Quyển TRUNG PHONG PHÁP NGỮ này được hình thành từ sự tuyển dịch một số bài pháp ngữ của Thiền-sư Trung Phong khai thị đồ chúng trong bộ Thiền-sư Tạp Lục, 3 quyển, in trong Tục Tạng Kinh, tập số 122.
Nội dung sách tấn người học lập chí lâu bền, gan dạ liều chết hạ thủ công phu tham cứu thoại đầu cho đến khi khối nghi bùng vỡ, hoàn toàn liễu thoát sanh tử. Vì thế, Ngài cực lực bài xích cái thói quen tai hại của người học muốn dùng tri giải để hiểu Phật pháp, thiền đạo, làm chướng cửa ngộ, nhất định không thể nào giải quyết được việc lớn sanh tử, mà trái lại còn thêm lớn ngã kiến, kết chặt gốc rễ luân hồi. Lời khai-thị thống thiết đầy nhiệt tình của Ngài có sức thúc giục cảnh tỉnh rất là mãnh liệt khiến người học vừa phấn chí mình, vừa cảm tấm lòng từ bi chỉ dạy của Ngài, mà dốc lòng tinh tấn hành đạo.
Thiền-sư Trung Phong, tên Minh Bổn, họ Tôn, quê ở Tiền Đường, Hàng Châu, sanh năm Cảnh Định thứ tư (1263 T.L.) đời vua Lý Tông triều Nam Tống.
Sư nối pháp Thiền-sư Cao Phong Nguyên Diệu. Vua Nhân Tông nhà Nguyên phong hiệu cho Sư là Phật Từ Quảng Huệ Thiền-sư và ban cho cà sa kim lan.
Ngày 14 tháng 8 năm Chí Trị thứ ba (1323 T.L.) đời vua Anh Tông, Sư thị tịch. Vua Văn Tông ban thụy là Trí Giác Thiền-sư. Vua Thuận Tông ban thêm hiệu là Phổ Ứng Quốc-sư. Sư có trước tác bộ Quảng Lục 30 quyển, đã được biên vào Tích Sa Đại Tạng Kinh tập số 599.
Thảo luận về post