Bàn về Huyền Quang tôn giả
Đặng Thanh Bình
>>> Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào Việt Nam như thế nào
1/ Về họ tên và niên đại
a) Chú thích số 1 trong bài viết Tiểu sử và sự nghiệp của đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang của tác giả Nguyễn Minh Tường cho biết: “Họ tên thật của Huyền Quang, nhiều sách chép khác nhau: Trần Đạo Tái (Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển); Lý Tải Đạo (Tam tổ thực lục); Lý Đạo Tái (được nhiều sách nói đến)”.
Đại Việt sử ký toàn thư cho chúng ta biết con trai của Thái sư Trần Quang Khải là Văn Túc vương Trần Đạo Tái rất giỏi thơ văn nhưng mất sớm. Như thế thì hẳn là Lê Quý Đôn và Bùi Huy Bích đã nhầm lẫn.
Tam tổ thực lục (bản dịch của dịch giả Thích Phước Sơn) cho biết: “Khi Tổ sinh ra, lại là một đứa bé trai cứng cáp. Đến tuổi đồng ấu, thể mạo Tổ dị thường, có chí của bậc trác việt vĩ nhân, cha mẹ đều yêu thương, dạy cho học nghề. Tổ nghe một hiểu mười, có tài như Nhan Hồi Á Thánh nên được gọi là Tải Đạo”.
Cứ theo như Tam tổ thực lục chép thì Tải Đạo không phải là tên được đặt lúc mới sinh của tôn giả Huyền Quang.
b) Bài viết Các truyền bản Tam tổ thực lục của tác giả Thích Đồng Dưỡng cho biết: Tam tổ thực lục có 2 khắc bản là Lân Động (1765) và Pháp Vũ (1897). Tác giả biên soạn bộ sách là thiền sư Tính Quảng và sa di Hải Lượng. Bộ sách gồm 3 phần là: Tổ thứ nhất núi Yên Tử (Trúc Lâm đại sĩ); Vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm (Pháp Loa); Tổ gia thực lục (Huyền Quang).
Phía cuối của phần Tổ gia thực lục có nêu những diễn biến về quyển Tổ gia thực lục như sau: khoảng niên hiệu Tuyên Đức (1426-1435) thượng thư Hoàng Phúc thấy được sách liền mang về bắc, đến khoảng năm Gia Tĩnh (1522-1558) Tô Xuyên hầu Lê Quang Bí đi sứ, được cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Thừa Tổ gửi trả sách để đem về nước.
Tác giả Thích Đồng Dưỡng cho biết thêm: Tổ gia thực lục về hình thức như một tập tiểu thuyết, lại khi thâu tóm hết những đoạn có ghi niên đại, đem đối chiếu với các tư liệu đương thời thì thấy chép nhầm và sai một số việc, do đó tác giả phải sống cách xa ngài Huyền Quang nên Giả thuyết rằng lời chép ở cuối truyện là do thế hệ sau muốn làm cho câu truyện mang tính chất thực nên đã ghi quá trình sách được mang qua Trung Quốc, rồi lưu truyền trở lại nước ta, theo thiểu ý, truyện có thể xuất hiện khoảng thời Lê sơ hoặc vương triều nhà Mạc.
c) Sách Tân đính Lĩnh Nam chích quái (Hồi hai lăm: Đạo sĩ họ Lý thành thực nên được phúc, Tiểu thư họ Trương xả trá hóa mang hiểm) sẽ cho chúng ta vài điều thú vị (người viết sử dụng bản dịch của dịch giả Bùi Văn Nguyên)
– Thứ nhất, sách do Sử quan đô tổng tài Vũ Quỳnh (1452-1516) viết. Như thế, rõ ràng đây là một tài liệu khá sớm viết về tôn giả Huyền Quang.
– Thứ hai, cuối hồi hai lăm cũng có đoạn viết về Hoàng Phúc nhưng không thấy đề cập tới cuốn sách nào, Tân đính Lĩnh Nam chích quái viết như sau: Thời nước ta thuộc Minh, các nơi bị giặc đốt phá, nhưng ở đây vô sự. Hoàng Phúc thường nằm mộng thấy nhà sư, sợ quá bỏ về bắc, rồi lập đàn mà tế. Cho đến cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Thừa, nhân sang ta, cũng gặp Tô hầu và khi trở về bắc, phải gửi vàng bạc lại, dặn riêng là phải sửa chữa chùa am, nhà sư.
– Thứ ba, đầu hồi hai lăm, tác giả Vũ Quỳnh có viết là “tương truyền”. Vì thế chúng ta có thể nghĩ rằng truyện về tôn giả Huyền Quang trong Tân đính Lĩnh Nam chích quái là do Sử quan đô tổng tài thu thập từ dân gian để biên soạn thành.
– Thứ tư, khi so sánh Tam gia thực lục với Hồi hai lăm thì nhận ra tuy có các điểm khác biệt nhưng nội dung và cấu trúc thì lại tương đồng. Bài viết Lịch trình tiếp nhận Tam tổ thực lục của tác giả Nguyễn Hữu Sơn cho biết: “Sinh ra vào nửa sau thế kỉ 15, chỉ sau khi Huyền Quang qua đời trăm năm, tiến sĩ thượng thư Vũ Quỳnh trong Tân đính Lĩnh Nam chích quái đã viết truyện về Huyền Quang. So với nguyên truyện trong Tam tổ thực lục, các tình tiết đều có dịch chuyển, tô đậm, nhấn mạnh thêm các lời thoại nhằm tạo kịch tính và sự hấp dẫn”.
d) Tân đính Lĩnh Nam chích quái và Tam gia thực lục
– Tân đính Lĩnh Nam chích quái cho biết Huyền Quang khi mới sinh được đặt tên là Lý Kiên Cương. Đây rõ ràng là sự nhầm lẫn với Pháp Loa Đồng Kiên Cương. Đến khi lớn diện mạo rất lạ và có chí lớn nên được đổi tên là Đạo Tải (chở đạo). Ngoài chi tiết giống nhau về tên húy, thì giữa Pháp Loa và Huyền Quang còn có 3 chi tiết giống nhau, cụ thể là: cả hai đều bị mẹ dùng thuốc để phá thai khi chưa ra đời, khi sinh ra đều có mùi thơm và cứng cáp.
– Tam gia thực lục cho biết vua định gả cô Liễu, cháu của An Sinh vương, Huyền Quang từ khước không chấp thuận. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết An Sinh vương là tước của Trần Liễu. Qua đó cho thấy, đây là một sản phẩm của dân gian, mà không khó để chúng ta tìm thấy những trường hợp tương tự như: vị nữ tướng quân của Hai Bà Trưng là Xuân nương được sáng tạo từ Phụng Thánh phu nhân Lê Lan Xuân, hoặc tướng quân Vũ Thành được thờ tại đền Từ Hả là ánh xạ của Vũ Thành vương Trần Doãn, hoặc hoàng tử Lý Bát Lang được sáng tạo từ Ô Kim hầu Nguyễn Bát.
– Đối chiếu với tiểu sử của Pháp Loa, dịch giả Thích Phước Sơn có ghi chú trong bản dịch Tam tổ thực lục về sự kiện Huyền Quang thọ giáo với Pháp Loa là lầm và không những Tân đính Lĩnh Nam chích quái cũng nhầm như thế, mà hồi hai lăm còn lầm rằng: Pháp Loa ngoài 90 sức khỏe vẫn chưa suy yếu.
– Sách Việt Nam phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang viết: “Tại sao trong Tổ Gia Thực Lục không thấy có ghi chép những thiền ngữ và những bài kệ tụng của Huyền Quang? Cả đến bài kệ Thị Tịch của Huyền Quang cũng không thấy ghi lại. Ðứng về phương diện biên chép ngữ lục, đây là một khuyết điểm lớn”.
Tạm kết: Thấy rằng truyện đạo sĩ họ Lý trong Tân đính Lĩnh Nam chích quái có nội dung và cấu trúc giống với truyện Huyền Quang trong Tam tổ thực lục, đồng thời Tân đính Lĩnh Nam chích quái có những chi tiết nhầm lẫn khá cơ bản, trong khi Tam tổ thực lục đã hạn chế hơn nhưng nhầm lẫn đó. Vì thế, người viết cho rằng Vũ Quỳnh đã thuần túy biên chép lại những Tương Truyền, trong khi Tam gia thực lục đã được tác giả của nó hiệu đính. Chúng ta không thể chắc chắn được rằng tác giả của Tam gia thực lục có hiệu đính dựa trên Tân đính Lĩnh Nam chích quái hay không, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng tác giả của Tam gia thực lục đã hiệu đính dựa trên những tài liệu tương tự như Tân đính Lĩnh Nam chích quái hoặc trên chính những Tương Truyền.
Tam gia thực lục cho biết sau khi Tô Xuyên hầu Lê Quang Bí đem sách về nước thì đưa cho Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) nhân đó trạng Trình có viết bài Giải trào. Theo tác giả Thích Đồng Dưỡng thì hiện tại chúng ta chưa tìm thấy bài Giải trào ấy.
Tóm lại: Tân đính Lĩnh Nam chích quái được soạn dựa trên tương truyền cho thấy sự nhầm lẫn về tên húy của tôn giả Huyền Quang, còn Tam tổ thực lục (có cấu trúc và nội dung giống với Tân đính Lĩnh Nam chích quái, đồng thời có dấu tích cho thấy có sự tham gia của dân gian) thì không cho biết tên húy của ngài. Do đó người viết tạm theo Đăng Minh bảo tháp (1719) cho biết rằng: “Trúc Lâm thiền sư đời thứ ba, đặc phong tự pháp là Huyền Quang tôn giả, tiền thân là A Nan tôn giả … thuộc vùng Vạn Tư, Gia Định, họ Lý, sinh trong khoảng thời gian đời nhà Trần”. Nói cách khác, chúng ta mới tạm xác định được Huyền Quang họ Lý, còn tên húy thì chưa xác định được.
e) Tam gia thực lục cho biết tôn giả Huyền Quang sinh năm Giáp Dần (1254) và mất năm Giáp Tuất (1334). Nhưng như trên đã thấy Tam gia thực lục có những sai nhầm, khiến chúng ta khó mà tin tưởng chắc chắn, trong khi Bia mộ tháp của Huyền Quang cũng chỉ cho biết ngài sinh sống dưới triều Trần.
2/ Về tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm
a) Trong sách Trần Nhân Tông con người và tác phẩm, tác giả Lê Mạnh Thát dựa vào ghi chép của Thánh đăng lục mà nhận định rằng “Vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm, ta phải kể tới Kim Sơn, chứ không phải Huyền Quang”.
Thánh đăng lục (truyện vua Trần Minh Tông) viết: “Vua sắp thăng hà có làm bài kệ trình ngài Kim Sơn: Đệ tử Vô Cảnh ở trong bệnh, Gởi thiền tổ thứ ba Trúc Lâm”.
Dịch giả Thích Thanh Từ trong phần giảng viết: “Có nhiều người nghe vua nói ngài Kim Sơn, ngài Cảnh Huy cũng là người kế thừa tổ Pháp Loa, nên hiểu lầm cho các ngài là tổ thứ ba. Vì tôn giả Huyền Quang bấy giờ đã tịch, nên vua coi hai vị này như là tổ thứ ba, chớ không phải là người kế thừa chánh thống”.
Tác giả Lê Duy Mạnh trong bài viết Trúc Lâm tam tổ là ai có dẫn ra Côn Sơn Tư Phúc tự bi (1602) Trùng tu Tư Phúc tự bi (1613) Phụng lệnh dụ cung cấp tam bảo tạo lệ bi kí (1653) Đăng Minh bảo tháp (1719) và bài thơ Nhân sự đề Cứu Lan tự của Huyền Quang để khẳng định “việc Huyền Quang được tôn là vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là có cơ sở chắc chắn”.
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương là Tăng Bá Hoành cho biết: “Trên bia tháp Viên Thông tại chùa Thanh Mai (Thanh Mai Viên Thông tháp bi) khắc dựng năm Đại Trị ngũ niên (1362) phần cuối có dòng chữ: Trúc Lâm Đệ tam đại, tự pháp, trú trì, tông huyền Kim Sơn phụng thuyên. Có nghĩa: Kim Sơn là người thừa kế, nối dòng pháp của Trúc Lâm Đệ tam tổ (Huyền Quang) ở đời sau, chủ trì việc khắc bia” (dẫn theo Trúc Lâm tam tổ là ai).
Thanh Mai Viên Thông tháp bi viết: “Trúc Lâm đệ tam đại tự pháp trụ trì Tông Huyền Kim Sơn tấu thuyên”.
Thánh đăng lục cho biết “Tổ sư Kim Sơn được tủy ngài Phổ Tuệ”. Vậy rõ rằng Kim Sơn là đệ tử của Pháp Loa nên nếu cho rằng Kim Sơn nối dòng pháp của Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang sợ là không thỏa đáng.
Trong Thanh Mai Viên Thông tháp bi còn có một đoạn nói đến Tự pháp Trụ trì đó là năm 1308 như sau “phụng mệnh ư Siêu Loại tự Cam Lộ đường tự pháp trụ trì khai đường hành truyền tự chi lễ” (dịch giả Đinh Khắc Thuân dịch là: phụng mệnh làm lễ truyền thừa Tự pháp trụ trì Cam Lộ đường chùa Siêu Loại)
Tam tổ thực lục cũng có chép về sự kiện này ở phần Pháp Loa mục năm 1308 như sau: “Sư phụng mệnh nối dòng pháp, trụ trì Cam Lộ Đường chùa Siêu Loại. Mở đầu buổi lễ truyền thừa Tổ vị” (bản dịch của dịch giả Thích Phước Sơn)
Thánh đăng lục truyện vua Trần Nhân Tông cũng có viết về sự kiện này như sau: “Điều Ngự sai Pháp Loa đến chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại nối pháp trụ trì giảng dạy” (bản dịch của dịch giả Thích Thanh Từ)
Tam gia thực lục cho biết “vua càng thêm tôn kính, gọi sư là Tự Pháp”. Tự Pháp có nghĩa là Nối Dòng Pháp. Trong Việt Nam phật giáo sử luận có đề cập đến “buổi Khai Đường thuyết pháp của Trúc Lâm đại tôn giả”.
Tác giả Thích Thông Phương trong bài viết Vua Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cho rằng: “Về đời thứ ba Thiền Phái Trúc Lâm, ngoài Tam Tổ Huyền Quang, theo bia tháp Viên Thông thờ Tổ Sư Pháp Loa ở Thanh Mai, phần cuối có kể ra hai vị tiếp nối đời thứ ba là Tông Huyền và Kim Sơn, nguyên văn: Trúc Lâm Đệ Tam Đại Tự Pháp Trụ Trì Tông Huyền, Kim Sơn tấu tuyên”.
Dịch giả Đinh Khắc Thuân trong phần giới thiệu Thanh Mai Viên Thông tháp bi cũng có viết là “bia đá được đệ tử Trí Nhu xuất tiền mua, Thiệu Tuệ viết chữ, Kim Sơn và một đệ tử nữa phụng khắc”.
Tông Huyền có phải là tên một đệ tử khác của Pháp Loa hay không? Có khi nào đó là danh hiệu mà vua Trần Minh Tông ban cho Kim Sơn chăng?
b) Chúng ta gặp phải một khó khăn rất lớn, ấy chính là việc những tài liệu mà chúng ta dựa vào để đi đến kết luận Kim Sơn là vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, lại cũng có những ghi chép cho thấy vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa chọn Huyền Quang. Thật vậy:
– Thanh Mai Viên Thông tháp bi chỗ chép năm 1317 cho biết “sư bệnh nặng, đem áo của Điều Ngự truyền, cùng bài tâm kệ giao lại cho Huyền Quang” hoặc chỗ chép năm 1330 cho biết “đến ngày 19, bệnh lại càng nặng, bèn lấy cà sa và tâm kệ của Điều Ngự truyện lại, giao cho Huyền Quang, bảo phải gìn giữ”.
– Thánh đăng lục truyện vua Trần Minh Tông cho biết “Từ khi Sư đã nhận y bát của Tôn giả Phổ Tuệ ở Côn Sơn đến lúc ra trụ trì đều nhờ sức vua duy trì”.
– Và chính tôn giả Huyền Quang trong bài thơ Nhân sự đề Cứu Lan tự cho biết: “Đức bạc thường tàm kế tổ đăng”. Dịch nghĩa là “Thường thẹn mình đức mỏng mà được nối ngọn đèn Tổ” (dẫn lại của Thơ văn Lý Trần tập 2).
c) Để tháo gỡ khó khăn này, sau đây người viết sẽ dẫn những tài liệu, để phần nào khắc họa lại tinh thần của tôn giả Huyền Quang. Trong phần này người viết dẫn lại những câu thơ của Huyền Quang được viết trong Thơ văn Lý Trần tập 2.
– Thứ nhất là tinh thần ở ẩn không màng danh vọng giàu sang được thấy trong bài thơ Tặng những con em trên đường sĩ hoạn như sau: “Giàu sang như mây nổi, chậm chạp chưa đến – Quang âm như nước chảy, hối hả giục nhau qua – Sao bằng về ẩn nơi rừng suối – Một sập gió thông, một chén trà”.
– Thứ hai là hướng đạo nhưng lơ đãng công việc xây dựng giáo hội được thấy qua ghi chép của Thanh Mai Viên Thông tháp bi chỗ năm 1309 như sau “tháng này, sư gặp Huyền Quang và nói rằng: di chúc của Điều Ngự, ngươi quên rồi ư? Huyền Quang từ đó đi theo tham vấn học hành, không xa dời nữa”.
– Thứ ba là theo ghi chép của Thanh Mai Viên Thông tháp bi chỗ năm 1317 cho biết khi Pháp Loa bệnh nặng có đem áo cà sa và tâm kệ giao cho Huyền Quang, đồng thời giao pháp khí tích trượng, phất tử, gậy tre, chuông vàng… cho các đệ tử khác. Nhưng đến khi Pháp Loa bệnh đỡ thì “Huyền Quang từ chối không nhận”. Chúng ta không chắc các đệ tử khác có đem trả lại Pháp Loa những vật được trao trước đó hay không, chỉ biết đến năm 1330 Thanh Mai Viên Thông tháp bi chỉ nhắc đến việc Huyền Quang được Pháp Loa lại trao cà sa và tâm kệ của Điều Ngự.
– Thứ tư là nếu Điều Ngự tổ chức một buổi lễ truyền thừa long trọng cho Pháp Loa vào năm 1308, thì Pháp Loa lại chỉ đơn giản giao áo cà sa và tâm kệ cho Huyền Quang. Và dường như đã có một biến cố nào đó xảy ra, khiến Huyền Quang phải cảm tác thành thơ trong bài Nhân sự đề Cứu Lan tự như sau: “Thường thẹn mình đức mỏng mà được nối ngọn đèn Tổ – Luống để cho Hàn Sơn và Thập Đắc phải sinh niềm oán giận – Chi bằng theo bạn về núi – Sống giữa muôn vạn tầng núi non trùng điệp”.
Thánh đăng lục cho biết đã có một khoảng thời gian kể từ khi Huyền Quang nhận y bát đến khi ngài ra trụ trì và trong khoảng thời gian ấy Huyền Quang cần đến sự giúp sức của Trần Minh Tông để duy trì. Bài thơ cho thấy tuy Huyền Quang đã nối ngọn đèn tổ nhưng lại muốn về sống với núi non. Tác giả có nhắc đến “sinh niềm oán giận” khiến chúng ta liên tưởng tới câu chuyện với nàng Điểm Bích, ẩn đằng sau câu chuyện là một mưu kế đối với Huyền Quang.
– Thứ năm, Huyền Quang là người đa cảm, dễ lụy phiền như trong bài thơ Cúc hoa kỳ 3 như sau: “Quên mình, quên đời, đã quên tất cả – Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường” hoặc trong bài thơ Cúc hoa kỳ 5 như sau: “Một mình thắp hương ngồi tự nhiên quên hết phiền muộn – Người với hoa hồn nhiên không tranh cạnh” hoặc trong bài thơ Đề núi non bộ của thí chủ ở Động Hiên như sau: “Từ nay những mối suy nghĩ không còn vương tục luỵ – Giành được giấc ngủ êm đềm trước luồng gió trong mát”.
– Thứ sáu, Huyền Quang có vẻ là con của một gia đình bề thế như trong bài thơ Ngủ ngày như sau: “Ruộng vườn của cha ông, mặc sức tự cày cấy – Ngàn cây xanh quanh co, vấn vít quanh nhà ta”. Huyền Quang sống thọ, về già ít giao thiệp với người đời như trong các bài thơ Trước bếp lò tức cảnh như sau: “Tay cầm ống thổi, tay nhặt mo nang – Luống để người ta cười vị sư già này bận bịu” hoặc bài thơ Cúc hoa kỳ 3 như sau: “Cuối năm ở trong núi không có lịch – Thấy cúc nở biết rằng đã tiết trùng dương” hoặc bài thơ Hoa mai như sau: “Bẻ về không phải để che mắt những người tinh đời – Chỉ muốn mượn tứ xuân an ủi ông già ốm yếu”.
Tạm kết: Có 2 vấn đề
– Thứ nhất là có những ghi chép cho thấy Kim Sơn là vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm, nhưng cũng có ghi chép cho thấy Pháp Loa và có thể cả Điều Ngự gửi gắm nơi Huyền Quang, vậy ai mới là tổ thứ ba đây? Người viết cho rằng: Điều Ngự đã “mệnh sư kế nhậm trụ trì, vi Trúc Lâm đệ nhị đại” một cách rõ ràng và phổ biến, trên dưới xa gần ai cũng rõ. Trong khi Pháp Loa chỉ giao lại áo cà sa và tâm kệ cho Huyền Quang với mong muốn Huyền Quang là người nối tiếp, rõ ràng là không có một buổi lễ truyền thừa nào được tổ chức, có lẽ chỉ những đệ tử của Pháp Loa ngầm hiểu mà thôi, còn người ngoài e là chưa rõ. Huyền Quang sau đó, lại không tham gia nhiều các hoạt động truyền thông giảng dạy (theo Thánh đăng lục ghi nhận thì Huyền Quang chỉ chủ trì giảng dạy 2 lần: lần một là vào tháng 6/1330 tại chùa Tư Phúc trong đại nội giảng Đại Huệ ngữ lục và lần còn lại là giảng Hoàng Bá tâm yếu ở Thiên Trường). Trong khi Kim Sơn có thời gian khá dài giảng dạy nên có lẽ vì thế mà vua Trần Minh Tông và người đương thời đã tôn xưng Kim Sơn là vị tổ thứ ba (có sự khác nhau trong việc tôn xưng vị tổ thứ hai và vị tổ thứ ba, nếu như vị tổ thứ hai được vị tổ thứ nhất truyền thừa lúc còn sống theo một cách không thể tranh cãi, thì vị tổ thứ ba lại phần nào chịu tác động bởi tôn xưng của người đương thời). Chúng ta chưa rõ vì sao những thông tin về Kim Sơn còn lại rất ít, nhưng đoán rằng có thể là do sau thời Trần Minh Tông, phật giao suy giảm, mà không chỉ Kim Sơn, ngay cả hành trạng của Huyền Quang cũng rất ít và sai nhầm nhiều. Đến khi phật giáo thịnh lại, với những nỗ lực tìm kiếm quá khứ, đã làm định hình lại vai trò của Huyền Quang và Kim Sơn. Với Tân đính Lĩnh Nam chích quái và Tam gia thực lục thì Huyền Quang xuất hiện nhiều hơn, trong khi Kim Sơn lại xuất hiện ít đi và có lẽ vì thế mà vào thời phật giáo hưng thịnh trở lại Huyền Quang được tôn xưng là tổ thứ ba thiền phái Trúc Lâm.
– Thứ hai là chúng ta nghĩ rằng Huyền Quang có tuổi, không còn đủ sức để cáng đáng việc chung của thiền phái hoặc có thể Huyền Quang chưa bao giờ muốn tham gia vào các hoạt động mang tính chính trị của thiền phái, mà chỉ muốn tự do tự tại sống ẩn giữa núi đồi và không loại trừ khả năng đã có một xung đột nào đó sau khi Pháp Loa mất, khiến Huyền Quang từ bỏ vai trò là người trụ trì.
3/ Một hướng tìm mới
Phần nhiều các tài liệu đều cho biết Huyền Quang họ Lý. Đăng Minh bảo tháp còn cho biết Huyền Quang “đi sứ bắc quốc, tài năng nổi danh đất bắc”.
Nên người viết tìm kiếm những vị đi sứ phương bắc mang họ Lý, thì may thay thấy An Nam chí lược mục sứ thần đời Trần có viết “Mùa xuân năm Mậu-Tý hiệu Chí-Nguyên (1288) Trấn-Nam-Vương rút quân về nước, Thế-Tử khiến cận-thị-quan Lý-Tu và Đoàn-Khả-Dung tiến cống phương-vật, tạ tội” (Bản dịch của Viện Đại học Huế)
Trong bài viết Cống người vàng thế thân: Từ sử liệu chính thống đến truyền thuyết dân gian của tác giả Nguyễn Thanh Tùng mục ghi chú số 5 cho biết: “Tân nguyên sử nói rõ hơn (…) Nhật Huyên bèn sai quan Cận thị là Lý Tu, Đoàn Khả Dung cống phương vật, lại tiến người vàng thế thân để chuộc tội” [Quyển 151, Ngoại quốc 3: An Nam]
Sách Trần Nhân Tông con người và tác phẩm, tác giả Lê Mạnh Thát cho biết phái đoàn của Lý Tu đến Nguyên vào tháng 3/1288 với mục đích “thăm dò, tìm hiểu thái độ và tình hình của địch sau khi ta đã quét sạch quân chúng ra khỏi bờ cõi”.
Lý Tu (李 修) theo mô tả là Quan cận thị, thời điểm năm 1288 thì Trần Nhân Tông đương là vua, xem thế thì chắc rằng Lý Tu phải thường xuyên tiếp xúc với Nhân Tông và thông tin này gợi cho chúng ta liên tưởng đến một chi tiết được Thanh Mai Viên Thông tháp bi chỗ năm 1306 chép như sau “Điều Ngự thấy Huyền Quang theo Bảo Phác lên chùa nghe giảng, bèn dẫn làm thị giả”. Huyền Quang năm 1305 mới xuất gia thụ giới với Bảo Phác, vậy mà năm sau khi gặp Điều Ngự thì đã được giữ lại làm thị giả (Điều Ngự có 7-8 thị giả mà thôi) như thế chúng ta có thể nghĩ rằng Điều Ngự và Huyền Quang quen biết từ trước.
Chữ Tu (修) có một nghĩa là Tu Hành, thông tin này gợi cho chúng liên tưởng đến câu chuyện Huyền Quang là A Nan tôn giả tái sinh được chép trong Tam gia thục lục.
Rõ ràng là với từng đó thông tin thì chúng ta chưa đủ cơ sở để đặt Giả thuyết tôn giả Huyền Quang là quan cận thị Lý Tu, nhưng đó chắc chắn là một hướng tìm kiếm rất đáng được lưu ý.
T4/2023
BBT. CHÙA TỰ TÂM
Thảo luận về post