>>> Tấm lòng SC Liên Tâm với hàng trăm thai nhi bị bỏ hoang
Tiết tháng Bảy – Cầu nguyện cho những oan hồn phiêu bạt
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Gió heo may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng.
>>> 17 BÀI VĂN TẾ THẬP LOẠI CÔ HỒN
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọn đường đê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
(Nguyễn Du, Văn tế thập loại)
Trong tiết Thu lá rụng mưa ngâu, mùa rét lạnh đến, người ta dễ chạnh lòng tưởng nhớ đến các cô hồn còn phảng phất bên chân trời góc biển mù khơi mà lập đàn tiến bạt cầu siêu, với chân tâm thành ý.
Theo nghi lễ Á Đông, khi chiến cuộc kết thúc, kẻ được ca khúc khải hoàn thường tế lễ các bậc anh hùng đã xả thân vì quốc gia dân tộc, truy điệu các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn, chẳng hạn như Vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) đã hạ chiếu làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ có công và tiến cúng cô hồn, kể cả mấy chục vạn quân Thanh đã thành ra oan hồn uổng tử.
Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng thiết tràng siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn vì chiến cuộc. Nhà văn Nguyễn Đình Chiểu, bậc lão thành trung dũng còn lưu lại mấy bài văn tế nổi tiếng như “Văn tế nghĩa sĩ Cần Vương” và “Văn tế vong hồn mộ nghĩa”.
Bộ Lễ của triều Nguyễn cũng có phần tế cô hồn vào tiết tháng 7 mà những áng văn của các danh nhân biên soạn như Phan Huy Ích nguyên là sứ thần của Tây Sơn sang thăm xã giao, đã xướng họa thi văn với vua Càn Long, được Thanh triều trọng vọng. Lúc về nước ông được gia phong Thượng Đại Phu Thị Trung Ngự Sử.
Những người như thế nào được gọi là cô hồn?
Cô hồn là những linh hồn người chết không có người thờ cúng, những linh hồn lang thang không nơi nương tựa. Đây thường là những linh hồn của những người chết chưa tới số, hay chết vì oan khuất, những linh hồn này không có ai quản lý, họ chưa đủ nhân duyên để đi đầu thai. Chính vì vậy họ là những linh hồn tự do, giống như những kẻ bụi đời ở dương thế.
Đại thi hào Nguyễn Du gọi thập loại (mười loại) là để chỉ những hạng người đã chết thật đáng thương. Đó là những người sau:
1. Kẻ tranh bá đồ vương bị thua trận mà chết.
2. Phu nhân quyền quý của các công hầu khanh tướng gặp phen sa cơ phải tự tử.
3. Người làm chính trị lỡ vận bị giết.
4. Những danh tướng công thành vạn cốt khô cuối cùng bị giết.
5. Những hạng tham lam làm giàu, buôn bán dọc sông ngang biển chẳng quản đường xa, đắm thuyền bị cá dữ ăn thịt.
6. Những cái chết của chiến sĩ vô danh.
7. Gái lầu xanh, lúc sống thì tủi nhục, khi chết thì không có chồng con cúng giỗ phải hớp cháo thí.
8. Kẻ ăn mày chết ở gầm cầu dơ bẩn.
9. Người mắc vòng lao lý, chết đi không có manh chiếu lành.
10. Trẻ sơ sinh yểu tử.
Đó là những loại người:
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Cụ Nguyễn Du, tác giả tập Đoạn Trường Tân Thanh còn lưu lại Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh bằng chữ Nôm, được tìm thấy ở Chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, cụ Lê Thước cũng tìm được một bản nôm khác của cụ Nguyễn Tiên Điền (Nguyễn Du) ở Chùa Diệc miền bắc Nghệ An, cụ phiên âm sang quốc ngữ và ấn hành vào năm 1924.
Năm 1926 Trần Trung Viên cho in vào tập I, trong Văn Đàn Bảo Giám và năm 1927 lại xuất hiện trên Nam Phong Tạp Chí số 178, Tạp chí Văn Học số 2 năm 1977 cũng đăng lại bản hiệu đính của cụ Hoàng Xuân Hãn với 18 câu sau đây:
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Gió heo may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng
Đường bạch dương, bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm!
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người,
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai khá, ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu.
Chính vì hiểu được giáo lý nhà Phật mà Nguyễn Du ngậm ngùi cho thập loại, vì thập loại đó là những vong hồn bơ vơ của người chết (hay còn gọi là cô hồn).
Vào rằm tháng 7 – ngày xá tội vong nhân hay lễ cúng cô hồn, người ta thường sắm nhang đèn, hoa quả để cúng bố thí cho những vong hồn không nơi nương tựa, không ai thờ cúng. Tục lệ xưa, có nguồn gốc từ việc các chùa thường lấy lá đa cuộn lại như cái chén, đem đặt ở những bãi tha ma nghĩa địa rồi nấu cháo đổ vào, để mời các vong hồn tới hưởng trong ngày Lễ Vu Lan.
Việc thiết cúng Mông Sơn thí thực hay chẩn tế cô hồn nhằm mục đích bày tỏ chân tình với đồng loại. Những người đã khuất bóng, với dụng ý là cầu “âm siêu dương thái, âm dương đều lợi lạc”.
Tiết đầu Thu lập đàn giải thoát,
Nước Tịnh Bình rưới hạt Dương Chi,
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan cứu khổ, hồn về Tây phương.
Qua truyền thống Vu Lan, người Á Đông còn tri ân các chiến sĩ trận vong, truy niệm đồng bào tử nạn, tiến cúng thập loại cô hồn như đã nói trên, tốt nhất là phần nguyện cầu, dùng pháp Phật để chuyển nghiệp cho nhau.
Luận bàn về việc tế tự người đã khuất, tưởng không nên nặng về sự việc tức là chuộng hình thức, rồi sinh ra tập tục dị đoan mà chỉ xét về ý nghĩa, lấy tinh thần làm căn bản là hơn. Nói rộng ra, chẳng những người Phật tử thường tỏ lòng hiếu kính với nội ngoại tôn thân, hướng dẫn người thân cùng mọi người hữu duyên cùng tu nhân thiện lành; ngoài ra còn thể hiện hạnh từ ái, vị tha, cứu khổ ban vui khắp muôn loài, tinh tấn thực tập Pháp hành để cùng nhau vượt thoát trầm luân ra khỏi sáu nẻo luân hồi, an lạc hiện tại, giải thoát mai sau – ấy là thiết thực hơn cả.
Sau đây là một số hình ảnh Phóng sinh hồi hướng âm dương được lưỡng lợi; cúng thỉnh chư hương linh ký linh tại bổn tự ngày 14al Vu Lan & chuẩn bị chỉnh túc đàn tràng:
Phóng sinh, không cần phải khói hương nghi ngút. Không cần đến 1 thời kinh dài cả tiếng. Không cần phải nhiều thầy và tín đồ Phật tử cúng thì phóng sinh đó mới nhiều phước. Hãy phóng sinh vì lòng từ. Đừng phóng sinh vì hình thức và danh dự. Chỉ cần lòng từ bi và lời chú nguyện: “Mong ngươi được tự do. Mong ngươi được hạnh phúc”. Vừa niệm Phật vừa thả là được rồi.
BBT CHÙA TỰ TÂM
Thảo luận về post