Pháp môn Tịnh độ được phát triển ở Ấn Độ, là một đường lối tu tập gần gũi truyền qua Trung Hoa thì phát triển rực rỡ kể từ thời Tấn với những đóng góp to lớn của tổ sư Huệ Viễn. Ngày nay, tại khá nhiều ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc tông, trong hoạt động của mình, đều chú ý phát huy tu tập theo Tịnh độ. Những buổi sinh hoạt tại chùa dành cho các Phật tử hoặc trong những khóa tu Bát quan trai, đều có dành riêng một mục Niệm Phật, thời gian ngắn dài khác nhau.
TƯỞNG NIỆM HUÝ NHẬT HUỆ VIỄN Ðại Sư – Liên Tông Sơ Tổ (mùng 6/8al)
Huệ Viễn đại sư họ Cổ người Nhạn Môn, bẩm tánh hiếu học, đã thông Nho điển lại giỏi Lão Trang. Nghe Đạo An pháp sư thuyết pháp, ngài khen: “Nào ngờ Phật thừa thâm diệu”, liền xuất gia. Đạo An pháp sư thấy ngài chuyên cần, huyền ký rằng: “Phật pháp sẽ được lưu hành ở phương Đông do Huệ Viễn”.
Thấy cảnh Lô Sơn rộng rãi tĩnh mịch, phải nơi hành đạo, ngài bèn lập tịnh xá Long Tuyền. Được ít lâu, học chúng theo ngài quá đông. Sơn thần báo mộng xin cúng cây gỗ. Sau một đêm mưa to gió bão, cây lớn trong rừng ngã xuống ngổn ngang. Quan Thứ Sử phát tâm dựng tòng lâm cho ngài, để hiệu là “Đông Lâm Thần Vận Tự”.
Tại Quảng Châu, những người đánh cá thấy trên mặt biển lấp lánh ánh sáng, bèn tìm đến xem và vớt được một pho tượng đức Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát rất đẹp, liền đem trình quan Thái Thú. Tôn tượng được cung nghinh về chùa Đông Lâm, tôn trí ở nơi trang nghiêm riêng biệt, gọi là Bát Nhã Đài.
Núi Lô Sơn có rất nhiều rắn độc, đã làm nguy hại đến tánh mạng dân cư trong vùng. Từ ngày cất chùa Đông Lâm, rắn dữ trở nên hiền lành, thường tới chùa nghe kinh.
Đời Đông Tấn, quan phụ chính Hoàn Huyền gởi cho đại sư 2 văn kiện, yêu cầu thanh lọc hàng ngũ xuất gia và giải tán đạo tràng, lấy lý do là đạo Phật hoang đường thiếu thiết thực, không lợi ích cho quốc gia. Trong thời gian ấy, Tăng chúng nước Tàu bị bắt buộc hoàn tục rất nhiều. Đại sư phúc đáp bằng lời lẽ vững mạnh đích đáng, khiến cho riêng tỉnh Giang Tây, núi Lô Sơn, chẳng những sắc lệnh không thi hành được mà còn là nơi trung tâm Phật hóa tại miền Nam.
Mấy năm sau, vua An Đế xa giá đến tỉnh Giang Tây. Quan đầu tỉnh đến tận chùa, yêu cầu ngài xuống núi, nghênh tiếp vua. Đại sư lấy cớ đau yếu khước từ. Hoàn Huyền lại gởi văn thơ bắt buộc. Đại sư soạn văn: “Samôn Bất Kính Vương Giả Luận” gần 5 quyển để phúc đáp. Triều đình từ đấy nể trọng.
Nơi chốn đã yên, ngài đốc thúc đại chúng hành đạo, đào ao trồng sen. Trên mặt nước thả một bông gỗ 12 cánh, dùng định giờ để hành đạo, gọi là liên lậu.
Dần dần những nhà đại trí thức mộ đạo, như Giác Hiền, Phật Đà Gia Xá, Lưu Di Dân, Vương Kiều Chi v.v… đến xin nhập chúng. Tụ tập được 123 người, thành lập Liên xã. Ông Lưu Di Dân làm bài văn phát nguyện khắc vào bia đá. Toàn hội tinh tấn hành đạo ngày đêm 6 thời, lần lượt đều chứng tam muội, đều được vãng sanh, lâm chung đều có thoại ứng.
Ngài từng nói: “Các môn tam muội rất nhiều, nhưng dễ được mà công cao, duy có niệm Phật”.
Kinh luật lưu hành ở Lô Sơn đến gần trăm thứ. Ngài trứ tác bộ “Pháp Tánh Luận”, pháp sư Cưu Ma La Thập được xem, khen rằng: “Ông Viễn ở biên phương, chưa học Đại Niết Bàn kinh, mà lời luận lại hợp lý”.
Ngài trụ Lô Sơn hơn 30 năm, trọn không bước chân xuống núi. Ngày đêm chuyên tâm Tịnh-độ, lặng lòng quán tưởng, khước từ tất cả những liên lạc thế gian, nguyện giải quyết vấn đề sanh tử.
Một hôm có 2 danh nhân. Một nho sĩ, một đạo gia, tìm đến yết kiến. Luận bàn khế hợp, đưa khách ra về, đại sư bất giác bước chân xuống cầu. Chợt nghe hổ rống, 3 người bừng tỉnh, nhìn nhau cả cười rồi chia tay. Người sau đặt tên dòng suối ấy là Hổ Khê. Trong Tây Phương Bách Vịnh, Nhất Nguyên đại sư có thơ rằng:
Tây phương cổ giáo Thế Tôn tuyên,
Đông độ khai tông, hiệu Bạch Liên.
Mười tám đại hiền làm thượng thủ,
“Hổ Khê tam tiếu” tới nay truyền.
Năm Nghĩa Hy thứ 12, đêm 30-7 ngài nhập định nơi Bát Nhã Đài. Vừa mở mắt xuất định, thấy Phật A Di Đà giữa hư không. Trong viên quang có vô số hóa Phật. Quán Thế Âm Bồ-tát hầu bên tả, Đại Thế Chí Bồ-tát hầu bên hữu. Phật và Bồ-tát đều ngự trên tòa sen báu sáng đẹp, 14 tia sáng quanh lộn lên xuống như vòi nước, vang diễn những pháp khổ, không, vô thường, vô ngã và các môn ba la mật.
Đức Phật bảo ngài rằng: “Vì bổn nguyện lực ta đến an ủi ông, 7 ngày nữa ông sẽ sanh về nước ta”.
Ngài lại thấy những hội hữu trong Liên xã đã tịch trước, như Phật Đà Gia Xá, Huệ Trì, Huệ Vĩnh, Lưu Di Dân v.v… bước đến chắp tay chào: “Đại sư sớm phát tâm về Tịnh-độ, sao còn muộn đến ngày nay?”.
Hôm sau ngài thuật lại với các đệ tử: Pháp Tịnh, Huệ Bửu v.v… và bảo rằng: “Ta đã 3 lần thấy Phật và Thánh chúng hiện thân. Nay lại được Phật thọ ký sanh Tịnh-độ”. Rồi ngài soạn quy chế để lại cho đại chúng. Ngày 6-8, ngài cáo biệt mọi người, đoan tọa viên tịch, thọ 83 tuổi.
Thảo luận về post