>>[Nghiên Cứu] Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam (3 tập) – GS. Lê Mạnh Thát
QUAN ĐIỂM HIẾU HẠNH CỦA MÂU TỬ TRONG TÁC PHẨM LÝ HOẶC LUẬN
Trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử có nhiều tư tưởng nhưng về tư tưởng hiếu đạo, ta biết có sự khác biệt cơ bản giữa tư tưởng hiếu đạo của người Việt Nam và hiếu đạo của người Trung Quốc.
DẪN NHẬP
Trong cuộc đấu tranh và phát triển đầy cam go gian khổ, nhưng cũng đầy hào hùng hoành tráng của dân tộc ta, mỗi khi lịch sử bước vào những giây phút thử thách gay gắt quyết liệt sống mái với kẻ thù, những khuôn mặt anh tài luôn luôn xuất hiện đứng ra gánh vác trách nhiệm, góp sức đưa con thuyền dân tộc đến bến vinh quang. Vào cuối thế kỷ thứ II, dân tộc ta đang đối đầu với viễn cảnh có thể vĩnh viễn bị đồng hóa vào nền văn hóa Trung Quốc, thì một khuôn mặt anh tài đã ra đời, đó là Mâu Tử cùng tác phẩm Lý Hoặc Luận nổi tiếng của ông.
Lý Hoặc Luận từng là một tác phẩm lý luận gối đầu giường của người Phật giáo ở Viễn Đông, mà cụ thể là Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với lịch sử dân tộc ta, nó là một tác phẩm lý luận có một vị trí xung yếu. Từ những năm 1096, Thông Biện khi trình bày lai lịch của Phật giáo nước ta cho thái hậu Ỷ Lan, dẫn lời của Đàm Thiên, đã nói tới Mâu Bác và Khương Tăng Hội như hai đại biểu tôn giáo đầu tiên ở nước ta. Đến thời cận đại, thiền sư Pháp Chuyên (1726-1798) khi viết Tam bảo biện hoặc luận, tuy chủ yếu dựa vào Chiết nghi luận của Tử Thành, đã xa gần nói đến Mâu Tử. Đặc biệt đến đầu thế kỷ XX, khi Trần Văn Giáp giới thiệu về ông như một trong những nhà truyền bá đạo Phật đầu tiên ở Việt Nam, Mâu Tử trở nên quen thuộc không những đối với học giới, mà còn đối với bộ phận lớn người dân. Tuy nhiên, đó cũng là khởi điểm của vấn đề Mâu Tử.
Trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử có nhiều tư tưởng nhưng về tư tưởng hiếu đạo, ta biết có sự khác biệt cơ bản giữa tư tưởng hiếu đạo của người Việt Nam và hiếu đạo của người Trung Quốc. Phật giáo ngay từ khi du nhập vào nước ta, tự thân của nó đã hòa nhập với đạo lý truyền thống dân tộc và trở thành nếp sống đạo đức hướng thượng của người dân Việt Nam từ xưa cho đến nay. Trong đó hiếu hạnh được xem là hạnh đứng đầu trong muôn hạnh. Bởi vì Phật dạy “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Tuy nhiên, quan điểm hiếu hạnh xưa nay có nhiều kiến giải khác nhau. Quá trình giao lưu văn hóa giữa nước ta và Trung Hoa, Ấn Độ vào thời Phật giáo du nhập diễn ra liên tục. Vấn đề là các quan điểm hiếu hạnh của các hệ tư tưởng khác nhau khi vào nước ta, được cộng đồng người Việt tiếp biến như thế nào để thích ứng với nhãn quan, nếp sống trong truyền thống hiếu nghĩa của dân tộc. Chính vì vậy mà chúng tôi đã chọn đề tài: “Quan điểm hiếu hạnh của Mâu Tử trong tác phẩm Lý Hoặc luận”.
Trong phạm vi giới hạn của bài viết chỉ nói đến quan điểm của Mâu Tử trong tác phẩm Lý Hoặc Luận để thấy sự khác biệt giữa quan đểm hiếu hạnh của Nho giáo và Phật giáo như thế nào.
Về phương pháp nghiên cứu người viết dùng phương pháp phân tích những sự kiện hay thông tin có sẵn mà phân tích chúng để đánh giá tài liệu một cách có phê phán. Bên cạnh đó có sử dụng một số phương pháp khác dựa trên hoàn cảnh nghiên cứu để làm sáng tỏ đề tài.
Mong rằng với bài viết này sẽ đóng góp một phần nào làm rõ đề tài vì trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam thì Phật giáo và dân tộc luôn luôn song hành. Đó cũng là một nét văn hóa rất riêng của Việt Nam và cũng là nét riêng của Phật giáo từ khi Đức Thích Ca khai sáng cho đến các vị đệ tử truyền thừa trải qua bao nhiêu thời gian bao nhiêu không gian vẫn không làm rơi một giọt máu nào mà ngược lại còn làm rạng danh cho dân tộc ấy. Một trong những tác phẩm đầu tiên của Phật giáo tại Giao Châu lúc bấy giờ được một người Trung Hoa viết đó là Lý Hoặc Luận của Mâu Tử đã làm nên một dấu ấn lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đầu Phật giáo mới du nhập vào nước ta.
>>Tư tưởng giải quyết mâu thuẩn, hướng đến hòa đồng tôn giáo trong LÝ HOẶC LUẬN của Mâu Tử
NỘI DUNG
1. GIỚI THIỆU TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM LÝ HOẶC LUẬN
1.1. Đôi nét về Mâu Tử
Mâu Tử tên thật là Mâu Bác, người Hán, ở Thương Ngô vùng Lưỡng Quảng thuộc Trung Hoa. Ông là người đầu tiên của Trung Hoa viết về sách của đạo Phật. Tìm trong các sách sử, kể cả trong Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên không thấy đề cập đến Mâu Tử. Có thể sách sử lúc bấy giờ ít quan tâm tới vấn đề tôn giáo hoặc do những tài liệu ghi chép về Mâu Tử không nhiều cho nên không biết chính xác năm sinh và mất của Mâu Tử. Theo Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thác[1], Mâu Tử có thể sinh khoảng những năm 160-165 và viết Lý Hoặc Luận vào năm 198, vì rằng Mâu Tử có thể sống tiếp tới những năm 220 đến 230 và góp phần mình vào việc đào tạo những lớp người kế thừa mới, trong đó có Khương Tăng Hội và Đạo Hinh. [2]
Cũng theo Lê Mạnh Thác, có một số trích văn của Lý hoặc luận hiện còn tồn tại trong các tác phẩm khác và cho tập hợp lại ở cuối bản dịch cùng bản của Hoằng Minh tập, từ đó có biết phần nào bối cảnh chính trị, văn hóa và học thuật thời Lý hoặc luận xuất hiện. Các sách Tùy Chí và Ðường Chí đều có nói đến sách này của Mâu Tử. Riêng sách Tùy Chí lại còn chua thêm: “Hán thái úy Mâu Dung soạn”. Sách này đã lầm thái úy Mâu Dung thời Chương đế (tự là Tử Ưu) với Mâu Tử thời Linh Ðế. Theo ông Pelliot có nói rõ về điểm này trong một bài đăng trong Toung Pao[3] về bài tựa của sách Lý Hoặc Luận dẫn lời của Mâu Tử cho rằng: “Mâu Tử tôi đối với kinh truyện và chư gia, sách lớn sách nhỏ không sách nào không mê. Tuy không thích binh pháp, nhưng cũng đọc sách binh pháp. Tuy đọc sách thần tiên bất tử nhưng không tin thần tiên bất tử, cho đó là chuyện hư đản. Sau khi vua Hán Linh đế băng hà, thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là yên ổn, các bậc dị nhân phương Bắc đều tới đây, phần lớn đều tin theo thuật thần tiên tịch cốc trường sinh. Hồi ấy có nhiều học giả, Mâu Tử thường lấy ngũ kinh ta vấn nạn, các đạo gia và thuật sĩ không ai đối đáp cho xuôi được, cũng tỷ như Mạnh Kha cự lại với Dương Chu Mặc Ðịch. Trước kia Mâu Tử cùng mẹ tới tị nạn ở Giao Chỉ, năm 26 tuổi về quê Thương Ngô cưới vợ. Thái thú Sĩ Nhiếp nghe có chút học thức, tới mời nhận một chức vụ. Hồi đó tuổi vừa lớn, lòng chuyên về việc học, lại thấy đời loạn lạc không có ý muốn ra làm quan, cho nên tôi từ chối không đến.”. Theo lời của ông Pelliot, chúng ta có thể bác bỏ luận điểm trong sánh Tùy Chí là Mâu Tử không phải là thái úy Mâu Dung, vì Mâu Tử không muốn ra làm quan khi nhận được lời mời của thái thú Sĩ Nhiếp.
Trong bài tựa của sách Lý Hoặc Luận ông thừa nhận mình là người giỏi văn chương và đam mê đọc sách chứ chưa bao giờ làm quan. Lúc còn trẻ Mâu Tử là người uyên thâm nên Sĩ Nhiếp từng mời ra làm quan nhưng Mâu Tử từ chối: “Vì châu mục cảm tài học thấy chưa có chức phận muốn giao cho một chức quan nhưng tôi cũng cáo bệnh không đi…” Trong Tùy Chí và Hoàng Minh Tập đều nói Mâu Tử làm quan đến chức thái úy hay thái thú nhưng trong bài tựa ông nói không làm quan ở Giao Châu do Trung Hoa cai trị thời đó.
Theo bài tựa Lý Hoặc Luận, chính những tao loạn của thời thế đã làm cho Mâu Tử thấm nhuần được tư tưởng của Lão Tử nói về nguyên tắc “tuyệt tánh khí trí” mà ngày xưa ông không hiểu, chỉ vì ông đã đọc với trí năng mà không có kinh nghiệm sống. Vì ông đã đọc hết sách Lão, bây giờ không còn chuyện học Lão nữa mà là chuyện chiêm nghiệm về Lão. Có học thì là học Phật, và trong lúc học Phật, từ ngữ và tư tưởng Lão đã giúp ông đi vào Phật học một cách mau chóng. Và cũng chính vì biết rộng về Lão Giáo và Khổng Giáo mà ông có thể trình bày đạo Phật cho những người theo đạo Lão và Khổng một cách dễ dàng và hữu hiệu.
Ông cưới vợ năm 26 tuổi, và bắt đầu học Phật vào khoảng từ năm 30 tới năm 35 tuổi. Mâu Tử đã xuất gia sau khi xâm nhập vào Phật lý hay không? Ðiều này ta chưa thể quả quyết được. Cái tên Mâu Tử hay Mâu Bác có thể là một pháp danh [4]. Ðoạn kết của Lý Hoặc Luận cho ta cảm tưởng Mâu Tử là một Sa Môn, bởi vì theo đoạn này người đối thoại với ông, sau khi được thuyết phục, đã lạy ông và “xin thọ ngũ giới làm ưu bà tắc”.
1.2. Bối cảnh ra đời của tác phẩm Lý Hoặc Luận
Lý là xử lý, Hoặc là mê lầm, Lý Hoặc Lận là luận để xử lý, giải thích những mê lầm, những sai lầm của một số người đương thời đối với Phật giáo mà cụ thể là một số tri thức gia của Nho giáo và Lão giáo. Tác phẩm được viết dưới hình thức vấn đáp, đó là một thể tài thường được các luận sư Phật giáo Ấn Độ thời bấy giờ thường dùng.
Vào thế kỷ thứ 2, đạo Phật Ấn Độ bắt đầu phân phái thành nhiều nhánh nhỏ, do đó ở Ấn Độ xuất hiện từ 18 đến 20 bộ phái, từ đó nảy sinh hai bộ phái chính là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Vì sự thành lập nhiều bộ phái nhằm để giải thích rộng ra giáo lý của Đức Phật và giải thích chủ trương của hệ phái mình, mà những bộ phái của Phật giáo thời bấy giờ lúc buổi đầu thường mang tính chất tranh luận nên có người hỏi và người trả lời. Lý Hoặc Luận ra đời trong bối cảnh ở Ấn Độ có sự phân phái vì vậy mà Lý Hoặc Luận cũng bị ảnh hưởng từ những bộ luận của Phật giáo Ấn Độ nên theo thể tài vấn đáp, đó cũng là một trào lưu.
Sách này ngày nay được lưu giữ trong Hoằng Minh Tập do Tăng Hựu sưu tập và ấn hành vào thế kỷ thứ VI Tây lịch trong Đại Tạng kinh. Sách Tùy Chí và Đường Chí đều nhắc đến chứng tỏ rằng đây là một tác phẩm nổi bật trong giới thuật học Trung Hoa.
Trong cảnh rối ren, Mâu Tử đang ở Giao Châu, lúc đó có giới trí thức Nho, Lão đề cao trường sanh bất tử cũng mời ông cộng tác nhưng ông đã từ chối. Ông cho rằng đó là sự huyễn hoặc vì vậy ông bị giới Nho Lão phê bình. Ông dùng bút mực để nói lên những điều đang diễn ra trong xã hội nhiễu nhương: sự lộn xộn của Phật giáo Ấn Độ do có nhiều tông phái xảy ra những bất đồng về tư tưởng, nhà Hán thì tranh chấp chính quyền thì trong lúc đó chỉ có Giao Châu là được bình yên. Vì vậy mà giới thí thức Nho giáo và Lão giáo đã tranh thủ mời ông.
Ông nói: “Bèn nài chí theo đạo Phật, cũng nghiên cứu Lão Tử lấy huyền diệu làm rượu ngon, lấy Ngũ Kinh làm đàn sáo.”. Người thế tục đa số không biết cho rằng Mâu Tử đã phản lại Ngũ Kinh mà đi theo dị đạo. Thực ra nếu mở miệng tranh luận với họ thì cũng là phi đạo mà im lặng thì tưởng chừng như bất lực. Bèn lấy bút mực dẫn lời thánh hiền mà chứng giải điều mình nghĩ. Đó gọi là Mâu Tử – Lý Hoặc Luận.
Thiền uyển tập anh_3 coi như là tác phẩm đầu tiên nhắc tới Mâu Tử. Trong truyện Thông Biện, nhân trả lời câu hỏi của thái hậu Ỷ Lan về lai lịch của Phật giáo Việt Nam, Thông Biện đã dẫn lời của Đàm Thiên và nhắc đến Mâu Bác và Khương Tăng Hội. [5]
Như thế, Mâu Tử – Lý Hoặc Luận có một vị trí quyền uy trong học giới qua việc nó được dẫn dụng một cách rộng rãi trong Phật giáo.
1.3. Nội dung tác phẩm Lý Hoặc Luận
Lý Hoặc Luận là một tác phẩm luận dưới hình thức vấn đáp, một thể tài văn học khá phổ thong thời bấy giờ. Gồm 13 chương tương đương 37 phẩm Đạo đức kinh, tương đương 37 phẩm trợ đạo của Đạo Đế trong giáo lý Tứ Đế của đạo Phật. Ông quan niệm đạo Phật thiên kinh vạn quyển không ngoài 37 phẩm trợ đạo mà thành Phật, bên cạnh đó 37 phẩm Đạo đức kinh của Khổng Tử cũng không nhằm mục đích giúp con người trở thành người tốt. Ông mượn lời thánh hiền dần dần chứng giải những điều mình nghĩ. 37 chương điều này dùng để trả lời những vấn nạn của những người theo Lão giáo và Nho giáo về Phật giáo lúc bấy giờ.
Trong tác phẩm, ông không giới thiệu Đức Phật là một nhân vật vật lịch sử mà chủ yếu giới thiệu Đức Phật là một nhân vật huyền sử (nghĩa là dựa vào cốt lõi của lịch sử mà thêm dấu ấn của huyền thoại), nhân vật huyền sử này có nhiều phép lạ thần thông. Quan điểm của Mâu Tử giới thiệu Đức Phật Đại thừa chứ không phải Đức Phật Nguyên thủy. Phật thể Đại Thừa xuất phát từ tâm thức của con người. Hình ảnh Đức Phật đó sâu xa huyền diệu như nước biển sâu không đáy, không thể dùng tư duy hay lời lẽ biện luận được. Mâu Tử cũng xác định rõ vị trí của nước Ấn Độ, ông bác bỏ quan điểm của Nho giáo rằng Trung Hoa nằm ở vị tí trung tâm của vũ trụ và Trung Hoa là nơi làm chủ thiên hạ (tư tưởng Đại Hán), thay vào đó Mâu Tử khẳng định Ấn Độ chính là trung tâm của trời đất mang bản chất hiền hòa. Ông viết: “Phật sở dĩ sanh Thiên Trúc thiên địa chí trung xứ, kỳ trung hòa giã.”. Nghĩa là: Đức Phật sở dĩ sanh ra ở Thiên Trúc vì đó là trung tâm của trời đất, là nơi con người có bản bản tính hiền hòa.”.
Mâu Tử cũng lập luận và ca ngợi tính sâu xa của đạo không thể nào lấy tư duy và ngôn ngữ thế gian để mà soi thấu được. Ông dùng ngôn ngữ của Lão giáo để nói về đạo Phật: “Đạo ấy buộc lấy không có đằng trước, muốn theo đi không có đằng sau, giỡ lên không có ở trên, đè xuống không có ở dưới.” ,dựa vào lý duyên khởi và tánh không (không nắm bắt gì cả). Trả lời như vậy chứng tỏ Mâu Tử là người uyên thâm, trả lời về đạo Phật mà Nho giáo và Lão giáo không bắt chẹt đâu được “khiển chi vô tiền, dẫn chi vô hậu, cử chi vô thượng, ức chi vô hạ…”
Nho giáo đưa ra vấn đề kinh Phật quá nhiều (tam tạng kinh điển có hàng ngàn cuốn) trong khi đó đạo Khổng chỉ có năm quyển không quá tám vạn từ, trong khi đó kinh Phật có hàng ngàn cuốn “kim Phật kinh quyển dĩ vạn kế”. Nói đến kinh là nói đến chân lý, mà chân lý thì phải được đúc kết. Vậy kinh sách Phật giáo nhiều như thế liệu có phải là chân lý hay không? nhiều như thế có phải là gạch ngói cát sạn hay không? Với những câu hỏi này chứng tỏ rằng Phật giáo ở Giao Châu đến thời điểm này đã phát triển mạnh mẽ, học thuật Phật giáo được nâng cao nên có nhiều sách viết về đạo Phật và chân lý mà đạo Phật đề cập không phải nằm trên chữ nghĩa văn tự mà ở cốt lõi thực hành giá tị chân lý đó hay không mà thôi. Theo Mâu Tử: “chân lý nằm trong hiện thực cuộc sống, điều quan trọng của giá tị đó có được thực hiện hay không chứ không phải đưa ra bàn cãi.” Như vậy lúc đó Giao Châu là đất mà đạo Phật rất phát triển do các tăng sĩ Ấn Độ và Trung Á đến đây truyền giáo.
Vấn đề hiếu hạnh của Mâu Tử trình bày về sự hiếu của Phật giáo. Do Nho giáo cho rằng Phật giáo là không chủ trương hiếu hạnh, đa phần là bất hiếu. Vì tội bất hiếu của Phật giáo là Tăng Ni đi tu không ai nối dõi tông đường, đó là tội thứ nhất theo quan niệm của Nho giáo. Tội thứ hai: thân thể hình hài do cha mẹ sinh ra không được làm tổn hại. Vậy mà Tăng sĩ của Phật giáo đầu tóc cạo sạch, cạo chân mày, như vậy làm tổn thương hình hài do cha mẹ sinh ra là bất hiếu. Mâu Tử còn cho rằng: nếu làm việc đức lớn thì không nên câu nệ tiểu tiết cũng như việc cứu cha mẹ là đức lớn, còn những việc khác chỉ là tiểu tiết mà thôi. Đây cũng thể hiện tinh thần báo hiếu bằng con đường xuất thế gian của đạo Phật.
Trong tác phẩm Lý Hoặc luận của Mâu tử còn đề cập đến chuyện sanh tử, vô vi của các trí thức Nho gia đã chất vấn Mâu Tử. Những điều này đã được trả lời rành mạch bằng cách vận dụng những kiến thức sâu rộng của ông không những kiến thức Phật giáo mà còn cả những điển tích và luận lý của Nho giáo và Lão giáo để thuyết phục những câu chất vấn của họ đã đưa ra.
1.4. Thông điệp nội dung tác phẩm
Với tác phẩm Lý Hoặc Luận, Mâu Tử đã giải thích những suy nghĩ, những tư tưởng mê lầm, những mối nghi hoặc của giới trí thức Nho Lão trong thời Phật giáo mới du nhập. Bối cảnh bấy giờ Nho giáo và Lão giáo là hai tôn giáo lớn của Trung Hoa đã du nhập vào nước ta trước qua con đường xâm lược còn Phật giáo là tôn giáo mới được những người thương buôn và tu sĩ Ấn Độ, Tây Á truyền sang nhưng lại được phát triển thịnh hành hơn. Có thể do sự đố kỵ nhau mà không thích những tư tưởng khác ngoài sự bành trướng của Trung Hoa với những đạo giáo của mình nên có ý công kích Phật giáo. Nhưng Mâu Tử đã khéo léo dùng lối trả lời của mình không chỉ dựa vào những điển tích của Trung Hoa mà còn dẫn lời của Khổng Mạnh và Trang Tử, Lão Tử… vào tác phẩm của mình để trả lời. Chứng tỏ rằng Mâu Tử là người uyên thâm không những Phật giáo mà còn uyên thâm cả Lão và Nho. Với sự uyên thâm ấy đã thuyết phục được những tư tưởng của Nho gia và Lão gia, làm cho đạo Phật càng có sức ảnh hưởng đối với xã hội lúc bấy giờ.
2. QUAN ĐIỂM HIẾU HẠNH CỦA PHẬT GIÁO TRONG THỜI KỲ DU NHẬP
2.1. Nghệ thuật xây dựng hình ảnh hiếu hạnh trong tác phẩm Lý Hoặc Luận
Truyền thống Việt Nam từ ngàn xưa vốn xem đạo hiếu là lửa thiêng un đúc tinh thần gia tộc. Tinh thần hiếu hạnh ấy của người xưa được đề cao. Cho đến khi nước ta bị giặc phương Bắc đô hộ, ảnh hưởng nền văn hóa Nho giáo và Lão giáo thì chữ hiếu càng đặt nặng. Phàm là người phải thờ cha kính mẹ bằng cách chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau về già hoặc lấy vợ gả chồng sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường, tạo dựng cơ nghiệp làm rạng danh tiên tổ. Với chuẩn mực của xã hội phong kiến ảnh hưởng Nho giáo lúc bấy giờ thì hình ảnh những người tu sĩ của đạo Phật từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khác với thường tình cho nên không tránh những sự đã kích. Những quan niệm đó đã được Mâu Tử lý giải trong Lý Hoặc Luận nhằm để giải thích quan điểm hiếu hạnh của người tu sĩ Phật giáo qua những hình ảnh bằng những câu chuyện xưa của Nho giáo và Lão giáo để chứng minh điều mà những người tri thức Nho, Lão đã chất vấn.
Ở đây chúng tôi xin trích nguyên văn câu 9 trong Tổng tập văn học của Lê Mạnh Thát [6]: “Hỏi: – Hiếu kinh nói: “Thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ không dám hủy thương” – Tăng Tử lúc sắp mất, bảo: “Kéo tay ra, duỗi chân ra!” Nay sa môn cắt tóc, sao trái với lời dạy của thánh nhân, không hợp với đạo người con hiếu. Ông thường ưa luận phải trái, bàn thẳng cong, mà đi ngược điều thiện hay sao?” Quan niệm về hiếu đạo của người Trung Quốc là cha mẹ cực khổ khó nhọc mang nặng đẻ đau nuôi dưởng hình hài này khôn lớn, công ơn đó chưa ngày nào đền đáp được, vậy mà đi hủy hoại nó bằng cách cắt sạch tóc đi, làm như vậy là tổn thương đến công lao sinh dưỡng của cha mẹ như vậy là bất hiếu.
Người vấn nạn đã dựa vào lý lẽ trên bài bác Mâu Tử, thì Mâu Tử chỉ ngay: “Thái Bá cắt tóc, vẽ mình, tự theo tục của Ngô Việt, trái với nghĩa thân thể tóc da; vậy mà Khổng Tử ca tụng, cho có thể gọi là chí đức, Dự Nhượng nuốt than, sơn mình. Nhiếp Chính lột mặt, tự vẫn. Bá Cơ dẫm lửa, hạnh cao cắt mặt. Quân tử cho là dũng và chết vì nghĩa, không nghe ai chê là tự hủy hết”.
Ở đây quan niệm đạo hiếu như trong Hiếu kinh như thế không thể nào phù hợp với ngay chính tập tục sống rất phổ biến cuả người Việt Nam vào thời Hùng Vương mà Tiền Hán đã ghi lại “Đất Việt nay là Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, đều là phần của Việt… xâm mình cắt tóc để tránh hại của giao long”. Lúc bấy giờ ở nước ta dân thường ở trong nước, nên cắt tóc xâm mình, cho giống với con rồng, để không bị thương hại”. Trong kinh Tu Đại Noa của Lục độ tập kinh 2[7] quan điểm về đạo hiếu này được công bố rõ ràng rằng: “Giúp nghèo cứu thiếu, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của hạnh?”. Khi xác định đứng đầu mọi hạnh là việc “giúp nghèo cứu thiếu thương nuôi quần sanh”, thì đây là một định nghĩa hoàn toàn mới về chữ hiếu, bởi vì theo Đỗ Khâm trong Tiền Hán thư thì “hiếu đứng đầu mọi hạnh của con người”, và đây cũng là ý chính của Hiếu kinh, mà Tiền Hán thư đã dẫn: “Hiếu kinh nói: “Tính của trời đất, con ngưòi là quí. Hạnh con người không gì lớn hơn hiếu”.
Trong khi đó, tư tưởng Phật giáo khi du nhập vào nước ta trong đó quan niệm hiếu hạnh không mang tính lý thuyết mà đề cao bằng hành động và thái độ sống để làm sao là một người con có hiếu nhưng vẫn hướng đến sự giải thoát khổ đau. Mục đích của hiếu hạnh là kết nối truyền sự yêu thương, hướng con người đi đến sự bình an nội tại, tìm hạnh phúc chân thật trong cuộc sống. Chủ yếu là áp dụng hạnh hiếu bằng thái độ và hành động đối với cha mẹ và những người quyến thuộc như thế nào để được lợi lạc. Việc xuất gia tu hành, cạo bỏ râu tóc, sống một đời sống không gia đình không chỉ tự hoàn thiện bản thân mà còn có khả năng báo hiếu cho cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ sống đúng chánh pháp, đưa đến sự an lạc, hạnh phúc.
Với trí tuệ của đạo Phật thì kiếp người đầy đau khổ, mà nỗi khổ lớn nhất là luân hồi tái sanh. Cho nên người xuất gia tu hành chân chánh có thể hướng dẫn cha mẹ và quyền thuộc hiểu được chân lý mà tu tập để giải thoát khỏi luân hồi. Đây mới là việc lớn thì đối với chuyện “cạo tóc”chỉ là những tiểu tiết mà thôi. Vả lại tập tục của người Việt lúc bấy giờ “cạo tóc xâm mình” từ thời Hùng Vương nên không thể bắt người Việt phải thực hành hiếu hạnh như Trung Hoa được. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng mà nếu bản sắc ấy mất đi xem như dân tộc đó không còn tồn tại. Như vậy việc cạo tóc của các tu sĩ Phật giáo không phải là việc để khẳng định họ có hiếu hay bất hiếu.
Với quan điểm này Mâu Tử trả lời: Trong sách Không Tử có khen một thần dân vào thời nhà Chu được vua ban thưởng. Có hai cha con trong một làng chài, cha thường ra biển ngồi khi có tâm sự. Một hôm, sẫy chân rớt xuống biển, người con tình cờ đi ra vớt cha lên, thấy cha chưa tỉnh nên đánh vào má cha, đè bụng cha cho nước. Như vậy có phải là bất hiếu không mà lại được vua khen. Mâu Tử còn cho rằng: nếu làm việc đức lớn thì không nên câu nệ tiểu tiết cũng như cha ngã xuống nước thì cứu cha là đức lớn, còn nắm chân kéo tay dốc đầu cha để cho nước trong bụng cha chảy ra hết để cứu cha thoát chết tất cả chuyện đó là tiểu tiết.
Do nói rằng Phật giáo là không chủ trương hiếu hạnh, đa phần là bất hiếu. Vì tội bất hiếu của Phật giáo là Tăng Ni đi tu không ai nối dõi tông đường, đó là tội thứ nhất theo quan niệm của Nho giáo: “Kìa phúc không gì hơn là nối dõi, bất hiếu không gì hơn là không có con trai. Sa môn bỏ vợ con, vất của cải, có người suốt đời không lấy vợ, sao mà trái với hạnh phúc đức và hiếu tử như thế? Tự khổ mình mà không có chi là kỳ, tự cực mình mà không có chi là lạ cả!”
Quan niệm nối dõi này mang hai đặc tính cần lưu ý. Trong cuộc đấu tranh để giữ gìn nòi giống của người Việt ta thấy: điểm thứ nhất, để bảo vệ sự tồn tại như một dân tộc, nền văn hóa, một nền đạo đức học thuật cần phải nối dõi, cần phải bảo vệ mà nếu không nối dõi được thì dân tộc không thể tồn tại với tư cách là một dân tộc được. Xuất phát từ quan điểm nối dõi như thế, người Việt không đi đến một chủ nghĩa nối dõi cực đoan mà người Việt sẵn sàng mở rộng đôi tay đón nhận những người từ dân tộc khác đến sống chung trở thành một bộ phận của dân tộc mình.
Đây là đặc điểm thứ hai của quan niệm thừa tự của người Việt là bởi vì địa bàn sinh tồn của họ, cụ thể là vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ vào thời xa xưa đã tồn tại những dân tộc khác. Cho nên, sự giao lưu về huyết thống giữa các dân tộc khác nhau tất phải xảy ra. Do đó, nếu chỉ dựa vào sự nối dõi theo quan điểm sinh vật học, thì người Việt đã không phát triển và hình thành được một cộng đồng dân tộc thuần nhất. Họ phải dựa vào một quan điểm khác để có sự thuần nhất ấy, đó là sự thuần nhất về mặt văn hóa và lối sống. Và như thế hạnh hiếu không chỉ là cơ sở cội nguồn của văn hóa tình người mà còn cơ sở thiết lập nền văn hóa vô ngã khi mà con người luôn giáp mặt khổ đau và tìm cách vượt thoát khổ đau. Do thế mà thấy nếu có đức lớn thì không câu nệ vào tiểu tiết. Sa môn vứt gia sản, không vợ con, không nghe đàn, không nhìn sắc, có thể bảo là đã nhường hết thì sao lại trái với lời Thánh không hợp đạo hiếu?
Rõ ràng Mâu Tử đã vận dụng tinh thần tùy duyên của giáo lý Duyên khởi để lý giải. Hiếu hạnh là sự thể nhập cuộc sống thực tiễn để trở thành nếp sống văn hóa ứng xử tình người mà trao cho nhau bằng tình thương thật sự, chứ không phải là học thuyết, giáo điều gì cả mà chấp chặt. Cho nên Mâu Tử cũng dùng ngôn ngữ, điển tích Thái Bá theo tục Ngô Việt, xác nhận tục này khác với tục Trung Hoa, nhưng người Trung Hoa vẫn có một số thành phần trong xã hội theo tục Ngô Việt được Thánh nhân Khổng Tử khen.
Để lý giải quan điểm của mình Mâu Tử nói: “Bên trái dài, thì bên phải ngắn, đằng trước lớn thì đằng hẹp. Mạnh Công Xước làm ông già nước Triệu, nước Ngụy thì tốt chứ không thể lấy làm đại phu cho nước Ngụy thì tốt chứ không thể lấy làm đại phu cho nước Đằng, nước Tiết. Vợ con, tài sản là vật thừa ở đời, thân sạch vô vi là huyền diệu của Đạo vậy. Lão Tử nói “Danh tiếng với thân mệnh, cái nào quí hơn? Lại nói “Thân mệnh với của cải, cái nào quý hơn? Hứa Do làm nhà ở trên cây, Di Tề chết đói ở Thủ Dương, Thuấn Khổng ca ngợi là bậc hiền, nói “Cầu đạo nhân được đạo nhân vậy”. Chưa từng nghe thấy chê là không có nối giòng, không có của cải. Sa môn tu đạo đức để đổi niềm vui của đời phù du, tu giải thoát làm an lạc thay cho nỗi hệ lụy phiền hà nếu có vợ con. Với quan điểm hiếu hạnh của Nho giáo về vấn đề nối dõi tông đường đã được Mạnh Tử xiển dương mạnh mẽ với câu nói “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” đã tác động khá mạnh vào tâm thức người Trung Hoa xưa nay. Cho nên, ta chẳng ngạc nhiên gì giới Nho gia thắc mắc về vấn đề người Phật tử xuất gia, sống đời sống không gia đình làm sao có đủ nhân duyên báo hiếu. Thực ra, xuất gia theo Mâu Tử là người có khả năng báo hiếu một cách trọn vẹn nhất, nó cũng lý giải vì sao thông điệp Phật giáo về con đường sống đạo thời du nhập đưa ra: “Ở trong nhà là báo hiếu cha mẹ, ra ngoài xã hội là giúp nước, ngồi một mình thì hoàn chỉnh bản thân” như điều điều 4 Lý hoặc luận ghi.
Vậy là Phật giáo thời du nhập đã thể nhập hiếu hạnh vào lối sống người dân nước ta phù hợp với truyền thống hiếu hạnh của dân tộc. Nếu Phật giáo xác định việc xuất gia là thể hiện là đời sống biết yêu thương chúng sinh như con đẻ của mình thì lo gì không có sự yêu thương giữa những người ngoài tính huyết thống gia tộc. Theo quan niệm của đạo Phật tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay đều là quyến thuộc của ta, bên cạnh đó truyền thống người Việt đều là con mẹ Âu Cơ và cha già Lạc Long Quân trong ý niệm “đồng bào”, hẳn nhiên mọi người sẽ được hạnh phúc an lạc.
Đây cũng là cơ sở lý giải cho tại sao thời hiện đại quan điểm hiếu hạnh của nhân dân ta được vận dụng vào thực tiễn để xây dựng và bảo vệ đất nước.
2.2. Sự khác biệt về quan điểm hiếu hạnh giữa Nho giáo và Phật giáo
Nước Việt ta từ xưa đến nay chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa mà đặc biệt là văn hóa tôn giáo, sự du nhập của Nho, Lão và Phật giáo đã tạo ra một nền văn hóa đa dạng của người Việt mà trong những văn hóa được đề cao nhất ấy là quan điểm hiếu hạnh. Mỗi tôn giáo có đặc trưng riêng của tôn giáo mình và quan điểm về hiếu hạnh cũng không tương đồng. Chính vì thế mà trong tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử đã phải giải thích cho các trí thức Nho gia lúc bấy giờ hiểu quan điểm hiếu hạnh của Phật giáo.
Trong Kinh Thi của Nho giáo đã không ngần ngại tuyên ngôn “Hiếu đạo” là cơ sở thiết lập, mở đầu văn hóa tình người một cách thiết thực mà ai cũng có thể cảm nhận: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời cao khôn lường). Rõ ràng, cội rễ văn hóa con người được kết tinh bằng tình thương cha mẹ dành cho con cái. Cho dù bạn là ai, từ đâu đến, tất cả đều không ra khỏi cuộc hành trình bất tận mà phụ mẫu đã đi qua mà kinh điển xưa nay đúc kết thành chín chữ “cù lao”: Sinh (đẻ ra), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Súc (nuôi cho bú mớm), Trưởng (nuôi cho khôn lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (xem tính tình mà bảo ban), Phúc (bảo vệ).
Con người thăng hoa nhờ sự nuôi dưỡng trong vòng tay của mẹ, sự nghiêm trì giáo dưỡng của cha mà cất bước chân đi vào đời, làm sáng tươi, tô điểm cho đời. Cho nên, chương đầu của Hiếu Kinh ghi nhận: “Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã. Lập thân hành đạo, dương danh hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã” (Hiếu là căn bản của đức, giáo hóa từ chữ hiếu mà ra. Bước đầu của đạo hiếu là phải giữ mình, vì thân thể, tóc, da của ta có từ cha mẹ, nên không dám làm tổn thương đến. Lập thân hành đao, để lại được tiếng thơm muôn thuở làm rạng rỡ đức hạnh của cha mẹ, đó là cái đích của đạo Hiếu). Thực tế ở đời, tất cả sự thành tựu của mỗi cá thể đều xuất phát từ tâm hiếu. Một người có hiếu thảo với mẹ cha thì mới có sự liên hệ thân thiện với những người xung quanh. Nói rộng ra, một người có tâm hiếu chí thành thì mới có sự hiếu để với cha mẹ, sự tôn kính với bà con dòng họ, sự kết nghĩa keo sơn của tình huynh đệ tỷ muội, sự chung thủy với người tình trăm năm, chung sống hòa thuận với làng xóm, thân thiện với cộng đồng xã hội.
Thế nên, Khổng Tử từng nói: “Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế đến là thờ vua giúp nước và sau cùng là lập thân”. Một con người được xem là có nhân cách đầu tiên là sự hiếu thảo đối với cha mẹ, sau đó mới nói đến chuyện thờ vua giúp nước, lập thân. Nếu không đối xử tốt với cha mẹ mà đối xử tốt với người ngoài thì cũng chỉ để cầu lợi mà thôi. Đó chính là suối nguồn văn hóa mà mỗi cá nhân hiện hữu ở cõi đời này đều khát khao thực thi.
Trang Tử còn khai mở đạo Hiếu rộng ra để mỗi người có điều kiện thực thi qua ba điều: “Đạo Hiếu có ba: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, kế là không làm cho cha mẹ mang tiếng nhục, sau cùng mới là nuôi dưỡng”. Bổn phận người con hiếu hạnh là phải biết thương yêu và kính trọng cha mẹ. Cho dù con người có thành đạt công danh đến vị trí nào trong xã hội thì sự hiếu thảo với cha mẹ cũng không bao giờ đổi thay. Đây chính là đại hiếu. Do đó, người con phải biết sống đạo đức mà học thuyết Nho gia khuyến cáo theo tinh thần Tam cương, Ngũ thường, Tam tùng, Tứ đức, Phụ từ, Tử hiếu, Phu xướng phụ tùy để thiết lập các mối quan hệ giữa người với người ngày càng tốt hơn, không nên vì danh lợi mà làm cho cha mẹ phải tủi nhục. Vì thế con cái phải biết giữ gìn thanh danh cho cha mẹ.
Đạo làm người là phải biết nuôi dưỡng, phụng dưỡng cha mẹ như là bổn phận trách nhiệm của người con có hiếu nào ở đời này. Điều này khiến chúng ta càng thấy lời khuyên của Khổng Tử càng thấm thúy hơn bao giờ hết, nhất là trong văn hoa ứng xử với cha mẹ: “Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí ưu, tang tắc trí ai, tế tắc trí kỳ nghiêm” (Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở cư xử phải cực kỳ cung kính, nuôi dưỡng cha mẹ hết sức vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc ma chay phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải rất mực trang nghiêm”. Do đó, sự hiếu thuận không chỉ báo đáp bằng việc cung phụng vật chất đầy đủ mà còn cả bằng sự nhiệt tâm tinh cần đối với cha mẹ. Ngay cả khi trở thành người khá giả, sự thờ phụng cha mẹ không phải do người giúp việc lo lắng mà đích thân chính mình chăm chút từng miếng ăn, chỗ ở, kể cả việc thực thi những điều mà cha mẹ nghĩ đến nhưng không tiện nói ra. Cha mẹ qua đời không chỉ lo hậu sự mà cũng biết hướng nghĩ đến cha mẹ như khi phụ mẫu còn sinh tiền, nhất là thực thi những tâm nguyện mà cha mẹ phó thác. Rõ ràng đạo Hiếu mà Nho giáo thiết lập sẽ có tác động vào quá trình hình thành và phát triển văn hóa con người trên mọi lĩnh vực.
Phật giáo truyền vào nước ta với nền giáo lý cũng được thiết lập trên cơ sở suối nguồn của tâm hiếu. Chính Đức Phật từng nói tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Trong kinh Tương Ưng, Phật còn nói “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”. Xem ra, giáo lý nhà Phật thiết lập nền văn hóa cho nhân loại cũng khởi đầu bằng việc tiếp nhận văn hóa hiếu hạnh. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết bàn cũng bắt đầu từ đây. Nếu Kinh Thi nói tóm tắt công đức cha mẹ qua chín chữ Cù lao như trên thì kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân trình bày công ơn sinh thành của cha mẹ và giải trình phương pháp báo đáp ân đức phụ mẫu một cách rốt ráo và cụ thể rõ ràng hơn. Có thể nêu ra đây 10 công đức của mẹ đối với con cái: 1. Chín tháng cưu mang khổ nhọc, 2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh, 3. Nuôi con cam đành cực khổ, 4. Nuốt cay, mớm ngọt cho con, 5. Chịu ướt, nhường ráo cho con, 6. Sú nước, nhai cơm cho con, 7. Vui nhặt đồ dơ cho con, 8. Thương nhớ khi con xa nhà, 9. Có thể tạo tội vì con, 10. Nhịn đói cho con được no. Kinh Tăng Nhất A Hàm còn ghi lại lời dạy của Phật về công ơn sâu dày của cha mẹ thật cao hơn trời, sâu hơn biển cả, đồng thời khuyên con người phải biết tri ân và báo ân với cha mẹ: “Này các thầy Tỳ kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dặm, cung phụng đầy đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí du cho cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các thầy phải hiểu rằng ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân khó trả. Này các thầy Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”.
Quan điểm hiếu hạnh của Phật giáo không chỉ đề cao trên phương diện cung phụng vật chất mà cả phương diện thực nghiệm tâm linh để tu tập giải thoát “Mười phương chư Phật đều bắt nguồn từ tâm hiếu”. Không có một người nào thành Phật thành Thánh mà bất hiếu. Vì vậy hiếu là cuội nguồn của mọi hạnh lành. Con người không chỉ hoàn thiện nhân cách mà còn biết quý trọng ông bà, cha mẹ, anh chị em, hòa thuận với mọi người trong xã hội và không ngừng nỗ lực tích cực đóng góp cho đất nước, cho đời, cho đạo. Chính Mâu Tử, người tiếp thu giáo lý nhà Phật ở thế kỷ thứ II[8], từng phát biểu trong tác phẩm Lý hoặc luận khi ông trả lời cho giới trí thức Nho gia về con đường chánh đạo của Phật giáo chính là đạo Hiếu: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài xã hội thì cứu dân độ thế, khi ngồi một mình thì tu thân”. Theo Mâu Tử: mỗi người tự thân phải hiếu thảo với cha mẹ đó là điều hiển nhiên mà con người phải thực thi. Vì phụ mẫu là đấng sinh thành ra chúng ta, khổ nhọc nuôi dưỡng ta nên người. Kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật ví dụ công đức của cha mẹ như núi cao biển rộng sông dài: “Ân cha lành cao như núi Thái, Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi. Dù cho dâng trọn một đời, Cũng không trả hết ân người sinh ra”. Sự đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ không gì hơn là phải thực thi 5 điều mà kinh Thi Ca La Việt ghi: 1. Cung kính và vâng lời cha mẹ, 2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, 3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình, 4. Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại, 5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời. Ngoài ra Đức Phật còn đề cập bốn trách nhiệm để hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo Chánh pháp: 1. Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo, 2. Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí, 3. Nếu cha mẹ làm ác thì khuyên cha mẹ hướng tâm làm việc thiện, 4. Nếu cha mẹ theo tà kiến thì khuyên cha mẹ theo chánh kiến. Đây chính là hiếu hạnh mà đạo Phật chủ trương trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Ở vế thứ hai mà Mâu Tử đề xuất thực thi tâm hiếu hạnh là cần thiết lập các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng trong việc tham gia tích cực đóng góp cho xã hội, cho quốc gia dân tộc. Hay nói cách khác đã là người Phật tử phải sống theo hạnh nguyện lý tưởng Bồ tát, độ mình chính là độ người. Nghĩa là khi tâm hiếu của mỗi cá nhân hiện hữu hướng tâm chảy vào từng thành viên trong cộng đồng đó chính là tình đồng bào; khi nó tuôn chảy vào quốc gia dân tộc thì sẽ hóa hiện tấm lòng trung với nước và hiếu với dân. Tại đây, tâm hiếu chính là sự thực thi hạnh nguyện sống theo tinh thần Tứ ân, trong đó ân quốc gia được chú trọng hàng đầu mà tham gia tích cực xây dựng quê hương xứ sở, yêu nước chính là yêu đạo.
Ở vế thứ ba, ta thấy Mâu Tử khuyến cáo mọi người là khi ngồi một mình là biết tu thân. Tu thân chính là thực thi hạnh hiếu bằng cách sống theo tinh thần của một Phật tử chân chính mà bản kinh Đại báo phụ mẫu ghi: 1. Giữ gìn Tam quy, Ngũ giới, 2. Thường học hỏi và đọc tụng kinh điển, 3. Siêng năng lễ Phật sám hối, 4. Thường cúng dường Tam bảo, 5. Bố thí làm phước, hồi hướng công đức cho cha mẹ, 6. Cúng dường chư Tăng trong ngày Tự tứ.
Thông điệp của đạo Phật chính là thông điệp đạo Hiếu. Giá trị thiết thực của thông điệp này không chỉ mang tính nhân văn cao cả mà còn là cơ sở để hướng tâm giải thoát. Một người hiếu thuận với mẹ cha thì chắc chắn sẽ có kết quả của một đời sống bình an nội tại ngay trong đời này, khi lâm chung sẽ sinh vào nơi cảnh giới an lành. Nhưng quan trọng hơn, nó bảo lưu mọi giá trị văn hóa truyền thống, sự kết nối giữa người còn kẻ mất theo nguyên lý Duyên khởi: “Nếu mình hiếu thảo với mẹ cha, Mai sau con hiếu với ta khác gì. Nếu mình ăn ở vô nghì, Đừng mong con thảo làm gì uổng công. Kìa xem giọt nước xuôi dòng, giọt sau, giọt trước cũng đồng một nơi.”
Cuộc sống thật là nhiệm mầu, từ trong thực tính duyên khởi, tâm hiếu cứ thế mà vận hành trong từng trái tim con người. Có gì đẹp hơn khi mọi người biết sống yêu thương nhau nhiều hơn để cùng nhau sẻ chia những khó khăn, vượt thoát những khổ đau của thân phận kiếp người. Dù quan niệm của mỗi tôn giáo có khác nhau nhưng điểm chung là ở đó tâm hiếu của mỗi người được làm hiển lộ thành hoa thơm quả ngọt dâng cho cha mẹ hiện tiền, tứ ân phu mẫu, lục thân quyến thuộc, cho đồng bào, cho quê hương xứ sở của chính mình.
3. Ý NGHĨA HIẾU HẠNH TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT
Người ta hiểu ra rằng, có một giá trị xuyên thời gian và không gian, từ khi con người xuất hiện trên trái đất cho đến khi trái đất còn con người đó là tình cha mẹ đối với con cái, ơn sanh thành, đức dưỡng dục mà mỗi một con người trân trọng đúc kết và nâng niu thành chữ hiếu. Chữ hiếu ấy, triết lý phương Đông nâng lên thành đạo.“Đạo hiếu” chi phối ứng xử của con người trong gia đình và trong xã hội. Đó là một biểu hiện thật sâu đậm của đạo lý xã hội Việt Nam ta.
Trong kinh “Báo đáp thâm ân cha mẹ”, Phật dạy về mười công ơn của mẹ mà người làm con phải ghi lòng tạc dạ. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” có đoạn: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhờ thương con. Nếu con trốn tránh, mẹ nhờ ích gì. Con nên nhớ mẹ như mẹ nhớ con, như vậy qua nhiều đời sẽ chẳng xa trái nhau”[9]
Thực hành “đạo hiếu”, tư tưởng và tình cảm của con người sẽ có chỗ quy tụ để “chẳng xa trái nhau”! Vì rằng, trong sâu thẳm tâm hồn con người luôn lung linh một ánh sáng mang tính vĩnh hằng, đó là ánh mắt trìu mến của mẹ. Với nhiều người, kể cả những người tuổi đã cao, thì dù mẹ đã khuất núi, ánh sáng từ đôi mắt mẹ vẫn ấm áp chiếu rọi con đường đời của họ. Rồi với thời gian và sự trải nghiệm trong những chặng đường đời, người ta ngày càng nhận chân được những giá trị mà nếu thiếu nó, con người không thể sống nổi làm người. Trong những giá trị ấy, nhiều người xếp chữ hiếu lên hàng đầu. Và vì mỗi một người đều được một người mẹ sinh ra, dù được sinh ra nơi nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía hay sinh ra dưới mái tranh nghèo xiêu vẹo dột nát, thì tiếng khóc chào đời nào cũng gắn với một bầu sữa mẹ. Nghĩa tình sâu nặng của mẹ, mỗi con người được uống từ bầu sữa thiêng liêng ấy. Điều đó tạo nên giá trị thiêng liêng mang tính vĩnh hằng của chữ hiếu.
Giá trị thiêng liêng ấy do tạo hóa ban tặng cho con người. “Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, đó là đạo lý ngàn đời không lay chuyển. Công cha nghĩa mẹ, ơn sinh thành, đức dưỡng dục mà mỗi con người được nhận lĩnh để nên người chính là báu vật trời cho. Những ai chẳng may không được nhận lĩnh trọn vẹn, hoặc tự đánh mất ân huệ ấy, thì quả là nỗi bất hạnh lớn nhất của một đời người. Hai chữ “nên người” rất dung dị, cứ tưởng như quá đơn giản, song phân tích kỹ sẽ ngộ ra nhiều chiều kích rất sâu và rất rộng. Lọt lòng mẹ, báu vật được tạo hóa ban tặng đó sẽ từ dòng sữa mẹ mà tự trở thành con Người.
Từ cộng đồng xã hội đầu tiên là trong bào thai của mẹ kết tinh bằng “tinh cha, huyết mẹ” cho đến khi sinh ra được sống trong một gia đình dù là sang giàu hay nghèo hèn mà quá trình con người trở thành con người xã hội được khởi động và hoàn thành trong sự tiếp xúc dần với những cộng đồng lớn hơn : hàng xóm láng giềng, nhà trường, các hội đoàn… và xã hội rộng lớn. Tất cả những điều ấy cho thấy: tự nhiên không trực tiếp sinh thành ra con người theo nghĩa đích thực của nó.
Tạo hóa chỉ ban cho thực thể tự nhiên đó những tiền đề sinh thể để con người tự tác thành nên chính mình trong quá trình xã hội hóa, tức là quá trình con người tự sản sinh ra chính mình, trở thành con người xã hội. Gia đình là một cộng đồng khác biệt hẳn với tất cả các cộng đồng xã hội khác ở tính huyết thống và tính không chọn lựa. Không ai có thể chọn cửa mà sinh ra, chọn lựa cha mẹ.
Nhà thờ Nguyễn Duy đã cho rằng “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Cái phần “hồn” ấy mới mong manh, sống động, mãnh liệt, nhưng cũng dễ bị thương tổn biết bao. Vậy mà, không có cái phần “hồn” ấy thì phần “xác” còn có nghĩa lý gì? Chăm sóc đời sống tâm hồn của một con người lúc còn là đứa bé khó hơn rất nhiều so với lo cho chúng “hay ăn, chóng lớn”. Cái phần “hồn” sẽ tạo ra những chuẫn mực sống trong gia đình và xã hội. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau trong mối thâm tình máu mủ, ruột rà. Không thấy rõ điều ấy, sẽ khó mà hiểu rõ cái đạo làm người: đạo hiếu.
Đạo hiếu không phải là nghĩa vụ mà là giá trị văn hóa đạo đức và nhân cách của con người. “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Câu ca dao ấy đã trở thành bài kinh nhật tụng khắc sâu vào trong tâm hồn của mỗi người, mà suy cho cùng ai không cư xử tốt với cha mẹ là người đã sinh ra mình thì còn trong mong gì kẻ ấy đối xử tốt với tha nhân. Đối xử tệ bạc với cha mẹ mà đối xử tốt với người ngoài thì cũng chỉ để cầu lợi mà thôi.
Thực tế, xuất gia không phải từ bỏ cha mẹ và người thân, xuất gia chỉ có nghĩa là có thái độ sống xa rời danh lợi thế gian, từ bỏ tham sân si. Xuất gia là chấp nhận chúng sinh là bà con thân thuộc của mình. Tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt thân, sơ; tất cả đều là cha, là mẹ, anh chị em, con cái, cháu chắt ruột thịt của mình.
Văn hóa Việt Nam vốn xem trọng chữ hiếu, nhưng người xuất gia là đệ tử Phật báo hiếu cho cha mẹ bằng cách tu hành và độ cho cha mẹ thoát khỏi sanh tử khổ đau, bên cạnh đó còn làm lợi ích cho chúng sanh thì những công đức ấy cũng là để báo đáp một phần công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ vậy. Như vậy, quan điểm hiếu hạnh của Mâu Tử trong lý Hoặc Luận phù hợp với tinh thần của Phật giáo mà cũng không trái với đạo hiếu của người Việt xưa.
KẾT LUẬN
Trong tác phẩm Lý Hoặc luận của Mâu Tử mà nhất là về quan điểm hiếu hạnh, ông đã thoát ly khỏi sự khống chế của quan điểm mê lầm và nhận chân được sự đứng đắn cao siêu của giáo lý Phật giáo, vượt lên trên những quan điểm Khổng Mạnh mang tính dân tộc hẹp hòi chủ quan. Mỗi đạo có mỗi bản sắc và những quan điểm riêng của đạo mình, không nên bắt người khác phải có những tư tưởng giống như mình mới là chánh đạo còn khác mình thì xem như tà đạo.
Quan điểm về hiếu hạnh của Nho giáo và Phật giáo cũng có những điều khác nhau nếu giống nhau về tất cả thì Phật giáo đã là Nho giáo rồi mà không phải là Phật giáo nữa. Không phải đạo Phật làm khác đi mà với trí tuệ siêu việt của một bậc giác ngộ như Đức Phật thì hạnh hiếu còn vượt xa hơn nhiều. Việc “cạo tóc” của người xuất gia không thể kết luận họ là bất hiếu được. Nếu như vậy có những người để tóc mà đối xử không tốt với cha mẹ thì sao. Hiếu hạnh không phải chỉ cung phụng cha mẹ hay nối dõi tông đường mà còn hướng cha mẹ tu hành để giải thoát luân hồi khổ đau.
Trong tác phẩm này ta cũng thấy những quan niệm của Mâu Tử có ngụ ý đạo Phật không phải là đạo bị lệ thuộc bởi những tư duy, hay ngôn ngữ mà có thể lý giải được mà nó siêu việt cả thời gian và không gian mà những con người tầm thường khó có thể nhận chân được. Điều đó phải qua trải nghiệm bằng sự tu tập, thật sự có nghiên cứu uyên thâm và có tâm chứng trong tu hành thì mới thấu hiểu. Nho, Lão có cái hay của Nho, Lão thì Phật giáo cũng có cái hay của Phật giáo. Mọi sự vật sự việc của vũ trụ chỉ là tương đối mà thôi, nếu hiểu được điều này con người sẽ sống nhẹ nhàng thảnh thơi hơn. Tất cả những kiến thức những quan điểm của nhân loại là để bổ sung đù đắp cho nhau chứ không phải phỉ báng nhau. Nếu có tinh thần học hỏi ta vẫn thấy người khác có những điều hơn mình mà mình chưa làm được, như vậy mới là người hiền tài.
Với những quan điểm của Mâu Tử cho ta có một cái gì đó phải nhìn nhận lại trong sự hiếu hạnh của mỗi con người và mỗi người hãy làm đúng với hạnh hiếu ấy sao cho hợp với khả năng và vị trí của mình.
Thích Pháp Như
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Mạnh Thát, Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 716 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn.
2. Lê Mạnh Thác, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Từ Khởi Nguyên Ðến Thời Lý Nam Đế, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Huế thực hiện, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa Huế 1999.
3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nhà Xuất Bản Văn Học – Hà Nội 1979
4. Văn hóa Phật giáo .Số 62.1.8.2008
5. Minh Chi, Quan Hệ Giữa Nho Giáo Và Phật Giáo Ở Việt Nam 6. Thích Phước Đạt, Bài viết: Phật giáo Việt Nam tiếp biến và hội nhập, Nguyệt san Giáo Ngộ, số 163, tháng 10 năm 2009.
7. Thích Phước Đạt, Bài viết: Quan điểm hiếu hạnh ở thời Phật giáo du nhập
8. Thích Phước Đạt, Bài viết: Hiếu hạnh từ điểm nhìn văn hóa Nho giáo và Phật giáo.
9. Nguyễn Đức Cung, Bài viết: Chữ hiếu trong truyền thống văn hóa Việt Nam, http://www.khaohoc.net/, ngày 01 tháng 11 năm 2007.
[1] Lê Mạnh Thát, Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 716 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn.
[2] Lê Mạnh Thác, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Từ Khởi Nguyên Ðến Thời Lý Nam Đế, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Huế thực hiện, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa Huế 1999.
[3] Meou-tséu ou Les Doutes Levés. Toung Pao, 1918-1919
[4] Mâu có thể là lấy từ Mâu Ni, cũng như Thích là lấy từ Thích Ca, và Mâu Tử có thể là một cái tên có nghĩa tương đương với Thích Tử, Ðiều Ngự Tử hay Phật Tử. Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, chương 2
[5] Lê Mạnh Thát, Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 716 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn.
[6] Lê Mạnh Thát, Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 716 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn.
[7] Đại Tạng Kinh 152 tờ 8b7
[8] Sđd
[9] Dẫn lại theo Văn hóa Phật giáo .Số 62.1.8.2008, tr.5
Thảo luận về post