Yêu nhau xa là khổ,
Thế nên chớ vấn vương,
Người dứt niệm ghét thương,
Là thoát vòng trói buộc.
(Kinh pháp cú 211)
Kể từ khi ta thở đến hôm nay, bao con đường ta qua, bao phố phường ta đến, bao con người ta trùng ngộ? bao tấm lòng ta cảm kích, bao nỗi niềm ta vấn vương, để tim mình đau để lòng mình nhớ, dạ mình bâng khuâng???… buồn vui, hỷ, nộ, ái ố cuồng xoay… có lúc cũng thì thầm khẽ khàng…
“Ta muốn hỏi tri âm trời lận đận
Khóm cúc vàng bên giậu nở hoa chưa?”
Và rồi… người ơi ! Ta cứ mãi đợi chờ…
Có bi quan không khi ta nhìn đời bằng cặp mắt sầu khổ? Để lòng đau đáu khát khao hạnh phúc, niềm vui? Hạnh phúc như món quà xa xỉ, thoáng có cũng mong manh, mà niềm đau thì ngút ngàn vô tận?
Thật ra hạnh phúc và khổ đau là đôi bạn song hành, cùng tồn tại công bằng trong nhiều khía cạnh. Song bởi vì trí nhớ của con người thường chọn khổ đau để khắc ghi, lưu trữ và nuôi dưỡng hạt mầm đau khổ… và vì chấp theo ngã ái của chính mình, ta mãi hoài chìm trong nỗi niềm phù du hư ảo, ta sống trong căng thẳng, chọn những đắng cay mà nhớ mà thương, và gây hấn với mình với người. Hạt giống của đau khổ nhờ những tâm trạng này tưới tẩm nên cứ thế mà lớn lên, nhân rộng.
Trong tột cùng đau khổ, nếu người may mắn nghe được giáo pháp của Phật, quán triệt được dòng duyên sinh, duyên khởi và sự ràng buộc của thời gian không gian để lòng mình an nhiên, tịch lặng.
Truyện kể rằng:
Lý Thái Tông hỏi Thiền Lão Thiền Sư:
Hòa thượng ở chùa này được bao lâu?
Thiền Lão đáp:
Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu?
(Sống ngày nay biết ngày nay
Xuân qua thu trước ai hay làm gì?
Hòa thượng Mật Thể dịch)
Vậy mong là gì? Chờ đợi là gì?… tất cả chỉ là phù du hư ảo, mọi thứ ràng buộc cũng chỉ là mộng mị, vô thường.
Thảo luận về post