GNO – Sáu mươi năm đã trôi qua, tấm hình Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi nhập định trong biển lửa do phóng viên Malcolm Browne chụp vẫn là tấm ảnh lịch sử, vi diệu, có giá trị vượt thời gian, tạo nhiều cảm xúc trên thế giới.
Đứng trước tấm hình này, người xem như đắm chìm trong những đợt sóng từ bi hùng tráng lan tỏa thân tâm. Tấm hình đã chấn động Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy khi được xem và ông đã nói rằng: “Chưa có bức ảnh thời sự nào trong lịch sử tạo ra nhiều cảm xúc trên khắp thế giới như bức ảnh đó” (No news picture in history has generated so much emotion around the world as that one).
Kể từ ngày tấm hình xuất hiện, đã có vô số bài báo, sách nước ngoài viết về Bồ-tát Thích Quảng Đức. Rất nhiều tổ chức, hội đoàn đã dùng hình ảnh Bồ-tát làm biểu tượng để tỏ lòng tôn kính đến sự hy sinh vô úy bất bạo động của ngài. Chỉ riêng trong năm 2022 và 2023, không chỉ tại Việt Nam, giới trí nước ngoài cũng có nhiều bài nghiên cứu, video, sách được phát hành.
Ngược dòng thời gian trở về khung cảnh 60 năm về trước khi Phật giáo Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp trong tận cùng; trước nỗi thống khổ của dân tộc và đạo pháp, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã phát nguyện đốt thân mình làm ngọn đuốc thức tỉnh chế độ đương thời. Người ghi lại một cách chân thực và đem hình ảnh ngọn đuốc vi diệu ấy thoát khỏi miền Nam để đến với người dân trên toàn thế giới, gây chấn động lương tri nhân loại toàn cầu, không ai khác hơn chính là phóng viên Malcolm Browne khi ở tuổi 32.
Tưởng nhớ đến công lao ông, chúng ta cùng tìm hiểu vì sao ông là phóng viên phương Tây duy nhất ngày hôm đó ghi lại sự kiện chấn động thế giới này?
Malcolm Browne đến công tác tại miền Nam Việt Nam vào ngày 11 tháng 11 năm 1961 trong chức vụ Trưởng phòng của Hãng thông tấn quốc tế AP. Trong cuộc phỏng vấn của Patrick Witty cho tạp chí Time vào năm 2011, Malcolm Browne tiết lộ ông rất quan tâm đến Phật giáo Việt Nam sau sự kiện Phật giáo bị chính quyền đàn áp tại miền Trung.
Ông đã trở thành bạn của rất nhiều Tăng Ni, mà phần đông là chư tôn đức ở vai trò lãnh đạo1. Thế nên khi được chư tôn đức thông báo sẽ có một sự kiện quan trọng xảy ra, ông hoàn toàn tin tưởng, theo sát sự kiện trọng đại này ngay từ ban đầu. Trong khi ấy, các phóng viên khác không quan tâm lắm đến pháp nạn Phật giáo vì cho rằng Phật giáo yếu kém, sẽ bị chính quyền Ngô Đình Diệm khuất phục.
Sau này chúng ta được biết có một người Việt chụp những bức hình giá trị, nhưng do không có tên tuổi để quốc tế tin tưởng, không trong hệ thống cung cấp tin tức toàn cầu, nên những tấm hình đó không thể thoát khỏi Việt Nam để gây ảnh hưởng như những tấm ảnh của Malcolm Browne đã tác động tích cực đến nhân dân thế giới giúp chấm dứt nạn kỳ thị đàn áp Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Time năm 2011, Malcolm Browne cũng cho biết ông cố gắng chụp hình thật tốt, thật nhanh để ghi lại sự kiện, khoảng 10 cuốn phim được chụp và sau đó ông đã đặt toàn tâm trí cố gắng tìm mọi cách đưa những cuốn phim ra khỏi Việt Nam nhanh nhất có thể. Ông đã nhờ một hành khách thường xuyên đi lại bằng hàng không giữa Sài Gòn và Manila – Philippines, đem giùm ông những cuốn phim này đến trụ sở có thiết bị chuyển hình ảnh qua sóng vô tuyến để chuyển đến cơ quan thông tấn AP trên toàn thế giới.1
Bên cạnh ghi lại những tấm hình vô giá như: hình ảnh vị sư trẻ giúp tưới xăng lên châu thân Bồ-tát Thích Quảng Đức, ngài điềm tĩnh tự đánh lửa bằng diêm quẹt, Bồ-tát Thích Quảng Đức an nhiên tự tại trong biển lửa – Malcolm Browne còn ghi lại bằng lời về sự kiện trọng đại này:
“Vào thời điểm tôi đến chùa, đây là nơi tổ chức sự kiện, mọi chuyện đã khởi động – chư Tăng Ni đang đồng tụng kinh, đây là loại kinh thường được tụng khi tang lễ. Khi vị sư trưởng ra hiệu, tất cả chư Tăng đều ra đường và đi bộ đến trung tâm Sài Gòn. Khi chúng tôi tới nơi, chư Tăng Ni nhanh chóng hợp thành vòng tròn, chính xác ngay giữa 2 đại lộ chính của Sài Gòn. Một chiếc xe lái tới. Hai nhà sư trẻ bước ra khỏi xe. Một nhà sư lớn tuổi, dựa chút xíu vào một nhà sư trẻ, cũng rời khỏi xe. Vị sư già đi thẳng đến ngay giữa ngã tư. Hai nhà sư trẻ đem theo một thùng nhựa, mà sau này được biết là xăng.
Ngay sau khi vị sư già tự chính mình ngồi xuống, nhà sư trẻ đổ chất lỏng lên toàn thân người. Vị sư già lấy hộp diêm ra, quẹt cháy lên, và thả cây diêm cháy lên trên đùi, ngay lập tức lửa bùng cháy, bao trùm.. Vị sư già không bao giờ bày tỏ sự đau đớn. Khuôn mặt ngài dường như khá an nhiên thanh tịnh cho đến khi ngọn lửa làm đen không nhìn thấy được nữa”.2
Những tấm ảnh cũng như lời của chính tác giả Malcolm Browne là tư liệu vô cùng quý giá không những cho lịch sử Việt Nam mà cho toàn thế giới, xuất phát từ tấm lòng của ông đã quan tâm đến Phật giáo ngay từ đầu. Ông đã đoạt giải thưởng danh giá thế giới World Press Photo vào năm 1963 và Pulitzer Prize năm 1964 từ tấm ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và các phóng sự liên quan đến thời điểm này.
Vào ngày 18 tháng 3 năm 2023, Huyền Lam, cộng tác viên của báo Giác Ngộ tại Hoa Kỳ, đã liên lạc với bà quả phụ Malcolm Browne là Le Lieu Browne. Bà đã bày tỏ lòng cảm ơn khi đã nhớ đến chồng bà. Tuy tuổi già sức yếu, nhưng bà Le Lieu Browne đã cho chúng tôi biết thêm tư liệu quý giá về chồng bà như sau (dịch từ tiếng Anh):
“Malcolm là một người nhân văn và có tính quan sát nhạy bén. Với trí tuệ thông minh, kiến thức sâu rộng về nền chính trị, chính sách, chiến lược quân sự Mỹ, ông trở thành một nhà báo trung thực và vĩ đại. Chẳng hạn như khi đến Việt Nam, ông cố gắng học tiếng Việt để có thể giao tiếp với người bản xứ, trong khi ấy các phóng viên ngoại quốc khác, đặc biệt là Mỹ phải phụ thuộc vào thông dịch viên khi thực hiện các buổi phỏng vấn. Malcolm hiếm khi tin tưởng các nhà ngoại giao Mỹ và có xu hướng lấy nguồn tin từ Đại sứ quán Anh.
Sự quan tâm của Malcolm về ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt làm tôi rất cảm phục và ấn tượng. Cách tôn trọng và cư xử nhẹ nhàng của ông đã khiến nhiều người dân Việt Nam mở lòng với ông, ngay cả những người gặp trên đường phố…
Trong 10 năm cuối cùng làm phóng viên cho New York Times, Malcolm có khuynh hướng là nhà báo viết về khoa học. Ông đã đến Nam Cực 5 lần cùng với nhóm nghiên cứu trong sự nghiệp báo chí cuối cùng của mình trong thập kỷ qua.
Hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để đem lại sự công bằng và tự do Phật giáo Việt Nam luôn ghi sâu trong tâm trí ông”.
Phóng viên Malcolm Browne là phóng viên tài ba, tận tụy. Ông đã làm việc cho nhiều hãng thông tấn, báo chí, truyền thông trên thế giới và nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Ông đã phỏng vấn nhiều nguyên thủ quốc gia, các bậc lãnh đạo lẫy lừng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã xuất bản 2 cuốn sách: Muddy boots and Red socks: A Reporter’s Life (Giầy bùn và Vớ đỏ: Cuộc đời phóng viên), The New Face of War (Bộ mặt mới của chiến tranh). Ông mất ngày 27 tháng 8 năm 2012, hưởng thọ 81 tuổi.
Nhân 60 năm kỷ niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chúng ta thành tâm đốt nén hương tưởng nhớ đến cố phóng viên Malcolm Browne, người đã có công truyền tải hình ảnh lửa từ bi vô úy của Bồ-tát Thích Quảng Đức đến toàn thế giới.
Bà Le Lieu Browne sinh quán tại Bến Tre, tuổi niên thiếu vào những năm 1950 được gia đình gửi đi du học tại Pháp và Anh. Sau một thập niên du học nước ngoài, bà trở về miền Nam Việt Nam năm 1960 khi ở lứa tuổi 20 và làm việc tại Bộ Thông tin của chính quyền miền Nam. Năm 1961 bà gặp phóng viên Malcolm Browne trong những lần tương tác công việc giữa Bộ Thông tin và phóng viên nước ngoài. Tình yêu hai người đã đến và ông bà kết hôn năm 1966. Cũng như chồng, bà làm việc cho nhiều hãng truyền thông nước ngoài. Bà đã theo chồng đi nhiều nơi trên thế giới, tham dự các buổi phỏng vấn lãnh tụ cao cấp, họp báo, tọa đàm. Sau khi ông Malcolm mất, bà đã cho xuất bản cuốn hồi ký bằng tiếng Anh có tên Bend the willow (Uốn cong cây liễu) vào năm 2018. Sau ngày Việt Nam thống nhất, vợ chồng bà có về Việt Nam vào năm 1994 thăm lại Bến Tre. Năm 2016 bà cũng có một chuyến thăm lại Việt Nam3.
——————————
1 https://time.com/3791176/malcolm-browne-the-story-behind-the-burning-monk/
2 [So by the time I got to the pagoda where all of this was being organized, it was already underway—the monks and nuns were chanting a type of chant that’s very common at funerals and so forth. At a signal from the leader, they all started out into the street and headed toward the central part of Saigon on foot. When we reached there, the monks quickly formed a circle around a precise intersection of two main streets in Saigon. A car drove up. Two young monks got out of it. An older monk, leaning a little bit on one of the younger ones, also got out. He headed right for the center of the intersection. The two young monks brought up a plastic jerry can, which proved to be gasoline.
As soon as he seated himself, they poured the liquid all over him. He got out a matchbook, lighted it, and dropped it in his lap and was immediately engulfed in flames… He never yelled out in pain. His face seemed to remain fairly calm until it was so blackened by the flames that you couldn’t make it out anymore. https://time.com/3791176/malcolm-browne-the-story-behind-the-burning-monk/]
3 Bend The Willow – by Le Lieu Browne – xuất bản năm 2018
Huyền Lam (Hoa Kỳ)/Báo Giác Ngộ
Thảo luận về post