…Khi cùng trò chuyện với một anh Phật tử, khi tôi có hỏi chuyện về những thành công của anh, thì anh chỉ cười và nói một cách rất khiêm nhường: “mình đâu có làm được bao nhiêu! Còn rất nhiều người giỏi hơn mình mà!”. Bí quyết thành công trong cuộc đời của anh chính là sự khiêm tốn, ham học hỏi, mà sự nhường nhịn “biết thua” của anh trước đây chính là khởi đầu của các thành công đó.
Bây giờ, chúng ta thường thấy các bậc phụ huynh dạy dỗ khuyến khích con em mình là phải vươn lên đứng đầu lớp, đứng đầu trường. Mỗi khi đọc báo nghe đài thấy nói ở chỗ này chỗ kia có học sinh nào đạt giải này giải nọ thì lập tức các bậc phụ huynh liền nói với con em họ rằng: đấy con phải theo gương đó mà học!, rồi nếu mà con họ học không đạt thành tích xuất sắc, họ liền chì chiết sao con không cố gắng đạt được như bạn đó, bạn nọ. Để đạt được tham vọng là con mình sẽ trở thành thần đồng, những đứa trẻ giỏi giang. Họ cố gắng chạy chọt cho con họ và trường chuyên lớp chọn mặc dù thực tế con của họ chỉ có sức học rất bình thường. Rồi họ ép con họ đi học thêm nào là tóan văn ngọai ngữ để mong con mình sẽ hơn con người. Rồi ở nhà trường cũng thế, vì thành tích của nhà trường mà ép học sinh học thêm…Cả xã hội dường như chỉ biết đưa ra những áp lực để cho con em mình trở thành những người giỏi giang, nhồi nhét đủ thứ kiến thức để đến nỗi chương trình học tập ngày càng nặng nề và trở nên quá tải.
Sức ép ấy tạo nên sự ức chế làm cho các em đánh mất đi tuổi thơ trong sáng của mình. Điều ấy tạo ra một phản ứng ngược là nhiều học sinh trở nên sợ học, học đối phó, không còn hứng thú say mê để học. Như vậy xét cho cùng cái khổ đó của các em học sinh cũng chỉ do tính háo danh, bệnh háo thành tích của người lớn mà thôi. Nếu như các bậc cha mẹ và các nhà quản lý giáo dục đều hiểu được rằng nhu cầu ham hiểu biết là một nhu cầu tự nhiên của con người, nếu con em của chúng ta được khợi gợi lòng ham thích học hỏi và được dạy dỗ tốt về đạo đức, tạo điều kiện tốt về mặt vật chất, khi các em có được một lý tưởng sống và một động cơ học tập tốt thì chẳng lo gì các em học không giỏi. Hãy dạy cho các em cũng phải biết vui mừng khi bạn của mình giỏi hơn mình.
Trong xã hội, khi kích thích tâm lý đạt được thành công để nổi danh, để thăng tiến là con dao hai lưỡi. Một mặt nó cũng tạo ra sự cạnh tranh để thúc đẩy xã hội phát triển vì tạo ra những con người biết vươn lên chiến thắng, nhưng mặt khác nó cũng tạo ra những con người nặng tính cá nhân đầy ích kỷ và kiêu ngạo. Một người có tài năng mà không có đạo đức thì thật là một tai họa cho xã hội. Con người ấy sẽ dùng tài năng ấy để mưu cầu lợi ích cho bản thân mình đôi khi dùng cả những mánh khóe hay mưu mô ác độc miễn sao có lợi cho mình.
Chúng ta kính cẩn nghiêng mình bái phục những con người đạt được thành công nhờ tài năng và đạo đức, có nhiều đóng góp cho cuộc đời. Nhưng chúng ta cũng thật là “biết ớn” những con người đã đạt được sự thành công bằng cách dẫm đạp lên người khác. Khi tâm lý luôn muốn hơn người khác thì sự hơn thua đố kỵ sẽ nảy sinh. Mình tốt ắt hẳn người khác phải xấu hoặc mọi người xấu thì có nghĩa là mình tốt. Đã có nhiều người thay vì cố gắng vươn lên để khẳng định mình họ đã chọn cách nói xấu hoặc phá họai sự thành công của người khác.
Một đội bóng tập hợp toàn là các ngôi sao, sẽ thua nếu đội bóng đó không được tổ chức tốt, trong đó ai cũng muốn nổi bật ai cũng muốn ghi bàn. Sức mạnh của tập thể, của xã hôi là ở chỗ được tổ chức tốt mọi người biết tôn trong nhau, dựa vào nhau, mỗi người đều được phát huy hết năng lực của mình. Rất cần những nhà lãnh đạo giỏi những ngôi sao nhưng cũng không thể thiếu vai trò của những con người bình thường nhất, nhìn bề ngòai có thể họ không có tài năng gì nổi trội nhưng chính họ là người giúp cho những nhà lãnh đạo tài năng có thể thực hiện được các dự án của mình đem lại lợi ích cho xã hội. Hãy tưởng tượng sự thể sẽ ra sao nếu thành phố Sài gòn này chỉ tòan là các bác sỹ kỹ sư mà không có người quét rác?…Một ca sỹ có được quần chúng hâm mộ, được ca ngợi là ngôi sao này nọ nếu không biết khiêm tốn, không biết rằng mình nổi tiếng được là nhờ công chúng, anh ta (cô ấy) trở nên kiêu mạn coi thường mọi người thì quả báo sẽ đến là ngôi sao ấy sớm muộn rồi thì cũng lụi tàn. Một người chỉ thực sự là tài năng nếu người đó biết đem tài năng của mình ra cống hiến cho cuộc đời. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
“Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước
Con chim ca yêu trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chím chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian
Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi
Núi cao bởi có đất bồi
Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu
Trăm sông đổ một biển sâu
Biển chê sông ít nước biển đâu nước còn”…
Mấy câu thơ trên đây đồng thời cũng nhắc chúng ta rằng nếu ta có được thành công nào đó mà ta vội kiêu mạn nghĩ mình là người tài năng là ta đã mang thêm cái tội vô ơn đối với cha mẹ thầy cô giáo, đồng nghiệp…vì nhờ có họ mà ta mới có ngày nay. Cơm ta ăn áo ta mặc, đường ta đi nhà ta ở… ta đâu phải tự sống một mình trên cõi đời này…
Từ xưa đến nay chúng ta thường nghe về các tấm giương anh hùng xả thân vì nghĩa lớn, biết giành chiến thắng vinh quang về cho dân tộc cho đất nước của mình. Họ thường được ca ngợi như những con người bách chiến bách thắng, bất khả chiến bại. Từ thua thường ít khi được dùng tới, nó luôn đồng nghĩa với thất bại hay sự nhục nhã nên người ta thường né tránh. Chúng ta đã được dạy phải luôn chiến thắng mà hầu như chưa được dạy khi cần cũng phải biết thua! Lịch sử cũng đã có không ít những vị vua, vị tướng tài giỏi đã biết lãnh đạo để giành chiến thắng về cho dân tộc: nhưng đôi khi ở một tình huống hay một trận đánh nào đó vị đó cũng biết thua để bảo tòan lực lượng mình, giảm hy sinh xương máu cho binh sỹ, để cứu lấy sinh mạng của bao nhiêu dân thường.
Đó là những quyết định thật khó khăn, họ phải đối diện một bên là trách nhiệm cá nhân phải hòan thành nhiệm vụ, phải chiến thắng, một bên là sinh mạng của bao nhiêu con người phải trả giá quá đắt cho chiến thắng đó. Họ biết rằng khi quyết định như vậy thì không phải bao giờ họ cũng được đánh giá đúng có khi bị cho là kẻ hèn nhát, thất bại và bị xử lý có khi bị chém đầu, nhưng họ đã quyết định theo đạo đức của con người, vì lợi ích của số đông mà hy sinh cái danh vọng hão huyền của bản thân mình. Ho đã chọn cái “thua”chứ không phải giành chiến thắng bằng mọi giá, và đó cũng là sự dũng cảm, sự hy sinh!
Nếu những nhà chính trị trên thế giới từ xưa đến nay biết kiềm chế đừng có ham chiến thắng, biết đặt quyền lợi của loài người lên trên thì thế giới này đã thanh bình biết bao tránh đi được các cuộc chiến tranh đẫm máu cho lòai người.
Trong cuộc sống hàng ngày của vợ chồng cũng vậy, không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái, bất đồng cũng sẽ xảy ra, nhưng nếu như ai cũng muốn giành phần thắng mà không ai chịu thua thì đổ vỡ là điều tất yếu, ông bà ta đã dạy rằng: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Sự thua trong nhường nhịn để giữ hòa khí trong các mối quan hệ hàng ngày giữa con người với con người là một sự thua trong cao thượng thể hiện của đạo đức vị tha.
Trong khi mọi người mải mê luôn tìm các chiến thắng (vượt hơn) người khác thì Đức Phật dạy rằng: “Hơn thì bị oán ghét, thua thì phải bị khổ sở, thế nên hãy sống thanh thản xả hết mọi sự hơn thua”. Điều quan trọng theo Đức Phật dạy là mỗi người hãy tự chiến thắng chính mình:
“Dẫu tại bãi chiến trường
Thắng muôn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng”
Bởi vì: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Nếu ai cũng biết tự chiến thắng cái tham, sân, si của mình, đừng coi cái danh, cái lợi, cái sỹ diện của ta qúa lớn thì ta sẽ thấy lỗi của chính mình mà không lo đi tìm lỗi của người nữa; ta sẽ không còn buồn khi người khác hơn ta, và hơn thế nữa:
“Xin tâm con sung sướng khi thấy người thành công,
Hoặc gây tạo phước lành như chính con làm được”…,
như lời kinh đã dạy thì cuộc đời này sẽ đẹp biết bao !.
Thảo luận về post