Tăng sĩ CHI-CƯƠNG-LƯƠNG (Kalasivi)
Một trong những Tăng Sĩ ngoại quốc đầu tiên
dịch kinh Phật và truyền bá Phật Giáo tại Việt Nam
Ngài Chi Cương Lương, có nơi viết là Chi Lương Cương Tiếp (Kalasivi – Hán nghĩa dịch là Chánh Vô Úy), có nơi viết là Chi Cương Lương Lâu, là người nước Nhục Chi thuộc Ấn Độ; đến ở và dịch kinh tại Giao Châu (miền Bắc Việt Nam hiện nay) vào khoảng các năm 255-256.
Vài bản mục lục còn nói tới một người tên Cương Lương Lâu Chi (Kalyanaruci – Hán dịch là Chân Hỷ), đã dịch nhiều kinh tại Giao Châu nhưng theo tài liệu nghiên cứu của Paul Pelliot, hai người trên đây chỉ là một, và ông cho rằng tên Phạn ngữ của người này là Kalaruci (Toung Pao), đến Giao Châu vào thế kỷ thứ III, đời Tấn Vũ Đế (265-290).
Có sự lầm lẫn hoặc sai biệt giữa các tài liệu về các tên gọi: Chi Cương Lương, Chi Cương Lương Tiếp, Chi Cương Lương Lâu, Chi Lương Lâu Chí. Trong khi chờ đợi những khảo cứu chính xác hơn, chúng ta chỉ có thể tạm thời chấp nhận theo như sách Thiền Uyển Tập Anh – một văn bản cổ của Phật Giáo Việt Nam – là khoảng năm 255-256, có nhà sư tên Chi Cương Lương, người nước Nhục Chi (Ấn Độ), đến ở tại trung tâm Luy Lâu của Phật Giáo thuộc Giao Châu.
Tại Giao Châu, Chi Cương Lương dịch nhiều kinh sách, trong đó kinh Pháp Hoa Tam Muội (Saddharmasamadhi – sutra) là bộ kinh nổi tiếng nhất, được dịch vào đời Tào Ngụy niên hiệu Cam Lộ nguyên niên (256). Ông dịch kinh này với sự giúp đỡ của một nhà sư người Việt là Đạo Thanh. Và theo sách Lịch Ðại Tam Bảo Ký, ông cũng đã dịch bộ Thập Nhị Du Kinh.
Đáng tiếc là bản dịch kinh Pháp Hoa Tam Muội này đã thất truyền từ trước năm 730. Theo TS. Lê Mạnh Thát, Pháp Hoa Tam Muội thuộc thể loại “Thiền kinh”, trong đó nói đến một pháp môn thiền định gọi là thiền định Hoa Sen và các quan niệm về Pháp Thân, Huyễn Hóa, Không…
Cũng theo các tài liệu nghiên cứu, sự phát triển Phật Giáo ở trung tâm Luy Lâu của Phật Giáo ở các thế kỷ II-III có thể nhận thấy mang nhiều yếu tố của Phật Giáo Đại Thừa, đồng thời còn bao hàm cả một số yếu tố tín ngưỡng dân gian như đã được thể hiện trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, An Ban Thủ Ý Kinh và Lục Độ Tập Kinh của Khương Tăng Hội.
Như vậy, Chi Cương Lương có thể xem như một Tăng Sĩ thuộc hệ phái Đại Thừa và cũng mang khuynh hướng Thiền học. Ông là một trong những Tăng Sĩ ngoại quốc đầu tiên dịch kinh Phật và truyền bá Phật Giáo tại Việt Nam
—=oOo=—
>>TIỂU SỬ TỔ KHƯƠNG TĂNG HỘI (Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang.
– Phật Giáo Ở Giao Châu Trong Thiên Niên Kỷ Đầu Công Nguyên – Vũ Duy Mền, Viện Sử Học – Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam.
——=ooo=——
TÀI LIỆU ĐỌC THÊM:
(Trích sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của tác giả Nguyễn Lang)
Vào thời Mâu Tử và Khương Tăng Hội (cuối thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III) ở Giao Châu đã có lưu hành ít nhất là 15 bộ kinh rồi, và số Tăng Sĩ tại Giao Châu đã có khoảng 500 vị. Tài liệu này được chép trong cuốn Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, một tác phẩm hoàn thành đầu đời Trần, nói về ba phái Thiền Tông Việt Nam trước đó. Sau đây là đoạn văn liên hệ tới tiểu sử Thiền Sư Thông Biện, tuy hơi dài nhưng là tài liệu quan trọng nhất của Việt Nam về lịch sử du nhập của Phật Giáo vào Giao Châu.
“Ngày rằm tháng Hai năm Hội Phong thứ năm (1906), hoàng thái hậu Phù Cảm Linh nhân thiết lễ Trai Tăng và cùng các bậc kỳ túc cứu vấn về nghĩa Phật và Tổ {…} Bà hỏi:
Phật ở phương nào? Tổ ở nước nào? Ai hơn ai kém? Ðến nước ta hồi nào để truyền đạo? Ai đến trước ai đến sau? Người nào dạy niệm danh hiệu Phật, người nào dạy đạt tâm ý Tổ?
Trong khi mọi người còn đang yên lặng thì Thiền Sư Trí Không trả lời:
Phật là bậc thường trú thế gian, bất sinh bất diệt; Tổ là người đạt đến tông chỉ của Phật Tâm và tới trình độ kiến giải và thực hành đi đôi với nhau. Phật và Tổ là một. Chỉ có kẻ kém học mới vọng nghĩ giữa Tổ và Phật có hơn có kém. Vả lại, Phật là giác ngộ. Sự giác ngộ này vốn trạm nhiên thường trú – tất cả mọi sinh linh đều có bản tính giác ngộ, chỉ vì bụi vọng tình che lấp, trôi theo nghiệp báo mà lưu lạc mãi trong vòng ngũ thú. Vì tâm từ bi nên Phật thị hiện giáng sinh ở Tây Trúc vốn là xứ trung ương vậy. Năm mười chín tuổi xuất gia; năm ba mươi tuổi thành đạo; thuyết pháp trên đời trong 49 năm, bày ra bao nhiêu phương tiện giáo hóa để giúp cho người ngộ đạo, đó là thời đại lập giáo vậy. Trước khi nhập Niết-bàn, Ngài ngại người sau mê chấp nên nói với Văn Thù: “Trong 49 năm qua, ta chưa từng nói một tiếng, chứ đừng nói là có diễn bày ra những học thuyết.” Nhân đó Ngài đưa lên cành hoa. Ðại chúng đều mang mang, chỉ có Tôn Giả Ca-diếp mỉm cười. Phật biết Ca-diếp có điều khế ngộ, liền đem chính pháp nhãn tạng trao cho, đó là Tổ thứ nhất. Ðây là tâm tông truyền lại, biệt lập ngoài giáo điển vậy. Sau đó Ma Ðằng đem giáo lý này lưu nhập vào đất Hán, Ðạt-ma đem tông chỉ này truyền vào Lương Ngụy. Về Giáo Tông thì đến Thiên Thai Trí Giả là thanh; về Thiền Tông thì người đạt được tông chỉ vẻ vang nhất là Tào Khê Huệ Năng. Hai tông này đến nước Việt ta đã lâu rồi. Giáo Tông thì từ Khương Tăng Hội. Thiền Tông thì có phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi là phái đầu tiên, rồi đến phái Vô Ngôn Thông, Hai vị đó là Tổ của hai phái vậy.
Hậu hỏi: “Về hai thiền phái ấy, có chứng cớ gì để giảo nghiệm?” Thiền sư đáp:
Xét truyện Ðàm Thiên Pháp Sư, ta thấy vào đời Tùy Cao Tổ, giáo pháp được nâng đỡ rất nhiều. Vua Văn Ðế nói: “Trẫm nghĩ nhớ tới lòng từ bi của Đức Ðiều Ngự khi Ngài thuyết dạy chính pháp, không biết làm sao để báo ân đức này. Từ khi lên ngôi, trẫm đã hỗ trợ Tam Bảo khắp nơi, thâu Xá-lợi di thể để làm bảo tháp thờ khắp nước đến 49 nơi, để làm nơi dẫn dắt cho nhân gian. Trẫm đã làm hơn 150 ngôi chùa và tháp. Ta cũng muốn làm chùa tháp ở Giao Châu để cho phước đức được thấm nhuần cả đại thiên thế giới. Xứ ấy tuy nội thuộc, nhưng ở quá xa. Vậy Pháp Sư hãy chọn một số danh tăng sang đó để giáo hóa khiến cho mọi người đều được biết đến đạo Bồ-đề”. Pháp Sư Ðàm Thiên tâu: “Giao Châu có đường thẳng thông với Thiên Trúc. Khi Phật Pháp mới tới Giang Ðông chưa đầy đủ gì thì ở thủ đô Luy Lâu của Giao Châu đã có tới 20 ngôi bảo sát (chùa), độ được hơn 500 vị Tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi… Như vậy là vì Phật Giáo truyền đến Giao Châu trước khi truyền đến Giang Ðông vậy. Hồi ấy, có các vị Tăng như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác… cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền Thượng Sĩ đắc pháp với Tỳ Ni Ða Lưu Chi, truyền bá tông chỉ của Tam Tổ, là một vị Bồ-tát sống cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hóa đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc. Bệ hạ là một bực cha hiền khắp chốn, muốn bình đẳng bố thí, nhưng đất kia đã có người rồi, ta không cần gửi người tới nữa.
Thiền Sư Trí Không còn nói tiếp thêm về hai phái thiền Tỳ Ni Ða Lưu Chi và Vô Ngôn Thông và dẫn thêm chứng cớ. Hoàng thái hậu rất vừa ý. Sau này Thiền Sư được triều đình tôn xưng là Thông Biện Quốc Sư.
QUANG MAI sưu tập và tổng hợp.
Thảo luận về post