Mâu Bác (牟 博) – thường được gọi và tự xưng là Mâu Tử (牟 子)
Sa-môn MÂU BÁC – 牟 博
Một trong những Phật Tử ngoại quốc đầu tiên
tu học theo đạo Phật và truyền bá Phật Giáo tại Việt Nam
oOo
Mâu Bác – thường được gọi và tự xưng là Mâu Tử (牟 子) – sinh vào khoảng những năm 165-170 và mất năm nào không rõ. Cũng có tài liệu ghi: Mâu Tử tên Dung, tự Tử Bác, nên có nơi gọi là Mâu Bác, người Việt, có thời gian sống ở Thương Ngô, niên đại khoảng 198-230 (xem bài đọc thêm bên dưới). Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì ông là một trong số ít người đầu tiên ở nước ngoài đến Giao Châu – vùng đất miền Bắc Việt Nam ngày nay(1) – tu học và truyền bá đạo Phật tại đây vào cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III.
Ông là người ở quận Thương Ngô (Ngô Châu ngày nay), bên dòng Tây Giang, nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc. Lúc trẻ, ông đã nổi danh là người học rộng, đọc nhiều, giỏi biện bác và có đầu óc phê phán. Trong bài Tựa ở sách Lý Hoặc Luận do ông viết, có đoạn (dịch từ chữ Hán):
Mâu Tử tôi đối với kinh truyện và chư gia, sách lớn sách nhỏ không sách nào không mê. Tuy không thích binh pháp, nhưng cũng đọc sách binh pháp. Tuy đọc sách thần tiên bất tử nhưng không tin thần tiên bất tử, (bởi) đó là chuyện hư đản(2).
Và cũng nhờ bài tựa này mà người ta biết được đôi điều về ông:
Sau khi vua Hán Linh Đế qua đời năm 189, cả nước Trung Quốc lâm vào cảnh loạn lạc (nạn Tam Quốc), chỉ có Giao Châu do thái thú Sĩ Nhiếp cầm quyền là được yên. Cho nên lúc bấy giờ số người chạy loạn từ phương Bắc xuống đó khá đông, trong số này có mẹ con Mâu Tử (khoảng năm 194).
Mâu Tử được mời làm quan hai lần, nhưng ông đều chối từ. Trích bài tựa:
Thái thú (Sĩ Nhiếp) nghe có chút học thức, tới mời nhận một chức vụ. Hồi đó tuổi vừa lớn, lòng chuyên về việc học, lại thấy đời loạn lạc không có ý muốn ra làm quan, cho nên tôi từ chối không đến.
Ở một đoạn khác, Mâu Tử lại viết:
Thái thú thấy tôi học biết nhiều, muốn nhờ đi Kinh Châu. Mâu Tử cho rằng quyền tước vinh hoa thì dễ từ, nhưng sứ mạng thì khó từ chối, cho nên đã chuẩn bị để đi. Gặp lúc đó vị châu mục cảm tài học, thấy chưa có chức phận liền muốn giao cho một quan chức, nhưng tôi muốn cáo bệnh không đi, (bất ngờ) người em của châu mục là thái thú Dự Chương bị viên tướng tải lương là Trách Dung sát hại… Châu mục liền mời Mâu Tử tới nhờ đi Linh Lăng và Quế Dương… Mâu Tử nói: “Lâu nay ăn cơm của các châu quận, ngày tri ngộ đã dài, nay gặp việc cần, kẻ liệt sĩ phải quên thân mình để lo phụng sự”, liền chuẩn bị lên đường. Nhưng lúc ấy mẹ mất, không thể đi được. Sau suy nghĩ chín chắn cho rằng vì tài biện đối mà người ta giao cho sứ mạng, thực ra trong thời buổi nhiễu nhương này, không phải lúc nên lộ diện(3).
Mâu Tử vốn là người thông hiểu đạo Lão và đạo Nho, nhưng sau di cư đến Luy Lâu (thủ phủ của Giao Châu), ông đã gặp Đạo Phật ở đây. Sau khi mẹ mất, theo bài tựa, thì ông bèn mài chí theo đạo Phật, cùng nghiên cứu Lão Tử, lấy huyền diệu làm rượu ngon, lấy Ngũ Kinh (của Nho Giáo) làm đàn sáo… Người thế tục đa số không biết, cho rằng Mâu Tử đã phản Ngũ Kinh mà theo dị đạo… Thực ra nếu mở miệng ra tranh luận với họ thì cũng là phi đạo, mà im lặng thì ra như bất lực, bèn dùng bút mực, lược dẫn lời thánh hiền mà chứng giải điều mình nghĩ. Do đó gọi là “Mâu Tử Lý Hoặc Luận” (gọi tắt là Lý Hoặc Luận).
Cũng theo bài Tựa của Mâu Tử, năm 26 tuổi, ông trở về quê nhà (Thương Ngô) cưới vợ. Sau đó, ông vẫn tiếp tục việc học Phật(4) và mất năm nào không rõ.
Trước tác nổi tiếng của Mâu Tử là cuốn “Lý Hoặc Luận” viết bằng chữ Hán, ra đời vào cuối thế kỷ II nhưng năm nào thì chưa rõ(5)). Sách gồm 37 câu hỏi đáp giữa tác giả và những người theo đạo Nho và đạo Lão. Theo một số nhà nghiên cứu, thì với cuốn này, có thể nói Mâu Tử là người Trung Quốc đầu tiên có trước tác về Phật Giáo bằng chữ Hán(6).
Về cái tên Mâu Bác hay Mâu Tử có thể là một pháp danh, bởi Mâu có thể là lấy từ Mâu-ni. Đoạn kết của Lý Hoặc Luận cho ta cảm tưởng lúc này Mâu Bác đã là một Sa-môn, bởi người đối thoại với ông sau khi được thuyết phục, đã lạy ông và “xin thọ ngũ giới làm Ưu-bà-tắc”(7)./.
oOo
Chú thích:
(1) Ban đầu, Giao Châu còn bao gồm một phần đất Quảng Tây và Quảng Đông thuộc Trung Quốc ngày nay.
(2) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang, (Tập 1, Tr. 54).
(3) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (Tập 1, Tr. 54-55).
(4) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (Tập 1, Tr. 58).
(5) Mặc dù còn có một vài ý kiến khác, nhưng một số tác giả, trong đó có Nguyễn Lang, Pelliot,… đều đồng ý rằng bài Tựa và phần chính tác phẩm Lý Hoặc Luận được sáng tác vào cuối thế kỷ II. Nhưng sau đó có người sửa chữa thêm thắt khiến bản văn có đôi chỗ mang ngữ phong của thế kỷ III và thế kỷ V (chi tiết xem trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1, Tr. 56).
(6) Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam – Nguyễn Tài Thư chủ biên, Tr. 54; và Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam – Thích Minh Tuệ, Tr. 68.
(7) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (Tập 1, Tr. 58).
—=oOo=—
ĐỌC THÊM:
Bài 1:
Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam
(Giai đoạn du nhập và thời Ngô, Đinh, Tiền Lê)
[Trích từ sách “Đố Vui Phật Pháp” – Diệu Kim biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính]
oOo
Việt Nam từ cuối thế kỷ II trước công nguyên là thuộc địa của Trung Quốc, dưới đời nhà Hán có tên là Giao Chỉ. Đến đầu thế kỷ III thái thú Sĩ Nhiếp đổi lại là Giao Châu. Việt Nam lại nằm giữa hai nước rộng lớn và có nền văn minh xán lạn nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng nhiều của hai nền văn minh ấy.
Về địa thế, Việt Nam nằm giữa con đường biển từ Ấn Độ đi Trung Quốc nên Phật Giáo du nhập vào Việt Nam cũng bằng hai con đường:
– Đường bộ: từ phía Bắc xuống, nghĩa là từ Trung Quốc thẳng xuống Việt Nam. Vào thế kỷ II, Ngài Mâu Bác đã theo đường này mà truyền giáo. Về sau, Trung Quốc đô hộ Việt Nam ngót 1.000 năm, nên truyền giáo bằng đường bộ là chính.
– Đường biển: từ phía Nam lên. Vào thế kỷ III, Ngài Khương Tăng Hội, Ma Ha Kỳ Vực và Chi Cương Lương đều theo đường biển từ Ấn Độ sang Trung Quốc mà ghé ngang Việt Nam.
Ghi chú:
1/ Hiện nay các nhà sử học đang đặt lại vấn đề là Phật Giáo truyền vào Việt Nam trước khi truyền vào Trung Quốc, bởi căn cứ theo quyển Lý Hoặc Luận của Mâu Tử (Mâu Bác) là quyển sách Phật Giáo đầu tiên lại được viết ở Giao Chỉ vào cuối thế kỷ II, chứng tỏ ông đã sang Giao Chỉ lánh nạn rồi học Phật tại đây. Nghĩa là Phật Giáo phải vào Giao Chỉ sớm hơn, vì trong sách Mâu Tử viết rằng Tăng đoàn đã lên đến 500 người, trong khi ở Trung Quốc mãi đến thế kỷ III mới có Tăng đoàn.
2/ Trung Quốc có 3 trung tâm Phật Giáo lớn là Lạc Dương (kinh đô nhà Hán), Bành Thành (hạ lưu sông Dương Tử), và Luy Lâu (vì Giao Chỉ đang lệ thuộc nhà Hán). Nhưng trong sách của Mâu Tử chỉ đề cập đến Luy Lâu. Vậy Lạc Dương, Bành Thành phát triển sau. Bởi Giao Chỉ có đường biển thông với Ấn Độ dễ dàng, nên các nhà sư Ấn Độ muốn sang Trung Quốc phải ghé Giao Châu trước, và nơi đây tiếp giáp với các nước dùng văn hệ Phạn ngữ (như Chăm-pa, Phù Nam, Chân Lạp) lẫn văn hệ Hán ngữ (Trung Quốc), các nhà sư có thể tìm người phiên dịch dễ dàng và học ngoại ngữ trước khi truyền đạo.
3/ Khương Tăng Hội được ghi nhận là theo cha sang Giao Châu buôn bán, nhưng cha mẹ chết hết, Ngài lớn lên và xuất gia học Phật ở Giao Châu, sau mới sang Trung Hoa ở tại Lạc Dương dịch kinh. Thời Tam Quốc loạn lạc, Ngài lại về Giao Châu. Sau, Ngô Tôn Quyền sùng mộ, mời Ngài trở lại.
Như vậy, cả Mâu Tử lẫn Khương Tăng Hội đều học Phật tại Việt Nam, từ đó đem Phật Giáo phát triển sang Trung Quốc, rồi truyền ngược trở lại./.
—— oOo ——
>>TIỂU SỬ TỔ KHƯƠNG TĂNG HỘI (Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam)
Bài 2:
Mâu Tử – Người đầu tiên dùng Phật Giáo làm cơ sở để đánh tan luận điệu tự tôn dân tộc của dân tộc Hán
[Trích từ sách “Tổng Quan Về Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” của Nguyễn Ðức Sơn – Bài 1: Phật Giáo Việt Nam từ du nhập đến thời Lý Nam Ðế với sự ra đời của nhà nước độc lập Vạn Xuân]
—oOo—
Ðôi nét về con người Mâu Tử:
Tên tuổi của Mâu Tử gắn liền với tác phẩm nổi tiếng Lý Hoặc Luận. Mâu Tử tên Dung, tự Tử Bác, nên có nơi gọi là Mâu Bác, người Việt, có thời gian sống ở Thương Ngô, niên đại khoảng 198-230. Mâu Tử là người đọc rộng biết nhiều, thông kinh làu sử, được đánh giá là một trong những nhân tài nổi bật đương thời “văn võ kiêm bị, có tài chuyên đối”.
Gặp lúc Thương Ngô loạn lạc, ông đem mẹ trở về nước ta (Giao Chỉ) rồi trở thành Phật Tử. Năm 26 tuổi, ông trở sang Thương Ngô để cưới vợ rồi về lại Việt Nam. Khoảng mười năm sau đó thì mẹ mất, ông dốc lòng vào đạo. Khi Mâu Tử về Giao Chỉ thì nước ta đang trong thời kỳ độc lập về chính trị với chính quyền do Chu Phù và Sĩ Nhiếp lãnh đạo.
Dù được cử đi đô hộ, là ngoại tộc, nhưng khi đến nước ta, có người đã bị Việt hóa và Phật Giáo hóa, mà Chu Phù và Sĩ Nhiếp là hai điển hình. Chính quyền của Chu Phù và Sĩ Nhiếp là những chính quyền độc lập không lệ thuộc văn hóa Hán, “vứt thánh điển của tiền thánh, bỏ pháp luật của Hán gia” để theo một quy cách mới, được xây dựng trên cơ sở của một nền văn hóa mới vừa Việt Nam vừa Phật Giáo.
Phật Giáo nước ta thời bấy giờ do thế đã phát triển rực rỡ lắm rồi. Ðiều này được xác nhận qua dữ liệu nói về trung tâm Luy Lâu đã nêu trước và qua những quan điểm của Mâu Tử trong tác phẩm của ông. Ðó là bối cảnh đã sản sinh những anh tài cho đất nước như Mâu Tử và là động lực để ông viết nên tác phẩm Lý Hoặc Luận bất hủ. Là người tài giỏi, nhưng ông không thích ra làm quan, đã từ chối nhiều lời mời của các đại diện chính quyền trong thời gian ông sống ở Giao Chỉ như Chu Phù và Sĩ Nhiếp, cũng như lúc về Thương Ngô. Ðiều này sẽ được làm sáng tỏ hơn trong những quan điểm của Mâu Tử ở tác phẩm Lý Hoặc Luận, ở chí khí tự tín và tư tưởng đối kháng đã đánh tan luận điệu tự tôn dân tộc và khinh miệt các dân tộc khác của Trung Quốc vào thời bấy giờ./.
QUANG MAI (sưu tầm & tổng hợp)
Thảo luận về post