>>> Nói Với Người Xuất Gia Trẻ | Thiền Sư Nhất Hạnh
Xuất gia không phải là sự chán đời, chạy trốn thế gian. Xuất gia không phải lánh nặng tìm nhẹ, ẩn dương nương Phật mượn đạo tạo đời. Xuất gia không phải vì cầu danh vọng, lợi lộc trong chốn thiền môn. Xuất gia chỉ vì con đường giác ngộ mà đức Phật và các bậc thầy tổ đã đi qua là con đường vững chải, an vui, có khả năng chuyển hoá, giúp chúng ta vượt thoát khỏi nhà lửa ba cõi và không còn bị dòng đời cuốn trôi.
>>> NÓI VỚI EM – NGƯỜI XUẤT GIA TRẺ
>>> Tại sao nhà sư phải cạo đầu ? Nguồn gốc và ý nghĩa những dấu sẹo tròn trên đầu Tăng, Ni
KỆ XUẤT GIA
Xin Phật độ cho con
Chí nguyện rất kiên cường
Đắp tấm áo ca-sa
Theo người vô lượng kiếp
Xin siêng năng công quả
Tích lũy mãi phúc lành
Nuôi lớn mãi thiện căn
Hướng về vô thượng đạo
Quyết diệt trừ bất thiện
Tâm sạch như hư không
Chẳng vướng chút bụi hồng
Dốc trọn lòng theo Phật
Nguyện từng giờ tinh tấn
Trong thiền định thâm sâu
Đường vô ngã dài lâu
Không bao giờ sao lãng
Như từ bi của Phật
Sẽ hoằng hoá độ sinh
Thoát tăm tối vô minh
Đồng viên thành Phật đạo.
GIEO NHÂN ĐƯỢC LÀM NGƯỜI XUẤT GIA TU HÀNH CHÂN CHÍNH BẬC CHÂN TU ĐẠO HẠNH.
– Khởi lòng tôn kính Phật và những vị Thánh đệ tử Phật, lạy Phật phát nguyện thường xuyên.
– Tập sống như đời sống của người xuất gia.
– Hỗ trợ những vị tu hành chân chính làm việc đạo tu tập. Phát tâm nguyện xuất gia, khuyến khích nuôi dưỡng xây dựng đạo tâm cho người khác, ủng hộ người khác muốn đi xuất gia.
– Thường xuyên dự lễ xuất gia, vui mừng khi thấy nghe người khác xuất gia.
– Cúng dường đảnh lễ bậc Cao Tăng uy đức.
– Tránh gieo những nhân về đời sống gia đình chồng vợ. Tránh gieo những nhân hưởng thụ của người thế gian.
– Suy tư chiêm nghiệm mơ ước về đời sống của người xuất gia. Hướng tâm về ” Vô Ngã “.
– Hỗ trợ xây cất chùa cho Bậc Chân Tu hoặc phụ làm công quả xây cất chùa để nhiều người về nghe Pháp tu tập.
– Rủ người khác nghe Chánh Pháp hoặc giới thiệu bài giảng Chánh Pháp cho nhiều người.
– Rèn luyện những tâm hạnh nền căn bản của đạo Phật. Làm công đức nền căn bản rất thấp.
– Làm công quả may quần áo cho người xuất gia. Khi làm được điều phước lành âm thầm niệm Phật xin Phật gia hộ “con nguyện hồi hướng công đức này, xin Phật gia hộ cho con từ đây cho đến vô lượng kiếp về sau được làm người xuất gia theo Phật tu hành diệt trừ bản ngã “.Lễ Phật đản và lễ Phật Thành đạo trong lòng phải xem đó là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta.
– Cúng dường y bát, đồ dùng cá nhân cho những vị Chân Tu. Suy tư chiêm nghiệm thực hành lời Phật dạy.Góp tiền hoặc góp công sức làm nên Thánh Tượng Phật đẹp. Thường xuyên lạy Phật thật nhiều, tìm hiểu chuyên sâu về Phật và những vị Thánh. Ca ngợi Phật cho Phật nghe cho mọi người nghe.
.
– Huynh Đệ Mến Thương –
NGHI THỨC THẾ PHÁT (Cạo tóc xuất gia) 1 – (TRÍCH TỪ: GIỚI ĐÀN TĂNG – HT. Thích Thiện Hòa)
– Trước niêm hương… xướng lễ 3 lạy.
– Lư hương sạ nhiệt v.v…
– Nam mô Đại Bi Hội thượng Phật Bồ tát…
– Nam mô Thập phương thường trú Tam Bảo…
(Cho người xin xạo tóc ra sau, ngồi xuống hòa Tăng).
Hoà thượng vấn: Tăng họp chưa?
Đáp : Tăng đã họp.
Hỏi : Hòa hợp không?
Đáp : Hòa hợp.
Hỏi : Người chưa thọ giới Cụ Túc ra chưa?
Đáp : Đã ra.
Hỏi : Tăng nay hòa hợp để làm gì?
Đáp : Thế phát Yết ma.
Đại đức Tăng nghe, (A) muốn cầu Tỳ Kheo (Hoà thượng B) thế phát, nếu Tăng phải thời mà đến, Tăng thuận nghe, Tăng nay cho (A) thế phát, bạch như thế, Tác bạch có thành không?
– Chúng đều đáp rằng : “Thành”.
(Bạch rồi, lại gọi (A) đến lễ Tăng 3 lạy quỳ bạch):
Bạch trên Hoà thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng, con pháp danh… trần duyên đã dứt, trước con có xin Hoà thượng xuất gia. Hoà thượng đã hoan hỷ.
Nay đủ duyên lành, xin Hoà thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng tác pháp Yết ma thế phát cho con.
– Hòa thượng bảo: Được, rất tốt, thế phát xuất gia rất là quý báu, công đức rất lớn, xuất gia một ngày, công đức bằng tu tại gia một năm.
(Bảo hồ quỳ chấp tay lóng nghe: Hoà thượng vì khai đạo nói pháp quán đảnh thế phát).
Gã Thiện nam tử, ngươi từ vô lượng kiếp đã sâu trồng căn lành, nên nay được theo Phật xuất gia mà tu hạnh Bồ Đề, song hạnh ấy quyết do nhờ giới mà sanh. Giới đức huân tu, nước Định lóng lặng, Bát Nhã Thánh trí nhân đây mà phát. Do trí đây chiếu phá chủng tử, vô minh sanh tử vị lai từ đây mà dứt. Tôi nay rưới nước cam lồ trên đảnh môn, khiến cho thân tâm thiện nam tử được thanh tịnh, phiền não tiêu trừ, bèn thành pháp khí.
(Hòa thượng cầm cành hoa nhúng trong chén nước thấm trên mái tóc giới tử, rồi xướng kệ):
Thiện tai, Thiện nam tử
Năng liễu thế vô thường
Khí tục thú nê hoàn,
Công đức nan tư nghì.
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ Tát Ma ha tát. (3 lần).
Hòa thượng lại dạy rằng: Thiện nam tử, Tóc trên đầu của ngươi, từ kiếp vô thỉ đến nay do sanh tử phiền não kết tập mà thành, không thể tự dứt trừ, chỉ nhờ Tăng mới có thể trừ được, tôi nay chỉ vì ngươi mà cạo bỏ cho.
Đáp : Nam mô A Di Đà Phật.
Đáp rồi, Hòa thượng lấy dao cạo ba lát trên đảnh.
Xướng kệ:
Hủy hình thủ chí tiết,
Cắt ái từ sở thân,
Xuất gia hoằng Thánh đạo,
Thệ độ nhất thiết nhân.
Nam mô Ly Cấu Địa Bồ Tát Ma ha tát. (3 lần).
Lại đọc kệ:
Thế trừ tu phát
Đương nguyện chúng sanh
Viễn ly phiền não
Cứu cánh tịch diệt.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. (7 lần).
Lại bảo: Thiện nam tử, ngươi nay đã cạo tóc rồi, bởi vì có nhân lành đời trước mà được tướng đầu tròn, dần dần ra khỏi trần lao, vượt khỏi lưới ái, y Phật mà ở, thường cúng dường Tam Bảo, siêng tu tam nghiệp, làm các việc Phước. Thầy bạn có dạy bảo, không được chống trái; đối với Thượng, trung, hạ tọa, tâm thường cung kính, chớ bàn nói việc dở xấu của người; nam, nữ có phân biệt, Tăng, tục có phần, không phải bậc Hiền chớ làm bạn, không phải bậc Thánh chớ tôn. Như thế là đóng ba đường ác, mở muôn cửa lành, dụng tâm như vậy mới thật là đệ tử của Phật.
Hồi hướng:
– Thế phát công đức thù thắng hạnh…
– Tam tự quy y…
_________________________________
Hoặc: NGHI THỨC THẾ PHÁT 2
Nam-mô mười phương Tam bảo tác đại chứng minh.O
Nam-mô Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni.O
Nam-mô Bồ-tát Quán Thế Âm.O
Nam-mô Phật hoàng Trần Nhân Tông.O
I. Nguyện hương
Chúng con…
Đốt nén tâm hương nguyện chí thành,
Nhất tâm cung kính Phật Bồ-tát,
Nguyện cầu Tam bảo thường gia hộ,
Hạnh phúc bình an khắp muôn loài.
Nam-mô Bồ-tát hương cúng dường.(3 lần) OOO
Chúng con ở đạo tràng (nêu tên chùa), cung kính quỳ trước chánh điện, tán dương công đức bậc thầy ba cõi, xưng tụng hồng danh bậc giác ngộ của muôn loài, thành kính làm lễ thế phát xuất gia cho thiện nam-tín nữ (đọc tên tuổi, pháp danh).
Kính nguyện mười phương chư Phật và các vị Bồ-tát thương xót quang lâm chứng minh cho các thiện nam-tín nữ xuất gia hôm nay “tín tâm tăng trưởng, tinh tấn không dừng, dứt sạch não phiền, thoát vòng mê muội, văn tư tu thấm nhuần, giới định huệ viên mãn, thân tâm an lạc, hiện đời trở thành bậc rường cột cho Phật pháp. Nguyện cùng pháp giới chúng sinh đều chứng thành quả Phật.O
Nam-mô hương cúng dường Bồ-tát.OOO (3 lần)
II. Ca ngợi Tam bảo
Phật là đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,
Là thầy ba cõi trời người xưa nay.
Pháp là phương thuốc diệu thay,
Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sinh,
Như vầng trăng sáng lung linh,
Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.
Tăng là những bậc chân tu,
Biết đời huyễn mộng, giả từ ra đi,
Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,
Độ đời thoát khỏi tham… si khổ sầu.OOO
III. Tán dương giáo pháp
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp
Nay con nghe thấy xin trì tụng
Nguyện hiểu chân Kinh nghĩa nhiệm mầu.
IV. Tán Phật
Đại từ đại bi thương chúng sinh.
Đại hỷ đại xả cứu muôn loài.
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.OOO
-Nhất tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời thường trú trong mười phương.O (1 lạy)
-Nhất tâm đảnh lễ: Tất cả chánh pháp ba đời thường trú trong mười phương.O (1 lạy)
-Nhất tâm đảnh lễ: Tất cả Hiền Thánh Tăng ba đời thường trú trong mười phương.OOO (1 lạy)
Nam-mô khai pháp tạng Bồ-tát. OOO
PHẬT THUYẾT KINH CÔNG ĐỨC XUẤT GIA
IV. PHẬT THUYẾT KINH CÔNG ĐỨC XUẤT GIA
Tôi nghe như vầy, một thuở đức Phật tại nước Tỳ Xá Ly, đến giờ ăn cơm Ngài vào thành khất thực. Lúc ấy, trong thành Tỳ Xá Ly có một người thuộc dòng Lê Xa Tử, tên là Bệ La Tiễn Na (Trung Hoa gọi là Dũng Quân) ví như thiên với các Thiên Nữ cùng nhau khoái lạc; khi ấy Vương tử với các thể nữ ở trên lầu gác cùng nhau hưởng thụ khoái lạc, đam mê sắc dục cũng lại như thế.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng nhất thiết trí nghe âm thanh vui vẻ đó, Ngài liền bảo với A Nan rằng: “Ta biết người nầy, tham đắm vào năm thứ dục lạc chẳng bao lâu sẽ mạng chung. Như thế, bảy ngày sau sẽ bỏ quyến thuộc an vui, quyết chắc người đó phải chết. A Nan! Nếu như người nầy không chịu bỏ dục lạc, không chịu xuất gia, thì sau khi mạng chung sẽ là đoạ vào địa ngục”.
Lúc bấy giờ A Nan vâng lời Phật dạy, vì muốn lợi ích cho Vương tử nầy nên đến nhà ông.
Khi ấy, Vương tử nghe A Nan ở bên ngoài, ông liền ra gặp rồi đem lòng cung kính thỉnh A Nan vào toà ngồi. Tôn giả A Nan ngồi chưa được bao lâu, Vương tử khởi tâm cung kính bạch A Nan rằng : “Lành thay! Nay được thân hữu đến, thật là đúng lúc. Con nay thấy Ngài trong lòng hớn hở vui mừng. Xin Ngài tự hoan hỷ đem giáo pháp của Phật nói chỉ dạy, khiến cho con vui mừng”.
Bấy giờ Vương tử ba lần thỉnh như thế. A Nan vì muốn làm lợi ích cho Vương tử nên im lặng không nói. Vương tử lại thưa: “Bệ Đà A Mâu Ni Đại Tiên làm lợi ích cho tất cả chúng sanh có chi hiềm hận? Mà im lặng không nói nên lời, chẳng thấy có chút gì dạy bảo”.
Khi ấy vị thầy thứ ba giữ Pháp tạng của Phật, làm lợi lạc ở thế gian đau xót bảo rằng: “Bây giờ ông hãy nghe cho kỹ, bảy hôm nữa ông sẽ mạng chung. Do ông ở trong năm thứ dục lạc nầy mà chẳng được giác ngộ, nếu chẳng chịu xuất gia thì sau khi mạng chung sẽ đoạ vào trong địa ngục. Phật là bậc nhất thiết trí, lời Ngài nói chơn chánh bảo ông như thế. Ví như lửa đốt vật trọn không có hư dối bốc cháy, ông hãy nên suy nghĩ kỹ!”
Lúc bấy giờ Vương tử nghe lời nầy xong, ông sợ hãi vô cùng, sầu não không vui, bèn lãnh thọ lời A Nan dạy, và bạch rằng : “Con sẽ xuất gia. Nhưng cho con nán lại sáu ngày nữa để hưởng lạc, đến ngày thứ bảy con sẽ từ bỏ gia đình quyến thuộc, quyết định đi xuất gia”. Khi ấy A Nan bằng lòng.
Đến ngày thứ bảy, Bệ La Tiễn Na vì sợ sanh tử nên đến Phật cầu xin xuất gia. Phật liền cho ông xuất gia, trong một ngày một đêm tu trì tịnh giới, sau đó ông liền mạng chung. Khi Tôn giả A Nan cùng với quyến thuộc của Bệ La Tiễn Na thắp nhang xong cùng nhau đến bạch Phật rằng : “Bạch Đức Thế Tôn! Tỳ kheo Bệ La Tiễn Na nầy nay đã mạng chung, không biết thần thức sanh về chốn nào?”
Khi ấy, Thế Tôn là bậc thầy của Trời người, là bậc nhất thiết trí, Ngài dùng Đại Phạm Âm và các thứ âm thanh mầu nhiệm như tiếng sấm lớn, như tiếng Ca Lăng Tần Già, dùng tám loại âm thanh mà bảo A Nan : “Tỳ kheo Bệ La Tiễn Na nầy vì sợ sanh tử địa ngục, nên xả bỏ ngũ dục mà đi xuất gia chỉ trong vòng một ngày đêm, do ông ấy trì tịnh giới thanh tịnh, vì thế khi bỏ thân đời nầy rồi, thì liền sanh lên cõi Trời Tứ Thiên Vương làm Tỳ Sa Môn Thiên Vương ở phương Bắc; thỏa lòng hưởng thụ năm thức dục lạc tham nhận ngũ dục, cùng nhau vui đùa với các thể nữ, sống 500 tuổi, khi hết 500 tuổi liền mạng chung, chuyển sanh vào tầng trời thứ 33 làm vị trời Đế Thích, cùng với thể nữ đẹp đẽ ở cõi trời mà hưởng thụ đắm say ngũ dục tột bậc ở cõi Trời. Thỏa lòng 1000 năm, khi thọ mạng hết thì sanh vào cõi Diệm Thiên, làm vị Diệm Thiên Vương, tự phóng túng hưởng thọ sắc thinh hương vị xúc của cõi trời, trong lòng rất vui thích năm thứ dục. Ở cõi Trời thọ 2000 tuổi xong sau khi mạng chung sanh lên cõi Đâu Xuất Thiên Vương, thỏa lòng thọ năm thứ dục lạc, mắt thấy tướng dục, tâm tự chán đủ, thường nói pháp ngữ giải thoát trí huệ, sống lâu nhất trong các cõi Trời. Khi mãn 4000 tuổi rồi, thì mạng chung sanh lên cõi Tự Tại Thiên, làm vị Thiên Vương hưởng thụ năm thứ dục và các thứ vui mầu nhiệm, ở trong thể nữ thỏa lòng ứng hoá phóng ý 8000 năm, khi mãn 8000 tuổi xong, mạng chung sẽ sanh lên cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên, làm vị Thiên Vương. Đây là tầng trời thứ sáu, dục lạc trong cõi nầy, năm cõi Trời trước không thể bì kịp. Ở đây, hưởng thọ cái vui rất mầu nhiệm ở trong các thứ vui xong, khi thọ dục lạc nầy lòng rất say mê, hưởng thọ đầy đủ các thứ vui mầu nhiệm thù thắng trọn một vạn sáu ngàn năm. Ở trong sáu cõi Trời dục, qua lại bảy lần hưởng thọ các thứ vui như thế. Ông Bệ La Tiễn Na nầy, do vì một ngày một đêm xuất gia mà mãn 20 kiếp không bị đoạ vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thường sanh vào cõi Trời, người tự nhiên được hưởng phước. Trong kiếp sau cùng làm người sanh vào nhà giàu có, vui vẻ, đầy đủ trân bảo, thời kỳ tráng niên đã qua, các căn chín mùi vì sợ hoạn nạnsanh lão bệnh tử nên chán đời đi xuất gia, cạo bỏ râu tóc thân mặc pháp phục, siêng tu tinh tấn, giữ bốn oai nghi, thường hành chánh niệm, quán soi năm uẩn, khổ không vô ngã, vì hiểu rõ pháp nhân duyên mà thành Phật quả Bích Chi, tên gọi là Tỳ Lưu Đế. Ở trong lúc ấy phóng ra ánh sáng lớn, có nhiều trời người sanh ra căn lành, khiến cho các chúng sanh gieo trồng nhơn duyên giải thoát ba thừa”.
Khi ấy, Tôn giả A Nan chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu như có người khuyên người khác xuất gia. Nếu lại có người phá huỷ nhơn duyên xuất gia của người khác, thì mắc tội báo gì? Cúi mong Thế Tôn chỉ bày đầy đủ”.
Phật bảo A Nan: “Nếu như ông mãn một trăm năm mà hỏi ta việc nầy, ta dùng vô tận trí huệ, suốt trong một trăm năm, trừ lúc ăn uống mà rộng nói về công đức của người nầy vẫn không thể nói hết. Như thế người nầy thường sanh trong hàng Trời người, thường làm vị Quốc Vương, được trời người ưa mến. Còn nếu có người ở trong pháp Sa Môn này, bảo người xuất gia giúp đỡ nhơn duyên xuất gia, người ấy ở trong sanh tử thường được vui vẻ, nếu Ta mãn 100 năm mà nói phước đức đó cũng chẳng thể cùng tận. Thế nên, A Nan: Ông mãn 100 năm suốt đời mà hỏi ta, ta nói ra công đức ấy cho đến khi ta nhập Niết Bàn cũng không thể hết”.
Phật bảo A Nan: Nếu lại có người phá hoại nhơn duyên xuất gia của người khác, thì liền bị cướp đoạt vô lượng kho tàng thiện tài phước đức, phá hoại nhân lành 37 pháp trợ Bồ Đề và nhân Niết Bàn. Nếu có người muốn hoại nhân duyên xuất gia của người khác, thì phải khéo quán xét sự việc như thế. Vì sao vậy? Vì nhân duyên tội nghiệp nầy mà đoạ trong địa ngục, thường bị mù loà không có mắt, chịu khổ vô cùng. Nếu được làm súc sanh thì cũng thường đui mù. Nếu sanh vào ngạ quỷ thì cũng thường đui mù, chịu khổ ở trong ba đường ác, lâu lắm mới được khỏi; còn khi được sanh làm thân người, thì ở trong bụng mẹ thọ thai thường bị đui mù. Nếu ông suốt 100 năm luôn hỏi nghĩa ấy, Ta dù ở trong 100 năm, đem vô tận trí huệ, mà nói tội báo đó cũng không thể hết. Người ấy ở trong bốn đường, sanh ra thường bị đui mù, ta trọn không biết người nầy lúc nào mới được giải thoát. Sở dĩ là sao? Là đều do huỷ hoại nhơn duyên xuất gia của người, cho dù có thành tựu vô biên công đức, nhưng vì phá huỷ nhơn duyên lành đó mà chịu vô lượng tội. Do người xuất gia, ở trong tấm gương trí huệ thanh tịnh nầy, mà được giải thoát các thiện pháp. Nếu thấy người xuất gia tu trì tịnh giới, hướng đến chỗ giải thoát, làm khó để phá nhơn duyên xuất gia của họ, do nhơn duyên đó, sanh ra thường bị mù, không thấy Niết Bàn, do vì cố huỷ hoại người xuất gia thường quán si v.v… 12 nhơn duyên, đáng được giải thoát, nhưng do vì phá huỷ con mắt trí huệ, phá huỷ nhơn duyên xuất gia, che lấp huệ nhãn của người khác, nên từ đời nầy sang đời khác, thường mù không mắt, không thấy ba cõi, vì làm nhơn duyên ngăn ngại người xuất gia. Vì xuất gia nên tiến đến chánh đạo, thấy được 5 ấm, 20 ngã kiến. Do phá nhơn duyên xuất gia, và hoại chánh kiến, nên sanh ra thường bị mù, không thấy chánh đạo. Người xuất gia nên thấy tất cả các pháp, nhóm các thiện pháp vào một chỗ, nên quán pháp thân thanh tịnh của Chư Phật, do vì phá nhơn duyên lành của người xuất gia, nên sanh ra thường bị mù mắt, không thể thấy được pháp thân của Phật. Do vì được xuất gia, nên đầy đủ hình mạo của Sa Môn, cho đến phước điền trì giới thanh tịnh, gieo nhơn duyên Phật đạo. Vì phá người xuất gia, nên đoạn hết tất cả thiện pháp, do tội nghiệp nhơn duyên đó, mà sanh ra thường bị mù. Người xuất gia thường hay quán sát tất cả thân tâm đều là khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh. Nếu gây khó dễ để phá huỷ nhơn duyên người xuất gia, thì tức là phá huỷ huệ nhãn nầy. Vì phá huỷ huệ nhãn nầy cho nên cũng không thấy bốn đạo, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo và con đường dẫn đến thành Niết Bàn. Do vì tội duyên đó nên sanh ra thường bị mù, cho đến không thấy: không, vô tướng, vô tác, pháp lành thanh tịnh và hướng của thành Niết Bàn. Thế cho nên người dùng trí huệ, biết người khác muốn xuất gia, nên phải thành tựu thiện pháp cho họ, mà không nên phá hoại nhân duyên thiện pháp để mắc tội như thế. Nếu ai phá hoại nhân duyên người khác xuất gia như thế, thì trọn không thể thấy được thành Niết Bàn, khi sanh ra thường bị mù. Nếu lại có người trong 100 kiếp xuất gia ở phương khác mà tu trì tịnh giới, hoặc có người ở trong cõi Diêm Phù Đề nầy mà xuất gia, dù chỉ một ngày một đêm, cho đến xuất gia thanh tịnh trong chốc lát, người 100 kiếp xuất gia ở phương khác ấy, trong 16 phần không bì kịp một. Nếu có người điên đảo, cùng với chị em gái đẹp, ở chỗ không đáng dâm mà cưỡng hành xan tật, thì tội báo trong đây không thể kể hết. Nếu có một người hay chánh tư duy, có tâm xuất gia, muốn bỏ các điều ác, mà sanh tâm phá hoại nhơn duyên xuất gia của họ, khiến họ chẳng được mãn nguyện thì duyên tội báo đó tăng trưởng gấp 100 kiếp như trước.
Lúc bấy giờ A Nan lại bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, Bệ La Tiễn Na nầy trước đã trồng căn lành gì, mà sanh vào chỗ tôn quý, được hưởng thọ phước vui vì đời quá khứ có thiện hạnh, hay vì nhờ công đức xuất gia một ngày một đêm, mà hôm nay được phước như vậy?”
Phật bảo A Nan: “Ông không nên xem nhơn duyên đời quá khứ vì ở trong một ngày một đêm mà xuất gia thanh tịnh, gieo trồng căn lành nầy mà ở trong sáu tầng trời cõi dục trở lại hưởng phước vui bảy lần, trong 20 kiếp thường được cái vui ở thế gian. Trong kiếp sau, cũng được sanh vào nhà phươc lạc, thời kỳ tráng niên đã qua, khi các căn lành sắp hoại, vì sợ cái khổ sanh tử mà xuất gia trì giới, thành quả Phật Bích Chi.
Phật bảo A Nan: Ta nay nói ví dụ, ông nên lắng nghe cho kỹ! Ví như trong bốn thiên hạ, Đông Phất Bà Đề, Nam Diêm Phù Đề, Tây Cù Da Ni, Bắc Uất Đan Việt, A La Hán đầy khắp trong đó, nhiều bằng số lúa mè, lùm rừng nếu có người sống trong 100 năm, hết lòng cúng dường các vị A La Hán, các thứ như: y phục, đồ ăn uống, thuốc men để trị bệnh gầy, phòng nhà, ngoạ cụ cho đến khi các vị ấy nhập Niết Bàn, hoặc xây dựng tháp miếu, dùng các thứ trân bảo, hoa hương, anh lạc, phan lọng, kỷ nhạc, ca hát, treo các linh báu, rưới nước thơm, dùng các kệ tụng để khen ngợi cúng dường, người ấy được rất nhiều công đức. Nhưng nếu có người vì Niết Bàn mà xuất gia thọ giới, cho đến một ngày một đêm, thì công đức của vị ấy tu tập sánh với công đức trước trong 16 phần không bì kịp một phần. Do nhân duyên nầy mà thiện nam tử nên phải xuất gia tu trì tịnh giới.
Các thiện nam tử: Các vị nên tu công đức đó, cầu thiện pháp đó, tự thọ pháp đó, không nên ngăn cản người khác xuất gia, mà phải nên siêng năng dùng phương tiện để khiến được thành tựu.
Lúc bấy giờ, đại chúng nghe Phật nói điều ấy xong, tất cả đều chán cõi đời mà xuất gia trì giới, có người được quả Tu Đà Hoàn, cho đến quả A La Hán, người có trồng căn lành, được quả Phật Bích Chi, có người phát tâm Bồ Đề vô thượng. Tất cả đều rất vui mừng đảnh lễ Phật và vâng theo.
Phật nói kinh công đức xuất gia.
THÍCH THIỆN PHƯỚC dịch
—————————————————————————
GIÁO DỤC THIỀN GIA – HT. Thích Lệ Trang – Trưởng Ban Nghi Lễ GHPG Việt Nam Tp.HCM chia sẻ
Hoặc tụng bản: Kinh tám điều giác ngộ của bậc đại nhân
Là người đệ tử Phật, ngày đêm nên chí thành, nhớ nghĩ và tư duy, về tám điều giác ngộ, của các bậc đại nhân:
Điều giác ngộ thứ nhất: Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn việc ác, thân là rừng nghiệp tội, nếu quán sát như thế, dần hồi lìa tử sinh.
Điều giác ngộ thứ hai: Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục khởi, nếu ít muốn biết đủ, thân tâm được an lành.
Điều giác ngộ thứ ba: Tâm nếu không thỏa mãn, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác, Bồ-tát hay quán xét, thường muốn ít biết đủ, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy trí tuệ làm đầu.
Điều giác ngộ thứ tư: Lười biếng phải sa đọa, nên thường hành tinh tấn, để phá trừ phiền não, nhiếp phục bốn chúng ma, xa lìa chốn tối tăm.
Điều giác ngộ thứ năm: Ngu si phải sinh tử, Bồ-tát thường nên nhớ, luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí tuệ, nhằm thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho mọi người.
Điều giác ngộ thứ sáu: Nghèo khổ hay oán giận, thường gieo nhiều tội lỗi, Bồ-tát luôn san sẻ, bình đẳng với mọi người, không nhớ đến quá khứ, không ghét bỏ một ai.
Điều giác ngộ thứ bảy: Tham muốn rất tai hại, tuy thân ở thế gian, nhưng không nhiễm dục lạc, thường nhớ nghĩ ba y, bình bát và pháp khí, chí nguyện người tu hành, luôn giữ đạo trong sạch, thực hiện hạnh thanh tịnh, từ bi với muôn loài.
Điều giác ngộ thứ tám: Sinh tử luôn thiêu đốt, khổ não vô cùng tận, nên phát tâm Bồ-đề, tu hành cầu giải thoát, độ hết thảy muôn loài, nguyện thay thế chúng sinh, gánh chịu nhiều đau khổ, khiến cho tất cả loài, đều bình an hạnh phúc.
Tám điều nói trên đây, chư Phật và Bồ-tát, đã tự mình giác ngộ, nhờ tinh tấn hành trì, tu từ bi trí tuệ, nương theo thuyền Bát-nhã, mau đến bờ giải thoát, rồi giáo hóa thế gian, độ tất cả chúng sinh, đem tám điều giác ngộ, chỉ dạy cho mọi người, biết được sinh tử khổ, xa lìa năm dục lạc, tu theo Bát chính đạo. Này bốn chúng đệ tử, tư duy tám điều này, sẽ dễ dàng tỉnh giác, diệt được vô lượng tội, thẳng tiến quả Bồ-đề, mau thành tựu Phật pháp, xa lìa đường sinh tử, thường an nhiên thanh nhàn.
Các giới tử quỳ cung kính, chấp tay trước ngực, hướng về Phật làm lễ sám hối)
V. Sám hối ba nghiệp
Này các thiện nam-tín nữ hãy lắng nghe. Đức Phật dạy rằng cuộc đời chứa đầy đau khổ, từ vật chất đến tinh thần. Muốn thoát khỏi đau khổ không gì quý bằng con đường trở về nương tựa Phật Pháp Tăng, xuất gia với lý tưởng giác ngộ giải thoát, truyền bá lời Phật dạy để cứu độ chúng sinh. Trước khi phát nguyện trở thành người “xuất gia chân chính” tiếp nối công hạnh từ bi, trí tuệ của chư Phật, các con hãy thành tâm sám hối những lỗi lầm đã tạo ra trong quá khứ, cũng như trong hiện tại hết thảy đều được tiêu trừ và xin hứa không bao giờ tái phạm. (các giới tử nói theo)
Con đã gây ra bao lầm lỗi,
Khi nói, khi làm, khi tư duy,
Đam mê, hờn giận và ngu si,
Nay con cúi đầu xin sám hối.
Một lòng con cầu Phật chứng tri.
Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới,
Nguyện sống đêm ngày trong tỉnh giác,
Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa.
Nam-mô cầu sám hối Bồ-tát.OOO(3 lần)
VI. Lạy báo ân
– Giới tử mang ơn cha mẹ sinh thành, cúi đầu kính lễ cha mẹ trong bảy đời.O
– Giới tử mang ơn sư trưởng giáo huấn, cúi đầu kính lễ thầy tổ và Tăng bảo trong mười phương.O
– Giới tử mang ơn các bậc thiện hữu tri thức giúp đỡ, cúi đầu kính lễ các bậc chân nhân trong mười phương.O
– Giới tử mang ơn tổ quốc bảo hộ, cúi đầu kính lễ Tam Bảo trong mười phương.O (Giới tử chấp tay cung kính hướng về Tam Bảo nghe lời khai đạo của thầy Bổn sư)
VII. Thầy bổn sư khai đạo
Giờ này đại chúng đã tập họp để chứng minh và hộ niệm cho các con trong lễ thế phát xuất gia, suốt đời tôn thờ Phật, Pháp, Tăng và sống một cuộc đời thanh bần vui đạo. Là người có duyên với đạo, các con đã thấy rõ được con đường của từ bi và trí tuệ, hướng đến giải thoát của đức Phật là con đường lý tưởng với giá trị đạo đức và tâm linh cao nhất, mà các bậc thầy tổ chúng ta đã tiếp bước đi theo. Hôm nay các con có chí nguyện noi theo con đường sáng suốt đó là phước lành rất lớn.
“Thế phát xuất gia” là cạo bỏ mái tóc, từ bỏ đời sống gia đình, vĩnh viễn xa lìa đời sống tình ái của thế nhân, đi ngược lại dòng đời, nương theo thầy tổ để học hạnh nguyện của người thoát tục, lấy đời sống đạo đức và chánh pháp cao thượng làm người bạn đời, quyết tâm hướng đến con đường giác ngộ và giải thoát cho bản thân và tha nhân. Do đó, xuất gia không phải là sự chán đời, chạy trốn thế gian. Xuất gia không phải lánh nặng tìm nhẹ, ẩn dương nương Phật mượn đạo tạo đời. Xuất gia không phải vì cầu danh vọng, lợi lộc trong chốn thiền môn. Xuất gia chỉ vì con đường giác ngộ mà đức Phật và các bậc thầy tổ đã đi qua là con đường vững chải, an vui, có khả năng chuyển hoá, giúp chúng ta vượt thoát khỏi nhà lửa ba cõi và không còn bị dòng đời cuốn trôi. Các con là người đã từ vô lượng kiếp gieo trồng căn lành, nên nay gặp được duyên tốt, xuất gia học Phật, thực tập hạnh từ bi và trí tuệ. Hạnh nguyện cao cả ấy muốn được thành tựu, trước tiên phải giữ giới pháp trong sạch, sống đời đạo đức, tu tập thiền định, phát triển trí tuệ.
Nhờ vậy các con sẽ lần hồi vĩnh viễn xa lìa vô minh, vẫy chào luyến ái chấp thủ và dứt trừ sinh tử. Trước khi làm lễ thế phát, các con hãy nhiếp tâm lắng nghe thầy tuyên đọc ba điều phát nguyện xuất gia, rồi lập lại thật rõ ràng, như dấu ấn chân chính của các con. Có được như vậy thì lễ xuất gia hôm nay mới thật sự, có nhiều lợi lạc cho các con và tha nhân trong hiện tại và mai sau.
VIII. Ba điều phát nguyện xuất gia
Điều phát nguyện thứ nhất: Ý thức được rằng xuất gia là lý tưởng sống theo hạnh nguyện xuất trần cao cả của các đức Phật và các bậc thầy tổ, con nguyện cắt bỏ hoàn toàn đời sống ái dục, trọn đời sống độc thân nhưng giữ giới hạnh trang nghiêm và thanh tịnh.O (1 lạy)
Điều phát nguyện thứ hai: Ý thức được rằng xuất gia là con đường tu học và hành trì lâu dài, đòi hỏi đến lòng kiên nhẫn và nhiều nguyện lực, con nguyện vượt qua tất cả các thử thách và chướng duyên, không dễ duôi trong các khoái lạc giác quan, không đắm nhiễm thói đời, không chạy theo danh lợi thấp kém, không tham gia chính trị, không phản bội lại lý tưởng của Phật pháp, quyết chí đạt được giác ngộ và giải thoát.O(1 lạy)
Điều phát nguyện thứ ba: Ý thức được rằng xuất gia là tiếp nối lý tưởng và sự nghiệp cứu độ chúng sinh của các đức Phật và các bậc thầy tổ, con nguyện làm lớn mạnh các đức tính từ bi, trí tuệ và không sợ hãi, sống bằng thái độ và hành động vị tha cao cả của các bậc Bồ-tát để hoàn thành chí nguyện xuất trần và nối gót con đường độ sinh của các bậc tiền bối.O (1 lạy)
IX. Làm lễ quán đảnh
Giờ đây, theo truyền thống của các đức Phật, thầy rưới nước thanh lương và công đức lên đầu của các con, giúp cho thân tâm của các con được thanh tịnh, phiền não được tiêu trừ, trở thành những người hiền tài trong Phật pháp về sau. (Thị giả dâng khay đựng dụng cụ cạo tóc, chén nước trong và cành hoa nhỏ. Thầy Bổn sư cầm cành hoa nhúng vào chén nước, rưới lên mái tóc của giới tử, đồng thời đọc bài kệ sau đây với một giọng trầm hùng)
Nước đạo chứa đầy tám công đức
Rửa sạch trần cấu của muôn loài
Đưa vào thế giới mầu Hoa tạng
Chúng sinh siêu thoát không riêng ai.
Nam-mô thanh lương Địa Bồ-tát. OOO (3 lần)
X. Xuống tóc giới tử
(Thầy Bổn sư giải thích ý nghĩa của cạo tóc và để chỏm)
Này các con, tóc trên đầu của các con tượng trưng cho phiền não nghiệp chướng, tích tập từ nhiều đời kiếp. Dưới sự chứng minh của Tam bảo, thầy cạo bỏ mái tóc của các con. Mong các con ghi nhớ sự kiện trọng đại trong ngày hôm nay, chuyên tâm tu hành để trút bỏ gánh nặng phiền não tham sân si đã gieo trong quá khứ và hiện tại.
(Khi xướng bài kệ sau đây, thầy Bổn sư lấy dao cạo ba lát tóc trên đầu của giới tử):
Âm Hán Việt: Thiện tai thiện nam tử!
Năng liễu thế vô thường
Khí tục thủ Nê-hoàn
Công đức nan tư nghì.
Dịch: Lành thay thiện nam tử
Rõ thế cuộc vô thường
Bỏ tục cầu giải thoát
Công đức khó nghĩ bàn.
Dịch nghĩa: Bỏ đời, theo đạo giác ngộ
Dứt ái, xa lìa người thân
Xuất gia hoằng truyền Phật pháp
Nguyện độ khắp cả thế nhân.
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ Tát Ma ha tát. O (3 lần)
Hòa thượng lấy dao cạo ba lát trên đảnh.
Xướng kệ:
Hủy hình thủ chí tiết,
Cắt ái từ sở thân,
Xuất gia hoằng Thánh đạo,
Thệ độ nhất thiết nhân.
Nam mô Ly Cấu Địa Bồ Tát Ma ha tát. (3 lần).
Bỏ đời, theo đạo giác ngộ
Dứt ái, xa lìa người thân
Xuất gia hoằng truyền Phật pháp
Nguyện độ khắp cả thế nhân.
Nam-mô ly cấu Địa Bồ-tát Ma-ha-tát. (3 lần)
(Đại chúng cùng đọc kệ xuống tóc, sau lời xướng của giới sư)
Âm Hán Việt: Thế Phát
Thế trừ tu phát
Đương nguyện chúng sanh
Viễn ly phiền não
Cứu cánh tịch diệt.
Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, Ta bà ha. (7 lần)
Dịch: Cắt Tóc
Cạo bỏ râu tóc
Nên nguyện chúng sanh
Bỏ cả phiền não
Tuyệt đối thanh tịnh.
Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. (7 lần)
Dịch nghĩa: Nay cạo bỏ mái tóc này
Nguyện cho tất cả mọi loài
Đồng dứt sạch hết não phiền
Chứng ngộ Niết-bàn an vui. OOO (3 lần)
XI. Sách tấn giới tử
(Thầy Bổn sư tuyên đọc pháp danh cho giới tử, giải thích ý nghĩa pháp danh và dòng truyền thừa trong đạo)
Trong Kinh đức Phật dạy rằng: “sinh được làm thân người là khó, được gặp Phật Pháp Tăng lại càng khó hơn, được xuất gia với niềm tin chân chính, với lý tưởng giác ngộ và độ sinh lại càng khó hơn nữa.” Hôm nay các con hội đã đủ phước duyên này, chính thức trở thành người xuất gia, đi trên con đường giác ngộ của các đức Phật, các hàng Bồ-tát, và các thầy tổ đạo cao đức trọng.
Các đức Phật, các hàng Bồ-tát và thầy tổ sẽ có mặt trong bước đường tu học và hành đạo của các con. Đại chúng cũng đã đem hết lòng thanh tịnh hộ niệm cho các con trong giờ phút hiện tại cũng như trong tương lai. Nhờ có duyên lành đời trước, nay các con được tướng “đầu tròn áo vuông.” Hãy chuyên cần học Phật pháp với tinh thần thực tập và ứng dụng. Hãy làm cho từng bước chân của mình ngày càng vững chải trên con đường vượt thoát trần lao, vượt qua sông mê biển khổ. Các con thường kính tin Tam Bảo, siêng học Kinh Luật Luận, từ bỏ tất cả các nghiệp xấu ác mà hay làm các việc lành và không sợ gian nan chướng ngại. Phải biết kính trên nhường dưới sống theo tinh thần lục hòa. Thầy bạn có dạy bảo điều hay lẽ phải, không nên chống trái mà phải vui vẻ làm theo. Khi vi phạm lỗi lầm thì phải mạnh dạn sám hối để không tái phạm trong tương lai. Tu hạnh buông xả, không chạy theo danh lợi và đời sống thế tục. Không lạm bàn việc xấu của người khác. Chỉ lo chuyên tâm tu tập, phát triển giới định huệ. Được như vậy là đóng ba đường ác, mở cửa muôn hạnh lành, đang từng bước đi trên con đường giác ngộ. Giờ đây, xin đại chúng nhất tâm niệm hồng danh Phật và Bồ-tát gia hộ cho giới thể của các giới tử được trọn vẹn và bất hoại. Các giới tử chấp tay trang nghiêm đồng niệm.
XII. Niệm Phật gia trì cho giới tử
Nam-mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni. (3 lần) O
Nam-mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát. (3 lần) O
Nam-mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát. (3 lần) O
Nam-mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát. (3 lần) O
Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ-tát. (3 lần) O
Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát. (3 lần) OOO
XIII. Hồi hướng công đức
Xuất gia công đức khôn tính kể
Thắng phước vô biên đồng hướng về
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn.
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời
Nguyện cả tội chướng thảy tiêu trừ
Đời đời thường hành Bồ-tát đạo.
Nguyện đem công đức tu hành này
Chan rải mười phương khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.OOO
XIV. Đảnh lễ ba ngôi báu
Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước Trí Viên Thành,
Cầu tất cả chúng sinh
Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy) O
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác, từ bi,
Cầu tất cả chúng sinh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy) O
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui,
Cầu tất cả chúng sinh
Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy) OOO
XV. Bốn lời thệ nguyện
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.OOO
BBT
Thảo luận về post