Niệm Phật cũng có ma sự, do bởi ba nguyên nhân: Không rõ giáo lý, không gặp thầy bạn tốt, không tự xét lấy mình. Trong ba điều này, sự tự xét chỗ sai lầm của mình rất là cần yếu. Đại để, muốn sanh về Tây Phương, không phải dùng chút phước lành, chút công hạnh lơ là mà được, muốn thoát sự khổ sống chết luân hồi trong vạn kiếp, không phải dùng tâm dần dà, chờ hẹn, biếng trễ mà được!
Cơn vô thường mau chóng, mới sớm kế lại chiều, đâu nên không siêng năng lo dự bị trước ư? Còn e sức chí nguyện không thắng nổi sức tình ái, tâm niệm Phật không hơn nổi tâm dục trần, những kẻ cứ mãi lơ là biếng trễ, nửa tin nửa ngờ, thì Phật Tổ cũng đành, chẳng biết làm sao hơn!
Kệ rằng:
Nam Mô A Di Đà
Người nào không biết niệm
Tuy niệm, chẳng tương ưng
Mẹ con khó hội kiến.
Khi đi, đứng, ngồi, nằm
Đem tâm này thúc liễm
Mỗi niệm nối tiếp nhau
Niệm lâu thành một phiến.
Như thế, niệm Di Đà
Di Đà tự nhiên hiện
Quyết định sanh Tây Phương
Trọn đời không thối chuyển.
Cầu sinh Tịnh Độ là thế nào? Tu hành cõi này thì sự tiến đạo rất khó, vãng sanh cõi kia thì sự thành Phật cũng dễ. Dễ, nên một đời đã có thể thấu đáo; khó, nên lắm kiếp vẫn chưa chắc hoàn thành. Do đó mà, thánh ngày xưa, hiền ngày trước, ai cũng khuynh hướng: Kinh cả ngàn, luận cả vạn, đâu cũng chỉ quy. Quả thật sự tu hành trong thời kỳ mạt pháp này, không có pháp nào hơn pháp ấy. Có điều kinh luận đã nói: Điều lành mà tính chất nhỏ thì không thể vãng sanh, cái phước mang tính chất lớn mới chắc chắn đến được. Cái Phước mang tính chất lớn thì không chi bằng sự ‘chấp trì danh hiệu’, điều lành hàm tính chất to thì không chi bằng sự ‘phát tâm rộng lớn’. Nên ‘nhất tâm chấp trì danh hiệu của Phật hơn cả sự bố thí đến trăm năm, nhất niệm phát tâm Bồ Đề rộng lớn vượt cả sự tu hành trong nhiều kiếp’.
Lý do là, vì niệm Phật vốn mong làm Phật, vậy tâm lớn không phát thì có niệm cũng không làm gì. Phát tâm vốn để tu hành, vậy Tịnh Độ không sanh thì có phát cũng dễ thoái chuyển, nên gieo giống Bồ Đề, cày bằng cái cày niệm Phật, thì trái hạt tuệ giác tự nhiên lớn lên, ngồi thuyền đại nguyện, nhập vào bể cả Tịnh Độ thì Tây Phương Cực Lạc quyết định vãng sanh.
Niệm Phật mà không phát lòng Bồ Đề thì không tương ưng với bổn nguyện của Đức Di Đà, tất khó vãng sanh (lòng Bồ Đề là tâm lợi mình, lợi người, trên cầu thành quả Phật, dưới nguyện độ chúng sanh). Tuy phát lòng Bồ Đề mà không chuyên niệm Phật cũng không được vãng sanh. Nên phải lấy sự phát lòng Bồ Đề làm chánh nhân, niệm Phật làm trợ duyên, rồi sau mới cầu sanh Tịnh Độ. Người tu tịnh nghiệp cần phải hiểu biết điều này.
Thảo luận về post