Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一), 709-788 (mất năm Mậu Thìn), là một Thiền sư Trung Quốc đời nhà Đường.
Là môn đệ và người đắc pháp xuất sắc nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng.
(BÀI 1)
Tổ dạy chúng:
Các người hãy tin rằng tâm mình là Phật. Tâm này là Phật.
Đại sư Đạt Ma từ Nam Thiên Trúc đến Trung Hoa truyền pháp môn thượng thừa Nhất Tâm, khai ngộ cho các người. Sợ rằng các người vì thức tâm vọng niệm điên đảo mà không tin pháp Nhất Tâm vốn có sẵn nơi mình cho nên kinh Lăng Già nói “Phật dạy: Tâm là gốc, không cửa là cửa pháp”.
Thế mới biết cầu pháp thì phải đừng cầu chi cả. Ngoài tâm không còn Phật nào khác nữa, ngoài Phật không còn tâm nào khác nữa. Không thủ xả tốt, xấu, không thiên chấp sạch, dơ, đạt đến cái tính không của tội lỗi, niệm niệm đều bất khả đắc. Vì không có tự tính cho nên ba cõi đều do tâm, sum la vạn tượng cũng chỉ một pháp mà ấn chứng trọn hết vậy.
Phàm thấy sắc là thấy tâm. Tâm vốn chẳng tự nó là tâm, chính nhân sắc mà hiện. Các ông chỉ việc tùy thời mà ăn nói thì chính đó là lý, là sự, tuyệt chẳng có chi ngăn ngại. Đạo quả Bồ-Đề cũng chỉ như vậy mà thôi.
Cái sinh nơi tâm gọi là sắc. Tính của sắc vốn là không, nên sinh mà không sinh vậy. Nếu hiểu được lẽ đó thì có thể tùy thời mặc áo, ăn cơm, nuôi dưỡng thánh thai qua ngày qua buổi, chỉ thế là xong. Hãy thọ trì giáo pháp của ta. Nghe kệ ta đây:
Tâm địa tùy thời nói
Bồ-Đề chỉ vậy yên
Sự, lý đều vô ngại
Đang sinh chính chẳng sinh.
Có ông tăng hỏi:
– Tu đạo là gì?
Sư đáp:
– Đạo chẳng do tu hay không tu. Nếu nói tu mà đắc, tu mà thành thì cũng đồng với hàng Thanh Văn. Còn nếu nói không tu thì có khác gì phàm phu?
Lại hỏi:
– Phải hiểu như thế nào mới đạt được đạo?
Sư nói:
– Tự tính vốn đầy đủ. Chỉ cần không bị thiện, ác ràng buộc thì gọi là tu đạo. Lấy thiện bỏ ác, quán không nhập định đều là tạo tác. Còn nếu đeo đuổi mong cầu ở ngoại cảnh thì càng rời xa lẽ đạo. Chỉ cần suốt cái tâm lượng của ba cõi chứ hễ có một niệm vọng tâm thì đấy là căn cội sinh tử của ba cõi vậy. Chỉ cần dứt bặt mọi vọng niệm thì trừ được căn cội sinh tử, tức là được quả báo Vô Thượng Pháp Vương. Từ vô lượng kiếp đến nay, những vọng tưởng của phàm nhân như siểm nịnh, tà ngụy, ngạo mạn, tự cao v v…hợp thành một thể. Kinh dạy “Vì lẽ các pháp hợp thành thân này, cho nên khi khởi chỉ là pháp khởi, khi diệt chỉ là pháp diệt”. Khi pháp ấy khởi đừng cho rằng mình khởi. Khi pháp ấy diệt đừng cho rằng mình diệt. niệm trước, niệm sau, niệm giữa mọi niệm đừng để cho ràng buộc nhau. Khi mọi niệm đều tịch diệt thì gọi là Hải Ân Tam Muội.
Tam muội này thâu nhiếp hết thảy các pháp. Như trăm ngàn dòng sông khác nhau cùng chảy về biển thì đều gọi là nước biển. Và bấy giờ nếm một vị mà biết hết mọi vị. An trụ vào biển lớn tức hợp hết mọi dòng, như tắm trong biển lớn tức là dùng hết thảy mọi thứ nước.
Cho nên Thanh Văn tuy ngộ mà thật là mê, phàm phu tuy mê mà có thể ngộ. Thanh văn không biết rằng thánh tâm vốn không dính dáng gì đến những vọng tưởng đo lường về địa vị, nhân quả, giai cấp. Họ chỉ lo tu nhân, chứng quả an trụ vào cái không định. Trải qua ngàn vạn kiếp như vậy, tuy gọi là đã ngộ, nhưng ngộ rồi chính đó lại là mê. Hàng Bồ-Tát quán sát thực tại, thấy rằng địa ngục là khổ, nhưng đắm chìm vào không tịch thì cũng không thấy được Phật tính. Nếu là hàng chúng sinh thượng căn, gặp được bậc Thiện Tri Thức chỉ bảo cho mà lãnh hội được liền thì chẳng cần phải trải qua giai cấp, địa vị, cũng có thể ngộ ngay được bản tâm mình, cho nên kinh dạy “Phàm phu có tâm quay về mà Thanh Văn thì không có”.
Đối với mê thì nói là có ngộ. Nay vốn đã không mê thì làm chi có chuyện ngộ? Hết thảy chúng sinh từ vô lượng kiếp chưa hề rời khỏi tam muộI pháp tính. Ở trong tam muội mà mặc áo, ăn cơm, nói năng, đối đáp. Sáu căn vận dụng, hết thẩy mọi hành động đều là pháp tính.
Không biết quay về nguồn, cứ đeo danh, đuổi tướng thì mê tình vọng khởi gây nên mọi thứ khổ nghiệp. Chỉ cần một niệm phản chiếu lại toàn thể bản tâm là xong. Các người ai nấy cứ lo chứng đạt được bản tâm của chính mình, khỏi phải ghi nhớ lời ta.
Dù có nói ra hằng hà sa số lý lẽ, tâm ấy cũng không thêm. Dù không nói được chi cả tâm ấy cũng không giảm. Nói ra được cũng là cái tâm của các người, nói không được cũng là cái tâm của các người. Cho nên trăm ngàn thứ thần thông quảng đại, phân thân, phóng hào quang, mười tám phép biến gì gì cũng không bằng giải quyết cho xong cái đống tro tàn của bản thân trước đã. Không thấm qua được đống tro tàn ấy là nói về sự tu nhân chứng quả sai lầm của hàng thanh văn. Còn thấm qua được đống tro tàn ấy là nói về cái đạo nghiệp thuần thục, tự tại của hàng Bồ-Tát.
Nếu nói ba tạng quyền giáo của Như-Lai thì suốt hằng hà sa kiếp cũng không hết. lại càng như chồng chất thêm khóa móc ràng buộc không bao giờ đoạn tuyệt được. Còn như nếu ngộ được thánh tâm thì không còn chuyện gì phải lo nữa.
Các người đứng đã lâu, xin trân trọng.
BÀI GIẢNG 2
Mã Tổ sư dạy chúng:
Đạo khỏi phải tu, chỉ cần đừng ô nhiễm. Sao gọi là ô nhiễm? Mọi tâm niệm sinh tử, xu hướng tạo tác đều là ô nhiễm. Nếu muốn hiểu ngay đạo ấy là cái gì, thì cứ cái tâm bình thường là đạo. Thế nào là tâm bình thường? Là tâm không tạo tác, không buông bắt, không đoạn diệt, không thường hằng,không phàm không thánh vậy. Kinh dạy “Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh thánh hiền, đó là hạnh Bồ-Tát ”. Cứ những cái đi, đứng, nằm, ngồi, ứng cơ tiếp vật ngay đây đều là đạo cả.
Đạo tức là pháp giới. cho đến hằng sa diệu dụng cũng không ngoài pháp giới. Nếu chẳng phải vậy sao gọi là pháp môn tâm địa? sao gọi là ngọn đèn vô tận?
Hết thảy các pháp đều là pháp của tâm. Hết thẩy mọi danh đều là danh của tâm. Vạn pháp đều do tâm mà sinh. Tâm là căn cội của vạn pháp. Kinh dạy “Cái tâm đạt đến nguồn gốc nên gọi là Sa môn”. (Dịch từ chữ Sramanah có nghĩa là dứt bặt tâm niệm, là tĩnh lặng ý chí, là đơn giản, là tạo tác v v… là người xuất gia)
Danh và nghĩa bình đẳng. Hết thẩy mọi pháp đều bình đẳng, thuần nhất, không hỗn tạp. Trong giáo môn mà được tùy thời tự tại thì nếu lập pháp giới, thẩy đều là pháp giới. Nếu lập chân như, thẩy đều là chân như. Nếu lập lý thì tất cả đều là lý. Nếu lập sư, tất cả đều là sự. Nêu một mà nghìn theo. Lý sự không khác, thảy đều là diệu dụng Không còn lẽ nào khác nữa. Tất cả đều là sự vận dụng của tâm.
Ví như bóng trăng, càng có được bao nhiêu trăng thật thì càng không có bấy nhiêu dòng nước. Càng có bao nhiêu tính nước thì càng không có bấy nhiêu sum la vạn tượng. Càng có bao nhiêu hư không thì càng không có bấy nhiêu ngôn thuyết đạo lý, càng có được bao nhiêu trí tuệ vô ngại thì càng không có bấy nhiêu các thứ được thành lập.
Tất cả đều do một tâm mà ra vậy. Tạo dựng lên cũng được, quét sạch đi cũng được. Tất cả đều là Sa môn, đều là mình cả. chẳng rời cái chân thực mà có chỗ tạo lập. Chỗ tạo lập chính là cái chân thực, đều là chính mình cả, nếu không thì là ai?
Hết thẩy mọi pháp đều là Phật pháp. Các pháp tức là giải thoát.Giải thoát tức là chân như. Các pháp không ngoài chân như. Đi, Đứng, nằm, ngồi đều là cái dụng bất tư nghị, không đợi thời tiết. Kinh dạy: “Nơi nơi, chốn chốn đều có Phật”. Phật là bậc năng nhân trí tuệ viên mãn, thông suốt mọi cơ tính, phá tan mọi lưới nghi hoặc của chúng sinh, thoát khỏi mọi trói buộc hữu, vô. Phàm lẫn thánh đều dứt sạch, nhân, pháp đều không. Chuyển pháp luân vô đẳng vượt ngoài số lượng, hành động vô ngại, sự, lý đều thông. Như trời nổi mây, chợt có rồi không đâu còn dấu vết, chẳng khác gì vẽ hình trên nước.
Không sinh diệt là đại tịch diệt. Còn trong cảnh ràng buộc thì gọi là Như Lai tạng, đã ra ngoài cảnh ràng buộc thì gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân.Pháp thân vô cùng, thể không tăng giảm, lớn được, nhỏ được, vuông được, tròn được ứng vật hiện hình như trăng trong nước, vận dụng thao thao. Không lập gốc gác, không cùng hữu vi, không trụ vô vi. Hữu vi là đồ dùng hàng ngày của vô vi. Không an trụ nơi nương tựa nên nói như hư không không nơi nương tựa.
Nghĩa sinh diệt và nghĩa chân như của tâm là như thế này:
Tâm chân như ví như gương sáng chiếu ảnh. Gương ví như tâm, ảnh ví như pháp. Chấp trước vào pháp thì dính mắc vào nhân duyên bên ngoài, đó là nghĩa sinh diệt. Không chấp trước vào các pháp, đó là nghĩa chân như.
Hàng thanh văn chỉ nghe thấy Phật tính. Hàng Bồ-Tát thì nhìn thấy Phật tính, đạt đến cái không hai, gọi là tính bình đẳng.
Tính tuy chẳng khác, dụng lại không đồng. Khi mê gọi đó là thức, khi ngộ gọi đó là trí. Thuận lý là ngộ, theo sự là mê. Mê chỉ là mê cái bổn tâm của tự mình và ngộ chính là ngộ cái bổn tính của tự mình mà thôi. Ngộ một lần là mãi mãi chẳng còn mê. Như khi mặt trời mọc lên thì không cùng lẫn vớI bóng tối nữa. Mặt trời trí tuệ mọc lên thì không cùng lẫn với bóng tối phiền não vậy.
Hiểu rõ tâm cùng cảnh thì vọng tưởng tức không sinh. Vọng tưởng không sinh tức là pháp nhẫn vô sinh.
Lẽ đó vốn sẵn vậy, không vì tu đạo, ngồi thiền mà có. Không tu, không ngồi, đó là thiền thanh tịnh của Như-Lai. Nay đã thấy rõ lẽ ấy, chỉ cần chân chính không tạo nghiệp, tùy phận qua ngày, một y một nạp, đứng ngồi theo đó mà xông ướp giới hạnh, chứa góp Tịnh-Nghiệp. Được như vậy lo gì chẳng thông?
Các người đứng đã lâu, xin trân trọng.
GIAI THOẠI 1
Một hôm Tây Đường, Bách Trượng, Nam Tuyền cùng hầu sư (Mã Tổ) thưởng trăng. Sư nói
– Bây giờ sao đây?
Tây Đường nói
– Chính là lúc nên cúng dàng
Bách Trượng nói
– Chính là lúc nên tu hành.
Nam Tuyền phất tay áo mà đi.
Sư nói
– Kinh vào Tạng (Tây Đường), Thiền về Hải (Bách Trượng) duy có Phổ nguyện (Nam Tuyền) là siêu nhiên ngoài sự vật.
GIAI THOẠI 2
Một hôm Nam Tuyền dọn cháo cho chúng, sư (Mã Tổ) hỏi
– Trong thùng có chi?
Nam Tuyền nói
– Lão già này ngậm miệng lại, ăn nói như vậy à?
Sư bèn thôi.
BÌNH BÌNH
Nói trong thùng có cháo không được à?
Không, Tổ không hỏi cháo.
Nhưng nói tầm bậy thì ăn gậy ngay
BởI vậy Nam Tuyền mới nạt lại. ý là
“Ông nói được không mà hỏi tôi?”
GIAI THOẠI 3
Bách Trượng hỏi
– Ý chỉ của Phật là gì?
Mã Tổ đáp
– Chính là nơi ông đặt thân mạng.
BÌNH BÌNH
Đâu là nơi chúng ta đặt thân mạng?
Nghĩa là không có cái đó, chúng ta không sống được. Sống ở đây không có nghĩa là sống, chết mà sống ở đây có nghĩa là nhận biết, là cảm nhận, là hiểu biết v v…
Vậy cái gì làm cho chúng ta sống? tức là làm cho chúng ta có thể nhận biết, có thể thấy, nghe, cảm giác v v…?
GIAI THOẠI 4
Đại Châu (Thiền sư Huệ HảI) đến tham học, sư hỏi
– Từ đâu tới?
Đáp:
– Chùa Đại Vân ở Việt Châu.
Sư hỏi:
– Đến làm gì?
Đáp
– Đến cầu Phật pháp.
Sư nói
– của báu của chính mình không ngó tới, bỏ nhà chạy rông làm gì? Ta ở đây một vật cũng chẳng có, ông cầu Phật pháp chi?
Đại Châu bèn cúi lạy mà hỏi
– Cái gì mà bảo là của báu của chính Huệ Hải tôi?
Sư đáp
– Cái đang hỏi ta chính là của báu của ông đó. Nó đầy đủ tất cả, không còn thiếu gì. Cứ tự tại mà sử dụng, cần chi tìm cầu bên ngoài nữa?
Đại châu nghe xong liền thấy được bổn tâm, hớn hở lạy tạ Bèn ở lại hầu thầy sáu năm. Sau về tự soạn bộ “Đốn ngộ nhập đạo yếu môn” một quyển. Sư đọc xong bảo chúng
– Đất Việt Châu có một viên ngọc lớn, tròn sáng, trong suốt ngời ngời không chút tỳ vết.
BÌNH BÌNH
Tắc này chỉ tâm rất rõ. Nhưng vì không thể gọi tên ra, hay giơ tay ra chỉ được, cho nên Tổ phải dùng phương tiện để ám chỉ mà thôi. Ai có cơ duyên tưc thầm khế hội. Nó ở đoạn
– Cái gì mà bảo là của báu của chính Huệ Hải tôi?
– Cái đang hỏi ta chính là của báu của ông đó.
GIAI THOẠI 5
Thiền sư Lặc Đàm Pháp Hội hỏi
– Ý tổ sư sang đông là gì?
Sư (Mã Tổ) bảo:
– Nói khe khẽ, lại gần đây.
Pháp Hội bèn đến gần. Sư tát cho một cái mà nói
– Sáu tai không cùng mưu. Hôm khác hãy đến đây.
Hôm khác Pháp Hội đến lại còn vào pháp đường hỏi
– Xin hòa thượng cho nghe.
Sư nói
– Lát nữa chờ lão già này thượng đường hãy ra, lão chứng minh cho.
Pháp Hội liền ngộ nói
– Cảm tạ đại chúng chứng minh.
Bèn nhiễu quanh pháp đường một vòng rồi đi.
BÌNH BÌNH
Hãy nói Mã Tổ có chỉ bảo cho Pháp Hội hay không? Tại sao nói sáu tai không cùng mưu (sáu căn không hòa hợp). Đại chúng chứng minh cho Pháp Hội lúc nào?
GIAI THOẠI 6
Thiền sư Lặc Đàm Duy Kiến một hôm ngồi thiền ở sau pháp đường. Sư (Mã Tổ) trông thấy bèn ghé vào tai Duy Kiến thổi hai cái. Duy Kiến xuất định. Thấy té ra là sư, liên nhập định lại.
Sư về phương trượng, sai thị giả mang cho Duy Kiến một tách trà. Duy Kiên không nhìn đến bỏ về pháp đường.
BÌNH BÌNH
Hừ, người ta đang tu hành mà đến chọc phá. Nhưng gặp phải bậc chân tu nên dễ dàng bỏ qua.
Nhưng Tổ vẫn còn chưa tha, sai thị giả đem một tách trà đến thưởng. Tỏ ý khen, Nhưng Tổ lại lầm lần nữa. Bậc chân tu ai chê bai, hay quậy phá chẳng bận tâm, mà khen ngợi, xưng tụng cũng chẳng màng.
GIAI THOẠI 7
Thiền sư Thạch Củng Huệ Tạng, trước đây vốn làm nghề săn bắn, rất ghét thấy thầy tu. Một hôm nhân đuổi bầy nai chạy qua trước am, gặp sư (Mã Tổ) bèn hỏi
– Hòa thượng có thấy nai chạy qua không?
Sư hỏi lại
– Ngươi là ai
– Thợ săn.
Sư hỏi
– Biết bắn không?
– Biết.
– Bắn một mũi tên được mấy con?
– Một con
Sư nói
– Vậy là không biết bắn.
– Hòa thượng biết bắn không?
– Biết.
– Hòa thượng bắn một mũi được mấy con?
– Cả bầy.
Thạch Củng nói
– Đó đều là sinh mạng cả, việc gì phải giết hết cả bầy?
Sư nói
– Ngươi biết như vậy sao không tự bắn mình?
– Nếu bảo tôi tự bắn, tôi làm sao bắn được?
Sư nói
– Ôi gã này vô minh, phiền não từ bao đời nay bông nhiên dứt sạch.
Huệ Tạng liền bỏ cung tên, tự lấy dao xuống tóc qui y với sư.
Một bữa Huệ Tạng đang làm việc trong bếp, sư hỏi
– Làm gì đó?
– Chăn trâu.
– Chăn làm sao?
– Hễ chạy bậy thì nắm mũi kéo lại.
Sư nói
– Thiệt quả là tay chăn trâu.
BÌNH BÌNH
Tự bắn mình? làm sao bắn được? Oh, té ra từ xưa tới nay chúng ta chi chạy theo ngoại cảnh, chỉ lo đối phó với bên ngoài, nào là cơm, áo, gạo, tiền, chức vụ, tình cảm v v…. nào là ông, bà, cha mẹ, vợ con, bạn bè, người quen v v …
Hình như chưa bao giờ ta để ý để đối phó với chính mình cả. chưa bao giờ ta tự tìm hiểu về chính mình cả.
Bây giờ mới nhận ra điều ấy. Chính vì thế mà tổ nói
“Ôi gã này vô minh, phiền não từ bao đời nay bỗng nhiên dứt sạch”.
GIAI THOẠI 8
Có một ông tăng hỏi sư (Mã Tổ)
– Xin hòa thượng chớ dùng “tứ cú, bách phi” chỉ thẳng ý Tổ sư sang đông cho tôi rõ.
Sư nói
– Hôm nay ta mệt, ra hỏi thầy Trí Tạng đi.
Ông tăng bèn ra hỏi thầy Trí Tạng (Tây Đường). Trí Tạng nói
– Sao ông không hỏi hòa thượng?
Ông tăng đáp
– Hòa thượng dạy tôi đến hỏi thượng tọa.
Trí Tạng vò đầu nói
– Hôm nay ta đau đầu, đến hỏi sư huynh Hoài Hải (Bách Trượng) đi.
Ông tăng đến hỏi Hoài Hải, Hoài Hải nói
– Ô chuyện ấy thì ta lại không biết.
Ông tăng thuật lại cùng sư, Sư nói
– Đầu thầy Tạng trắng, đầu thầy Hải đen.
BÌNH BÌNH
Trong cái thế giới của những người chưa ngộ thì trắng ra trắng, đen ra đen, thị ra thị, phi ra phi. Thế nào cũng có một hơn, một kém.
Nhưng trong thế giới của các tổ thì trắng cũng như đen, chẳng có ai hơn, ai kém.
GIAI THOẠI 9
Thiền sư Ma Cốc Bảo Triệt một hôm theo hầu sư (Mã Tổ) dọc bờ sông. Bảo Triệt hỏi
– Đại Niết Bàn là gì?
Sư nói
– Mau
Bảo Triệt hỏi
– Mau gì?
Sư đáp
– Xem nước.
BÌNH BÌNH
Đạt đạo nhân thường tại Na Già đại định. Tâm ở Niết Bàn mà thường hóa độ chúng sinh. Cho nên dầu cho sư đang đi dọc theo con sông mà vẫn an nhàn tự tại như đang ở Niết Bàn.Do đó, bỗng chợt Ma Cốc hỏi đến Niết Bàn thì sư bảo: mau xem nước kìa. Vì sư đang ở Niết Bàn vậy.
GIAI THOẠI 10
Thiền sư ĐạI Mai Pháp Thường đến tham học với sư hỏi
– Phật là gì?
Sư đáp
– Tức tâm tức Phật.
Pháp Thường liền đại ngộ.
Sau pháp Thường về ở núi ĐạI Mai. Sư nghe chuyện liền sai một ông tăng đến hỏi
– Hòa Thượng tham kiến ngài Mã Tổ được cái chi mà về ở núi này?
Pháp Thường đáp
– Ngài Mã Tổ dạy ta “Tức Tâm tức Phật”, ta bèn về ở đây.
Ông tăng nói
– Gần đây Phật pháp của ngài Mã Tổ lại khác rồi.
Pháp Thường hỏi
– Khác thế nào?
Đáp
– Gần đây lại dậy “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật”.
Pháp Thường nói
– Lão già này làm người ta mê loạn, chẳng biết đến bao giờ mới thôi. Mặc các người “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật”, ta cứ “Tức Tâm, tức Phật“.
Ông tăng trở về thuật lại cùng sư. Sư nói
– Mơ đã chín.
BÌNH BÌNH
Sao ngài Mã Tổ biết: mơ đã chín? Giữa 2 câu” Tức tâm, tức Phật” và “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật” có gì tương ưng?
GIAI THOẠI 11
Thiền sư Phần Châu Vô Nghiệp đến tham học. Sư thấy tướng mạo khôi vĩ, tiếng nói như chuông, bảo
– Phật điên nguy nga mà bên trong không có Phật.
Vô Nghiệp quì lạy hỏi
– Giáo điển của tam thừa, tôi cũng đã tạm hiểu qua ý chỉ. Song thường nghe câu “Tức tâm tức Phật” của Thiền môn thì tôi thực chưa hiểu được
Sư nói
– Chính cái tâm chưa hiểu ấy là Phật đấy, chứ chẳng phải cái gì khác.
Vô Nghiệp lại hỏi
– Thế nào là tâm ấn do Tổ Sư sang đông mật truyền?
Sư nói
– Đại đức lộn xộn quá, lúc khác hãy đến.
Vô Nghiệp vừa mới đi ra, sư liền gọi
– Đại đức!
Vô Nghiệp quay đầu lại, sư hỏi
– Đó là cái gì?
Vô Nghiệp lĩnh ngộ sụp lạy, sư nói
– Gã ngu này, chi mà lạy.
BÌNH BÌNH
Có hai chỗ Mã Tổ chỉ tâm cho Vô Nghiệp.
Một là lúc trả lời “Chính cái tâm chưa hiểu ấy là Phật đấy”.
Hai là lúc tổ hỏi “Đó là cái gì?”
GIAI THOẠI 12
Ngài Đặng Ẩn Phong đến cáo biệt. Sư hỏi
– Đi đâu?
Ẩn Phong đáp
– Đến Thạch Đầu.
Sư bảo
– Đường đi Thạch Đầu trơn trợt lắm đấy.
– Có gậy tùy thân, gặp đâu vui đó.
Nói rồi bèn đi. Ẩn Phong đến Thạch Đầu, nhiễu quanh thiền sàng một vòng, rung thiền trượng một cái rồi hỏi:
– Tông chỉ gì đây?
Thạch Đầu kêu
– Trời ơi, trời ơi.
Ẩn Phong không biết nói sao. Về thuật lại cùng sư. Sư bảo
– Ông cứ trở lại, hễ nghe ông ấy kêu trời! Trời thì hư! hư! Hai tiếng.
Ẩn Phong lại đi dến chỗ Thạch Đầu, lặp lại câu hỏi như trước. Thạch Đầu bèn hư! Hư! Hai tiềng. Phong lại không nói gì được, đành về thuật lại cùng sư. Sư nói
– Ta đã bảo ông đường đi Thạch Đầu trơn trợt lắm mà!
BÌNH BÌNH
Đây là cuộc đối đầu giữa hai vị Tổ thiền. Dĩ nhiên là họ có cùng một kiến giải, Thiền sư Đặng Ẩn phong mặc dầu là người đã giác ngộ, chẳng thế mà trước khi đi ngài còn đáp rất tự tin “Có gậy tùy thân, gặp đâu vui đó”, cũng chỉ là người đưa tin, giữ vai trò chuyển đi các thông điệp của các tổ, mà chẳng hiểu chứa đựng gì trong đó. Các thông điệp mang một ý nghĩa cao tột trời xanh.
– Trời ơi, trời ơi
Vô ngôn vô ngữ.
GIAI THOẠI 13
Ngài Đặng Ẩn Phong một hôm đẩy xe đất. Sư (Mã Tổ) ngồi duỗI chân ngay giữa lối đi. Ẩn Phong nói
– Xin Hòa thượng rút chân lại
Sư nói
– Đã duỗi ra thì không rút lại.
Ẩn Phong nói
– Đã tiến thì không lùi
Bèn đẩy xe cán qua mà đi. Sư bị thương ở chân. Lát sau về pháp đường, sư cầm búa bảo
– Đứa nào mới cán đau chân ta hãy ra đây!
Ẩn Phong bước ra ngửa cổ trước mặt sư. Sư bèn cất búa.
BÌNH BÌNH
Trong giai thoại này, tổ không khảo sát trình độ thấu hiểu về Thiền. Mà khảo sát về cái dũng khí của học viên vậy. Khi đã hiểu thiền, đã ngộ thiền, có dám đem cả thân mệnh ra mà đi tớI cùng không?
Có dám chết để bảo vệ ý kiến của mình không?
Bởi vậy mới nói:
Người sắt mới mong học đạo mầu
Dắt tay phân biện rõ tâm đầu
Thẳng về đường giác cao vô thượng
Phải trái can gì chuyện trước sau.
GIAI THOẠI 14
Hòa thượng Thạch Cửu đến tham học, sư hỏi
– Từ đâu tới?
Thạch Cửu nói
– Ô Cửu.
Sư hỏi
– Ô Cửu lâu nay có câu chi?
Đáp
– Bao nhiêu người chẳng hiểu ra sao cả!
Sư nói
– Câu chẳng hiểu cứ tạm để đó. Còn câu lặng lẽ hiểu sao đây?
Thạch Cửu bèn bước tớI ba bước. Sư nói
– Ta có bảy hèo muốn gởi Ô Cửu, ông có chịu mang về không?
Thạch Cửu nói
– Hòa thượng cứ chịu đòn trước đi, tôi chịu sau.
Nói xong bèn về Ô Cửu.
BÌNH BÌNH
Câu gì mà bao nhiêu người chẳng hiểu? Vậy Ô Cửu có hiểu không?
– Xin thưa rằng không vậy. Vì nếu hiểu đã chẳng thể làm tổ một phương.
GIAI THOẠI 15
Lượng tòa chủ đến tham kiến, sư (Mã Tổ) hỏi
– Nghe nói tòa chủ giảng kinh luận ghê lắm phải không?
– Không dám.
– Lấy gì mà giảng?
– Lấy tâm mà giảng.
Sư nói
– Tâm như người ca hát, ý như kẻ họa đàn, làm sao hiểu được kinh?
Tòa chủ lớn tiếng
– Tâm mà không giảng được thì hư không giảng được chắc?
Sư nói
– Thế mà hư không giảng được đấy.
Lượng tòa chủ không chịu, bỏ ra., Khi Lượng sắp bước xuống thềm, sư gọi
– Tòa chủ!
Lượng quay đầu. Bỗng đại ngộ, liền sụp lạy. Sư nói
– Cái ông thầy chùa đần độn này, lạy mà chi.
Lượng về chùa nói với thính chúng:
– Ta xưa nay giảng kinh luận chẳng ai bì. Hôm nay bị Mã đại sư hỏi cho một câu, hết thảy công phu bình sinh như ngói bể, băng tan.
Bèn đi thẳng vào núi Tây Sơn. Chẳng ai rõ về sau thế nào.
BÌNH BÌNH
Tòa chủ Lượng xưa nay cứ nghĩ rằng mình giảng kinh do tâm ý hiểu biết mà ra nhưng không biết rằng tâm, ý lại từ một cái nói không được mà ra. Cái này không biết tên nó là gì, không biết nó ở chỗ nào, mà không chỗ nào mà không do nó tạo nên, nên Tổ tạm gọi nó là hư không.
Khi tổ gọi: “Tòa chủ “. Lượng quay lại, cái đó rõ ràng chẳng do hiểu, chẳng do ý gì cả. Vậy thì đó là cái gì?
Lượng tòa chủ chợt nhận ra ý chỉ, than rằng “bao nhiêu công phu từ trước tới nay chẳng liên quan gì ”.
GIAI THOẠI 16
Hòa thượng Hồng Châu Thủy Lão đến tham học, hỏi
– Ý của Tổ sư sang đông là gì?
Sư nói
– Vái lạy đi.
Thủy Lão vừa vái lạy. sư liền đạp cho một đạp, Thủy Lão té lăn cù, Đại Ngộ, đứng dậy vỗ tay cười lớn nói
– Lạ thật! lạ thật! trăm nghìn tam muội, vô lượng diệu nghĩa, chỉ ở đầu một sợi lông mà hiểu rõ căn nguyên.
Bèn vái lạy mà lui.
Về sau Thủy Lão thường bảo chúng
– Ta, từ buổi bị Mã Đại sư cho một đạp, đến nay cười mãi vẫn không thôi.
BÌNH BÌNH
Thử hỏi trong cái đạp của Mã Tổ, Thủy Lão nhận được điều gì?
Điều gì phải thân thuộc lắm, Thủy Lão mới nói “Trăm nghin tam muộI, vô lượng diệu nghĩa, chỉ trên đầu một sợi lông mà hiểu rõ căn nguyên”.
GIAI THOẠI 17
Bàng cư sĩ hỏi sư (Mã Tổ)
– Ai là kẻ không làm bạn cùng vạn pháp?
Sư đáp
– Đợi đến khi ông uống một hớp hết trọn nước sông Tây Giang, ta sẽ nói cho nghe.
Cư sĩ lại hỏi
– Đừng lầm kẻ bổn lai, xin ngài hãy ngẩng nhìn cho kỹ.
Sư ngó thẳng xuống, cư sĩ nói
– Cũng một cây đàn không dây đó mà ngài đàn hay tuyệt.
Sư nhìn thẳng lên. Bàng vái lạy. Sư về phương trượng, Bàng theo vào nói
– Vừa rồi làm khéo hóa dở.
Lại hỏi
– Như nước không gân cốt mà thắng được thuyền vạn hộc. Lẽ ấy là sao?
Sư nói
– Nơi đây không nước cũng không thuyền, nói gân cốt gì?
BÌNH BÌNH
Khi hai tổ sư thiền đối đáp thì người ngoài nghe sấm.
Nhưng theo một tài liệu khác khi Tổ nói “Đợi đến khi ông uống một hớp hết nước sông Giang Tây ta sẽ nói cho ông nghe” thì Bàng cư sĩ đại ngộ. Còn phần sau là từ những chuyện khác sau này thêm vào.
GIAI THOẠI 18
Có ông tăng hỏi
– Sao hòa thượng bảo “tức tâm tức Phật ”?
Sư đáp
– Để dỗ con nít nín khóc
Hỏi
– Nín khóc rồI thì sao?
Sư đáp
– Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật
– Bỏ cả hai mặt đó, nếu có người hỏi thì làm sao chỉ bảo cho họ?
– Bảo họ “Chẳng phải vật “.
Lại hỏi
– Còn nếu gặp kẻ từ trong ấy đến thì sao?
Sư đáp
– Thì bảo họ có thể hội đạo lớn.
BÌNH BÌNH
Giác ngộ cũng có nhiều cấp độ.
Đối với người mới học thiền thì bảo “Tức tâm tức Phật “để họ quán tâm.
Khi đã nhuần nhuyễn rồi thì bảo họ “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật” để chỉ rằng: cái tâm ấy cũng chưa thật đúng.
Khi hành giả đã nhận ra điều đó, và tiếp tục tìm cầu thì sẽ bảo “Chẳng phải vật “để chỉ hành giả rằng đừng xem tâm như một cái gì có thể tìm cầu. Đến đây đã dứt đường ngôn ngữ, nói năng rồi. Hành giả như người ở đầu sào trăm thước. Còn cần một cái nhẩy nữa để thể nhập pháp giới. Và khi đã ở trong đó rồi thì mới thể hội đạo lớn.
GIAI THOẠI 19
Tăng hỏi
– Ý chỉ Tổ sư sang đông là gì?
Sư đáp
– Ý chỉ giờ đây thế nào?
BÌNH BÌNH
Trước đây hay bây giờ ý chỉ đó không hề thay đổi. Đừng nghĩ rằng Tổ sư Bồ-Đề chỉ dậy thì cao thâm hơn các tổ sau này chỉ dậy.
Chân lý thì chỉ có một, giống như mặt trăng, dù người chỉ có khác nhau, nhưng cũng chỉ một mặt trăng đó mà thôi.
GIAI THOẠI 20
Có ông tăng hỏi
– Thế nào là hợp được đạo?
Sư nói
– Ta vốn không hợp đạo.
Lại hỏi
– Ý chỉ Tổ sư sang đông là gì?
Sư bèn đánh rồi nói
– Không đánh ông thì thiên hạ cười ta chết.
BÌNH BÌNH
Hỏi như vậy là hỏi ngược. Thường thì người ta hỏi ý chỉ Tổ sư sang đông trước, rồi sau này mới hỏi “Như thế nào mớI hợp đạo “. Tu nó có tuần tự, thứ lớp. Ông tăng này hỏi ngược vì thế mà bị ăn đòn. Nếu tổ không đánh thì bị thiên hạ chê cười là dậy dỗ lộn xộn, không có nguyên tắc.
GIAI THOẠI 21
Tiểu sư Đam Nguyên hành cước trở về, đến trước mặt sư, vẽ một vòng tròn, vái lạy rồi đứng lên. Sư nói
– Bộ ông muốn làm Phật đấy sao?
Đáp
– Tôi không biết nheo mắt.
Sư nói
– Ta chẳng bằng ông vậy.
Tiếu sư nín thinh.
BÌNH BÌNH
Vẽ một vòng tròn là tượng trưng cho Viên mãn, tức là công hạnh đầy đủ. Bởi vậy Tổ mới hỏi “Ông muốn làm Phật đấy sao?” Câu hỏi này là một tuyệt chiêu, nó đẩy người đối thoại vào tuyệt lộ, vì nói tức sai, nhướng mắt chớp mày cũng sai, mà không nói thì vô lễ. Nhưng tiểu thiền sư Đam Nguyên đã nghĩ ra một cách: Không trả lờI thẳng vào câu hỏi, mà nói rằng “Tôi không biết nheo mắt ”. Câu trả lời này đúng ở cái ý ngầm, nên Mã Tổ mớI nói “Ta chẳng bằng ông vậy”.
GIAI THOẠI 22
Có ông tăng vẽ trước mặt sư: trên một vạch dài, dưới ba vạch ngắn rồi nói:
– Không được nói một vạch dài, ba vạch ngắn, ly tứ cú, tuyệt bách phi, thỉnh hòa thượng đáp cho
Sư vẽ trên đất một vạch rồi nói
– Không được nói dài, ngắn. Đáp rồi đó.
BÌNH BÌNH
Ông tăng này thử Mã Tổ xem tổ đối phó như thế nào với những điêu kiện của ông ta đưa ra. Nhưng Tổ đã vượt qua dễ dàng.
GIAI THOẠI 23
Sư sai một ông tăng đưa thư sang hòa thượng Kính Sơn Khâm, trong thư vẽ một vòng tròn. Kính Sơn vừa mở ra xem, liền lấy bút chấm ngay vào trong đó một điểm.
Sau có ông tăng kể lại với quốc sư Huệ Trung. Quốc sư nói
– Khâm sư cũng còn bị Mã sư gạt.
BÌNH BÌNH
Vòng tròn tượng trưng cho viên giác, cho chân như. Nhưng sao Kính Sơn còn chấm vào đó một điểm làm gì?
Là để nói lên ẩn dụ rằng “Chân không diệu hữu“, trong cái không có cái có.
Vậy sao quốc sư Huệ Trung lại nói rằng “Khâm sư cũng còn bị Mã sư gạt”.
Không biết.
GIAI THOẠI 24
Một giảng sư đến hỏi sư
– Chẳng rõ Thiền tông truyền, trì pháp môn gì?
Sư hỏi lại
– Tòa chủ truyền trì pháp chi?
Giảng sư đáp
– Thưa tôi cũng lạm giảng hơn hai chục bộ kinh luận.
Sư nói
– Chà, quả thật là sư tử con.
– Chẳng dám.
Sư gặng trong cổ: Hừ hừ
Giảng sư nói
– Đấy là pháp.
Sư hỏi
– Pháp gì?
– Sư tử xuất động.
Sư lặng thinh.
Giảng sư nói
– Đấy cũng là pháp
Pháp gì?
Đáp
– Sư tử tại động.
Sư hỏi
– Không xuất không nhập là pháp gì?
Giảng sư không đáp được, bèn từ giã mà ra. Sư gọi lại
– Tòa chủ!
Giảng sư quay đầu lại, sư hỏi
– Đó là pháp gì?
Tòa chủ cũng không biết đáp sao. Sư nói
– Cái gã thầy chùa đần độn này.
GIAI THOẠI 25
Có ông Liêm sứ ở Hồng Châu hỏi sư
– uống rượu, ăn thịt là nên hay không nên?
Sư đáp
– Uống rượu ăn thịt là cái lộc của ngài, không uống rượu, ăn thịt là cái phước của ngài.
BÌNH BÌNH
Quá đơn giản. Ông quan ấy do phước từ kiếp trước, nay được làm quan, vì vậy rượu thịt là cái bổng lộc tự nhiên mà ông được hưởng. Dĩ nhiên nếu ông hưởng thì lộc sẽ giảm dần đi. Còn không dùng rượu thịt tức là tích trữ phước đức cho đời sau.
GIAI THOẠI 26
Ngài Dược Sơn Duy nghiễm, tham học vớI ngài Thạch Đầu, hỏi ngài Thạch Đầu:
– Về mười hai phần giáo điển của tam thừa thì tôi cũng hiểu được ít nhiều. Song thường nghe Phật học phương nam dậy pháp môn “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” tôi thực chưa được hiểu rõ. Cúi xin hòa thượng từ bi chỉ dậy.
Thạch Đầu nói
– Như vậy không được, không như vậy cũng không được. Như vậy, không như vậy đều không được. Ông làm sao?
Dược Sơn ngơ ngác không biết làm sao, Thạch Đầu nói
– Ông không có nhân duyên ở đây, nên đến Mã ĐạI Sư.
Dược Sơn vâng lệnh đến lễ sư (Mã Tổ) cũng trình câu hỏi như trước. Sư nói
– Có khi ta bảo y nhướng mắt, chớp mày, có khi không bảo y nhướng mắt chớp mày. Có khi nhướng mắt chớp mày là đúng đó, có khi nhướng mắt chớp mày lại chẳng phải đó. Ông làm sao?
Dược Sơn nghe xong liền ngộ, sụp lạy. Sư hỏi
– Ông thấy điều gì mà lạy lục như vậy?
Dược Sơn đáp
– Tôi ở bên Thạch Đầu như muỗi bám trâu sắt.
Sư nói
– Ông đã được như vậy nên khéo tự hộ trì.
Dược Sơn hầu sư ba năm. Một hôm sư hỏi
– Gần đây chỗ thấy hiểu của ông ra sao?
Đáp:
– Da dẻ lột sạch hết, chỉ còn một cái chân thực.
Sư nói
– Chỗ sở đắc của ông có thể nói là hợp vớI tâm thể, phân bủa khắp tứ chi. Đã vậy thì hãy lấy ba chạc nang bó bụng đàng hoàng, tùy ý trụ sơn.
Dược Sơn nói
– Tôi là gì đâu mà dám nói chuyện trụ sơn?
Sư nói
– Chẳng phải vậy đâu. Không có cái thường đi mà chẳng đứng, không có cái thường đứng mà không đi. Muốn thêm cái chẳng cần thêm, muốn làm cái chẳng cần làm thì nên dong thuyền mà đi, đừng ở đây lâu.
BÌNH BÌNH
Mã Tổ khuyên ngài Dược Sơn rằng Nếu đã ngộ, đã nhập được đạo thì cũng nên trụ sơn, khai đường mà dẫn dắt người khác. Trước hết là hợp với qui luật vận động của vũ trụ, sau là hành Bồ-Tát đạo.
GIAI THOẠI 27
Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đến tham học với sư, không làm lễ tham kiến, lại vào thẳng tăng đường leo lên cưỡi cổ tượng thánh tăng mà ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, chạy vào cấp báo cùng sư. Sư thân hành đến tăng đường xem, thấy thế bèn nói:
– Thiên Nhiên con!
Đan Hà liền trụt xuống vái lạy thưa
– Tạ ơn thầy ban cho pháp hiệu.
Nhân đó lấy tên là Thiên Nhiên
BÌNH BÌNH
Hẳn trước khi đến tham học vớI Mã Tổ, Đan Hà đã có thân chứng được điều gì rồi do đó mới dám leo lên cưỡi cổ tượng thánh tăng, và cũng là để trắc nghiệm xem vị Tổ này có đủ kiến thức, kinh nghiệm để chấp nhận được hành động đó không. Nhưng vị tổ này không những đã chấp nhận được hành động đó mà còn ban hiệu cho vị đệ tử lạ đời này nên Đan Hà đã lạy tạ thầy ban hiệu.
GIAI THOẠI 28
Thiền sư Đàm Châu Huệ Lãng đến tham học, Sư hỏi
– Ông đến cầu chi?
Đáp – Cầu tri kiến của Phật.
Sư nói
– Phật không có tri kiến. Tri kiến là ma đấy thôi! Ông ở đâu tới?
Đáp – Nam Nhạc
Sư nói
– Ông từ Nam Nhạc tới mà chưa biết tâm yếu Tào Khê. Hãy quay trở về, đừng đi đâu khác.
BÌNH BÌNH
Có một việc nói ra không ai tin. “Phật không có tri kiến”. Vì vậy mới tuyệt đối bình đẳng, không người, không ta, không lớn, không bé, không đẹp, không xấu, không cao, không thấp. Nói tóm lại tất cả đều không, chỉ tùy cơ mà vận dụng.
GIAI THOẠI 29
Có ông tăng đến tham học, Sư hỏi
– Ở đâu đến?
Đáp
– Hồ Nam.
Sư nói
– Nước Đông Hồ đầy chưa?
Đáp
– Chưa
Sư nói
– Mưa bao lâu nay rồi mà vẫn chưa đầy…..
Sau này Đạo Ngô bảo “Đầy“
Vân Nham nói “Trong leo lẻo“
Động Sơn bảo “Có thủa nào vơi đâu!”.
BÌNH BÌNH
Chỉ một câu nói đó mà bao người trả lời. Nếu ai bảo những câu trả lời đó sai thì không có con mắt tham học. Nếu ai bảo những câu trả lời đó đúng cũng không có con mắt tham học.
Thảo luận về post