Các dòng Thiền Việt Nam ra đời từ thiên niên kỷ thứ nhất, trước khi giành lại được độc lập đất nước. Thơ thiền thời ấy còn sót lại rất ít nhưng lại đã nở rộ vào thời Lý, Trần, khi đạo với đời hoà trộn thành một sức mạnh dân tộc, trong đó sư Huyền Quang [1] mang đến rất nhiều nét tinh tế mới lạ.
菊花
忘身忘世已都忘
坐久簫然一榻涼
歲晚山中無歷日
菊花開處即重陽
Phiên âm Hán-Việt:
Cúc hoa
Vong thân vong thế dĩ đô vong
Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương
Dịch thơ:
Hoa cúc
Quên mình quên hết cuộc tang thương
Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường
Năm cuối trong rừng không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương
(theo Thơ văn Lý-Trần (TVLT))
TRÚ MIÊN
Tổ phụ điền viên nhậm tự sừ,
Thiên thanh bàn khuất nhiễu ngô lư.
Mộc tê song ngoại thiên cưu tịch,
Nhất chẩm thanh phong trú mộng dư.
NGỦ NGÀY
Vườn tược cha ông mặc sức cày,
Quanh nhà xanh nượp mấy ngàn cây.
Ngoài song, cành quế chim cưu vắng,
Gió mát, triền miên giấc ngủ ngày.
(Kiều Thu Hoạch dịch, Tạp chí Văn học)
THẠCH THẤT
Bán gian thạch thất hoà vân trụ
Nhất lĩnh thuế y kinh tuế hàn
Tăng tại thiền sàng kinh tại án
Lô tàn cốt đốt nhật tam can
Dịch nghĩa:
BUỒNG ĐÁ
Nửa gian buồng đá ở lẫn cùng mây
Một tấm áo lông mềm trải qua mùa rét
Tăng ở trên giường thiền, kinh ở trên án
Lò cháy hết gốc củi, mặt trời cao ba sào.
Dịch thơ:
Nửa gian nhà đá, bạn cùng mây,
Tấm áo lông thô, lạnh tháng ngày.
Sư khểnh giường thiền, kinh trước án,
Lò tàn, than lụi, sáng nào hay.
(HUỆ CHI dịch, TVLT)
Nửa gian buồng đá ở cùng mây
Một áo lông qua vụ rét dài
Tăng ngự giường thiền, kinh ngự án
Lò tàn, trời mọc đỉnh ba cây
(ĐÔNG TỈNH dịch)
YÊN TỬ SƠN AM CƯ
Am bức thanh tiêu lãnh,
Môn khai vân thượng tằng.
Dĩ can Long động nhật,
Do xích Hổ khê băng.
Bão chuyết vô dư sách,
Phù suy hữu sấu đằng.
Trúc lâm đa túc điểu,
Quá ngọ bán nhàn tăng.
Ở AM NÚI YÊN TỬ
Am sát trời xanh lạnh,
Cửa mở trên tầng mây.
Động Rồng trời sáng bạch,
Khe Hổ lớp băng dầy.
Vụng dại mưu nào có,
Già nua gậy một cây.
Rừng tre chim chóc lắm,
Quá nửa bạn cùng thày.
(Đỗ Văn Hỷ dịch, TVLT)
NGỌ THỤY
Vũ quá khê sơn tịnh
Phong lâm nhất mộng lương
Phản quan trần thế giới
Khai nhãn túy mang mang
Dịch nghĩa:
NGỦ TRƯA
Sau mưa, khe và núi sạch sẽ
Rừng phong, một giấc mơ ngắn.
Nhìn lại cõi đời bụi bặm,
Mở mắt, say mang mang.
Dịch thơ:
Mưa tạnh, núi khe sạch,
Rừng phong một giấc mơ.
Ngoảnh nhìn đời bụi bặm,
Mở mắt dường say sưa.
(ÐỖ VĂN HỶ dịch, TVLT)
Sau mưa núi lặng khe trong,
Êm đềm một giấc rừng phong lặng tờ.
Ngoảnh nhìn thế giới bụi mờ,
Mở to đôi mắt mà ngờ như say.
(BĂNG THANH dịch)
Mưa tạnh, khe cùng núi sạch trong
Một cơn mơ thoảng giữa rừng phong.
Ngoái nhìn lại cõi đời tro bụi
Mắt mở, đầu say lẫn mung lung
(ĐÔNG TỈNH dịch)
CHU TRUNG
Nhất diệp biển chu hồ hải khách
Sanh xuất vi hàng phong thích thích
Vi mang tứ cố vãn triều sinh
Giang thủy liên thiên nhất âu bạch
Dịch nghĩa:
TRONG THUYỀN
Một lá thuyền con, một khách hải hồ,
Chèo khỏi rặng lau, tiếng gió hiu hiu.
Bốn bề mịt mù, con nước buổi chiều đương lên,
Một chim âu trắng, sông nước liền trời.
Dịch thơ:
Dấu khách giang hồ thuyền một lá,
Hàng lau lách gió chèo thong thả.
Bốn bề trông quạnh ngọn triều lên,
Nước biếc liền trời âu trắng xoá.
(ÐINH VĂN CHẤP dịch, Tạp chí Nam phong)
Giang hồ tếch một lá thuyền con,
Chèo khỏi hàng lau, gió dập dồn.
Trắng xoá chim âu, trời lẫn nước,
Mịt mù bốn phía ngọn triều tuôn!
(HUỆ CHI dịch, TVLT)
Một lá thuyền cô, khách hải hồ
Rặng lau chèo khỏi, gió vi vu
Cánh âu trắng lẻ, trời sông quyện
Chiều thuỷ triều dâng, bốn mặt mờ
(ĐÔNG TỈNH dịch)
Phiên âm Hán-Việt:
Sơn Vũ
Thu phong ngọ dạ phất thiền nha
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ lữ thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh tức tức vị thùy đa
Dịch thơ:
Mưa núi
Gió thu ban tối thổi hiên tây
Nhà núi đìu hiu tựa đám cây
Tấc dạ tu hành từ những thuở
Dế kêu rầu rĩ bởi ai đây?
(Phan Võ dịch)
16 Bài thơ của Thiền sư Huyền Quang – HT. Thích Nhất Hạnh dịch
地爐即事
煨餘榾柮獨焚香
口答山童問短章
手把吹商和木鐸
從來人笑老僧忙
Địa lô tức sự
Ổi dư cốt đốt độc phần hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả xuy thương hoà mộc đạc
Tòng lai nhân tiếu lão tăng mang
Dịch thơ:
Lò sưởi tức cảnh
Củi hết lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình
(Nguyễn Lang dịch)
花在中庭人在樓
焚香獨坐自忘憂
主人與物渾無競
花向群芳出一頭
Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc toạ tự vong ưu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.
Dịch thơ:
Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đoá hoa vừa mới nở tung.
(Nguyễn Lang dịch)
Xuân nhật tức sự
Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả lân vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
Dịch thơ:
Ngày xuân tức sự
Lỏng tay thêu gấm gái yêu kiều
Hoa rợp oanh vàng lảnh lót kêu
Bao nỗi thương xuân thương biết mấy
Là khi không nói chợt dừng thêu.
(HUỆ CHI dịch, TVLT)
Thêu gấm thưa tay dáng mỹ nhân
Líu lo oanh hót, khóm hoa gần
Đáng thương vô hạn thương xuân ý
Chỉ tại dừng kim chẳng mở lời.
(HT. Thích Thanh Từ dịch)
Nàng đôi tám thong dong thêu gấm
Oanh vàng reo dưới tán tử kinh
Thương xuân ôi biết bao tình
Chợt dừng kim lại lặng thinh không lời
(ĐÔNG TỈNH dịch)
LỜI NGƯỜI SOẠN: Bài thơ này khiến nhiều học giả hiểu lầm: Tác giả là một thiền sư, lại là Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà còn tình cảm dồi dào ướt át như thế, thì làm sao được giải thoát? Song, nhận xét như vậy là một hiểu lầm đáng tiếc. Bởi vì tác giả tả cảnh xuân, nên mượn hình ảnh người con gái đẹp, hoa nở, chim hót để làm nổi bật ngày xuân. Nhưng đến kết thúc, tác giả nói lên lòng thương vô hạn của mình, chính là khi “dừng kim, không nói”. Đâu không phải câu “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Bặt đường ngôn ngữ, dứt lối tâm hành – đây là chỗ kết quả của người tu thiền. Người tu đến đây mới giải thoát đường sanh tử, mà không thương tha thiết sao được? Chỗ này chính là mùa xuân bất tận của người tu.
*
* *
Sư còn làm phú chữ nôm, như bài Vịnh Vân Yên Tử phú:
Buông niềm trần tục;
Náu tới Vân Yên.
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy.
Gió tiên đưa đôi bước thần tiên.
Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới;
Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên.
Đất phúc địa nhận xem luống kể,
Kể bao nhiêu dư trăm phúc địa;
Trời Thiền thiên thập thu thửa lạ,
Lạ hơn ba mươi sáu Thiền thiên.
Thấy đây:
Đất tựa vàng liền;
Cảnh bằng ngọc đúc.
Mây năm thức che phủ đền Nghiêu;
Núi nghìn tầng quanh co đường Thục.
La đá tầng thang dốc, một hòn ướm vịn một hòn;
Nước suối chảy làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc.
Cỏ chiều gió lướt, dợm vui vui;
Non tạnh mưa dầm, màu thúc thúc.
Ngàn cây phơi cánh phượng,
Vườn thượng uyển đóa tốt rờn rờn;
Hang nước tưới hàm rồng, nhả ly châu hột săn mục mục.
Nhựa đông hổ phách, sáng khắp rừng thông;
Da điểm đồi mồi, giống hòa vườn trúc.
Gác vẽ tiếng bồ lao thốc, gió vật đoành đoành,
Đền ngọc phiến bối diệp che, mưa tuôn túc túc.
Cảnh tốt và lành;
Đồ tựa vẽ tranh.
Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo
Nhèn chi vua Bụt tu hành.
Hồ sen trương tán lục;
Suối trúc bấm đàn tranh.
Ngự sử mai hai hàng chầu rập;
Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh.
Phỉ thúy sắp hai hàng loan phượng;
Tử vi bày liệt vị công khanh.
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng;
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh.
Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ.
Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vặc vặc, núi xanh xanh .
Huống chi,
Vân thủy bằng lòng;
Yên hà phải thú.
Vui thay cảnh khác cảnh hoàng kim;
Trọng thay đường hơn đường cẩm tú.
Phân ân ái, am Não am Long;
Dứt nhân duyên, làng Nường làng Mụ.
Mặc ca-sa nằm trướng giấy, màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương;
Quên ngọc thực bỏ hương giao, cắp nạnh cà một vò, tương một hũ.
Chặp tiết dương tiếng nhạc dõi truyền;
Voi la đá tính từ chẳng đố.
Xem phong cảnh hơn cảnh Bà Roi;
Phóng tay cầu chưng cầu Thằng Ngụ.
Bao nhiêu phong nguyệt, vào cõi vô tâm;
Chơi dấu nước non, dưỡng đời thánh thọ.
Ta nay,
Ngồi đỉnh Vân Tiêu;
Cỡi chơi Cánh Diều.
Coi Đông sơn tựa hòn kim lục;
Xem Đông hải tựa miệng con ngao.
Nức đài lan nghĩ hương đan quế;
Nghe Hằng Nga thiết khúc tiêu thiều.
Quán thất bảo vẽ bao Bụt hiện;
Áo lục thù tiếng gió tiên phiêu.
Thầy tu trước đã lên Phật quả;
Tiểu tu sau còn vị Tỳ-kheo.
. . .
Kệ rằng:
Rũ không thay thảy ánh phồn hoa,
Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà.
Khuya sớm sáng choang đèn bát-nhã,
Hôm mai rửa sạch nước ma-ha.
Lòng thiền vằng vặc trăng soi giại,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.
Cốc được tính ta nên Bụt thực,
Ngại chi non nước cảnh đường xa.
(Huệ Chi)
THIỀN SƯ HUYỀN QUANG VÀ BƯỚC TIẾN TÂM LINH
[1] Ngài HUYỀN QUANG sinh năm Giáp Dần (1254), tên chữ là LÝ ĐẠO TÁI, quê làng Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Hải Dương).Theo Tổ gia thực lục trong Tam tổ thực lục thì từ nhỏ ông đã có khiếu văn chương, năm hai mươi tuổi đỗ khoa thi hương và năm sau lại đỗ đầu khoa thi hội. Được bổ dụng vào Viện Nội Hàn, từng tiếp sứ Bắc, rất nổi tiếng về ngoại giao ứng đối và chính trị. Nhưng không bao lâu ông một mực xin từ chức đi tu. Được người đứng đầu dòng thiền Trúc Lâm lúc bấy giờ là thái thượng hoàng Trần Nhân Tông bỏ ngai lên núi Yên Tử rất quý mến, giao cho Pháp Loa (vị tổ thứ hai) hướng dẫn học Phật. Về sau ông trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền này.
Huyền Quang là một nhà sư đồng thời là một thi sĩ có tiếng đời Trần. Thơ ông rất đậm chất trữ tình. Các nhà phê bình đời sau như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều khen thơ ông “ý tinh tế, cao siêu”, “lời bay bướm, phóng khoáng”. Có lẽ con người thi nhân trong ông rõ nét hơn con người tôn giáo. Xung quanh thân thế ông có nhiều giai thoại khá hấp dẫn, đã trở thành những câu chuyện dân gian được lưu truyền rộng rãi, và cũng đã từng được nhà văn đương thời ghi lại dưới hình thức một truyện truyền kỳ, lý thú, đi vào kho sách vở nhà Phật từ nhiều thế kỷ nay.
HUYỀN QUANG mất ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), thọ 81 tuổi. Tác phẩm của Ngài hiện còn một bài phú nôm và 24 bài thơ chữ Hán (trong số đó có bài Xuân nhật tức sự đã được Viên Như tổng thuật, phân tích sau cuộc tranh cãi về nội dung lãng mạn với nhiều cách hiểu khác nhau và nghi ngờ nguồn gốc liệu có phải là một bài thơ thiền đời Tống). Sách vở cũ cho biết ông còn có các tác phẩm khác như Chư phẩm kính, Công văn tập, thư từ tiếp sứ giả nước ngoài và tập thơ Ngọc tiên tập, nhưng nay đều đã thất lạc.
Thảo luận về post