Công lao khó nhọc, gìn giữ già lam, xa cởi gió Hương Tích, mãi làm chủ bếp mây, ngưỡng mong hiển hiện thần thông, rủ lòng chở che soi chiếu.
Hai thời pháp không, sáu vị thường đầy, gìn nước lửa thảy bình an, cúng Phật cúng Tăng mà phòng bị. Biết như vậy nên nguyện cầu, ngưỡng mong làm cho mãi sáng rạng chốn già lam.
Giám Trai Sứ Giả
Oai thần về lửa
Điều hòa trăm vị
Dâng cúng hương thơm,
Tai nạn mãi không xâm
Hộ mạng chở che thân,
Tăng chúng mãi mang ân
Nam mô Diệm Huệ Địa Bồ tát ma ha tát.
Ma ha Bát nhã Ba la mật.
•| Chúc Tán Giám Trai |•
I. La hán Tân Đầu Lô Phả La Đọa
Tân Đầu Lô Phả La Đọa có nghĩa là: (s, p: Piṇḍola-bharadvāja, 賓頭盧頗羅墮): gọi đủ là Tân Đầu Lô Phả La Đọa Thệ (賓頭盧頗羅墮誓), gọi tắt là Phả La Đọa (s: Bharadvāja, 頗羅墮), Tân Đầu Lô (賓頭盧) hay Tân Đầu (賓頭); là người đứng đầu trong 16 vị La Hán. Tôn giả Tân Đầu Lô trụ thế lâu dài, hiện tướng tóc bạc mày dài, nên có tên gọi là Trường Mi Tăng (長眉僧) hay Trường Mi Sa Môn (長眉沙門). Tên Tân Đầu Lô ý dịch là Bất Động (不動), họ Phả La Đọa nghĩa là Lợi Căn (利根). Ông vâng lời đức Phật sống lâu trên cõi đời mạt pháp để thọ nhận cúng dường của chúng sanh, giúp cho họ tạo phước điền; nên ông có tên là Phước Điền Đệ Nhất (福田第一).
Nguyên lai ông là vị đại thần của vua Ưu Điền (s, p: Udayana, 優填). Đức vua thấy ông siêng năng tinh tấn, nên khuyên ông xuất gia với Phật. Sau khi chứng quả A La Hán, ông trở về nước, thuyết pháp cho nhà vua nghe. Do đó, vua rất kính trọng ông, sớm tối đều đến hỏi han học đạo. Đương thời có một vị Đại Thần Bà La Môn ngoại đạo không tin Phật pháp, khi thấy vua Ưu Điền đến tham vấn, Tân Đầu Lô chỉ ngồi một bên mà không đứng dậy chào nghinh đón vua, nhân đó người này dùng kế ly gián xúi giục nhà vua. Vua bèn bảo rằng: “Ngày mai khi ta đến tham vấn, nếu ông ấy không đứng dậy nghinh tiếp, ta sẽ giết ngay.”
Hôm sau, khi Tân Đầu Lô thấy đức vua từ xa đến, bèn đứng dậy đón tiếp và mở lời chào hỏi trước. Thấy vậy, nhà vua ngạc nhiên hỏi duyên cớ vì sao. Tôn Giả đáp: “Tôi làm vậy vì nhà vua đó !” Vua hỏi: “Sao lại vì ta ?” Đáp: “Trước đây đức vua đến với thiện tâm, hôm nay Ngài đến với ác tâm; nếu tôi không đứng dậy đón tiếp thì Ngài sẽ giết tôi. Ai giết vị La Hán thì sẽ đọa vào Địa Ngục. Vậy nếu tôi đứng dậy đón Ngài thì Ngài sẽ mất vương vị; nhưng thà rằng để Ngài mất vương vị còn hơn là đọa vào Địa Ngục. Đó là lý do vì sao hôm nay tôi đứng dậy đón Ngài.” Nghe vậy, đức vua hỏi: “Khi nào ta mất vương vị ?” Đáp: “Trong 7 ngày sau.” Quả nhiên 7 ngày sau nhà vua bị nước bên cạnh bắt đi làm tù nhân. Lúc bấy giờ có một vị Trưởng Giả Thọ Đề (樹提), dùng loại gỗ Chiên Đàn (旃檀), làm thành một bình bát, đem đặt trên đầu cây sào cao và lớn tiếng bảo rằng: “Bất luận người nào, nếu có thể lấy được bát này mà chẳng dùng gậy thang, bát này thuộc về người ấy.” Khi ấy Tân Đầu Lô hiện thần thông lấy bình bát đi. Biết được chuyện này, đức Thế Tôn liền quở trách ông rằng: “Tỳ Kheo có thể lạm dụng thần thông để lấy bình bát ngoại đạo được sao ?” Và hạ lệnh cho ông suốt đời không được trú tại cõi Diêm Phù Đề (s: Jambudvīpa, p: Jambudīpa, 閻浮提), cho nên ông đến trú tại Tây Ngưu Hóa Châu (s: Apara-godhānīya, 西牛貨洲).
Về sau, chúng đệ tử thương nhớ Tôn Giả, khẩn cầu đức Phật cho phép ông trở lại cõi Diêm Phù Đề. Nhưng đức Phật lại không cho phép ông nhập Niết Bàn, mà phải thường trụ trên thế gian, hộ trì chánh pháp, thọ nhận sự cúng dường của chúng sanh thời mạt pháp. Vì vậy, tại Trai Đường của các tự viện, thường có một chỗ ngồi ở hàng đầu phía Tây, tức là chỗ của Hòa Thượng Thủ Tòa (首座, trong Thiền Tông, là tên gọi của vị đứng đầu trong chúng), nhưng lại không có ai ngồi. Tuy nhiên tại chỗ đó vẫn thường xuyên có thiết dọn thức ăn, vật uống, chén đũa, v.v., để cúng dường Tôn Giả. Khi cúng dường Trai Tăng, Tôn Giả sẽ hiện thân Tỳ Kheo đến thọ nhận cúng dường. Cho nên khi chú nguyện cúng dường thường có câu: “Nam Mô Tân Đầu Lô Phả La Đọa Xà Tôn Giả tác đại chứng minh.”
Tương truyền có một phú ông nọ phát tâm cúng dường Trai Tăng cho 1000 vị tăng với mục đích cầu phước và mong được La Hán đến thọ nhận. Ông thiết lễ trai đàn trong 3 ngày, đến tối thứ 3 ông nằm mộng thấy một lão Tỳ Kheo mặc áo quần lam lũ, trên trán nỗi 3 cục u ghê sợ hiện đến bảo phú ông rằng: “Tôi là Tân Đầu Lô đây !” “Ồ, ngài là Tân Đầu Lô sao ? Ngài có đến dự cúng dường không ?” Tôn Giả đáp: “Có chứ ! Ngày thứ nhất, tôi đến thì người giữ cửa không cho vào. Tôi bảo là tôi đến để ban phước cho chủ nhà này. Người canh cổng không tin, bảo rằng áo quần tôi lam lũ thế này, lấy gì có phước mà ban cho người khác. Nói xong người ấy dùng gậy đánh tôi, làm cho trán tôi u lên một cục.
Đến ngày thứ hai, tôi lại bị đánh u thêm một cục nữa. Qua ngày thứ ba, tôi tưởng là ngày cuối cùng có thể vào được, nhưng cũng bị đánh thêm lần nữa.” Phú ông tỉnh dậy, biết được sự thật, vô cùng tiếc nuối không có phước duyên để đón tiếp Thánh tăng. Lại có một ông quan huyện, nghe đồn cúng dường Trai Tăng nhất định sẽ có Thánh tăng Tân Đầu Lô quang lâm thọ cúng dường. Ông bèn thiết trai cúng dường tại Thiên Đồng Tự (天童寺) ở Ninh Ba (寧波). Đến thời thọ trai buổi trưa, ông chợt thấy một vị Tỳ Kheo mặc áo quần lam lũ, già khụm, nước miệng nước mũi chảy nhễ nhại, chẳng chút oai nghi nào, bước đi ngã nghiêng, tiến về phía chỗ ngồi của vị Thủ Tòa. Thông thường vị trí này luôn dành để cúng dường cho Thánh tăng. Ông quan huyện đến gần xem, nhìn kỹ thấy toàn thân từ trên xuống dưới của vị Tỳ Kheo ấy nhơ nhớp không thể chịu được. Ông bèn dùng tay xách lỗ tai vị kia kéo xuống ngồi hàng ghế cuối cùng. Sau khi thọ trai xong, quan huyện hỏi Thiên Đồng Thiền Sư xem thử hôm nay Thánh tăng có đến tham dự không ? Thiền Sư trả lời có. Nghe vậy, quan huyện mừng rỡ hỏi xem đó là ai ? Đáp: “Đó chính là vị Tỳ Kheo mà ông xách lỗ tai.” Lão quan huyện kinh ngạc, run bắn người thốt lên rằng: “Quả là có mắt mà không tròng. Ta đã làm nhục Thánh tăng rồi ! Tội lỗi tày trời !”
Theo Đại Tống Tăng Sử Lược (大宋僧史略) quyển 3, phần Phương Đẳng Giới Đàn (方等戒壇) cho biết rằng khi Luật Sư Đạo Tuyên (道宣, 596-667) ở Chung Nam Sơn (終南山) kiến lập Linh Cảm Giới Đàn tại Tinh Xá Thanh Quan Thôn (清官村), có vị tăng lông mày dài đến trước Giới Đàn tán thán.
Như trong Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō No. 125) quyển 3 có đoạn: “Hàng phục ngoại đạo, lý hành chánh pháp, sở vị Tân Đầu Lô Tỳ Kheo thị (降伏外道、履行正法、所謂賓頭盧比丘是, hàng phục ngoại đạo, thực hành chánh pháp, đó gọi là Tỳ Kheo Tâm Đầu Lô).”
Cũng lại trong Tăng Nhất A Hàm Kinh (增壹阿含經, Taishō No. 125) quyển 44, đức Phật thọ ký cho 4 vị Thanh Văn, trong đó có Tân Đầu Lô rằng: “Ngô kim niên dĩ suy hao, niên hướng bát thập dư, nhiên kim Như Lai hữu tứ đại Thanh Văn, kham nhiệm du hóa, trí tuệ vô tận, chúng đức cụ túc. Hà đẳng vi tứ ? Sở vị Đại Ca Diếp Tỳ Kheo, Quân Đồ Bát Tỳ Kheo, Tân Đầu Lô Tỳ Kheo, La Vân Tỳ Kheo. Nhữ đẳng tứ đại Thanh Văn yếu bất bát Niết Bàn, tu ngô pháp một tận, nhiên hậu nãi đương bát Niết Bàn (吾今年已衰耗、年向八十餘、然今如來有四大聲聞、堪任遊化、智慧無盡、眾德具足、云何爲四、所謂大迦葉比丘、君屠缽漢比丘、賓頭盧比丘、羅云比丘、汝等四大聲聞要不般涅槃、須吾法沒盡、然後乃當般涅槃, năm nay ta đã suy yếu, tuổi đã hơn tám mươi, tuy nhiên nay Như Lai có bốn vị đại Thanh Văn, có thể đảm nhiệm việc du hóa, trí tuệ vô tận, các đức đầy đủ. Thế nào là bốn ? Đó là Tỳ Kheo Đại Ca Diếp, Tỳ Kheo Quân Đồ Bát, Tỳ Kheo Tân Đầu Lô, Tỳ Kheo La Vân. Các người, bốn đại Thanh Văn này chủ yếu không nhập Niết Bàn, đến khi pháp của ta diệt hết, sau đó mới nhập Niết Bàn).”
II. Nguồn gốc ngài Giám Trai sứ giả
Giám Trai Sứ Giả còn gọi là Giám Trai Bồ Tát, là một vị thần trông nom việc ăn uống cho chúng Tăng trong chùa, thường thờ ở nhà bếp. Vị thần này thường có hình dạng mặt xanh tóc đỏ.
Vào ngày 23 tháng 12 âm lịch là ngày Thánh Đản đức Giám Trai. Ngài là một vị Bồ Tát hóa hiện thân hình Khẩn Na La Vương. Ngài là một trong tám vị thần Hộ Pháp.
Trong truyền thống Phật Giáo Ấn Độ có vẽ hình tượng Giám Trai Bồ Tát ở nhà bếp, sự việc này trong kinh điển nhà Phật ghi chép rất rõ ràng. Theo sử liệu về Giám Trai Sứ Giả, có rất nhiều quan niệm khác nhau.
– Giám Trai là hiện thân của La Hán Tân Đầu Lô Phả La Đọa. Theo quyển Hạ Bộ Thích Thị Yếu Lãm và Đạo An truyện thì việc thờ Thánh Tăng Tân Đầu Lô trong Trai Đường bắt nguồn từ ngài Đạo An (312 – 385): “Đạo An Pháp Sư mộng thấy nhà sư người nước Hồ tóc bạc mày dài, nói rằng: Hằng ngày dọn cơm cho ta ăn, về sau sẽ có Luật Thập Tụng. Ngài Đạo An biết ngay rằng đó là La Hán Tân Đầu Lô bèn dựng bệ thờ trong nhà ăn, đặt thức ăn cúng dường. Về sau, các chùa lấy đó làm phép tắc.”
– Trong truyện cổ Phật Giáo có đề cập đến câu chuyện Hai Con Cọp Tinh Ở Hoành Sơn. Trong nhà Trai thờ tượng cốt một vị Tăng, lông mày trắng rũ dài, hiệu Giám Trai Sứ Giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa Xà Tôn Giả.
– Quan niệm này ngoài Đạo An truyện, có thể ảnh hưởng từ danh hiệu đệ nhất ứng cúng và tư tưởng của bộ Pháp Trụ Ký cho rằng: La Hán Tân Đầu Lô phụng ý chỉ của Phật, ở lại trần gian ủng hộ, xiển dương Phật Pháp. La Hán “mày trắng” đã thị hiện ứng cúng trong lễ cúng dường của vua A Dục, hóa độ Lương Võ Đế và xác chứng sự nghiệp phiên dịch kinh điển của Đạo An .v.v…
Tuy vậy, theo Tăng Nhứt a Hàm 1 và Tăng Chi Bộ 1 thì tôn giả Tân Đầu Lô chỉ là vị Thánh đệ tử bậc nhất về hàng phục ngoại Đạo và rống tiếng rống sư tử.
– Sách Tiễn Đăng Dư Thoại, Thính Kinh Viên Ký chép: “Có một người tú tài họ Viên, thích vui đùa nhảy nhót, làm trò hề trẻ con. Có lần anh lấy phấn xanh bôi lên mặt, sau đó vào trong khám ngồi duỗi hai chân, những người làm bếp tưởng là thần xuất hiện, nên nói một cách rất cung kính: Đây chính là Hồng Sơn Đại Thánh Giám Trai. Từ đó về sau, các nhà bếp trong chùa thường thờ vị này.”
– Ngoài ra, còn có thuyết cho rằng: Giám trai chính là Đại Giám Thiền Sư Lục Tổ Huệ Năng được thờ ở nhà bếp, nơi gần nấu nướng củi lửa, trên đầu đội khăn, tay cầm cái búa đang ngồi.
Lấy ý rằng, khi Lục Tổ đến Huỳnh Mai gặp Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn thì Tổ đưa ra phía sau bửa củi, giã gạo. Suốt tám tháng làm việc nặng nhọc, không hề được sự quan tâm dạy dỗ của Tổ Sư nhưng ngài không hề phiền hà, trách móc. Chỉ biết chăm chỉ làm việc, phụng sự Tam Bảo mà thôi.
Một hôm Tổ đến chỗ giã gạo hỏi rằng: “Gạo đã giã trắng chưa ?”
Ngài Huệ Năng trả lời rằng: “Dạ bạch, trắng rồi mà thiếu người sàng sảy.”
*** Ý Tổ hỏi: Tâm đã gạn sạch hết phiền não chưa ?
Ngài Huệ Năng đáp: Sạch rồi mà thiếu người ấn chứng.
Tổ bèn gõ vào cối xoay ba cái rồi quay lưng đi vào lối sau. Thế là canh ba đêm ấy, ngài Huệ Năng đi vào lối sau gặp Tổ và được truyền Y Bát.
Sau này các chùa tờ tự cho rằng, Ngài chính là Lục Tổ Huệ Năng vì Lục Tổ Huệ Năng được vua Đường ban tặng thụy hiệu là Đại Giám Thiền Sư.
– Lại có thuyết khác, có một người vào chùa công quả, chỉ lo việc bửa củi nấu cơm, lo cho Tăng chúng. Nhưng đến khi Tăng chúng ăn xong luôn bị thiếu cơm vì nấu ăn ngon quá. Cuối cùng, thường phải ăn cơm cháy. nhưng do cố gắng dụng công tu nên thành Đạo trước mọi người. Vì vậy, có nơi thỉnh thoảng đem cơm cháy cúng ông Giám
– Theo Hà Nam Phủ Chí chép: “Vào năm đầu niên hiệu Chí Chánh (1341 – 1368) đời nhà Nguyên, tại chùa Thiếu Lâm có một hành giả đầu tóc rối bời, lưng trần chân đất, làm việc ở nhà bếp rất có trách nhiệm. Nhưng ở trong chùa lại không có ai biết đến tánh danh của Ngài.
Vào năm Chí Chánh thứ 10 (1350), Lưu Phước Thông lãnh đạo đội quân Khăn Đỏ bao vây, đốt phá chùa Thiếu Lâm, Tăng chúng hoảng hốt bỏ chạy. Bấy giờ, vị hành giả nấu cơm ở nhà bếp, tay cầm khúc thiêu hỏa côn chạy ra sơn môn, thân thể biến hiện cao to 10 trượng, đứng hiên ngang như gọn núi quát rằng: “Ta là Đại Thánh Khẩn Na La Vương đây.”
Quân đội Khăn Đỏ hoảng hồn bỏ chạy. Chùa Thiếu Lâm từ đó không bị uy hiếp nữa và vị hành giả này cũng viên tịch luôn. Mọi người mới biết là do Khẩn Na La Bồ Tát hóa thân. Trong chùa bèn kiến lập điện Khẩn Na La để thờ phụng. Và vẽ hình tượng đem thờ tại nhà bếp, gọi là Giám Trai Sứ Giả. Nhằm để cầu nguyện việc ăn uống tại nhà bếp đầy đủ. Vì vậy mà các chùa phổ biến thờ hình tượng Ngài.
– Thủy Hử truyện chép: “Trí Thâm đem túi vải để xuống trước Giám Trai Bồ Tát, cầm thiền trượng…”
– Trong nghi thức cúng ngọ, có niệm đến danh hiệu Ngài. Và mỗi khi chư Tăng thọ trai đều xưng niệm để chùa chiền được an ổn, điều hòa thực phẩm duy trì sinh hoạt Tòng Lâm lâu dài.
– Trong Tòng Lâm luôn thắp nhang cầu sự gia hộ của Ngài, khiến cho phẩm thực được đầy đủ để lo cho Đại Chúng tu học. Thế nên, trong nghi thức Thiền Môn, tự viện Tòng Lâm mỗi nửa tháng chúc tán, trong đó có nghi khánh chúc Ngài Giám Trai
“Công tư đãnh nãi
Chức nhậm tư thình
Viễn thừa Hương Tích chi phong
Vĩnh tác vân trù chi chủ.”
Dịch:
“Công việc nồi niu bếp núc
Chức vụ lo dâng đồ cúng tế
Noi phong thái cơm ngon Hương Tích xưa
Lúc nào cũng làm chủ quản nhà bếp của chư Tăng.”
—–
“Giám Trai Sứ Giả
Hỏa bộ oai thần
Điều hòa bá vị tiến duy hinh
Tai hao vĩnh vô xâm
Hộ mạng tự thân
Thanh chúng vĩnh mông ân.”
Dịch:
“Giám Trai Sứ Giả
Hỏa bộ oai thần
Điều hòa trăm món hiến vị ngon
Tai hao mãi không xâm
Hộ mạng giúp thân
Tăng chúng luôn nhờ ân.”
Giám Trai Sứ Giả
Oai thần về lửa
Điều hòa trăm vị
Dâng cúng hương thơm,
Tai nạn mãi không xâm
Hộ mạng chở che thân,
Tăng chúng mãi mang ân
Nam mô Diệm Huệ Địa Bồ tát ma ha tát.
Ma ha Bát nhã Ba la mật.
– Việc thờ ông Giám ở nhà bếp nhằm để nhắc nhở mọi người rằng: Nhơn tu vạn hạnh. Mỗi người một chí nguyện, tu hành cốt là ở chỗ dụng tâm, không câu nệ ở việc làm cao hay thấp, sướng hay cực, mỗi người mỗi việc. Nếu chọn việc cao sang, sạch sẽ thì việc thấp xấu ai làm ?
– Việc làm có khác nhưng dụng tâm thì giống nhau. Cho dù việc làm vất vã đến đâu đi nữa mà làm với nhiệt tâm cần cù vì Phật Pháp, vì lợi tha, có dụng tâm Phật thì hạt giống giác ngộ, giải thoát hiện tiền. Hễ tinh tấn tu hành đúng Pháp, biết phụng sự Tam Bảo, lo cho Đại Chúng thì công đức vô biên. Nhất định sẽ thành tựu Đạo quả như Ngài Giám Trai vậy.
BBT Chuatutam.net
Thảo luận về post