Nếu như hạnh phúc là vàng bạc, là địa vị, là gia đình êm ấm thì không có lý do gì một Thái Tử quyền quý của Ấn Độ cách đây 2560 năm lại tự bỏ tất cả để mặc chiếc áo rách nát, cầm bình bát sinh ăn để sống qua ngày, đánh đổi mạng sống của mình dưới cội bồ đề suốt 49 ngày đêm thiền định để tìm sự giải thoát, an lạc hoàn toàn.
Đức Phật ngày xưa đã buông bỏ những gì mà thế gian mong cầu để tìm hạnh phúc, còn chúng ta lại cố tìm kiếm những thứ mà Đức Phật đã buông bỏ và cho đó là hạnh phúc. Là người con Phật chúng ta có thấy sự mâu thuẫn lớn không? Buông bỏ tất cả để được tất cả, Đức Phật đã buông tất cả để được gì? Được sự giải thoát sinh tử và không còn vướng vào bụi trần, khổ đau của thế gian.
Đó là Ngài được tất cả sự kính trọng của những bậc vua chúa thuở ấy và ngày nay là cả một thế giới đều xưng tôn Ngài, đều bình chọn đạo Phật là đạo hòa bình mà không phải là một đạo nào khác. Nhưng mục đích đầu tiên Ngài buông bỏ không chỉ vì mưu cầu danh thơm tiếng tốt này, mà Ngài chỉ muốn tìm được thoát khổ cho mình và tất cả chúng sanh sau khi dạo quanh 4 cửa thành.
Là những kẻ phàm phu còn vướng đầy bụi trần, những cố chấp, chúng ta chưa thể buông bỏ tất cả như Đức Phật. Nhưng phần nào chúng ta cũng có cảm giác được hạnh phúc lớn khi đóng góp một ít tiền để ủng hộ những mảnh đời bất hạnh, để họ có cơm ăn, áo mặc. Đó là cũng hình thức buông xả để có được và không làm mất đi của chúng ta điều gì nếu hành động buông xả của mình vì mục đích tốt đời đẹp đạo, không phải để thỏa mãn ngũ dục, cầu danh, cầu tài.
Trải qua mấy chục năm tồn tại trên cuộc đời này, chúng ta ít nhiều cũng thấy rõ tiền tài, danh lợi, sắc đẹp, món ngon vật lạ…đều không tồn tại mãi mãi. Sự mất đi mang đến biết bao sự đau khổ cho chúng ta.
Công tử Bạc Liêu tiền nhiều đến mức lấy để luộc trứng còn phải đầu hàng trước sự vô thường. Một vị tổng thống, chủ tịch nước, giám đốc cũng phải nhường lại địa vị của mình khi hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Một nữ giai nhân đẹp một thời trong showbiz Thẩm Thúy Hằng cũng phải chịu sự tác động của những nếp nhăn khi sự già nua gõ cửa tìm đến.
Những món ăn ngon rồi cũng biến mất trong một vài giờ,….có gì là tồn tại mãi đâu mà chúng ta cứ phải cố chạy theo, tranh đua rồi dùng mưu mẹo để có được. Bao nhiêu sân hận trổi lên và không lúc nào chúng ta được sống trong hai từ “bình yên” cả.
Trước khi kết thúc bài viết tôi muốn kể cho mọi người nghe về câu chuyện của vua Alexander Đại Đế – Vốn là một vị vua lãnh đạo một quân đội hùng dũng nhất thế giới thuở đó, chiếm được hàng trăm vùng đất và nổi tiếng về sự giàu có.
Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, năm 323 trước Công nguyên, Alexander Đại đế ngã bệnh. Ông gọi quan binh đến và nói: “Ta sắp rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước và các người hãy thực hiện theo nó”. Các vị tướng hô vang tuân lệnh trong dòng nước mắt.
Những ý nguyện cuối cùng của Alexander Đại Đế khi sắp chết. Ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:
– Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.
– Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, …) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và…
– Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.
Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao ngài lại muốn như thế.
Ngài Alexander đã giải thích như sau:
– Ta muốn chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.
– Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).
– Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.
Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, kho tàng quý giá nhất trên cuộc đời này là: Tình Yêu Thương.
Thảo luận về post