Tràng hạt khởi nguồn từ Ấn Độ và đã trở thành một vật quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa của tín đồ các tôn giáo và trong xã hội Ấn Độ cổ. Với Phật giáo, tràng hạt là vật tùy thân giúp cho hành giả dễ dàng chú tâm vào đối tượng trì niệm, là một sợi dây xâu suốt các ý tưởng thành một trật tự, từ đó hành giả có thể đi sâu hơn vào các trạng thái của định để làm phát khởi tuệ giác.Cũng như chuông, mõ, tràng hạt là một phương tiện trong muôn ngàn phương tiện tu tập của Phật giáo. Trong Phật giáo, mọi hình thức pháp khí hay vật thể đều là những phương tiện. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà người ta bày ra. Dĩ nhiên, mỗi một hình thức của một vật thể đều có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của nó.
Nguồn gốc của tràng hạt
Không chỉ Phật giáo mới đề cập đến chuỗi hạt và hướng dẫn việc sử dụng chuỗi hạt để đạt được những giá trị trên con đường tu tập. Người ta có thể thấy, pháp môn lần tràng hạt niệm Phật của Phật giáo rất gần gũi với phương pháp lần tràng hạt trong lúc cầu nguyện của Bà la môn giáo, một lối cầu nguyện rất thịnh hành của những vị Bà la môn. Bên cạnh đó, người Ấn giáo theo phái thờ thần Siva cũng dùng một loại hạt gọi là rudrāka để xâu thành tràng hạt. Truyền thuyết kể rằng, có lần vị thần này ngắm nhìn thế gian, thấy chúng sinh sống trong nỗi khổ cực không sao nói hết nên đã đau lòng nhỏ xuống những giọt nước mắt, những giọt nước mắt này mọc thành cây rồi cho ra những hạt đỏ thẫm. Người ta đã lấy những hạt ấy làm thành tràng hạt để cầu nguyện trong sự tưởng nhớ đến tấm lòng từ bi của thần Siva. Hạt đó chính là hạt kim cương mà ngày nay chúng ta vẫn dùng để làm tràng hạt. Trong quan niệm của người Ấn Độ, vô hoạn tử và rudrāka đều là những loại hạt thiêng, có khả năng trừ ma chướng. Điều này có lẽ một phần do dược tính của chúng, như vô hoạn tử, còn có tên là bồ đề tử, là một vị thuốc chủ trị nhiệt, đàm, sát trùng…
Tuy nhiên, trong Kinh điển Phật Giáo, cái khởi nguyên của tràng hạt và lần chuỗi hạt khi niệm Phật, hầu hết đều căn cứ vào sự khai thị của Đức Phật đối với Vua Ba Lưu Ly đã được ghi chép lại trong Kinh Mộc Hoạn Tử. Kinh Mộc Hoạn Tử, chép rằng: Một thời Đức Phật cùng giáo đoàn của ngài du hóa trong núi Kỳ Xà Quật (Grdhrakùta), nước La Duệ Kỳ (Ràjagrha) quốc vương trong thời nạn ấy tên là Ba Lưu Ly, sai sứ giả đến chốn Phật để xin Thế Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót, cho pháp yếu để có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ não. Đức Phật bảo sứ giả về thưa với nhà vua rằng: nếu nhà vua muốn diệt được phiền não chướng, báo chướng nên xâu một chuỗi tràng 108 hạt bằng hạt cây tra (mộc hoạn tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu: Phật, Pháp, Tăng mỗi lần, lần qua một hạt cây tra. Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác, như: mười hạt, hai mươi hạt, trăm hạt, nghìn hạt, cho đến trăm nghìn vạn hạt. Nếu lần được đủ hai mươi vạn lượt, mà thân tâm không tán loạn, không có những siểm khúc, thời khi xả thân này được sinh lên cõi Diệm Thiên thứ ba. Lên đấy, y, thực tự nhiên, thường an lạc hạnh. Nếu lại lần đủ được một trăm vạn lượt, sẽ dứt hẳn được một trăm tám kết nghiệp, mới gọi là vị chứng được quả Tu-Đà-Hoàn (ngược dòng sinh tử), hướng đến đạo Niết bàn, dứt hẳn cội gốc phiền não và chức được quả vô thượng. Tràng hạt trong Phật giáo ra đời từ đấy. Các tăng sỹ thường mang theo bên mình tràng hạt như là một bảo bối, một pháp khí quan trọng để hỗ trợ họ trên con đường tu học Phật pháp.
Như vậy, có thể thấy, dù trong truyền thống văn hóa cổ xưa của Ấn Độ và trong các nền văn minh khác của nhân loại, chuỗi hạt đã có từ lâu và gắn với mỗi cộng đồng xã hội nó có một ý nghĩa biểu trưng hay giá trị thẩm mỹ khác nhau. Nhưng với Phật giáo, tràng hạt được đề cập với vai trò của pháp phương tiện, là pháp khí, là công cụ để hỗ trợ việc tu hành đạt giác ngộ.
Ý Nghĩa Số lượng của chuỗi hạt
Theo Kinh Mộc Hoạn Tử nêu ở trên, tràng hạt của Phật giáo gồm có 108 hạt, con số này cũng giống với các giáo phái khác ở Ấn Độ. Tuy nhiên, về sau, để tiện lợi cho các nghi thức hành lễ, tràng hạt được xâu bởi chuỗi hạt với những số lượng ít hơn, như 54, 27 hạt hoặc 36, 18 hạt. Con số 108 này tượng trưng cho 108 phiền não gồm 88 kiến hoặc, 10 tư hoặc và 10 triền. Ngoài ra, con số 108 còn được giải thích theo nhiều cách khác nữa. Người ta nhận thấy rằng số hạt thường là tương đương với số lượng của đối tượng được niệm, trong niệm danh hiệu Phật thì có 108 danh hiệu, trong Ấn giáo thì có 108 bộ Áo nghĩa thư. 108 = 6 x 3 x 2 x 3, đó là 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) x 3 thời (quá khứ, hiện tại và vị lại) x 2 trạng thái của tâm (nhiễm và tịnh) x 3 trạng thái của thọ (ưa, không ưa và trung lập). 108 còn là con số 11 x 22 x 33 = 1 x 4 x 27. Đây có lẽ là những quan niệm liên quan đến vấn đề số học của người Ấn Độ xưa. Trong hình ngôi sao năm cánh, góc bù được tạo nên bởi 2 cạnh cắt nhau là 1080. Người ta nói rằng ở Ấn Độ có 108 điệu múa. Trong thân thể chúng ta có 108 luân xa. Các nhà chiêm tinh cho rằng đường kính mặt trời lớn bằng 108 lần đường kính trái đất. Trong con số 108, số 1 biểu trưng cho sự hợp nhất, tức là nhất; số 8 là vô cùng, tức là dị; số 0 là trung gian, là trung đạo với nghĩa không, tánh không. Tựu trung, con số 108 được giải thích dưới nhiều góc độ khác nhau, và rõ ràng nó mang ý nghĩa tượng trưng rất quan trọng trong quan niệm người Ấn Độ. Ở chừng mực nào đó, có thể nói rằng con số 108 này cũng kỳ diệu như chỉ số PHI (φ) 1.618 trong truyền thống Hi Lạp.
Theo Kinh Giảo Lượng Sổ Châu Công Đức, và theo Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Niệm Châu có sự ghi chép bất đồng, tràng hạt có các loại như sau: – Căn cứ Kinh Mộc Hoạn Tử dạy làm chuỗi 108 hạt. – Kinh Đà Ra Ni Tập quyển 2 phẩm Tác Châu Pháp Tướng, thì nêu ra có 4 loại chuỗi: 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt, 21 hạt. – Kinh Sổ Châu Công Đức, cũng nêu ra 4 loại chuỗi, tức là loại 108 hạt, loại 54 hạt, loại 27 hạt, và loại 14 hạt. – Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Niệm Châu thì lấy 1.080 hạt làm chuỗi bậc thượng, xâu 108 hạt làm chuỗi tối thắng, xâu 54 hạt làm chuỗi bậc trung, xâu 27 hạt làm chuỗi bậc hạ. – Phẩm Sổ Châu Nghi Tắc trong Kinh Văn Thù Nghi Quỹ bảo rằng: Chuỗi bậc thượng là 108 hạt, chuỗi bậc trung là 54 hạt, chuỗi bậc hạ là 27 hạt, chuỗi tối thượng là 1.080 hạt. Trong những tràng hạt với số lượng hạt như trên thì xâu chuỗi 108 hạt là phổ biến hơn hết.
Trong tràng hạt có một hạt gọi là hạt Sumeru hay Meru, chúng ta thường gọi là hạt Tu di hoặc hạt Di đà, đó là hạt thứ 109, là chỗ giáp nối của vòng tròn. Theo nghi thức, khi lần tràng, không được vượt qua hạt này, lần đến hạt này thì lần ngược trở lại, như trong kinh Kim cương đỉnh du già niệm châu có câu: “Hạt giữa tiêu biểu Phật Di đà, chớ lần qua, phạm tội việt pháp”. Tuy nhiên, trong việc xâu chuỗi hạt, tùy cách xâu mà có thể có hoặc không có hạt thứ 109 này.
Ý nghĩa của tràng hạt
Căn cứ vào những pháp số tổng thành mà nó biểu trưng theo quan niệm của Phật giáo, việc sử dụng tràng hạt có số hạt khác nhau, thì ý nghĩa biểu trưng của nó cũng có những khác biệt:
– Chuỗi 108 hạt là biểu thị cho cầu chứng 108 pháp Tam Muội mà đoạn trừ 108 phiền não.
– Chuỗi 54 hạt là biểu thị cho 54 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Tín, Thập Trú, Thập Hạnh. Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Tứ Thiện Căn Nhân Địa.
– Chuỗi 42 hạt là biểu thị cho 42 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Trú, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác, Diệu Giác.
– Chuỗi 27 hạt là biểu thị cho 27 cấp vị của Tiểu Thừa tu hành Tứ Hướng Quả, tức là 18 bậc Hữu Học của Tứ Hướng Tam Quả trước, với 9 bậc Vô Học của Đệ Tứ Quả A La Hán.
– Chuỗi 21 hạt là biểu thị cho 21 vị, tức là Thập Địa, Thập Ba La Mật và quả vị Phật.
– Chuỗi 14 hạt là biểu thị cho 14 Pháp Vô Úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.
– Chuỗi 1.080 hạt là biểu thị cho 10 cảnh giới, mỗi cảnh giới đều có 108, cho nên cộng thành 1.080.
[IMG]Ý nghĩa của chuỗi 36 hạt và 18 hạt có nhiều người cho là không biểu trưng cho pháp số nào trong Phật giáo, và cho rằng nó tương đồng với chuỗi 108 hạt. Theo đó, để tiện cho sự mang đeo, bèn chia chuỗi 108 hạt ra thành 3 chuỗi, mỗi chuỗi có 36 hạt, hoặc chia chuỗi 108 hạt ra làm 6 xâu, mỗi xâu có 18 hạt, mà không phải có thâm nghĩa nào cả.
Tuy vậy, chúng ta cần biết rằng, sự khác biệt của số hạt với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau trên đây, là do các vị Bồ tát, hiền thánh tăng, sau khi đức Phật nhập diệt, đã tùy duyên giao phó làm phương tiện giáo hóa, mà không phải bắt nguồn từ văn của Kinh điển gốc đã nêu. Nghĩa là số lượng các hạt trên tràng hạt là không cố định và bắt buộc.
Công dụng của tràng hạt
Tràng hạt là một vật dụng phổ biến trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nó được dùng như một thứ trang sức hoặc như một pháp khí tùy theo đối tượng sử dụng. Trong tôn giáo, tràng hạt được dùng để liên kết và thiết lập trật tự cho các lời cầu nguyện, các bài kinh, các kệ tán, các danh hiệu hoặc những thần chú trong khi hành trì.
Với Phật giáo, tràng hạt là một pháp khí quen thuộc, việc sử dụng tràng hạt dường như đã trở thành nét đặc thù của Tịnh độ tông. Theo lịch sử truyền thừa của Tịnh độ tông, người chế ra tràng hạt để niệm danh hiệu Phật chính là ngài Đạo Xước (562 – 645), người được tôn là tổ thứ 2 của Tịnh độ tông Trung Quốc. Còn với Phật giáo Nam tông, từ lâu tràng hạt cũng đã dần dần trở thành một vật tùy thân ngoài 8 vật (3 y, kim chỉ, bình bát, dây lưng, dao cạo và túi lọc nước) đã được Phật chế định.
Không phải ai niệm Phật cũng lần tràng hạt. Điều này, còn tùy theo căn tính và thói quen của mỗi người. Tuy nhiên, đối với những tín đồ, Phật tử tu theo Tịnh Độ tông, thì nên lần chuỗi để tiện bề đếm số đúng như lời mình đã phát nguyện. Bởi vì đối với những người sơ cơ, nhiều nghiệp chướng, tâm chưa thuần nhất, còn đầy vọng tưởng tạp loạn, thì việc dùng tràng hạt khi niệm Phật để dễ định tâm hơn. Hơn nữa, người tu tịnh nghiệp, thì tam nghiệp (thân, khẩu, ý) cần phải giữ thanh tịnh. Tay lần chuỗi thuộc về thân nghiệp, miệng niệm Phật thuộc về khẩu nghiệp, ý chuyên chú vào câu hiệu Phật không rời ra, thuộc về ý nghiệp. Kinh Phật dạy: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”, nghĩa là ba nghiệp đều thanh tịnh thì cùng Phật vãng sinh về Tây phương cực lạc. Như vậy, tay lần chuỗi cũng là mục đích để ghi nhớ mỗi một hạt chuỗi là niệm một câu hiệu Phật, đồng thời cũng là cách ghi nhớ số, để không nhầm lẫn vậy.
Công dụng của chuỗi hạt chỉ là một phương tiện như muôn ngàn phương tiện khác. Người ta dùng nó để niệm Phật. Nhờ lần chuỗi ghi số câu mà tâm ít tán loạn hơn. Tuy nhiên, điểm căn bản để diệt trừ phiền não, chính là ở nơi cái tâm. Người niệm Phật, tay lần chuỗi mà tâm lăng xăng, tán loạn, luôn nghĩ tà vạy, thì dù miệng có niệm Phật, tay lần tràng hạt, cũng không thể nào có kết quả định tâm được.
KỆ CHÚ KHAI CHUỖI – THÂU CHUỖI KHI NIỆM PHẬT (trích Bản Đồ Tu Phật – cố soạn giả Hòa Thượng Thiện Hoa)
Hành giả khi Niệm Phật muốn đạt đến cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn, thì phải theo Phương thức sau đây: Lúc mới tập Niệm, phải dùng Xâu Chuỗi Tràng hoặc Chuỗi tay lên Phật điện, tay vừa cầm Xâu Chuỗi, vừa đọc:
I. Kệ Chú Khai Chuỗi:
Thủ trì nhất bá bác / Bồ đề nhất bá bác
Diệt tội đẳng hà sa
Viễn ly tam đồ khổ
Xích sắc biến liên hoa / Xuất sắc biến liên hoa
Án, phệ lô giá na, mạ lạ, mạ lạ, ta phạ ha (3 lần – 7 lần)
*Việt Dịch:
Bồ đề một trăm tám
Dứt cả tội hằng sa
Lìa khỏi ba đường khổ
Bỏ xác thấy đài hoa
Án, phệ lô giá na, mạ lạ, mạ lạ, ta phạ ha (3 lần – 7 lần)
*Nghĩa:
Bản dịch 1: Tay cầm trăm tám Bồ-đề
Tiêu mòn các tội đặng về Tây phương
Khỏi nơi chốn khổ ba đường
Lửa hồng liền biến liên hương nhiệm mầu.
Bản dịch 2: Tay cầm trăm tám Bồ Đề
Tiêu mòn các tội đặng về Tây Phương
Khỏi nơi khốn khổ ba đường
Thoát ra liền thấy chán trường liên hoa
Án phệ lô giá na, mạ lạ, mạ lạ, ta phạ ha (3 lần – 7 lần)
II. Kệ Niệm Phật:
Ái hà thiên xích lãng
Khổ hải vạn trùng ba
Dục thoát luân đồi khổ
Tảo cấp niệm Di Đà
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật (108 lần)
Nam mô A Di Đà Phật (200 lần hoặc 1 đến 10 Chuỗi hoặc càng nhiều càng tốt)
*** [Lưu Ý] Khi hành giả trì niệm đến hạt mẫu châu ngay nút thắt thì xoay lại niệm tiếp, không được lần qua, vì tỏ sự cung kính (hạt này tượng trưng cho Phật Di Đà).
*Việt Dịch:
Sóng ái bủa muôn trùng
Biển khổ sâu ngàn trượng
Mau gấp niệm Di Đà
Thẳng qua miền Cực Lạc
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật (108 lần)
Nam mô A Di Đà Phật (200 lần hoặc 1 đến 10 Chuỗi hoặc càng nhiều càng tốt)
*Nghĩa:
Ái hà ngàn thước nước lao xao
Trôi chìm biển khổ, sóng nhồi thảm ôi
Muốn cho khỏi kiếp luân hồi
Phải mau sớm niệm, Nam mô Di Đà.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật (108 lần)
Nam mô A Di Đà Phật (200 lần hoặc 1 đến 10 Chuỗi)
[Niệm và lần Chuỗi, mỗi câu Danh Hiệu là 1 hạt Chuỗi, tuỳ ý Niệm thời gian bao lâu cũng được]
III. Kệ Chú Thâu Chuỗi:
Khi muốn ngưng Niệm để sinh hoạt việc khác, thì Niệm:
*Bài 1:
Nguyện Phật bồ đề khai viên mãn
Nhứt thời thành số tội tiêu ma
Bồ Tát chứng minh thâu công cứ
Nguyện độ chúng sanh ngộ Thích Ca.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
*Bài 2:
Bồ đề nở vẹn tròn
Niệm Phật tội tiêu mòn
Thế Tôn thâu công cứ
Bốn tám nguyện độ tròn.
Án bát di đà lị hồng (3 lần – 7 lần) ./.
Thảo luận về post