NÊN BÁO HIẾU CHA MẸ NHƯ THẾ NÀO?
Trong Lương Hoàng Sám có đoạn: Trong thiên hạ, ân cha mẹ là nặng hơn hết. Thế nên Phật dạy: “Trong thiên hạ, không có ân nào bằng ân cha mẹ”.
Trong thời buổi hiện nay, mỗi gia đình chỉ được phép có một hai con, song đến khi con trưởng thành vì công tác mà phải lìa xa cha mẹ hoặc do phải ra nước ngoài kiếm tiền mà đành cách biệt song thân mấy trùng dương.
Tôi cảm thấy hành vi này là không hiếu. Trừ phi vì việc công, quốc gia bắt buộc phải đi. Còn không thì dù cha mẹ có cho phép bạn đi xa kiếm tiền, nhưng thực sự trong lòng cũng đang ráng nén đau chịu khổ, vì nghĩ đến hạnh phúc của con mà đành hi sinh ( bởi vây nếu người con mưu cầu hạnh phúc thì phải bao gồm hạnh phúc cho cha mẹ và mình), nếu để cha mẹ sống trong buồn khổ, thì cho dù con có hưởng cuộc sống giàu sang phú qúy thì chẳng thể gọi là hạnh phúc.
Người xưa có câu: “Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du” (còn cha mẹ ở nhà chẳng nên đi xa)…
Bởi đời người vô thường, chúng ta không biết lúc nào cha mẹ cần mình chăm sóc, càng chẳng biết lúc nào song thân ly trần, nếu để cha mẹ sống cô đơn buồn khổ thì e rằng đến lúc chúng ta có thể quay về phụng dưỡng thì song thân đã không còn, lúc đó dù ta có khóc nghẹn ngào, khóc đến mù mắt cũng không thể giảm thiếu được sự quở trách của lương tâm và sẽ phải ân hận suốt đời.
Hiếu thuận không phải là chỉ lo cung cấp vật chất tiền bạc, dĩ nhiên ta phải nghĩ đến những nhu cầu cha mẹ cần. Ăn cơm xong thì con dâng trà, thấy tiết trời tốt thì dìu cha mẹ đi dạo, thường chia sẻ những điều thấy biết của mình và thỉnh ý cha mẹ để cho song thân vui vì cảm thấy con đối với mình có sự tôn trọng.
Ta thường dâng những món cha mẹ thích ăn ( nhưng không nên sát sinh, hại vật để cung phụng), ta phải hướng dẫn cha mẹ đến với Phật pháp, quy y Tam Bảo, thực hành pháp, tu giác ngộ, để song thân hưởng phúc lâu dài. Nên tận dụng cơ hội lo cho cha mẹ và luôn nhớ rằng sẽ đến lúc mình không còn dịp để báo hiếu nữa.
Trong Kinh Đại Thừa Bổn Sinh Tâm Địa Quán giảng rất rõ: Nếu có nam, nữ nào bội ân bất hiếu, khiến cha mẹ phát lời thán oán, tức thì tùy theo đó mà con phải đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ… Người thế gian chỉ sợ thiên tai gió bão, nhưng họ không biết sức mạnh của oán niệm phát khởi từ cha mẹ còn mạnh và khủng khiếp hơn nhiều, đến nỗi cả chư Phật, Bồ Tát, chư Tiên cũng không thể cứu hộ.
Trong đạo tràng này, nếu như có người bái sám nào ngay từ nhỏ đã mất cha mất mẹ, sớm bị mồ côi, mình lại chưa đắc thiên nhãn, chẳng biết thần thức cha mẹ hiện đang sinh vào đâu. Thì chỉ cần dốc sức in kinh, phóng sinh, làm việc thiện siêu độ, cầu cho cha mẹ.
In kinh là giúp cho cha mẹ tăng trưởng trí huệ, phóng sinh trợ tăng phúc tiêu nghiệp, bố thí hành thiện giúp thêm phúc báu… Việc làm này nếu viên mãn rồi, giả như cha mẹ còn ở trong tam ác đạo, thì liền có thể được siêu bạt thoát khổ, sinh vào thiện đạo.
Tuy chúng ta chẳng tạo được công đức cỡ vua Lương Võ Đế, nhưng nếu quý vị làm như trên thì song thân quyến thuộc cũng có thể tái sinh vào nhân gian, rồi tuỳ theo phúc điền nhiều it mà được hưởng phúc trong cõi người. Ta phải vì cha mẹ rộng trồng phúc điền, nếu cha mẹ đã sinh vào cõi thiện rồi, thì vẫn có thể giúp cha mẹ tăng thêm phúc báu, an vui trường thọ.
Kinh Địa Tạng giảng: “Vì người quá cố làm phúc, công đức có bảy phần thì người chết hưởng được một”. Phật nói: “ Tất cả duy tâm tạo”, phải biết người tự phát tâm tu có công đức rất lớn.
Người trồng phúc tu huệ, cha mẹ bảy đời đều được thọ ích. Bảy đời: Là kể từ cha mẹ đời này trở về trước, đếm tính đến bảy đời. Nếu trong số này có đời cha mẹ nào bị đọa trong cõi súc sinh thì sẽ được siêu độ, còn nếu đã ở nhân gian hay lên trời thì cũng được tăng thêm phúc báu.
(Trích “Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám 2 – Quả Khanh”)
Hạnh Đoan dịch thuật.
Thảo luận về post