– Phàm là người xuất gia, phát tâm cất bước đi đến phương trời cao rộng, nghĩa là xuất gia tu hành để cầu giải thoát tự lợi và để truyền bá Chánh pháp, làm cho Phật pháp được tồn tại, phát huy.
Nếu không được như vậy là tạm xen vào trong hàng ngũ chúng Tăng, mang hình thức xuất gia mà tâm niệm đầy tục lụy, ngôn ngữ hành vi chỉ sơ sài bết bát, không thành tựu được điều gì có ích, chỉ muốn tiêu dùng của tín thí.
Hành động, nói năng, tâm tư, suy nghĩ và những tư tưởng của ngày xưa, khi chưa xuất gia, chưa tu tập như thế nào thì bây giờ cũng y nguyên như thế đó không hề thay đổi chút nào. Chỉ sống một cuộc đời hoảng hốt, bập bồng, như vậy không có gì nắm chắc trong tay thì biết lấy gì để nương nhờ trong khi sống và trong khi nhắm mắt? Mình đã không biết lấy gì nương nhờ, thì Phật pháp còn dựa vào đâu để mà tồn tại giữa thế gian cho lâu dài được!
Nếu như mỗi một người trong hàng Phật tử, trong hàng Tăng Ni mà tâm tâm niệm niệm, mỗi người đều có một tâm niệm, phát nguyện mà tự vấn, cảnh tỉnh với lòng mình để có một chí hướng như vậy, thì tất nhiên không hổ thẹn là một người đệ tử xuất gia của Đức Phật khi đã thọ trì giới pháp.
Nhiều lúc Tăng Ni chúng ta băn khoăn tự hỏi: không biết Phật giáo tương lai thế nào? Giả như câu hỏi đó đem hỏi lại nơi chính mỗi một người trong chúng ta, thì sẽ thấy câu trả lời rất thiết thực, thâm thúy.
Muốn biết tương lai Phật giáo như thế nào thì ta phải nhìn lại ta là một vị Tăng sống như thế nào. Nếu một vị Tăng thấy được mình sống như thế nào, một vị Ni thấy được mình sống như thế nào thì biết Phật giáo tương lai cũng như thế đó.
Nếu một vị Tăng, vị Ni, vị cư sĩ hư hỏng thì Phật pháp sẽ hư hỏng. Nếu một vị Tăng, một vị Ni, một vị Phật tử sống chính đáng, trong sáng như Phật pháp thì tương lai Phật giáo sẽ đàng hoàng, rực rỡ chính đáng.
(Trích Khai đạo Giới tử Đại giới đàn tại Đại giới đàn Thiện Hòa)
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
Theo báo Giác Ngộ
Thảo luận về post