>>> Nghiên Cứu Lịch Sử | Bàn về Huyền Quang tôn giả | Đặng Thanh Bình
I. Lược sử Chùa Côn Sơn thời nhà Trần
Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Tăng Bá Hoành, ban đầu chùa Côn Sơn có tên chữ là “Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự” (chùa được trời ban phúc ở núi Côn Sơn), “Côn Sơn Tư Phúc tự” (chùa ban phúc ở núi Côn Sơn). Đến đầu thời Cảnh Hưng chỉ còn “Côn Sơn tự” (gọi theo địa danh núi Côn Sơn) [1]. Chùa còn có tên Nôm là chùa Hun, nhiều người tin vào cách giải thích cho tên gọi này như sau: trước đây khu vực này rừng núi rậm rạp, nhân dân thường vào đây đốn củi đốt than, khói bay mù mịt như hun, vì thế gọi là chùa Hun.
Toàn cảnh chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương, chụp từ trên cao.
Giai đoạn cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV là thời kỳ hưng thịnh của triều Trần, Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới thời Trần nhưng vị thế của Thiền phái Trúc Lâm vẫn luôn được nhắc đến như xương sống trong văn hóa Việt Nam, mang tính thống nhất quốc gia và chi phối mạnh mẽ tới xã hội thời Trần. Có không ít những ngôi chùa gắn với Thiền phái này được Tăng Ni, Phật tử cả nước xem như những địa điểm tâm linh quan trọng, gồm: Yên Tử, Quỳnh Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, chùa tháp Phổ Minh [2]. Trong đó, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn – Yên Tử – Quỳnh Lâm), các vua Trần thường ngự giá về thăm [3].
Ca dao có câu:
Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành.
Hệ thống văn bia chùa Côn Sơn cho biết khá rõ về lịch sử hình thành và phát triển của chùa. Bia niên đại Thiệu Phong thứ 17 (1357) (thác bản bia hiện lưu giữ tại viện Hán Nôm) có ghi: “Chùa Thiên Tư phúc Côn Sơn xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn là nơi danh lam cổ tích, là nơi trụ trì của sư tổ thứ 3 đời nhà Trần, sư nối pháp Huyền Quang Ma-ha tôn giả, chùa xưa được Trần Minh Tông cấp 1 vạn tờ điệp khống chỉ, người cúng tiền vàng kể đến hàng nghìn lưu truyền đến muôn đời”. Bia “Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự” (崑 山 天 資 福 寺) thuộc nhà bia cuối dãy hành lang bên trái có niên đại Hoằng Định thứ 15 (1615) xác nhận “Côn Sơn là danh lam cổ tích có từ thời Trần…”.
Ảnh bên trái: Bác Hồ đọc tấm bia Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, năm 1965. Nguồn: https://consonkiepbac.org.vn/
Ảnh bên phải: Tấm bia Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự ở thời điểm viết bài năm 2023.
Bia “Thanh Hư động”, chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương
Trang trí phượng trên trán bia đá “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”.
Bên cạnh văn bia, sách Tam Tổ thực lục chép rằng: “Tháng 7 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Khai Hựu thứ nhất (1329), sư (ý nói Pháp Loa) mở thắng cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn” [4]. Ở đây, chúng tôi tin vào dòng niên đại trong Tam Tổ thực lục vì nó được thị giả Trung Minh sao chép lại và đích thân đệ tử chân truyền là Huyền Quang khảo đính. Cùng với đó, dấu vết kiến trúc và di vật qua các lần điều tra thám sát, đặc biệt là cuộc khai quật khảo cổ học năm 2006 của Viện Khảo cổ học kết hợp với Ban quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã góp phần khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng lớn vào thời Trần [5].
Ảnh phía trên, bên phải: Hệ thống tượng thờ ở Thượng điện, chùa Côn Sơn, Hải Dương.
Ảnh phía dưới, bên phải: A nan tôn giả.
Thiền phái Trúc Lâm có liên quan mật thiết đến triều đại nhà Trần, nên đã phải chịu cảnh thăng trầm sau khi triều đại này suy tàn. Vì vậy, sau khi Huyền Quang đệ tam tổ viên tịch, hệ thống truyền thừa không còn rõ ràng và phải đợi đến thời Lê Trung hưng mới khởi sắc trở lại. Hiện nay, chùa Côn Sơn còn một số thư tịch, văn bia ghi chép về quy mô các công trình kiến trúc tôn tạo xây dựng ở thế kỷ thứ XIII – XIV do thiền phái Phật giáo Trúc Lâm chủ trì. Chùa cũng còn lưu giữ nhiều di vật thời Trần như: ngói mũi sen, ngói tráng men, chân tảng, bia đá, tháp đất nung… Những di vật này minh chứng một thời vàng son của chùa Côn Sơn trong lịch sử. Chùa Côn Sơn trong giai đoạn thế kỷ XIII – XIV được triều đình, các bậc vương hầu, quý tộc và nhân dân hết lòng ủng hộ quan tâm. Côn Sơn bấy giờ đã trở thành một trong 3 trung tâm của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Chùa Côn Sơn, từ thời nhà Hậu Lê trở về sau
Sang thế kỷ XV, triều Lê đưa Nho giáo thành quốc giáo. Sự phát triển của Nho giáo chuyển sang giai đoạn độc tôn, các chí sĩ đua nhau đi thi để ra làm quan. Vì vậy, Phật giáo trở thành thứ yếu, chùa chiền ít được các vương hầu quý tộc quan tâm. Tuy nhiên, chùa Côn Sơn vẫn có vị trí quan trọng. Năm 1439, vua Lê Thái Tông khôi phục các chức tước cho Nguyễn Trãi, trong đó ông có một chức danh là “Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự” tức là quản lý chùa Tư Phúc (chùa Côn Sơn) [6].
Cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, Phật giáo phục hưng, các vua chúa, phi tần, quan lại đua nhau góp tiền, cúng ruộng, tham gia sửa chữa xây dựng chùa. Năm 1607, nhà sư trụ trì Mai Trí Bản cùng các hội chủ ở các phủ xa như: Khoái Châu, Thường Tín, Từ Sơn… đóng góp tiền của tu bổ nhiều công trình và hệ thống tượng Phật. Bia Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự dựng niên hiệu Hoằng Định 15 (1615) ghi: “Việc hưng công sửa chữa chùa của nhà sư họ Mai được tổng kết gồm có tôn tạo cây cửu phẩm liên hoa, nhà Thiêu hương, Tiền đường, Hành lang trái phải đằng trước, Hành lang trái phải đằng sau, Tam quan, trùng tu Thượng điện, cộng đến 83 gian, làm mới các chư Phật trên cửu phẩm tới 385 vị, tạo mới tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn, 2 tượng hộ pháp thiện – ác, 1 tượng chủ núi, 3 tượng cô hồn, trùng tu tượng Phật trên thượng điện là 18 vị, sơn son thếp lại 3 vị tam thế, với tổng số đất đai ao hồ là 80 mẫu”.
Vào giữa thế kỷ XVII, chùa Côn Sơn dưới sự trụ trì của nhà sư Đỗ Công Triều tự là Huyền Chân Thiền sư (1653 – 1656) tiếp tục được tu sửa. Tấm bia dựng năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) và Thịnh Đức 4 (1657) ghi: “Chùa Côn Sơn được sửa chữa đài cửu phẩm liên hoa, nhà Thiên hương…tạo ra một quy mô rộng lớn. Từ gác chuông cao chót vót đến Tiền đường, Hậu đường…đều nguy nga tráng lệ”. Toà Thượng điện hiện còn giữ được kết cấu kiến trúc của bộ vì kèo ở thế kỷ XVII, trên thanh xà nối hai vì nóc gian giữa còn dòng chữ “Thánh triều hoàng đế tuế thứ Quý Tỵ xuân… cốc nhật tạo”. Có lẽ là năm Quý Tỵ (1653) mà bia Thịnh Đức nguyên niên đã ghi lại. Như vậy ở thế kỷ XVII, chùa Côn Sơn được các quan lại, tầng lớp quý tộc và nhân dân xa gần hưởng ứng cung tiến tu sửa và mở rộng. Vì vậy, quy mô chùa rất khang trang, rộng lớn.
Sang thế kỷ XVIII, chùa Côn Sơn vẫn được sự quan tâm công đức lớn lao của nhân dân cả nước về nhân tài, vật lực, nên quy mô và diện mạo thời kỳ này vẫn giữ dáng vẻ tôn quý. Bia Khôi tạo trùng tu Phật tổ Côn Sơn tư phúc tự dựng năm vào niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) ghi nhận việc Thiền sư Hải Ấn về trụ trì đã có nhiều tu bổ như: “… Sùng Hưng xây dựng Đăng Minh bảo tháp trông tựa ngọc báu…”. Cùng với đó là “…trùng tu, chỉnh đốn bảo điện, dao dài đông đúc, lầu chuông gác phẩm, chênh vênh đối chiếu, sừng sững tương vọng”, hay “…lại sửa chữa hậu đường, giải vũ nguy nga cùng 2 bên tả hữu hành lang, trùng tu lại cửu phẩm liên hoa như hòn ngọc biếc, tô lại hơn 300 tượng pháp, làm mới tượng Giác Hoa, Địa Tạng, Mục Liên, Dược Sư, Như Lai, sơn thếp lại các pho tượng Phật cùng bảo toà tam vị thánh tổ Hoàng kim lấp lánh, công nghiệp vẹn toàn, chuộc lại ruộng ở Đồng Lỗi…”.
Ảnh bên trái: Tháp Đăng Minh – Đăng Minh bảo tháp tại chùa Côn Sơn.
Ảnh phía trên, bên phải: Trán bia khắc 4 chữ “Đăng Minh bảo tháp”.
Ảnh phía dưới, bên phải: Vườn tháp chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tục nổi dậy, như: Khởi nghĩa Bãi sậy, Đốc Tít… dẫn tới khu vực Côn Sơn – Chí Linh trở thành chiến địa. Chùa Côn Sơn cũng như bao công trình kiến trúc tôn giáo khác đã bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai, không còn là nơi đô hội như xưa. Vì hoàn cảnh ấy, các công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa Côn Sơn bị xuống cấp và dần mất đi trong giai đoạn này. Sang đầu thế kỷ XX, vào năm Khải Định Tân Dậu (1921), nhà tổ chùa Côn Sơn đã được tu bổ lại như ngày nay.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Côn Sơn là nơi hoạt động của du kích địa phương và là một cứ điểm quan trọng của chiến khu Đông Triều (Hoàng Hoa Thám). Thực dân Pháp nhiều lần đem quân về càn quét đốt phá khu vực này. Côn Sơn trở nên xơ xác tiêu điều. Năm 1947, chùa bị pháo giặc ở Phả Lại bắn phá huỷ toà tiền đường và hầu hết các công trình kiến trúc, hệ thống tượng pháp, đồ thờ… Chùa lúc này bị bỏ hoang, không ai trông nom. Nhà sư trụ trì mất, cỏ dại mọc vào tận sân chùa. Chùa Côn Sơn như một phế tích. Khi hoà bình lập lại, Đảng – Nhà nước và nhân dân quan tâm thu dọn, trông nom tu bổ lại. Nhưng đất nước vừa qua cơn binh lửa kéo dài nên việc tu bổ chưa được bao nhiêu.
Sau kháng chiến chống Pháp, nước ta lại bước vào giai đoạn chống Mỹ. Nhiều nhà sư trong đó có sư trụ trì chùa Côn Sơn đã bỏ áo cà sa hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Mặc dù vậy, Đảng và Nhà nước vẫn khắc phục khó khăn để tu bổ chùa. Năm 1962, chùa Côn Sơn được tôn tạo lại, toà tiền đường hiện nay nguyên là ngôi đình ở xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn đưa về thay thế. Trong những năm tháng chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Côn Sơn ngày 15/2/1965. Người căn dặn nhân dân hãy “xây dựng Côn Sơn thành chốn tùng lâm đẹp của đất nước”. Từ năm 1968 đến 1972, Ty Văn hoá Thông tin và Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Hưng đã di chuyển một số pho tượng và đồ thờ ở các chùa khác về thờ trên Tam bảo chùa Côn Sơn như ngày nay.
Cảnh quan sân chùa Côn Sơn, Hải Dương.
Năm 1994, UBND tỉnh Hải Hưng quyết định thành lập Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc với nhiệm vụ bảo vệ tôn tạo, phát huy toàn diện khu di tích. Ngày nay, chùa Côn Sơn vẫn được sử dụng đúng chức năng là công trình tôn giáo phục vụ đời sống tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo người dân địa phương nói riêng và người dân trong cả nước nói chung.
Đỗ Minh Nghĩa
(Nghiên cứu thực địa, chụp ảnh và viết bài)
II. VĂN BIA ĐĂNG MINH BẢO THÁP
Đăng Minh bảo tháp là tháp mộ an táng xá lỵ của Trúc Lâm đệ Tam tổ Huyền Quang. Tháp Đăng Minh tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân phía sau chùa Côn Sơn. Sân tháp lát gạch Bát Tràng chiều dài 8,75m, rộng 7,8m, xung quanh xây gạch đặc thời Lê. Tháp được xây bằng đá xanh Kính Chủ mỗi tấm trung bình 1×0,7m, dày 10-15cm. Tháp Đăng Minh cao 3 tầng dưới là bệ tháp có cấu tạo hình hoa sen. Tháp mở một cửa hướng nam ở tầng thứ nhất, rộng 48cm cao 81cm. Tầng thứ hai phía trên có biển gạch đề 燈明寶塔 Đăng Minh bảo tháp (tháp Đăng Minh). Phía trên cùng là chóp tháp đặt bình cam lồ. Điều đáng chú ý là phía sau và cạnh bên trái tầng một của tháp có khắc bia nói về thân thế sự nghiệp của Trúc Lâm đệ Tam tổ Huyền Quang. Bia khắc trực tiếp lên đá ghép của tháp khổ 0,70×0,50m, không trang trí hoa văn. Đây là tấm bia quý làm sáng tỏ nhiều điều của thiền phái Trúc Lâm. Niên đại khắc bia cũng là niên đại tạo dựng tháp Đăng Minh, năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719). Sau đây là văn bia của tháp mộ.
Nguyên văn chữ Hán:
Mặt 1
蓋聞桂鄂九霄馨香世界英名千古彪炳硻岷憲憲華蹤彰彰奇績惟
竹林禪師第三代特封嗣法玄光尊者乃前身阿難尊者佛敕降生東土實嘉定萬斯姓李陳朝之間出也原夫精粹表富五車黃卷白鳳騰雲拔東海金鰲玉華使北國才冠上邦於蓬島覓西天表詞於外物薄富貴於浮雲煙寺山登高適林泉師受惹優圓覺之心盛教風行有天雨化澤原洋溢道脈彌漫八旬外賀赤十願道寶塔恩隆匪替
陳明宗之珍重榮封績茂有敷
皇聖朝之宣楊衰命護民保國功非特昭著於南天邇躬遠崇名仰亦聳冠於北地森嚴臺上英氣沖射斗牛座前香煙直凌霄漢仁基玉址嗟夫匪千年奉刊命禪正欲石留萬世茲訥子裴疇嗣性土於癸未年恭奉依受敕命已經旨准應除任職將仕庶郎諒江府僧會司僧政住持崑山寺許門禪海印紹繼宗風聯燈續焰俯追仙腳仰拜華宗採集琅琀浮玉案依樣畫葫蘆金壇寶法妙齋心管中窺文豹仁山智水惟聖其在斯乎寶塔銀宮惟神其有格矣多年舊樸常非九遠之良圖一旦起工爰集匠人而明飭古跡瓦磚成改換
今崇石仰玉体之渾全千古弗替望瑩岩於屹立茂德於遐年著銘名於來
萃界名藍崑山古跡聖顯靈通而四格而兆庶願崇語其景也則到處和風有天春括盡上方之華品雅來八節奇珍此北地之一名剎也山幽水淼鯤化鵬飛高離龍跡於煙霄遼脫鳳翔於絕山頂真天仙之清虛府焉銀塔粧成端拜無涯於西土華宮崇就望懸景仰於南陲與日月而並明等天地而同久億年如在萬載常存是以心斯心事斯事筆斯筆遠其傳俾後者齋所齋所敬尊所尊當一如約也于此昭時之盛事偉萬世之榮觀愚之大幸也謹拜.
時
黎朝永盛萬萬年之十五歲在己亥孟冬穀日.
Phiên âm Hán – Việt
Mặt 1
ĐĂNG MINH BẢO THÁP
Cái văn: Quế ngạc cửu tiêu hinh hương thế giới, anh danh thiên cổ, bưu bính khanh mân, hiến hiến hoa tông chương chương kỳ tích duy.
Trúc Lâm Thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang Tôn Giả, nãi tiền thân A Nan Tôn Giả, Phật sắc giáng sinh Đông độ thực [7] Gia Định Vạn Tư, tính Lý, Trần triều chi gian xuất dã, nguyên phù tinh túy biểu phú ngũ xa, hoàng quyển bạch phượng đằng vân bạt Đông Hải kim ngao ngọc hoa sứ Bắc quốc tài quán thượng bang ư bồng đảo mịch Tây Thiên biểu từ ư ngoại vật bạc phú quý ư phù vân yên tự sơn đăng cao thích lâm tuyền sư thụ nhạ ưu viên giác chi tâm thịnh giáo [phong] hành hữu thiên vũ hóa trạch nguyên dương dật đạo mạch di mạn, bát tuần ngoại hạ xích thập nguyện đạo bảo tháp ân long phỉ thế.
Trần Minh Tông chi trân trọng, vinh phong tích mậu hữu phu
Hoàng thánh triều chi tuyên dương, [suy] mệnh hộ dân bảo quốc, công phi đặc chiêu trứ ư Nam thiên, nhĩ cung viễn sùng danh [ngưỡng] diệc tủng quan ư Bắc địa sâm nghiêm đài thượng anh khí xung xạ Đẩu Ngưu tọa tiền hương yên trực lăng Tiêu Hán, nhân cơ ngọc chỉ, ta phù thiết [phỉ] thiên niên phụng san mệnh thiền chính dục thạch lưu vạn thế. Tư nột tử Bùi Trù Tự tính thổ ư Quý Mùi niên cung phụng y thụ sắc mệnh dĩ kinh chỉ chuẩn ứng trừ, nhậm chức Tướng sĩ Thứ lang Lạng Giang phủ Tăng hội ti tăng chính trụ trì Côn Sơn tự hứa môn thiền Hải Ấn, thiệu kế tông phong, liên đăng tục diệm. Phủ truy tiên cước, ngưỡng bái hoa tông. Thái tập lương hàm phù ngọc án y dạng họa hồ lô kim đàn bảo pháp diệu trai tâm, quản trung khuy văn báo. Nhân sơn trí thủy, duy thánh kỳ tại tư hồ; bảo tháp ngân cung, duy thần kỳ hữu cách hĩ. Đa niên cựu phác, thường phi cửu viễn chi lương đồ nhất đán khởi công viên tập tượng nhân nhi minh sức, cổ tích ngõa chuyên thành cải hoán.
Kim sùng mân thạch ngưỡng ngọc thể chi hồn toàn, thiên cổ phất thế, vọng oánh nham ư ngật lập mậu đức ư hà niên trứ minh danh ư lai.
Mặt 2
tụy giới danh lam, Côn Sơn cổ tích, thánh hiển linh thông nhi tứ cách nhi triệu thứ nguyện sùng. Ngữ kỳ cảnh dã tắc đáo xứ hòa phong, hữu thiên xuân quát tận thượng phương chi hoa phẩm nhã lai, bát tiết kỳ trân, thử Bắc địa chi nhất danh sái dã. Sơn u thủy diểu, côn hóa bằng phi, cao li long tích ư yên tiêu, liêu thoát phượng tường ư tuyệt đỉnh, chân thiên tiên chi thanh hư phủ yên. Ngân tháp trang thành, đoan bái vô nhai ư Tây độ. Hoa cung sùng tựu, vọng huyền cảnh ngưỡng ư nam thùy, dữ nhật nguyệt nhi tịnh minh, đẳng thiên địa nhi đồng cửu, ức niên như tại vạn tải thường tồn. Thị dĩ tâm tư tâm sự tư sự bút tư bút viễn kỳ truyền tỷ hậu giả trai sở trai kính sở kính tôn sở tôn, đương nhất như ước dã. Vu thử chiêu nhất thời chi thịnh sự, vĩ vạn thế chi vinh quan, ngu chi đại hạnh dã, cẩn bái.
Thời
Lê triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên chi thập ngũ tuế tại Kỷ Hợi, mạnh đông cốc nhật.
Dịch nghĩa:
VĂN BIA ĐĂNG MINH BẢO THÁP
Mặt 1
Từng nghe: Quế ngọc cửu tiêu hương thơm thế giới, anh linh thiên cổ sáng tỏ trong bia, rạng rỡ sơn môn, sáng ngời kỳ tích.
Trúc Lâm thiền sư đời thứ ba, đặc phong tự pháp là Huyền Quang Tôn Giả, tiền thân là A Nan Tôn Giả, Phật sắc giáng sinh vào đất Đông độ… thuộc vùng Vạn Tư, Gia Định, họ Lý, ra đời trong khoảng thời gian đời nhà Trần. Ôi! Nguồn tinh túy tỏ rõ ngũ xa hoàng quyển bạch phượng, đằng vân đoạt ngọc kim ngao Đông Hải [8] đi sứ Bắc quốc, tài năng nổi danh đất Bắc. Mê tiên nơi bồng đảo, tìm đạo từ bi ở cõi Tây Thiên, ngài coi phú quý như phù vân, thú một lòng vui thích cảnh lâm tuyền… được giao truyền viên giác bản tâm. Phật giáo thịnh hành, hóa dục tựa thiên vũ, ấm trạch tràn đầy. Đạo phái cao vời vợi, ngoài 80 tuổi quy tiên mười nguyện xây tháp báu huy hoàng ân lớn không quên.
Trần Minh Tông trân trọng, vinh phong rõ ràng.
Nay Hoàng thánh triều ta tuyên dương công đức, mệnh giúp dân hộ quốc, công tích hiển ứng trời Nam, xa gần cung kính, tiếng tăm lẫy lừng nơi đất Bắc. Trang nghiêm thay anh khí trên đài cao vời vợi tận Đẩu Ngưu. Dẫu trước tòa hương bay thẳng lên vầng Tiêu Hán. Nền ngọc nhân cơ (nền nhân tốt đẹp). Ôi! Xây lên đâu để nghìn năm, vâng mệnh chỉnh đốn nhờ đá lưu truyền vạn đại… Nay tiểu tăng là Bùi Trù Tự vào năm Quý Mùi (1703) cung phụng sắc mệnh chuẩn cho chức Tướng sĩ Thứ lang phủ Lạng Giang, Tăng hội ti Tăng chính, trụ trì Côn Sơn tự hứa truyền giao môn đệ là Hải Ấn, tiếp nối dòng thiền, rạng soi đèn đạo. Cúi theo nếp xưa, ngưỡng bái Hoa Tông. Thu thập vật liệu quý, y hình cũ tạo dựng lại kim đàn, bảo pháp, diệu trai… cách nhìn còn hạn hẹp. Thực cảnh non nhân nước trí [9] duy thánh hiền mới ở đó, nay đài báu gác vàng, duy thần thông lưu đức trạch. Một thời phác hoạch, đâu phải lương đồ vĩnh cửu… một sớm khởi công tập hợp thợ khéo, tu sức cổ tích, thay ngói đổi gạch.
Nay nhờ bia đá… ngóng ngọc thể bình yên, muôn đời không đổi, mong bia sừng sững… cây đức muôn năm… Vậy khắc vào đá để cho đời sau.
Mặt 2
… Tụ tập cõi danh lam, vết cũ Côn Sơn, thánh hiền lưu danh hiển tích… muôn dân tỏ đạo tôn sùng. Nói về cảnh sắc thì gió hòa tươi tốt… đến tận cõi cao mà phẩm hoa cùng giáng, tám tiết thức báu đủ đầy. Đây chính là ngôi chùa nổi tiếng của đất Bắc vậy. Nước chảy non sâu, cá côn [10] hóa chim bằng bay cao, long tích chốn vân tiêu, phượng hoàng bay lượn nơi tuyệt đỉnh. Đúng là cảnh phủ thanh hư cõi thần tiên. Tháp bạc trang hoàng, cúi lạy đức cao vô bờ miền Tây Trúc. Cung hoa thành kính, vọng ngắm cảnh huyền diệu nơi Nam độ, sáng ngời cùng nhật nguyệt, bền lâu với trời đất, muôn năm còn mãi muôn thuở trường tồn. Thế nên lấy lòng đo lòng, lấy việc đo việc, bút chép lại để lưu dài lâu khiến đời sau trai giới như thế, kính cẩn như thế, tôn sùng như thế, một lòng theo lệ ấy. Thế mới tỏ được việc lớn một thời, để cho muôn đời cùng chiêm ngưỡng, ấy mới thực là cái may mắn của kẻ ngu đần này, kính cẩn cúi lạy.
Thời gian dựng bia:
Ngày tốt tháng đầu đông năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) triều nhà Lê.
NHẬN XÉT
1.Về hình thức và niên đại mộ tháp thì Đăng Minh bảo tháp cũng giống như Viên Thông bảo tháp (tháp an táng xá lỵ của Trúc Lâm đệ Nhị tổ Pháp Loa) và Phổ Quang kim tháp (tháp an táng xá lỵ của Trúc Lâm đệ Nhất tổ Trần Nhân Tông) được xếp vào loại tháp hoa sen. Các tháp này cùng được tạo dựng lại vào thời Lê Dụ Tông. Tháp Đăng Minh được tạo dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719). Tháp Viên Thông được tạo dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718). Tháp Phổ Quang được tạo dựng vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Các tháp đều xây 3 tầng bằng các phiến đá lắp ghép. Tháp Đăng Minh và tháp Phổ Quang xây bằng đá xanh Kính Chủ còn tháp Viên Thông thì xây bằng đá khai thác tại chỗ. Ba ngôi tháp đều mở một cửa ở tầng một quay hướng nam. Phía trong có tượng các vị tổ bằng đá xanh, trước tượng là nhang án bằng đá, trên có bát hương. Trong tháp Đăng Minh đặt tượng Trúc Lâm đệ Tam tổ Huyền Quang Tôn Giả. Tháp Viên Thông đặt tượng Trúc Lâm đệ Nhị tổ Pháp Loa Tôn Giả. Tháp Phổ Quang đặt tượng Trúc Lâm đệ Nhất tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
2.Văn bia Đăng Minh bảo tháp
Văn bia tháp Đăng Minh giống như các loại hình văn bia mộ tháp thời Lê Trung hưng được khắc trực tiếp vào các phiến đá lắp ghép trên mộ tháp, không trang trí rồng, mặt trời, hoa văn. Nội dung văn bia rất phong phú, cung cấp nhiều tư liệu quý.
Thông qua văn bia tháp Đăng Minh thì thấy Huyền Quang Tôn Giả Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm họ Lý quê ở Vạn Tư (Vạn Tải) Gia Định, nay là huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh.
Khi chưa xuất gia Lý Đạo Tái đã thi đỗ Trạng nguyên Tam giáo, làm quan phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, được đánh giá rất cao. Sau đó Ngài xuất gia tu Phật. Hưởng thọ 80 tuổi, được vua Trần Minh Tông rất mực tôn trọng phong sắc, cho xây tháp ngay sau khi Huyền Quang tịch diệt. Điều này đã được khắc trong bia: “Đi sứ Bắc quốc, tài năng nổi danh đất bắc. Mê tiên nơi bồng đảo, tìm đạo từ bi ở cõi Tây Thiên, Ngài coi phú quý như phù vân, một lòng vui thú cảnh lâm tuyền… Ngoài 80 tuổi quy tiên, mười nguyện xây tháp báu huy hoàng, ân lớn không quên. Trần Minh Tông trân trọng vinh phong rõ ràng…”.
Trong các chùa Việt Nam phần nhiều có tượng Thánh Tăng. Thánh Tăng tức A Nan Đà (A Nan Da). A Nan Đà là em cùng cha khác mẹ với Thích Ca, theo Thích Ca tu đạo từ năm 25 tuổi. Sau khi Thích Ca nhập Niết Bàn thì A Nan Đà đã cùng Ma Ha Ca Diếp lãnh đạo chúng tăng hoằng dương Phật pháp. A Nan Đà là người thông minh uyên bác nên còn gọi là “Đa Văn đệ nhất”. Đức Huyền Quang là người thông tuệ hiểu biết rất sâu sắc về Nho – Phật – Lão nên được coi là A Nan Đà tái sinh ở Đông Thổ để hoằng dương Phật pháp. Tượng Thánh Tăng ở các chùa hiện nay là tượng A Nan Đà cũng có thể coi là tượng Huyền Quang Tôn Giả. Điều này đã được ghi trong văn bia: “Trúc Lâm Thiền sư đời thứ 3, đặc phong tự pháp là Huyền Quang Tôn Giả, tiền thân là A Nan Tôn Giả, phật sắc giáng sinh ở đất Đông Thổ”.
3.Cùng một triều đại vua Lê Dụ Tông đã cho trùng tu tôn tạo 3 ngôi tháp của Trúc Lâm Tam tổ. Điều này chứng tỏ các vua triều Lê Trung hưng nói chung và Lê Dụ Tông nói riêng rất coi trọng Phật giáo đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam do Trần Nhân Tông sáng lập.
NGUYỄN KHẮC MINH
Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
(Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (98) 2010; Tr. 75 – 79)
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Tăng Bá Hoành (1980), Tháp Đăng Minh ở Côn Sơn (Hải Hưng), In trong Tạp chí Khảo cổ học (số 1 năm 1980), tr.80.
[2] HT.TS. Thích Thanh Nhiễu (2019), Vai trò đặt nền tảng cho giáo hội Trúc Lâm của Trần Nhân Tông và bài học lịch sử đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, In trong Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.335.
[3] Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, tr.190.
[4] Thích Phước Sơn dịch và chú giải (1995). Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.30.
[5] Nguyễn Khắc Minh (2009), Khai quật chùa Côn Sơn (Hải Dương), In trong Tạp chí Khảo cổ học (số 6 năm 2009), tr.55-63.
[6] Đinh Khắc Thuân (2002), Chức quan của Nguyễn Trãi và vị thế của ông trong triều đình Nhà Lê, Tạp chí Hán nôm (số 4 năm 2002), tr.21.
[7] Bia bị mất một số chữ, chữ nào đoán dịch được chúng tôi để trong ngoặc vuông, chữ nào không đoán dịch được để các ô vuông trống tương ứng với các chữ bị mất. Phần dịch chúng tôi dựa theo mạch văn để dịch, chỗ nào không dịch được th× để (…).
[8] ý đoạn này nói Huyền Quang là người học rộng tài cao, đọc nhiều, đỗ đạt.
[9] Non nhân nước trí: có nhân thì vui với non, có trí thì vui với nước (câu này được trích từ sách Luận ngữ thiên Ung dã).
[10] Cá côn, chim bằng: l loại cá và chim rất lớn trong truyện ngụ ngôn của Trang Tử./.
BBT. CHÙA TỰ TÂM Tổng hợp
Thảo luận về post