khi thu hoạch phải nộp cho triều đình, đã đầy tràn thì đầy tràn thêm nữa, còn kho lẫm của họ thì trống trơn! Việc trồng mía làm đường, nấu mật, các loại hương hoa, cây trái khác cũng tương tợ vậy… phải nộp hết cho bọn thống trị, dân chúng không còn gì, đâu dám liếc mắt trông xem gia đình mình no đói ra sao!
– Quả thật có cái loại vua chúa như vậy sao, thưa đại đức?
– Khi nhân tâm, đạo đức suy đồi thì con người còn độc ác và tồi tệ hơn cả sài lang, rắn rít, tâu đại vương!
Một hồi, đức vua kể lại giấc mộng thứ chín:
– Trẫm thấy một hồ nước sâu có bờ cao bao quanh, mọc đầy năm loại hoa sen. Lạ lùng là bốn phía bờ hồ, nước cạn, lại trong trẻo, các loài vật hai chân, bốn chân kéo xuống tha hồ uống nước, vọc nước, tắm rửa. Chính giữa hồ, nước sâu lại đục ngầu như quấy bùn; chẳng có con thú nào dại khờ ra đấy cả. Thế là sao, chư đại đức?
Tôn giả Sāriputta trả lời:
– Giấc mơ này trong tương lai sẽ trở thành hiện thực khi vua chúa vơ vét, bóc lột của dân cả bốn giai cấp tương tợ như giấc mộng trước. Không còn đạo lý, không còn công lý, chỉ có lẽ phải của tiền bạc cùng sự gian ác. Bọn này không có một chút xíu thương xót, yêu mến dân chúng; họ chà đạp bầy tôi như ép mía và đánh thuế đến độ dân chẳng còn một đồng xu dính túi. Vì không còn sống nổi nữa khi sưu thuế cứ mãi gánh nặng trên lưng; họ bỏ phố, bỏ thành, bỏ làng mạc, dắt díu nhau đến sống tại những miền biên địa rồi khai hoang lập ấp ở đấy. Thời gian sau, ở những nơi này trở thành những xóm làng sầm uất, dân cư đông đúc và đời sống ấm no. Chuyện này ứng hợp hiện tượng nước bốn bờ hồ trong vắt là nơi dân chúng vui vẻ sinh sống, còn giữa hồ đục ngầu là do kinh thành điêu tàn, đổ nát không còn dân cư ở đấy nữa!
Đức vua gật gật đầu, kể tiếp giấc mơ thứ mười:
– Trẫm thấy cơm sôi trong nồi nhưng mà sao trông nó lại lộn chộn, lạo chạo chứ không được khuấy đều. Khi bưng xuống bếp thì nồi cơm chia làm ba phần rõ rệt: Phần nhão nhoẹt, phần thì sống sượng, chỉ có một phần chín trông thật ngon lành! Điềm triệu gì mà lạ vậy, thưa đại đức!
Tôn giả Mahā Moggallāna đáp:
– Cũng tương tợ vậy, chúng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai. Vua chúa bất công, các quan đại thần bất chính kéo theo các bà-la-môn gia chủ, trưởng giả, thị dân, nông dân cũng thế, trở thành bất chánh cả. Kế đó là các vị thần linh mà chúng tôn thờ, tế lễ như thọ thần, sơn thần, hải thần, giang thần, địa thần cũng trở thành bất chánh luôn! Rồi thì những cơn gió thổi qua lãnh thổ của vị hôn quân bất chánh ấy sẽ trở thành những trận cuồng phong, điên đảo, hỗn loạn, làm rung chuyển các đền đài, cung điện trên thiên giới khiến Tứ đại thiên vương bực mình, chư thiên phẫn nộ làm cho thời tiết, khí hậu, mùa tiết chuyển đổi thất thường, mưa nắng bất trắc. Chỉ trong một vùng, một miền mà chỗ này thì nắng hạn, khô cháy đất đai, ruộng đồng, vườn tược, cây trái, hoa màu bị thiêu cháy, vàng úa; chỗ kia thì lũ lụt, úng thủy làm cho ngũ cốc bị ngâm trong làn nước bạc. Tuy nhiên vẫn có được một vài xóm làng hiền lương, có đạo đức thì mưa thuận, gió hòa, dân chúng có được cái ăn, cái mặc. Hiện tình đất nước có khác gì nồi cơm chia làm ba phần khác nhau như giấc mộng của bệ hạ đâu?
Đức vua đáp:
– Đúng là vậy! Nhưng mà trẫm thắc mắc, rằng là chư thiên mà cũng nổi giận hay sao?
– Không những chư thiên mà Đế Thích thiên chủ đôi khi cũng tham lam, nóng nảy, ganh tỵ kia mà! Họ chỉ là chúng sanh thôi, tâu đại vương! May nhờ có chút ít phước báu mà sinh thiên giới, nhưng họ cũng đầy rẫy tham sân si như con người vậy! Họ cũng thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét mà sinh ra nhiều chuyện điên đảo, thị phi lắm chớ!
Đức vua kể giấc mộng thứ mười một:
– Trẫm thấy một người, hình dáng chẳng giống tăng, chẳng giống tục đã đem lấy gỗ chiên đàn trị giá cả trăm ngàn đồng tiền vàng để đổi lấy một muỗng bơ tươi để ăn, không dính răng. Sao có kẻ tham ăn ngu ngốc đến thế?
Tôn giả Sāriputta đáp:
– Điềm triệu này vừa ứng hợp với tình trạng đất nước suy đồi trong tương lai mà cũng ứng hợp lúc giáo pháp suy tàn. Bọn vua chúa đục khoét, hút máu mủ của dân chưa đủ; chúng còn cắt từng phần đất đai, lãnh thổ đem bán, đổi chác hoặc sang nhượng cho ngoại bang, cho bọn trọc phú cơ hội vừa ngoi lên để vinh thân phì gia, ăn chơi du hí, thỏa mãn ngũ dục thấp hèn! Đấy, đấy, có khác gì lấy gỗ trầm hương quý báu, đáng giá trăm ngàn đồng tiền vàng để đổi lấy một muỗng bơ tươi? Ôi! Cái đó, xem vậy mà chưa nguy hại khi đem so vào thời buổi chánh pháp suy tàn. Thời ấy, nhiều ông tỳ-khưu tham lam, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi sẽ xuất hiện nhiều như lá vàng mùa thu, chúng thuyết giảng giáo pháp chỉ với mục đích miếng cơm manh áo chứ không phải mục đích cao thượng! Chúng sẵn sàng từ bỏ chánh pháp, giáo hội để chạy theo bọn tà giáo, hàng ngũ của quỷ ma miễn là được no thân, ấm cật, rủng rỉnh bạc tiền, danh vọng, địa vị, lợi dưỡng! Chúng dùng đủ mọi lời lẽ hoa mỹ, dịu dàng, ngọt như đường mật, có vẻ trí thức, cao siêu để dụ dỗ quần chúng nhẹ dạ, cả tin. Chúng cúi đầu, khòm lưng để luồn lọt chỗ này, chỗ khác. Chúng ngồi ở đại lộ, góc đường, giảng đường, đền miếu to nhỏ. Chúng ton hót, nịnh bợ để được ghế ngồi cao, được nổi tiếng. Giáo pháp cao quý, thiêng liêng, trong sạch, thánh hạnh, nhưng khi mà chúng thuyết giảng thì mục đích lại bốc mùi hạ liệt, hơi đồng, hơi bạc, hơi vàng, thực phẩm thượng vị, y phục đắt tiền thì có khác gì đem đổi chiên đàn hương để lấy một muỗng bơ tươi? Thế đấy, cái con người ấy trông chẳng giống tăng, chẳng giống tục là vì vậy, có lẽ giống ngạ quỷ, có phải vậy không đại vương?
Đức vua nói:
– Trẫm hiểu rồi! Hiểu rất thấm thía nữa là đằng khác. Bây giờ trẫm lại kể thêm giấc mộng thứ mười hai.
Nó như thế này: Trẫm thấy dây bầu, dây bí rỗng ruột mà sao chúng lại chìm xuống nước, chìm sâu trong nước?
Tôn giả Mahā Moggallāna trả lời:
– Đây cũng là báo triệu thuộc thời vị lai. Sẽ có thời mà thế giới điên đảo, trí ngu điên đảo; bọn vua chúa do tham ác và ngu si nên không tin dùng giới trí thức nữa mà chỉ ưu đãi bọn hạ đẳng, bọn vô học có cái tài bẻm mép môi lưỡi và biết cúi luồn, nịnh bợ. Tại triều đình, cung môn, pháp tòa, các trấn thành, những chức vụ trọng yếu, quyền cao, bổng lớn đều là của bọn hạ đẳng, là nơi thao túng của bọn bụng to nhưng rỗng óc này. Đấy, chúng là những dây bí dây bầu rỗng ruột mà có sức nặng ghê gớm có thể khuynh loát cả tổ quốc, giang san! Trong hội chúng tỳ-khưu cũng thế! Nơi các cuộc đàm luận, hội thảo lớn nhỏ, trong việc cúng dường thực phẩm, y phục, sàng tọa, dược liệu; kể cả việc xây cất chùa tháp… ở đâu cũng là ý kiến quyết định của bọn tỳ-khưu ác dục, vô trí, vô giới, còn ý kiến của các vị có giới hạnh, thiểu dục, tri túc thì không còn được ai xem trọng nữa. Đấy cũng là hiện tượng suy đồi chung, tâu đại vương!
Đức vua kể giấc mộng thứ mười ba:
– Trẫm thấy những tảng đá to lớn bằng cả ngôi nhà nhưng lại nổi bồng bềnh trên nước, từ đoạn sông này sang sông khúc kia như thuyền bè không khác?
Tôn giả Sāriputta đáp:
– Cũng tương tợ như trên, tâu đại vương! Những tảng đá lớn, nặng ấy tượng trưng cho giới có học, là tri thức của xã hội; họ bị coi khinh, xem nhẹ nên chúng nổi lềnh bềnh nơi này và nơi khác như bèo dạt hoa trôi thấy mà xót thương! Trong hội chúng tỳ-khưu cũng thế! Lời của các bậc tôn trưởng, các bậc tối thắng về giới, định và tuệ đối với bọn ác tăng đâu có nghĩa lý gì, chỉ như những tảng đá nổi lềnh phềnh, trôi dạt nơi này đến nơi khác. Quần chúng chỉ biết nghe theo bọn tà hạnh, bất chánh, ác dục ấy nên đời sống tinh thần của xã hội đã đen tối lại càng đen tối hơn! Nhưng biết làm sao được, có lúc, trên thế gian này, khi chánh pháp suy đồi, các giá trị thượng đẳng, thanh cao, thù diệu được thay thế bởi các giá trị hạ đẳng, thấp hèn, tối tăm thì những cái gì thiêng liêng, cao khiết nhất cũng trở nên nhẹ phều, không trọng lương, phải lang thang, bập bềnh, trôi dạt tại các sông cái, sông con nơi trần thế; không còn ai tin dùng và sống theo những giá trị ấy nữa! Chúng xưa rồi, cũ rồi, lạc hậu rồi! Đến lúc này thì không những bậc trí thở dài, các nhà đạo đức cay mắt mà cát đá vô tình cũng phải thở dài, cũng cay mắt, tâu đại vương!
– Hay lắm! Đại đức ví von hay lắm! Trẫm thấm thía tận ruột gan! Cảm ân đại đức lắm lắm! Còn bây giờ là giấc mộng thứ mười bốn.
Trẫm thấy những con nhái bén cỡ bằng mấy cánh hoa nhỏ tí tẹo lại nhanh nhẹn săn bắt những con rắn khổng lồ, cắn đứt chúng ra từng khúc như các ngó sen rồi nhai nuốt ngấu nghiến, chốc lát là sạch trơn. Việc gì sẽ xảy ra từ cái điềm triệu kỳ quặc ấy, thưa đại đức?
Tôn giả Mahā Moggallāna mỉm cười:
– Những con nhái bén nhỏ tí tẹo ấy chính là những cô gái trẻ, đẹp, non tơ, xinh xắn; chúng đã bắt hồn, đã hớp hồn những ông lớn trong xã hội từ vua chúa, các quan đại thần, các vị tổng trấn, các đại triệu phú, các đại danh gia, doanh gia, các đại gia chủ bà-la-môn, các giáo chủ và các đại giáo chủ, các vị trụ trì, các vị phó trụ trì, chức sắc lãnh đạo giáo hội lớn, giáo hội nhỏ… đấy, tâu đại vương! Khi mà dục vọng hưởng thụ lên ngôi chúa tể thì tửu sắc chính là chiếc mồ chôn biết bao trang nam nhi hảo hán trên đời. Những hầu non, thiếp non, bê non, gái non ấy, với thân xác nõn nà, nụ cười lả lơi, khóe mắt đong đưa, mùi hương quyến rũ, ăn mặc gợi tình… đã làm cho thế gian điên đảo, thành trì nghiêng ngả, tôn miếu, xã tắc điêu linh họ đã cắt khúc danh dự, địa vị, quyền lực, bạc tiền, sự nghiệp của nam nhân, thanh niên, trung niên, lão niên mà nhai nuốt ngấu nghiến thì có lạ gì đâu? Đây là thời suy đồi, ngũ dục được tôn vinh, và cái của nợ của đàn ông, đàn bà được tôn thờ trên các đền miếu, thánh miếu! Thế gian lúc ấy chỉ còn biết nô lệ vào đám con gái trẻ măng; quỳ gối, hầu hạ và tôn xưng chúng là nữ vương khoái lạc! Đến lúc này lại bắt đầu xuất hiện thêm những tôn giáo, tín ngưỡng lấy chuyện bí quyết phòng the, dâm dục nam nữ để mà tu tập, mà hành trì cho đến nơi giác ngộ, giải thoát đấy, tâu đại vương!
– Thật là kinh khiếp – Đức vua nói – Nữ nhân phước mỏng, nghiệp dày nhưng mà tham vọng, dục vọng có người còn mãnh liệt hơn cả đàn ông! Phải có biện pháp chế tài mới được!
– Luật Manu đã chế tài, đã giới hạn trí thức, quyền lợi cũng như các chức năng của họ trong xã hội rồi đấy, tâu đại vương!
– Nhưng cái luật ấy, đem áp dụng lâu ngày thì lại biến nữ nhân thành một loại nô lệ mới, trở thành bất bình đẳng một cách oan nghiệt!
Tôn giả cất giọng điềm đạm:
– Phải gỡ thoát cho họ, chút ít, từ từ như đức Tôn Sư đã từng chế tài ni giới trong bát kỉnh pháp, nhưng phải tôn trọng họ để họ phát triển mọi khả năng có thể. Tuy nhiên, chỉ một thời gian tồn tại nào đó thôi, đến lúc ni chúng họ xé bỏ bát kỉnh pháp, họ đòi bình đẳng, ngang hàng với tỳ-khưu tăng, đôi khi họ còn lãnh đạo và sai bảo tỳ-khưu tăng; còn cả gan truyền thụ giới pháp cụ túc cho tỳ-khưu tăng nữa. Lúc ấy thì chánh pháp đã suy tàn, chiếc y cà-sa chỉ còn là một mảnh vải vàng vắt qua lỗ tai mà thôi!
Đức vua thở dài.
Tôn giả nói tiếp:
– Chánh pháp mà cũng còn thành, trụ, hoại, vong – huống gì phi pháp, huống gì những chế định của thế gian pháp, tâu đại vương! Hãy kể lại giấc mộng thứ mười lăm đi thôi, đại vương!
– Vâng, vâng! Đức vua kể tiếp – Trẫm thấy một con quạ đồng quê đầy đủ mười ác hạnh, lại được một đoàn tùy tùng gồm toàn chim quý hộ tống, đó là loài chim có lông màu vàng ánh được gọi là kim nga vương giả theo hầu hai bên! Điềm gì lạ vậy, đại đức?
– Cũng dễ hiểu thôi, đại vương! Sẽ có thời đảo lộn quyền lực, tập cấp, địa vị trên thế gian này. Những người thuộc giai cấp dưới đáy xã hội như thủ-đà-la, chiên-đà-la bị bóc lột, áp bức lâu ngày tức nước vỡ bờ, họ vùng dậy với đao gươm, giáo mác, cung tên, búa rìu… để lật đổ những tên bạo chúa… rồi lên ngôi, cai trị đất nước. Bọn này đa phần vô học, ngu si, nghiệp dày nên tham ác, bất chánh… tương tợ như con quạ đồng quê với mười ác hạnh không khác. Giới cấp lãnh đạo xã hội mới này cùng tập cấp với vua chúa mới… như cày ruộng, thợ săn, hớt tóc, thợ gốm, thợ làm cung tên, thợ xây, thợ hồ… nắm mọi chức vụ, quyền hành nên tha hồ tham nhũng, vơ vét của công để thành những chủ nhân ông mới, trưởng giả mới, trọc phú mới. Thế rồi, thành phần trí thức, có học trong xã hội, ban đầu thì bất cộng tác, muốn giữ gìn sự trong sạch cho mình nên không chịu thò chân vào vũng nước đục. Sau, do miếng cơm, manh áo, do gia đình đói khổ, túng quẫn quá họ đành phải theo hầu, làm thuộc hạ giai cấp mới. Và đây chính là hình ảnh loài kim nga vương giả phải theo làm tùy tùng con quạ đồng quê có mười ác hạnh đấy, tâu đại vương!
– Thật là tội nghiệp! Đức vua thở dài, tâm sự – Trẫm du học đại học Takkasilā bảy năm, thuộc thành phần sinh viên ưu tú, thâu hái được chút ít kiến thức, hiểu biết để cai trị đất nước. Thế nhưng, đôi khi còn tự thẹn, tự giận mình sở học không tới nơi tới chốn! Thế mà, ở đây, bọn không biết chữ, vô học lại lên nắm quyền lãnh đạo… đúng là đại họa cho nhân gian rồi!
Tôn giả Sāriputta lại mỉm cười:
– Đấy cũng là định luật của thế gian pháp, đại vương! Bọn vua chúa vô học kia, một thời gian sau thấy rõ cái bất tài của mình nên họ sẽ tìm cách chiêu mộ người tài, kẻ có học vào các chức vụ như phụ tá, tham mưu, cố vấn… Chưa thôi, họ còn cho con cháu đi du học tại Takkasilā hoặc thuê mướn các bà-la-môn thông thái, uyên bác để dạy dỗ cháu con mình. Rồi, thế hệ tiếp nối cai trị đều là dòng dõi, huyết thống của họ; lại trở thành hoàng gia mới, quý tộc mới… rồi họ lại bóc lột, áp bức giai cấp thủ-đà-la mới, chiên-đà-la mới! Thế gian vốn vậy, vốn loanh quanh luẩn quẩn vậy, tâu đại vương!
Đức vua kể tiếp giấc mộng thứ mười sáu:
– Xưa nay, hổ báo săn bắt sơn dương; nhưng ở đây trẫm thấy sơn dương lại săn bắt hổ báo rồi xé xác ăn rau ráu! Còn nữa, bầy chó sói vừa thoáng thấy bóng đàn dê từ xa liền hoảng hốt bỏ chạy, trốn mình trong các lùm bụi. Đây cũng là điềm triệu thế gian điên đảo, phải vậy không, đại đức?
– Đúng vậy – Tôn giả Mahā Moggallāna gật đầu – Đấy là thời mà bọn hạ đẳng được nắm quyền cao chức trọng, được nhiều quyền lợi, ân sủng của vua chúa trong lúc đám quý tộc, trí thức lại rơi vào cảnh bần cùng, tối tăm. Vì có nhiều thế lực trong chốn công quyền và tại pháp đình nên bọn hạ đẳng này tìm cách tước đoạt quyền tư hữu đất đai, nhà cửa, tài sản do tổ tiên để lại của tầng lớp quý tộc, trí thức kia. Khi họ cố bênh vực quyền lợi tư hữu chính đáng của mình trước tòa án với lời lẽ cứng rắn, đanh thép mà sự hợp lý của nó, tượng đá cũng phải gật đầu. Tuy nhiên, ở đây không còn là lẽ phải của công lý mà là lẽ phải của quyền lực và cơ bắp! Đám bộ hạ, tùy tùng của các quan dẫn họ vào phòng kín, lấy gậy gộc đánh đập, nắm cổ quăng vào góc tường, chửi rủa thô bỉ, quát mồm hăm dọa: “Liệu thần hồn đấy, bọn quý tộc, trí thức ngu si kia! Sao? Các người muốn tranh giành với chúng tao ư? Đừng có hỗn láo mà trổ tài lý sự! Nếu không ngoan ngoãn hiến cúng đất đai, tài sản, nhà cửa thì chúng ông sẽ tuần tự hãm hiếp vợ, hãm hiếp con rồi chặt chân tay, thân hình các người ra từng khúc, từng khúc rồi quăng cho chó ăn! Cứ vác đơn lên ông trời mà kiện vì tại thế gian, luật pháp đã nằm trong tay chúng ông rồi!” Kinh khủng bởi đòn tra tấn và sự hăm dọa dã man ấy, bọn người quý tộc, trí thức kia bèn tự nguyện dâng cúng hết tất thảy mọi tư hữu cho các quan hầu kiếm kế an thân! Tuy nhiên, như chim thoáng thấy bóng cây cung đã sợ hãi; cũng vậy, vừa thoáng thấy bóng bọn thống trị mới, đám quý tộc, trí thức đã chạy núp trốn nơi này và nơi khác. Đây chính là hình ảnh ngược đời: Sơn dương săn bắt hổ báo rồi nhai ăn rau ráu và chó sói thoáng thấy dê từ đằng xa đã chạy ẩn vào các lùm bụi!
– Kinh khủng!
– Đúng vậy, quả là kinh khủng! Hiện tình chánh pháp mai sau cũng tương tợ vậy, đại vương! Bọn ác tỳ-khưu đầy rẫy ở cung đình, giảng đường, chùa viện, ở phố, ở thành, thị trấn và làng mạc; và chúng tha hồ khủng bố, hăm dọa, nói lời thô bỉ đối với các bậc tỳ-khưu hiền thiện, chơn chánh… Cho đến khi, các ngài cảm nhận được rằng, tà giáo đã lên ngôi, chánh pháp đã suy tàn, ác tỳ-khưu mọc lên như nấm sau cơn mưa, muốn bảo vệ mình và bảo vệ chánh pháp, buộc họ phải trốn vào động vắng, hang sâu, rừng rậm…
Mười sáu giấc mộng đã giải đoán xong. Cả hội trường, cử tọa thính chúng bàn tán nho nhỏ với nhau, có lao xao chút ít rồi trở lại yên lặng.
Đức vua cất giọng đầy cảm khái:
– Cảm ân nhị vị tôn giả đại đức đã khai tâm, đã mở mắt cho trẫm nhìn thấy rõ hầu như toàn bộ viễn cảnh tương lai khi đạo đức và lẽ phải suy đồi, kéo theo sự suy đồi của con người và xã hội! Vậy thì, trách nhiệm của một vị vua lớn lắm, cao cả lắm mà cũng nặng nề lắm! Vận mệnh của đất nước, sự vui khổ của muôn dân tùy thuộc đạo đức, giới hạnh bản thân của vị vua ấy cùng cán cân nghiêm minh của công lý. Thiếu một trong hai, không được; nghiêng lệch bên này, bên kia, không được! Toàn thể triều đình, các quan hãy ghi nhớ lời trẫm hôm nay!
Đức vua quay qua đức Phật, chấp tay xá thay cho cung cách đảnh lễ của một đệ tử đối với vị chân sư, mở lời trân trọng:
– Đây quả là bài học vô giá, thay mặt cho toàn thể quốc độ Kosala, đệ tử xin tri ân đức Tôn Sư!
BBT Sưu tầm
Thảo luận về post