Thiền sư Từ Đạo Hạnh (徐道行 1072 – 1116) còn có tên là Từ Lộ, tục gọi là đức Thánh Láng, một thiền sư người Việt thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều mầu sắc huyền thoại. Trước khi truyền thuyết về Liễu Hạnh phổ biến, ông còn được liệt vào hàng thánh nổi tiếng mà tín ngưỡng Việt Nam – gọi là Tứ bất tử. Thiền sư Từ Đạo Hạnh là vị danh tăng nổi tiếng, mở đầu cho tín ngưỡng thờ “thánh Tổ” ở Việt Nam. Dân chúng lập đền thờ ông tại chùa Thiên Phúc (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), tục gọi là chùa Thầy và chùa Láng, chùa Nền ở Hà Nội. Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được mở vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, tương truyền là ngày ông viên tịch.
Loạt bài bí ẩn tượng táng:
Kỳ 1: Hai thiền sư bất hoại ở chùa Đậu
Kỳ 2: Nhục thân thiền sư Như Trí tại chùa Tiêu 300 năm bất hoại
Kỳ 3: Chuyện kỳ bí ở núi Phật Tích: Nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết ngồi bất hoại 400 năm
TỰ HỌC PHÉP THUẬT BÁO THÙ CHO CHA
>>> Chùa Phật Tích – cái nôi Phật giáo Việt Nam thời Lý
Theo các tài liệu ghi chép lại, Thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh năm 1072, mất năm 1116, vốn tên là Lộ, tự Đạo Hạnh, sống vào thời vua Lý Nhân Tông. Ông theo tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay. Tương truyền, Lộ là con quan đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan.
Ngày xưa, ở ngôi chùa Thiên Phúc, trên núi Phật Tích (Sài Sơn), gần tỉnh Sơn Tây, có một nhà sư trứ danh tên Lộ, người đời vẫn gọi là sư Đạo Hạnh. Cha Lộ là Từ Vinh làm quan đô sát ở triều nhà Lý, đến chơi làng An Lãng, lấy vợ người họ Tăng rồi sinh ra Đạo Hạnh.
Khi còn nhỏ, Lộ chỉ thích ngao du, tỏ ra chí lớn, thường đi lại với nhà nho Mao Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nhạc sư Phan Ất. Cha mẹ thấy Lộ suốt ngày chơi bời, đá cầu, lêu lổng cùng bạn bè, nên thường trách mắng luôn, không biết rằng đêm đến, còn lại một mình, Lộ chăm chỉ vùi đầu trong sách vở. Một hôm người cha dòm vào buồng con, thấy đèn le lói, Lộ vùi đầu vào bàn ngủ, tay vẫn còn cầm sách, từ đó mới không lo ngại về con nữa.
Đến kỳ thi tăng đồ thì Lộ trúng cử khoa Bạch Liên. Được ít lâu cha Lộ bị Duyên Thanh Hầu nhờ pháp sư Đại Diệu (có bản gọi là Đại Điên) dùng tà thuật làm hại. Xác quẳng xuống sông Tô Lịch, trôi đến cầu Quyết Kiều, ngay trước nhà hầu rồi đứng thẳng lên không đi nữa. Hầu sợ hãi báo với Đại Diệu đến, đọc chú và bắt quyết thì xác ngã xuống theo dòng nước cuốn đi.
Lộ thề báo thù cho cha, một hôm thấy Đại Diệu liền đuổi đánh, bỗng nghe trên không có tiếng bảo “Đừng”, Lộ quăng gậy bỏ chạy.
Lộ tìm đường sang Thiên Trúc (Ấn Độ) để học phép về chống với Đại Diệu, đi đến xứ Mán Răng Vàng bị cản trở phải quay lại. Lộ đến ẩn mình ở núi Phật Tích, ngày đêm chuyên chú tu luyện, đọc đủ mười tám vạn tám lần Đại Bi tâm kinh đà la ni. Một hôm có vị thần hiện ra bảo: “Ta là Trấn Thiên Vương cảm công đức trì tụng của thày nên đến đây ra mắt”. Lộ mừng rỡ, biết là công tu luyện của mình đã đạt, có thể báo thù được cho cha, bèn đến bến Quyết Kiều, thử lấy chiếc gậy phép đang cầm ở tay mà ném xuống giòng nước đã cuốn xác cha, thì thấy gậy rẽ giòng nước mà đi ngược lên, đến cầu Tây Dương thì dừng lại.
Lộ tin ở phép thuật của mình, tìm đến nhà Đại Diệu hỏi: “Mày có nhớ đến việc ngày trước không”? Rồi ngước mắt trông lên trên không, chẳng thấy gì liền cầm gậy đánh luôn Đại Diệu một cái. Đại Diệu phát bệnh mà chết.
Thù cha đã trả xong, Lộ muốn thoát vòng tục lụy, đi tìm các nơi thanh vắng ở rừng núi mà tu hành, gặp thiền sư Kiều Trí Huyền ở chùa Thái Bình và pháp sư Phạm Hợi ở chùa Pháp Vân dạy cho nhiều phép thuật cao cường, các loài ác thú đều hàng phục. Trong đêm tối ông đốt ngón tay để làm đèn, phun nước để chữa mọi bệnh rất linh nghiệm.
>>> Tàn tích tòa tháp khổng lồ trong lòng đất chùa Phật Tích
THÁC SINH TRỞ THÀNH VUA
Vào hồi bấy giờ vua Nhân Tôn nhà Lý không có con trai. Có người ở Thanh Hóa dâng sớ tâu: “Tại miền duyên hải, có một đứa trẻ linh dị mới lên ba tuổi, xưng là Thần Đồng, cho mình là con vua, người ta gọi là Giác Hoàng”. Vua cho người đi dò xét, rồi rước về kinh đô cho ở tại chùa Báo Thiên. Thấy đứa trẻ thông minh xuất chúng, vua rất yêu mến, muốn lập làm Thái Tử. Triều đình can gián: “Đứa trẻ này thông minh linh dị phải để nó thác sinh vào cung cấm mới nối ngôi Hoàng Đế được”. Vua nghe theo sai lập đàn bảy ngày bảy đêm, để cầu phép thác sinh hoàng tử.
Sư Lộ đoán biết đứa trẻ kia là Đại Diệu thác sinh, mới bảo cùng người chị: “Thằng bé kia là một tên sát nhân thác sinh muốn lên làm vua, ta phải ra tay ngăn trừ để tránh hậu hoạn cho nước nhà”. Bèn làm một đạo bùa giao cho chị giả làm người đến xem đám lễ rồi thừa cơ giấu lá bùa vào một chỗ trong đàn tế. Đến ngày thứ ba, các đạo sĩ đang cúng tế thì Giác Hoàng bỗng sinh bịnh nặng, rồi tự miệng thốt ra: “Khắp trong khu vực này toàn lưới sắt bao vây cả, tôi còn lối nào mà thác sinh được”?
Vua cho tra xét, biết sư Lộ đã làm phép ếm, bèn sai bắt giam Lộ vào Hưng Khánh, rồi giao cho các quan hội nghị định tội. Lúc ấy có Sùng Hiền Hầu đi qua, Lộ gọi Hầu nói: “Hầu có lòng cứu cho tôi được khỏi tội thì tôi sẽ thác sinh vào cung để trả ơn Hầu”. Hầu không có con, nhận lời ngay.
Tới khi hội nghị, các quan đều nói: “Bệ hạ chưa có hoàng tử nên cầu cho Giác Hoàng được thác sinh vào cung mà Từ Lộ lại dám làm phép để ngăn trở thì đáng phải tội chết”. Sùng Hiền Hầu mới tâu lên vua: “Nếu Giác Hoàng quả là bậc linh dị thì sao Từ Lộ làm phép lại không có phép gì để giải cứu được, có phải là Giác Hoàng còn kém tài Từ Lộ xa không? Thần trộm nghĩ bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ để bắt Lộ phải thác sinh vào cung thì tốt hơn”. Vua ngẫm nghĩ cho là phải, ra lệnh tha cho Lộ.
Lộ tạ ơn Hầu cứu sống và dặn rằng: “Nếu phu nhân có thai, khi sắp lâm bồn thì Hầu báo cho tôi biết để cầu khấn với sơn thần”.
Lại nói chuyện năm xưa đi cầu đạo cùng 2 người bạn Nguyễn Minh Không và Giác Hải, Từ Đạo Hạnh từng có lúc biến ra con hổ để dọa Nguyễn Minh Không, bị Nguyễn Minh Không nhắc nhở, Từ Đạo Hạnh bấm độn biết được kiếp sau sẽ bị hóa hổ. Tới khi sắp tạ thế, Đạo Hạnh bảo Nguyễn Minh Không rằng: “Xưa tôn sư của ta tu đã tròn quả phúc mà còn bị nạn đao thương quả báo, huống chi ở cái thuở mạt thế huyền vị này, há có thể tự giữ mình được sao? Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau”. Sau này khi Lý Thần Tông hóa hổ, các lương y trong thiên hạ không chữa nổi, lúc ấy có đứa trẻ hát rằng: “Dục tử trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không”. Triều đình tìm tới Nguyễn Minh Không và Nguyễn Minh Không chữa hết bệnh cho nhà vua.
THIỀN SƯ THÁC HÓA
Tục truyền còn lưu rằng, sau khi Từ Đạo Hạnh chết, ông cho thiền sư Nguyễn Minh Không biết mình sẽ đầu thai thành con của Sùng Hiền hầu – em trai của vua Lý Nhân Tông. Vị vua này không có con nên đã nhường ngôi cho con của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán, người con này chính là Từ Đạo Hạnh đầu thai, trở thành vua Lý Thần Tông.
Mấy tháng sau, Hầu phu nhân có thai, đến khi lâm bồn, quằn quại mấy ngày chưa sinh được. Hầu sai người đi báo tin cho Lộ biết. Lộ tắm rửa sạch sẽ rồi bảo học trò rằng:
“Mối nhân duyên của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương, đến khi già chết làm nhị thập thiên tử. Nếu thấy thân thể tan ra đất, đó là ta đã thâm nhập vào bùn đất không còn ở trong cõi sống chết nữa. Vì vậy, các con chớ nên khóc làm gì”. Học trò của Từ Đạo Hạnh nghe nói, ai cũng cảm động sụt sùi.
Sau khi dặn dò Từ Đạo Hạnh bỗng nhiên vào trong ghềnh núi thoát xác lại mà hóa. Ngay sau đó, hầu phu nhân sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba, vua Nhân Tông nhận vào nuôi ở trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng hà, thái tử tức vị tức vua Lý Thần Tông, cũng tức là do Từ Lộ – tức Từ Đạo Hạnh thác sinh.
Tương truyền ông viên tịch vào ngày 7 tháng 3 năm Bính Thân (1116) ở ghềnh núi Phật Tích, cạnh chùa Thiên Phúc, trên núi Phật Tích (Quốc Oai, Hà Nội ngày nay) người ta lập đền thờ ngay tại đó. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đền ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng lại thờ như cũ, hiện nay hãy còn)[1].
Đến tháng 6 thì Lý Dương Hoán, con trai của Sùng Hiền hầu ra đời, đây chính là vị vua tương lai Lý Thần Tông. Sau này Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, người vua mọc lông cọp và gầm như cọp, quần thần phải dùng cũi vàng nhốt Vua. Người cứu chữa được là Đại sư Nguyễn Minh Không.
Tại Hà Nội có chùa Láng, tên chữ là Chiêu Thiền Tự được xây dựng đời vua Lý Anh Tông (con của Lý Thần Tông). Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông. Bên cạnh đó có chùa Nền, tên chữ là Đản Cơ Tự dựng trên nền ngôi nhà cũ của Từ Đạo Hạnh.
Và cũng loại trừ những truyền tụng về phép tu của Từ Ðạo Hạnh gần với phái Mật tông, tinh thông đạo pháp để rửa thù báo oán, rồi hóa thánh…, ta biết ông là thiền sư thuộc thế hệ thứ mười hai của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi.
Ngoài ra, Từ Đạo Hạnh là một trong những danh tăng nổi tiếng của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài là người mở đầu cho một tín ngưỡng hòa trộn vào Phật giáo sau đó có sức ảnh hưởng lớn đối với người Việt thời Lý – Trần, tín ngưỡng thờ “Thánh Tổ”.
“Thánh Tổ” là các vị sư, cuộc đời có nhiều công hạnh kỳ bí linh thiêng, sau khi viên tịch được nhân dân dựng đền thờ riêng hoặc lập nơi thờ ở sau điện Phật. Thánh Tổ vừa đại diện cho Phật vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân, tuy vẫn thuộc đạo Phật nhưng lại như một thế lực thần thánh bảo trợ cho nhân dân.
Các ngôi chùa dạng này thường có mô hình “Tiền Phật – Hậu Thánh” và đặc trưng là thường rất to lớn về quy mô, ảnh hưởng tâm linh đến cả một vùng miền, xứ sở xung quanh như: chùa Thầy, chùa Keo – Nam Định, chùa keo – Thái Bình, chùa Láng…
THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH VÀ THƠ THIỀN
Tác Phẩm Lưu Lại
Từ Đạo Hạnh cũng là một văn nhân danh tiếng của thời Lý, ông đã để lại cho đời Năm bài thơ, “đều là những tác phẩm giãi bày triết lý đạo Thiền” đó là các bài:
Vấn Kiều Trí Huyền (Hỏi Kiều Trí Huyền)
Thất châu (Mất hạt châu)
Hữu không (Có và không)
Thị tịch cáo đại chúng (Sắp mất bảo mọi người)
Giáo trò.
Theo các học giả và các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, trên tiến trình văn học nước ta, giai đoạn văn học thời Lý là giai đoạn rất đặc biệt, bởi đó là thời xuất hiện rất nhiều các văn nhân là những nhà sư và nhà chính trị. Vậy nên, những tác phẩm văn chương thời Lý còn lại với hậu thế cũng phản ánh khá rõ tâm hồn và ý thức xã hội đương thời. Xin đơn cử một đặc điểm mà chúng tôi mạnh dạn cho là duy nhất có ở thời Lý: Về thơ, chủ yếu là thơ thiền (như thơ của Lã Ðịnh Hương, Thiền Lão, Mãn Giác…); còn về văn, chủ yếu ghi lại những việc lớn trong đời sống xã hội của đất nước hay của một vùng quê (như văn của Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông…). Thơ của Từ Đạo Hạnh cũng là thơ thiền của thời Lý.
Bài Hỏi Kiều Trí Huyền, theo các nhà Phật học, có lẽ ông viết khi chưa đắc đạo, nên lời thơ bộc lộ nỗi băn khoăn đau khổ cùng lòng mong mỏi của một người đi kiếm tìm chân lý Phật giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu bài này, được (phiên âm) dưới đây:
Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim),
Bất tri hà xứ thị chân tâm.
Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện,
Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.
Dịch nghĩa:
Lăn lóc giữa cõi trần mà chưa nhận rõ vàng (thau),
Chẳng biết chốn nào là chân tâm.
Mong người rủ lòng chỉ cho biết cách
Thấy rõ chân như đỡ khổ công tìm.
(Theo sách Thơ văn đời Lý, NXB Văn hóa thông tin – 1998)
Qua bài thơ, biết Từ Đạo Hạnh đã phải trăn trở, day dứt nhiều ngày “giữa cõi trần”, để tìm tới chân lý ở cõi chân như. Và đến bài Mất hạt châu, thì ông đã nhận biết được chân lý. Nhưng, ông lại thấy buồn cho người đời không mấy ai đạt tới cái chân lý ở ngay giữa đời (bài Mất hạt châu):
Nhật nguyệt xuất nham đầu,
Nhân nhân tận thất châu.
Phú nhân hữu câu tử,
Bộ hành bất kỵ câu.
Dịch nghĩa:
Mặt trời mặt trăng kế nhau mọc nơi đầu núi
Cõi đời này người người đều đánh mất ngọc của mình,
Như anh nhà giàu có con ngựa quý
Lại không cưỡi, mà chỉ đi chân không.
(Theo sách đã dẫn ở trên)
Có nhà nghiên cứu văn học thời Lý đã đưa ra những con số thống kê rằng, từ các học giả xưa như Lê Quý Ðôn (1726 – 1784), tiếp nữa là rất nhiều nhà sưu tầm nghiên cứu các đời sau, cho đến nay mới tìm thấy được 126 bài thơ hoặc văn đời Lý. Nếu tính cả triều Lý dài 216 năm đem so sánh, thì Từ Đạo Hạnh để lại Năm bài thơ đến hôm nay là rất quý hiếm. Hơn thế, trong số đó, bài Có và không là một bài thơ thật hay trong kho tàng thơ ca dân tộc. Chúng ta cùng tìm hiểu bài thơ này (phiên âm):
Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Bài Có và không của Từ Đạo Hạnh viết cách ta cả gần ngàn năm trước, là thơ thiền, nhưng rất trữ tình, hình tượng lớn lao, xúc cảm sâu xa lạ thường. Ðã không ít người dịch bài Có và không ra quốc văn, ở đây chúng tôi dùng bản dịch ở thể lục bát, tương truyền là của Huyền Quang (1254 – 1334) thiền sư này cũng là nhà thơ danh tiếng đời Trần:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Vầng trăng vằng vặc in sông,
Chắc gì có có, không không mơ màng.
(Theo sách đã dẫn trên)
Thiền sư Từ Đạo Hạnh không chỉ là người nuôi trí lớn, hiếu học mà còn ham thích văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian. Ông là một người đa tài; việc Từ Đạo Hạnh quan hệ với nho gia Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nhà sư Giác Hải, Minh Không, nghệ sĩ phường chèo Vi Ất và tìm những nhà sư đương thời nổi tiếng để “tâm sự học đạo” cho thấy ông vốn là con người ham hiểu biết và có khả năng tiếp thu tinh hoa trí thức để tự bồi dưỡng làm giầu năng lực trí tuệ của mình nên trở thành người đa tài. Ông giỏi về thơ văn và để lại những bài thơ nổi tiếng mà điển hình là tác phẩm Giáo trò, tác phẩm này theo học giả – thiền sư Lê Mạnh Thát, “Giáo trò trở thành tác phẩm văn học tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam”.
Còn theo Giáo sư nghiên cứu dân gian Trần Lâm Biền, “gạt bỏ những chuyện kỳ bí như lớp sương mù bao quanh Từ Đạo Hạnh ta thấy lộ ra một vị thiền sư đa tài, ông có đóng góp nhất định cho chính trị, đạo đức, văn hóa dân tộc, và cho tới nay, sự hiện diện của hai ngôi chùa ở thủ đô Hà Nội, đã trở thành danh thắng nổi tiếng, đó là chùa Láng và chùa Thầy”.
Còn có truyền thuyết, khi trút bỏ xác trần, Từ Đạo Hạnh đầu thai thành vua Lý Thần Tông. Có lẽ vì thế mà ở chùa Láng thờ cả Từ Ðạo Hạnh và Lý Thần Tông, là hai kiếp sống tại thế của Từ Lộ! Lại có chuyện lưu truyền trong dân gian vùng Sài Sơn, thiền sư Từ Ðạo Hạnh do có những hiểu biết uyên bác về nho, y, lý, số nên thường làm thuốc trị bệnh cứu người. Ông còn thích múa, hát, và thường dạy dân diễn trò múa rối, nên dân chúng gọi ông là “Thầy”. Rồi ngôi chùa cùng ngọn núi mà Từ Đạo Hạnh tu trì, tĩnh tọa cũng có tên là chùa Thầy, núi Thầy. Từ Đạo Hạnh sống giữa cuộc đời, giữa những con người trong dân gian, đó là lẽ đời thực giản dị. Từ Đạo Hạnh đã lăn lóc giữa trần đời, như ông viết trong thơ, đó là lẽ đời thường tình. Và cuối cùng, tới cõi, ông cũng có bài thơ Thị tịch cáo thị chúng (Sắp mất bảo mọi người) dưới đây:
Thu lai bất báo nhạn lai quy,
Lãnh tiếu nhân gian động phát bi.
Vị báo môn nhân lưu luyến trước
Cổ sư kỷ độ tác kim si (sư)
Dịch nghĩa:
Mùa thu về không báo chim nhạn cùng về,
Ðáng cười người đời cứ nảy sinh buồn thương (trước cái chết).
Khuyên các môn đồ chớ vì ta mà quyến luyến
Thầy xưa đã bao lần hóa thân thành thầy nay.
(Theo sách đã dẫn trên)
Bài thơ Sắp mất bảo mọi người là một sự thật cuộc đời Từ Đạo Hạnh, đã được ông viết thành thơ. Thơ của một người sắp từ giã mọi người, ngoái lại nhìn cõi thế, nên thơ ấy điềm nhiên, bình thản và cũng sâu sắc vô cùng. Chính bởi vậy, ngót nghìn năm qua, thơ thiền của Từ Đạo Hạnh vẫn sống trong đời sống tinh thần người Việt Nam.
Đánh giá của Khuông Việt, vị quốc sư đầu tiên của Việt Nam cũng cho rằng, Đạo Hạnh là một thiền sư luôn gắn đạo với đời. Ông thực sự lo cho vận nước khi có tà đạo lũng loạn làm mê tín lòng người phá rối chính pháp”. Còn theo sử liệu cho biết, Lý Thần Tông là Hậu thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thì thông qua vị vua này, ông đã làm cho “sản xuất nông nghiệp phát triển, dân no đử nên giặc giã ít”.
Tưởng nhớ công lao của Từ Đạo Hạnh, Ngôi chùa Láng của hương Yên Lãng đẹp và cổ kính giữa vườn rừng thâm nghiêm, có cây thông già gần nghìn năm tuổi, từ xưa đã nổi tiếng là đệ nhất tùng lâm của cố đô Thăng Long. Chùa được lập từ đời Lý Thần Tông (1128 – 1138), trên nền đất cũ nhà ông, bà Từ Vinh, Tằng Thị Loan. Ðặc biệt, trong chùa có pho tượng Từ Ðạo Hạnh, không tạc bằng gỗ hay đá, mà đan bằng mây, bên ngoài bó sơn ta, thật đẹp và hiếm thấy trong các chùa khác ở miền Bắc.
Theo học giả Phan Huy Chú có viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: “Chùa Phật Tích ở xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, có tên nữa là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sài, cảnh núi rất đẹp. Chân núi có hồ, trên núi có hang sâu, là chỗ Từ Ðạo Hạnh trút xác ở đây. Tại vách đá còn có dấu vết đầu và gót chân. Trong núi có viện Bồ Ðà, am Hương Hải đều là Từ Ðạo Hạnh làm ra. Nay là chùa Phật Tích”. Ðể lại những dấu ấn như vậy ở một ngôi chùa nơi vùng núi Sài Sơn, chứng tỏ Từ Ðạo Hạnh phải chuyên sâu việc thiền đạo đến dường nào.
NAM BANG TỨ BẤT TỬ
Tứ Bất tử (chữ Hán: 四不死) là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam. Bốn vị đó là Tản Viên Sơn thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa.
Tứ Bất tử là 1 phạm trù cổ của người Việt về các vị thần thánh trong nước. Tương truyền từ xưa khi Mẫu Liễu Hạnh chưa xuất hiện thì vị trí của bà là của Từ Đạo Hạnh Thiền sư, sau thế kỷ 1 – 16 người ta mới gắn Mẫu Liễu vào vị trí thứ 4 sau 3 vị thần từ đời viễn cổ.
Từ Đạo Hạnh là một trong những danh tăng nổi tiếng và nhiều truyền thuyết linh dị nhất trong lịch sử Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài cũng chính là người mở đầu cho một tín ngưỡng hòa trộn vào Phật giáo sau đó có sức ảnh hưởng lớn đối với người Việt thời Lý – Trần, tín ngưỡng thờ Thánh Tổ.
Thánh Tổ là các vị sư, cuộc đời có nhiều công hạnh kỳ bí linh thiêng, sau khi viên tịch được nhân dân dựng đền thờ riêng hoặc lập nơi thờ ở sau điện Phật. Thánh Tổ vừa đại diện cho Phật vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân, tuy vẫn thuộc đạo Phật nhưng lại như một thế lực thần thánh bảo trợ cho nhân dân. Các chùa dạng này thường có mô hình “Tiền Phật – Hậu Thánh ” và đặc trưng là thường rất to lớn về quy mô, ảnh hưởng tâm linh đến cả một vùng miền, xứ sở xung quanh như: Chùa Thầy, Chùa Keo – Nam Định, Chùa Keo – Thái Bình, chùa Láng, Chùa Trăm Gian, Chùa Bối Khê, Chùa Bái Đính cổ, Đền Nguyễn Minh Không, Chùa Ngũ Xã, Chùa Thiên Vũ (Dương Nội – Hà Đông – Hà Nội),…
Ban đầu các Thánh Tổ tập trung vào 3 vị: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải sau có thêm Nguyễn Bình An chùa Trăm Gian cuối đời Trần.
Tóm lại, Thiền sư Từ Đạo Hạnh, với lịch sử và huyền thoại, nhưng đến nay qua mộc bản triều Nguyễn vừa công bố mới đây đã góp thêm tiếng nói khẳng định Đạo Hạnh là một danh sư có công lớn với triều đình nhà Lý và dân tộc. Công đức của ông đã được ghi trong một số sách như: An Nam Chí Lược (năm 1333), Thiền Uyển Tập Anh (năm 1337), Việt Điện U Linh (năm 1329), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (năm 1479) và một số bia ký khác, đã giúp chúng ta một lần nữa khẳng định vai trò và công lao của ông trong dòng sử vàng dân tộc. Đó là niềm tự hào của những người con Đất Việt.
BBT CHÙA TỰ TÂM
__________________________________________________
Chú thích
[1]. Đại Việt sử ký toàn thư: “Bính Thân, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 7 [1116], (Tống Chính Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Quốc Oai (Quốc Oai là tên huyện, tức là huyện Quốc Oai ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác). Trước là phu nhân của Sùng Hiền hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức [17b] thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đền ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng lại thờ như cũ, hiện nay hãy còn).“
Thảo luận về post