Vô Ngôn Thông (zh. 無言通), 759 (?) – 826, là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải. Ngài có công truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Năm 820, sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ (zh. 建初寺), làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, ngày nay thuộc Hà Nội, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông. Sư mất năm 826, và phái thiền của sư kéo dài được 17 thế hệ. Theo lời thiền sư Vô Ngôn Thông, ông rời phương Bắc để tới Việt Nam là vì muốn tìm một người thực sự xứng đáng để truyền tâm pháp. Và có lẽ vị thiền sư nhà Đường đã không sai lầm khi dòng thiền mang tên ông – thiền phái Vô Ngôn Thông – trở thành một trong những thiền phái lớn nhất trên mảnh đất phương Nam.
1. XUẤT THÂN VÀ GIAI THOẠI THIỀN SƯ “VÔ NGÔN”
Vô Ngôn Thông (zh. 無言通), 759 (?) – 826, là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải. Sư họ Trịnh (zh. 鄭), quê ở Quảng Châu (zh. 廣州), xuất gia tại chùa Song Lâm (zh. 雙林寺), Vụ Châu (zh. 務州). Tính tình sư điềm đạm ít nói, nhưng lại rất thông minh, uyên bác, cái gì cũng biết và học rất nhanh, nhớ rất lâu. Chính vì vậy, người đương thời đã đặt cho ông biệt danh là Vô Ngôn Thông thiền sư (nghĩa là vị thiền sư thông tuệ, uyên bác (thông nghĩa là thông tuệ) nhưng ít nói (vô ngôn) (Cảnh Đức Truyền đăng lục ghi là Bất Ngôn Thông).
Từ đó về sau, người ta không còn biết tên thật hay pháp danh của ông là gì nữa mà chỉ gọi ông là thiền sư Vô Ngôn Thông. Sách Cao tăng truyền đăng lục của Thông Tuệ đời nhà Tống gọi thiền sư Vô Ngôn Thông là Thông thiền sư.
Ngày nay, người ta vẫn còn lưu lại rất nhiều câu chuyện liên quan đến thời kỳ thiền sư Vô Ngôn Thông bắt đầu việc tu học. Chuyện kể rằng, một hôm, ông vừa lên chùa lễ Phật xong thì có một vị thiền sư tới hỏi: “Ông vừa làm lễ gì đó?”. Ông đáp: “Lễ Phật”. Vị thiền sư chỉ vào tượng Phật, nói: “Phật là cái này đấy hả?”. Ông không đáp. Ðêm ấy, ông mặc y áo chỉnh tề, tìm đến phòng vị thiền sư làm lễ rồi hỏi: “Hồi sáng, ngài có hỏi một câu, tôi chưa biết được tôn ý thế nào”.
Vị thiền sư nói: “Ông xuất gia tu được bao nhiêu mùa kết hạ (ba tháng mùa mưa trong năm) rồi?”. Ông đáp: “Mười mùa”. Vị thiền sư hỏi: “Vậy thì ông đã xuất gia chưa?”. Câu hỏi của vị thiền sư làm ông hoang mang, không biết trả lời ra sao. Vị thiền giả nói: “Có vậy mà cũng không hiểu thì có tu đến một trăm mùa kết hạ cũng vô ích”.
Vô Ngôn Thông nghe thấy vị thiền sư nói vậy vội vàng quỳ lạy, xin vị thiền sư nhận làm đệ tử và chỉ bảo thêm cho mình. Thiền sư nọ không nhận ông làm đệ tử mà đưa chỉ đưa ông đi Giang Tây để tham yết thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Không may, thiền sư Mã Tổ đã tịch diệt rồi.
Vị thiền giả nọ lại đưa Vô Ngôn Thông đi tham yết thiền sư Bách Trượng Hoài Hải – vị đệ tử đắc pháp của Mã Tổ Đạo Nhất – hy vọng học được những tinh hoa của Mã Tổ. Được thiền sư Bách Trượng nhận làm đệ tử, Vô Ngôn Thông từ đó theo Bách Trượng học đạo và sau này trở thành một trong những đệ truyền thừa của thiền sư phái Nam Nhạc Hoài Nhượng.
Thiền sư Vô Ngôn Thông đắc ngộ trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Thông thường, các thường sư thường đắc ngộ khi tham quán công án có kèm theo lời chỉ dẫn và gợi ý của sư phụ hoặc đôi khi là trong những cuộc nói chuyện trực tiếp với thầy mình. Tuy nhiên, Vô Ngôn Thông lại đắc ngộ khi nghe câu chuyện giữa thầy mình với một người khác.
Chuyện kể rằng, một hôm, có một vị tăng tìm tới hỏi thiền sư Bách Trượng rằng: “Con đường giác ngộ cấp thời của Đại thừa là gì?”. Bách Trượng trả lời: “Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên rọi đến” (tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu). Nghe câu nói này của sư phụ, Vô Ngôn Thông bỗng nhiên đại ngộ. Sau đó một thời gian, Vô Ngôn Thông về chùa Hòa An ở quê nhà Quảng Châu.
Một hôm, tại chùa Hòa An, có người hỏi Vô Ngôn Thông: “Ngài có phải là một vị thiền sư không?”. Vô Ngôn Thông đáp: “Tôi chưa từng học về Thiền”. Một lúc lâu, ông gọi tên người kia, người kia đáp: “Dạ”. Vô Ngôn Thông liền chỉ tay ra một gốc cây gỗ gụ ngoài sân mà không nói gì. Ý rằng thiền hay thiền sư không phải là một cái gì có thể định nghĩa được, như cây gỗ gụ kia, nhìn thẳng vào đó thì thấy ngay, khỏi cần qua trung gian ngôn ngữ và khái niệm.
Sách Cao tăng truyện của Thông Tuệ nói rằng, Thiền sư Vô Ngôn Thông cũng có một thời gian trú trì chùa Hoa Nam ở Thiều Châu, nơi đây ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng đã từng cư ngụ. Trong thời gian ở chùa Hoa Nam, ông có dạy thiền sư Ngưỡng Sơn học. Thiền sư Ngưỡng Sơn hồi đó mới xuất gia, mười bảy tuổi. Sách Thuyền Uyển Tập Anh chép rằng một hôm Vô Ngôn Thông bảo Ngưỡng Sơn: “Chú khiêng cái ghế kia qua đây cho tôi một chút”.
Khi Ngưỡng Sơn khiêng ghế tới, ông nói: “Chú khiêng giúp trở lại chỗ cũ”. Ngưỡng Sơn khiêng lại chỗ cũ. Ông hỏi Ngưỡng Sơn: “Bên này có gì không?” Sơn nói: “Không có gì”. Ông lại hỏi: “Còn bên kia có gì không?” Sơn nói: “Không có gì”. Ông gọi: “Chú ơi”. Sơn đáp: “Dạ”. Ông bèn nói: “Thôi, chú đi đi”. Những câu đối đáp kia chính là những thí nghiệm mà Vô Ngôn Thông đã làm để thử trình độ của Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn sau này còn đi học với Đàm Nguyên, Ứng Chân và Quy Sơn. Sau này Ngưỡng Sơn thành lập một trong năm thiền phái nổi tiếng ở Trung Hoa là thiền phái Quy Ngưỡng.
Theo Nguyễn Hiền Đức, phái thiền Vô Ngôn Thông truyền được 15 thế hệ. Thiền sư Cảm Thành là thế hệ thứ nhất. Thiền sư Cảm Thành họ Thị, quê ở Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Lúc đầu Sư xuất gia tại quê nhà, pháp danh là Lập Đức, lấy việc tụng kinh trì giới làm đầu. Phú hào trong làng mến mộ đức hạnh cao cả của Sư, tự nguyện cúng gia trạch làm chùa, thỉnh Sư đến trụ trì, nhưng Sư từ chối.
Đêm ấy, Sư chiêm bao thấy Thần nhân đến bảo: “Nếu làm theo chí nguyện của nhà họ Nguyễn thì chỉ chừng vài năm sẽ gặp điều lành lớn!”, nên Sư Lập Đức nhận lời, lập thành chùa Kiến Sơ ở hương Phù Đổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).
Chẳng bao lâu thì Thiền sư Vô Ngôn Thông đến. Sư biết Thiền sư Vô Ngôn Thông không phải là người thường, ngày đêm hầu hạ, không hề biếng trễ. Thiền sư Vô Ngôn Thông cảm động lòng thành khẩn của sư Lập Đức nên cho đổi pháp danh lại là Cảm Thành.
Một hôm, Thiền sư Vô Ngôn Thông gọi Cảm Thành đến dạy:
“Xưa kia, Đức Thế Tôn vì nhân duyên lớn mà xuất hiện ở thế gian, hóa duyên xong, Ngài nhập Niết Bàn. Chân tâm vi diệu như thế gọi là Chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng,tam muội pháp môn, đích thân Thế Tôn giao cho đệ tử là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm Tổ thứ nhất. Các đời nối truyền,… Ta vốn Vô Ngôn!” Nghe xong bài kệ, Sư liền tỉnh ngộ.
Tác giả Nguyễn Lang cho biết, Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ chủ trương con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Vô Ngôn Thông, ngay từ buổi đầu tại pháp hội của Bách Trượng, đã nghe một câu hỏi về vấn đề đốn ngộ do một vị thiền giả hỏi Bách Trượng: “Pháp môn đại thừa nào có thể giúp ta đạt được giác ngộ tức khắc” (như hà thị đại thừa đốn ngộ pháp môn?). Chính câu trả lời của Bách Trượng đã làm cho Vô Ngôn Thông bừng tỉnh: “Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên chiếu đến”.
2. DÒNG THIỀN VÔ NGÔN THÔNG
CHÙA KIẾN SƠ – BẮC NINH
Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 15 triều đại nhà Ðường, tức năm 820, Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu qua Giao Châu, Việt Nam và ở lại chùa Kiến Sơ, làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ðây là một ngôi chùa mới được xây dựng do một vị sư tên là Lập Đức trụ trì.
Cho tới nay, không có bất cứ tư liệu nào giải thích vì sao thiền sư Vô Ngôn Thông lại rời bỏ Quảng Châu để tới Việt Nam. Nhưng theo như lời căn dặn của Vô Ngôn Thông với người đệ tử mà ông quyết định truyền tâm pháp cho thì ông quyết định rời phương Bắc để tới Việt Nam là vì muốn tìm một người thực sự xứng đáng để truyền tâm pháp.
Thiền sư Vô Ngôn Thông tới ở chùa Kiến Sơ, ngoài hai bữa cơm cháo thì dành hết thì giờ vào việc tọa thiền, cả ngày quay mặt vào vách, không nói năng gì. Nhiều năm trôi qua như thế, ít ai để ý đến ông, duy chỉ có Lập Ðức thấy phong thái đặc biệt của ông nên hết lòng chăm sóc. Do sự gần gũi này mà Lập Ðức tiếp nhận được tông chỉ màu nhiệm của Vô Ngôn Thông, được ông nhận làm đệ tử và đổi tên cho là Cảm Thành. Sau này, cũng chính Cảm Thành trở thành người đệ tử được thiền sư Vô Ngôn Thông lựa chọn trở thành người kế thừa của ông, bắt đầu sáng lập nên một trong những thiền phái nổi tiếng nhất của Việt Nam – thiền phái Vô Ngôn Thông.
Người ta kể rằng, thiền sư Vô Ngôn Thông tịch vào năm 826, sáu năm sau khi ông rời Quảng Châu tới chùa Kiến Sơ. Trước khi viên tịch, ông cho gọi Cảm Thành vào và căn dặn: “Ngày xưa, đức Thế Tôn vì lý do lớn mà xuất hiện ở đời. Việc hóa độ hoàn tất, ngài thị hiện niết bàn. Cái diệu tâm gọi là Chính Pháp Nhãn Tạng, là Thực Tướng Vô Tướng, là Pháp Môn Tam Muội, ngài đem phú chú cho đệ tử là Ma Ha Ca Diếp – tổ thứ nhất.
Thế rồi đời đời truyền nối, từ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang, vượt bao nguy hiểm để truyền pháp này, qua Lục Tổ ở Tào Khê, người đã từng đạt được chính pháp mà Ðạt Ma truyền đến ngũ tổ Hoàng Nhẫn. Trong thời gian đó, vì người đời còn thiếu hiểu biết và đức tin cho nên phải truyền y bát để chứng cho sự đắc pháp. Nay thì đức tin đã thuần thục nên không cần truyền y truyền bát nữa mà chỉ lấy tâm truyền tâm mà thôi.
Lúc đó, tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng đắc thọ tâm truyền trước, liền truyền cho Mã Tổ Ðạo Nhất, Mã Tổ Ðạo Nhất truyền lại cho Bách Trượng Hoài Hải. Ta được tâm pháp của Bách Trượng, đã từng ở lâu phương Bắc tìm người có căn cơ đại thừa nhưng chưa gặp, nên đã đi về phương Nam để tìm bậc thiện tri thức.
Nay, gặp ông ở đây thật là có duyên đời trước, vậy hãy nghe bài kệ truyền pháp này của ta: “Bốn phương lồng lộng, Mặc sức huyên thuyên/Rằng thủy tổ ra, Gốc ở Tây Thiên/Truyền kho pháp nhãn, Ðược gọi là Thiền/Bông hoa năm cánh, Hạt giống lâu bền/Ngàn lời mật ngữ, Vạn câu bản nguyên/Tự nhận làm tông, Tự cho là thiền/Tây Thiên là đây! Ðây là Tây Thiên!/Xưa nay cùng một, Nhật nguyệt xuyên sơn/Vướng vào là mắc, Phật tổ mang oan/Sai một hào ly, Lạc tới trăm nghìn/Nên quan sát lại, Chớ lừa hậu côn/Ðừng hỏi ta nữa, Ta vốn Vô Ngôn”.
Nói xong, thiền sư Vô Ngôn Thông chắp tay viên tịch. Cảm Thành thiêu lấy hài cốt và xây tháp thờ trên núi Tiên Du. Mặc dù Vô Ngôn Thông đã viên tịch nhưng điều ông mong muốn về một người kế thừa “có căn cơ đại thừa” ở đất Việt Nam đã trở thành hiện thực.
Từ Cảm Thành sống ở thế kỷ thứ 9 cho tới tận thế kỷ thứ 13, thiền phái Vô Ngôn Thông trở thành một trong những dòng thiền thịnh vượng và có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử thiền tông Việt Nam. Rất nhiều thiền sư nổi tiếng của Việt Nam, từ Mãn Giác, Thông Biện, Minh Không,… đều là những đệ tử nổi tiếng của dòng thiền Vô Ngôn Thông.
Những Thiền sư quan trọng của dòng thiền này là Khuông Việt (933 – 1011), Thông Biện (? – 1134), Mãn Giác (1052 – 1096), Minh Không (mất 1141) và Giác Hải. Thế hệ cuối cùng là khoảng cuối thế kỷ 13. Phái Vô Ngôn Thông theo đúng dòng Thiền của Huệ Năng, chủ trương đốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ. Riêng thiền sư Không Lộ vừa được cho là thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng cũng thuộc thiền phái Thảo Đường.
3. CƠ DUYÊN VÀ HÀNH TRẠNG
Một hôm, sư lễ Phật, có một thiền khách hỏi: “Toạ chủ lễ đó là cái gì?”, sư thưa: “Là Phật.” Khách liền chỉ tượng Phật hỏi: “Cái này là Phật gì?”, sư không trả lời được. Đến tối, sư y phục chỉnh tề đến lễ vị khách, vị này chỉ đến Mã Tổ. Sư lên đường đến Mã Đại sư nhưng nghe tin Tổ đã viên tịch bèn đến Bách Trượng. Nhân nghe Bách Trượng trả lời một vị tăng “Bản tâm nếu tịnh không, mặt trời trí huệ tự chiếu” (tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu 心地若空惠日自照) sư triệt ngộ.
Sau khi rời Bách Trượng, sư đến trụ trì chùa Hoà An (zh. 和安寺) và tương truyền rằng Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, vị Tổ thứ hai của tông Quy Ngưỡng, có đến đây học hỏi.
Năm Canh Tí, niên hiệu Nguyên Hoà đời nhà Đường, sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây mấy năm liền sư chỉ quay mặt vào vách toạ thiền và không ai biết tông tích của Sư. Vị trụ trì nơi đây là Cảm Thành thầm biết sư là cao tăng đắc đạo nên hết sức kính trọng. Sắp sửa tịch, sư gọi Cảm Thành đến nói kệ:
一切諸法皆從心生
心無所生法無所住
若達心地所住無礙
非遇上根慎勿輕許
Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh
Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.
Tất cả các pháp đều từ tâm sinh
Tâm không chỗ sinh, pháp không chỗ trụ
Nếu đạt đất tâm chỗ trụ không ngại
Không gặp thượng căn dè dặt chớ dạy.
Nói xong sư chắp tay viên tịch. Cảm Thành thiêu lấy hài cốt và xây tháp thờ trên núi Tiên Du.
Nguyên bản Hán văn
無言通禪師
𠎣逰扶蕫鄉建初寺無言通禪師本廣州人 也姓鄭氏少慕空學不治家產務州雙林 寺受業處性沈厚寡言默識了達事槩故時 人號無通言(1)〖傳登曰不語通〗常一日禮佛次有禪者問 座主禮甚麽師云禮佛禪者指佛像云祗這 箇是甚麽師無對是夜具威儀就禪者禮拜 問曰嚮之所問未審意旨如何禪者云座主 出家以來經逾㡬夏師云十夏禪者云還曾 出家麽也未師轉茫然禪者云若也不會百 夏何益乃引師同參馬祖及抵江西而祖已
示寂遂徃謁百丈懷海禪師時有僧問如何是 大乗頓悟法門丈云心地若空惠日自照師於 言下有得乃還廣州和安寺住持有人問師是 禪師否師云貧道不曾學禪良久便喚其人應 諾師指梭櫚樹其人無對□□□□□□□□ 仰山禪師作沙彌時師常喚云寂子為我將牀 子來仰將牀子到師云送還本處仰從之又問 寂子那邉有甚麽曰無物這邉聻曰(2)無物師又問 寂子仰應諾師云去唐元和十五年庚子秋九 月師來至此寺卓錫飯粥之外禪悅爲樂凢坐 靣壁未嘗言說累年莫有識者獨寺僧感誠尤
加禮敬奉侍左右宻扣玄機盡得其要一日 無疾沐浴易服召感誠曰昔吾祖南嶽讓禪 師㱕寂時有云一切諸法皆從心生心無所 生法無所住若達心地所作無碍非遇上根 慎勿輕許言訖合掌而逝感茶(3)毘收舍利塔 于𠎣逰山時唐寶曆二年丙午正月十二日 二十八年又至開祐丁丒二十四年我越禪 學自師之始□□□□□□□□□□□□ 建初通禪師法嗣□□□□□□□□
LMT hiệu đính 無言通
聻曰: Nguyễn, A 2767, LMT = 聻麼曰
感茶: Nguyễn, LMT = 感誠茶
Tham khảo
Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 1999.
Bản Hán điện tử của Thiền viện Viên Chiếu & Chân Nguyên. Đạo hữu Nguyễn Hữu Vinh (Đài Loan) đọc dò lại.
Thảo luận về post