Vấn đề ly hôn cũng không dễ gì tìm ra căn cứ rõ ràng trong Kinh Phật. Bất quá, Phật giáo chủ trương sự tốt đẹp của hôn nhân và trách nhiệm của hôn nhân. Sau khi kết hôn, vợ chồng phải thương yêu nhau, tôn trọng nhau, mỗi người phải giữ bổn phận của mình, làm tròn trách nhiệm của mình. Phật giáo nghiêm cấm tà dâm. Gia đình tan vỡ, phần lớn là do cả vợ lẫn chồng đều có tư thông với một đối tượng khác. Nếu cả hai biết giữ gìn nghiêm túc, không tà dâm thì gia đình khó bị tan vỡ.
Đối với những cuộc hôn nhân bị tan vỡ, Phật giáo chủ trương khuyến khích tái hội. Vì vậy mà tuy Luật cấm Tỳ kheo không được làm môi giới hôn nhân, nhưng lại cho phép Tỳ kheo giải hóa những cặp vợ chồng ly hôn” [Tứ phần luật, quyển III]. Bởi vì, sự ly hôn đối với nam cũng như nữ đều có ảnh hưởng tâm lý không tốt; nhất là đối với việc giáo dục con cái, cha mẹ phải có trách nhiệm về mặt đạo đức; Đứng riêng về quan điểm ấy mà xét, có thể nói Phật giáo phản đối ly hôn.
Thế nhưng, Kinh Phật không có nói ly hôn là phạm tội. Và nếu, có chuyện tình cảm xung khắc không thể điều hòa, hoặc có lý do nghiêm trọng như bị ngược đãi, muốn nhẫn nhục chịu đựng cũng không thể được thì vẫn phải ly hôn, nhưng nếu chỉ vì lý do thỏa mãn tình cảm mà ly hôn thì đó là điều không đạo đức, Phật giáo không thể chấp nhận, cho nên cũng là tội ác, vì cha mẹ ly dị, người đau khổ thiệt thòi nhất là con cái.
Hai người đến với nhau không những phải có duyên mà còn có nợ nữa, như dân gian ta thường nói có duyên nợ mới nên vợ chồng. Có duyên mà không nợ thì gặp nhau cũng không thể chung sống. Có nợ mà không duyên thì cũng chẳng thể thành vợ chồng. Duyên nợ tác thành vợ chồng, hay nói đúng hơn là nghiệp lực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hai người đến với nhau để trở thành vợ chồng. Nếu không đầy đủ hai yếu tố Duyên và Nợ thì cả hai đừng làm khổ nhau, gieo cho nhau những niềm đau, thù hằn.
Chúng tôi có nhân duyên đi đây đó chứng kiến và được nhiều người tâm sự trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng có những nỗi niềm. Thiết nghĩ, cuộc sống lứa đôi theo quan điểm Phật giáo thì phải dựa trên sự “lắng nghe và thấu hiểu” . Vì có hiểu mới có thương. Lắng nghe để hiểu và nhìn lại để thương là vì vậy.
Như Tây phương người ta đến với nhau nhưng có duyên nhưng không nợ hoặc hết duyên nợ thì họ vui vẻ chào nhau ra đi mỗi người một nơi, cùng chúc nhau hạnh phúc. Còn ở Việt nam cuộc sống không còn duyên nợ đã làm khổ nhau, hoặc là những cuộc đánh ghen nảy lửa mà báo đài mới vừa đưa tin.
Theo tôi là Tu sĩ Phật giáo thì có những suy nghĩ mang tính chia sẻ cá nhân và một lời tôi vẫn thường khuyên, nhất là những bạn trẻ:
“Nếu Là Chẳng Phải Nợ Nhau Thì Xin Ngả Nón Chào Nhau Qua Đường”.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Thảo luận về post