– Kính chia sẻ tới chư huynh đệ Pháp lữ hữu duyên.
Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa (bài viết & đoạn thuyết giảng) để bảo vệ những giá trị truyền thống.
Ngưỡng mong GHPGVN & Bộ Văn hóa, cùng các cấp có thẩm quyền… làm sao “sớm trả lại cho Lịch Sử những gì chân thực nhất thuộc về chính nó”./.
GIẢI OAN HAY HÀM OAN?
(Chuyện về suối giải oan – Yên Tử)
Hoàng Quốc Hải
Sách “Cõi thiêng yên Tử” do ông Thi Sảnh (tức Thanh Sỹ giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch kiêm chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Quảng Ninh xuất bản trước năm 2000, hiện vẫn có giá trị lưu hành) và giáo sư Hà Văn Tấn là tác giả. Sách dầy 40 trang cỡ 12-21cm. Phần ông Thi Sảnh viết hai bài từ trang 20 đến trang 38.
Bài “Từ Giải oan đến Bia Phật” có đoạn:
“Chuyện cũ kể rằng: Khi Trần Nhân tông xuất gia đến Yên Tử tu hành, một trăm cung phi vốn trước đó hầu hạ ông ở cung vua, cũng lặn lội tìm đường đến Yên Tử, xin theo ông. Nhưng Trần Nhân tông khuyên họ trở về làm lại cuộc đời. Để tỏ lòng trung với vua, mọt trăm cung phi liền trầm mình xuống suối Hồ Khê, dưới chân núi Yên Tử. Một số cung phi bị chết đuối. Để giải oan cho linh hồn họ, Trần Nhân tông cho dựng chùa thờ cúng, chùa ấy gọi là chùa Giải oan. Suối Hồ Khê nơi các cung phi trầm mình, cũng từ đó mang tên Giải oan. Số cung phi cứu được thoát chết, vua cho tập trung dưới chân núi, làm nhà cho ở, cấp ruộng đất cho cầy cấy, cho lấy chồng sinh con, lập thành làng Nương, làng Mụ tức xã Thượng Yên Công ngày nay” (Tr. 27 sách “Cõi thiêng Yên Tử”).
Do ông giám đốc Sở văn hóa kiêm chủ tịch Hội khoa học lịch sử viết sách hướng dẫn cho khách hành hương về danh sơn Yên Tử như vậy, nên những người thuyết minh cho khách hành hương và khách tham quan Yên Tử đã định hình theo chỉ dẫn trên (ít ra từ khi Yên Tử có cáp treo đến nay). Và khách cứ đinh ninh rằng: “Suối Giải oan có đúng 100 cung nữ trầm mình, số cứu được đưa về an cư tại hai làng gọi là “làng Nương”, “làng Mụ” và hai làng ấy nay là xã Thượng Yên Công. Và chùa Giải oan do Trần Nhân tông lập nên để thờ cúng (các cung nữ chết oan), chùa ấy gọi là chùa “Giải oan”.
Vậy những điều tưởng như là khẳng định trên đây, tác giả Thi Sảnh, tức ông Thanh Sỹ – nhà quản lý đầu ngành văn hóa tỉnh Quảng Ninh dựa trên cơ sở lịch sử nào?
Do tin tưởng vào công trình sáng tạo của lãnh đạo ngành, nên Ban quản lý di tích đã cho khắc một tấm bia bằng đá hoa cương đặt trước lối vào chùa Giải oan.
Thường khi người ta dựng bia nhằm khẳng định hoặc tôn vinh một sự việc có thật, đã từng diễn ra trong lịch sử hoặc cả với hiện tại. Bia lập ngày 27 tháng 11 năm 2008, nội dung lấy từ sách “Cõi thiêng Yên Tử” như phần trên đã trích.
Sách viết như vậy, bia khắc theo sách, thuyết minh cho du khách theo nội dung bia dựng nơi cổng chùa. Thử hỏi du khách còn hoài nghi vào đâu nữa.
Tôi đã từng đọc các sách về Đạo Phật, cũng như tham bác về các học thuyết Nho-Lão và lịch sử dân tộc xuyên suốt hai thời đại Lý, Trần. Vì vậy tôi rất thận trọng và đọc tới cả trăm lượt bài viết của ông Thi Sảnh, mong tìm được sự thỏa hiệp với những sự kiện do ông viết. Nhưng quả thực, càng đọc càng thấy những vấn đề ông Thi Sảnh đặt ra nó nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Vì vậy, phải kiếm tìm lời giải trong sử sách và trong dân gian.
- ÔNG THI SẢNH LẤY TƯ LIỆU TỪ ĐÂU?
“Thánh đăng lục” và “Tam tổ thực lục” là sách ghi chép chủ yếu các sự kiện xảy ra trong cuộc đời 5 vị vua đời Trần gồm: Trần Thái tông, Trần Thánh tông, Trần Nhân tông, Trần Anh tông, Trần Minh tông.
Và Tam tổ thực lục ghi chép về ba vị tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử: Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Cả hai sách này đều không đả động gì đến việc 100 cung nữ theo vua khi ngài xuất gia lên Yên Tử.
Việc Trần Nhân tông xuất gia lên Yên Tử, sách Đại việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 8 (Kỷ hợi 1299), thượng hoàng từ phủ Thiên Trường, lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh”. Toàn thư không cho ta một thông tin nào về 100 cung nữ theo vua Trần Nhân tông rồi trầm mình.
Nói lại xuất gia là bởi năm Giáp ngọ (1294) Trần Nhân tông đã xuất gia tại chùa Khai Phúc thuộc hành cung Vũ Lâm tỉnh Ninh Bình.
“Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn cũng như “Việt sử yếu” của Hoàng Cao Khải đều không nói đến sự kiện Trần Nhân tông xuất gia lên yên Tử.
“Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim chép việc Trần Nhân tông xuất gia như sau: “Đến khi Nhân tông đi đánh Lào trở về, thì bỏ đi tu, trước ở chùa Vũ Lâm ( làng Vũ Lâm, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) sau về ở Yên Tử sơn” (tr 152-153). “Lịch sử Việt Nam” của Lê Thành Khôi không chép việc Trần Nhân tông xuất gia. Việc này “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thời Sỹ chép: “Mùa thu tháng 7, tu sửa am Ngọa Dược ở núi Yên Tử. Thượng hoàng lại xuất gia đi tu ở núi Yên Tử. Đến Long Động từ biệt các cung tần mỹ nữ, cho họ được tự do. Người nào không muốn về quê thì cấp ruộng làm nhà ở dưới chân núi cho họ ở. Thượng hoàng thường về Thiên Trường ngự ở cung Trùng Quang” (tr 393).
Cũng sự kiện này “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Tháng 7, mùa thu, Thượng hoàng lên núi Yên Tử, xả thân ở am Ngọa Vân. Trước kia, Thượng hoàng ở Vũ Lâm, thời thường đi lại kinh sư và phủ Thiên Trường; đến nay lại xuất gia đến núi Yên Tử, ở am Ngọa Vân. Cung tần, thị nữ người nào không muốn về thì cấp ruộng và cho nhà ở chân núi. Thượng hoàng thỉnh thoảng có về phủ Thiên Trường, ngự ở cung Trùng Quang” (Tập I tr.535).
Hai bộ sử này đều chép sự kiện Trần Nhân tông xuất gia giống nhau. Nhưng đều không có chi tiết 100 cung nữ trầm mình.
“Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thời Sỹ trứ tác vào cuối thế kỷ 18, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” được soạn vào thời vua Tự Đức, khoảng giữa thế kỷ 19.
Vậy ta có thể hiểu “Cương mục” đã chép lại sự kiện này từ “Đại Việt sử ký tiền biên”. Tuy nhiên, Ngô Thời Sỹ không cho ta biết ông lấy tư liệu từ nguồn nào. (Sau có một vài người dẫn lại sự kiện này đều theo nguồn của “Đại Việt sử ký tiền biên”). Thường các vị vua băng hà hoặc xuất gia thì các cung nữ được giải cung là điều tất yếu, triều đại nào chẳng vậy.
Việc này nếu xẩy ra với Trần Nhân tông, chắc vào năm Giáp ngọ (1294 ) là lúc ông xuất gia lần thứ nhất tại hành cung Vũ Lâm thì đúng hơn. Lần xuất gia thứ hai lên Yên Tử, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 8 (Kỷ hợi 1299), Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh” (tr.546 tập I). Tu khổ hạnh, có nghĩa là tu theo hạnh đầu đà, người tu sĩ phải xả bỏ tất cả để dấn thân. Ăn chỉ dùng một bữa chay duy nhất vào đúng giờ ngọ, ngủ phải ngủ ngồi, không chăn chiếu, giường phản. Như vậy Trần Nhân tông phải chuẩn bị hết sức chu đáo để không còn gì vướng bận. Vì vậy khó có chuyện các cung nữ dám theo ông vào lúc này.
Việc các cung nữ giải cung là việc thường hằng của các triều vua sau khi nhà vua băng hà, hoặc xuất gia như trường hợp Trần Nhân tông. Vậy thời con số đúng 100 cung nữ trầm mình, ông Thi Sảnh dẫn từ nguồn nào, thực sự là một thông tin đáng ngờ?!
…
Trích sách: VĂN HÓA PHONG TỤC (Tái bản lần thứ 4, xuất bản năm 2023 – Nxb Phụ Nữ Việt Nam), bài viết: Giải Oan Hay Hàm Oan? (Chuyện về suối giải oan – Yên Tử), trang 293 – 306.
Đoạn thuyết giảng trích từ mục: TỌA ĐÀM – LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI ĐẠI LÝ – TRẦN bài Lịch Sử PGVN Thời Nhà TRẦN | Số 11 | Trí Tuệ Phật Giáo Nhập Thế Thời Trần | Sử gia Hoàng Quốc Hải.
VIDEO FULL BÀI CHIA SẺ
BAN BIÊN TẬP CHÙA TỰ TÂM – TP. BAN MÊ thực hiện.
CHUATUTAM.NET
Thảo luận về post