Như tựa đề của tác phẩm, “Sổ tay hành hương Phật tích Ấn Độ và Nepal” là tấm bản đồ thu nhỏ của hành trình tâm linh được đức Phật trải nghiệm và truyền bá chân lý trong 45 năm.
Sổ tay này được biên soạn tóm lược vào năm 2007, đến nay, tôi mới có thời gian bổ sung các thông tin cần biết về Phật tích Ấn Độ và Nepal, theo đó, khách hành hương có thể nắm bắt trước các thông tin trước khi đến các điểm Phật tích và có thể ôn lại các Phật tích sau khi đã chiêm bái qua.
Nương theo hành trình tâm linh này, khách hành hương như đang sống trong thời đại của đức Phật cách đây 26 thế kỷ, đồng hành với đức Phật, lắng nghe đức Phật tuyên thuyết chân lý, thực tập thiền minh sát, mở mang tuệ giác, theo đó, đức Phật như đang tồn tại trong tâm của mỗi người.
Hành hương Phật tích là một trải nghiệm nội tại sâu lắng, theo đó, mỗi người tăng trưởng sự hiểu biết về chân lý, thấy rõ vai trò khai sáng con đường giải thoát của đức Phật lịch sử. Sau khi chiêm bái Phật tích, người hành hương trở thành Phật tử có học Phật, tu tập Phật pháp, tham gia Phật sự và phục vụ nhân sinh như chính đức Phật đã làm một cách không mệt mỏi trong thời đại của Ngài.
Chín tháng trong một năm, ba mươi ngày trong một tháng, từ 6g sáng đến 11g trưa, lấy cớ hành khất, đức Phật đi vào làng xã, tương tác với mọi người, truyền trao chân lý, tháo gỡ bế tắc, mở ra hạnh phúc, giúp người phàm trở thành chân nhân, tiệm cận thánh nhân và thánh nhân. Sau khi ăn cơm trong chánh niệm, đức Phật đi thiền hành khoảng 30 phút, thuyết giảng chân lý thực tiễn cho những người hữu duyên, thông qua đối thoại tôn giáo và đối thoại triết học. Khoảng 14-15g, đức Phật trở về tịnh xá, tư vấn và trị liệu khổ đau cho các Phật tử tại chùa. Mỗi tối, đức Phật hướng dẫn Tăng đoàn thực tập thiền quán, khai mở trí tuệ, giúp nhiều người chứng đắc thánh quả. Trong ba tháng an cư mùa mưa, do việc đi lại khó khăn, côn trùng sinh sôi có thể bị giẫm đạp, đức Phật và Tăng đoàn ở yên một chỗ, truyền trao kinh nghiệm tu học và hoằng pháp cho hàng ngàn Tăng Ni mới nhập đạo.
Thảo luận về post