Long Thọ và lập trường Trung quán | Thích Mãn Giác
(Trích: Tạp chí TƯ TƯỞNG – VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH – TẬP 1. Xuất bản tháng 8 năm 1967)
TIN LIÊN QUAN
- Thái độ tâm linh của đạo Phật | Thích Minh Châu
- Định giá hệ thống Trung Quán | T.R.V Murti/ Trí Hải dịch
- TRUNG QUÁN LUẬN | LONG THỌ (Nagarjuna) | Hán dịch: CƯU MA LA THẬP (Kumarajèva) | Việt dịch: THÍCH THIỆN HẠNH
- TRUNG QUÁN LUẬN | Nguyên tác: LONG THỌ (Nagarjuna) | Đại Sư Ấn Thuận giảng | TT. Thích Nguyên Chơn dịch Việt
- NGUỒN GỐC TƯ TƯỞNG TRUNG QUÁN LUẬN | Thích Quảng Hợp
- TRUYỀN THUYẾT VỀ BỒ TÁT LONG THỌ
Người căn cứ trên luận pháp Không để xướng lên thuyết Trung Quán là Long Thọ (Nagarjuna, khoảng từ 150 đến 250 dl) – Ngài là người mạn Nam Ấn Độ, cực thông minh đĩnh ngộ, không những là bậc thầy cho nhiều tông phái của Đại thừa Phật giáo mà còn quán triệt cả đạo lý của mọi tôn giáo khác trên đất Ấn. Nói như vậy, là chứng tỏ rằng, Ngài đã nhập đạo cả mấy tôn giáo kia, thấu hiểu tường tận giáo lý của họ rồi mới đặt lên bàn cân so sánh, để rồi kết cuộc xây dựng lên một lập trường triết lý độc đáo mà không ra ngoài truyền thống căn bản của Phật giáo ấy là phạm vi Đại thừa Phật giáo. Lại cao kỳ hơn nữa, không một lý thuyết nào của các tông phái Phật giáo trước Ngài mà không được phê phán chính xác định rõ được giá trị của chúng trong quá trình gột rữa những mê lầm của trí tuệ. Lập trường thuyết giáo của Ngài vững chắc cho đến nỗi không một học phái Đại thừa ở sau Ngài vượt qua nỗi khi giải thích về những nguyên lý căn bản của Phật dạy. Bởi thế, ở Ấn-độ, Thế Thân đã thâu thái lập trường bình luận của Ngài mà lập nên Duy thức. Mật thừa Phật giáo cũng đặt cơ sở trên lập trường Không lý đó. Và ở Trung hoa, Nhật bản, các tông phái được phát sinh do sự giải thích bất đồng về các khía cạnh của triết lý Ngài để giải thích lời Phật dạy. Vì thế Người được tôn làm tổ sư của tám tông phái Đại thừa. Ngài được coi như là Phật tổ tái thế. Sách do Ngài trước tác, còn truyền đến nay, là:
- Bộ Trung luận tụng (Madhyamaka-Kārikā) gồm:
a) Akutobhaya
b) Thanh-Mục Thích (La-thập dịch)
c) Buddhapalita: Mula-madhyamaka-vrtti
d) Bhavya (Thanh-Biện): Prajnapradipa- (Bát Nhã Đăng Luận)
e) Candrakirti: Prasannapada
f) An-Tuệ: Trung-Quan-Thích Luận. - Thập-Nhị Môn Luận
- Sunyata-saptati
- Vigraha-vyavartani (Hồi-tránh luận)
- Lục-Thập Tụng Như-lý Luận (Thi Hộ dịch)
- Vaidalya-Sutra
- Đại-Trí-Độ Luận, gồm một trăm quyển, La Thập dịch
- Thập-Trụ Tỳ-Bà-Sa Luận, gồm mười bảy quyển La-Thập dịch
- Đại thừa Nhị- Thập Tụng Luận (Thi Hộ dịch)
- Bồ-Đề Tư Lương Luận Tụng, gồm sáu quyển, Đạt-Ma Cấp Đa dịch.
- Suhrl-lekha, có Ba quyển được dịch ra Hán-văn.
- Ratnavali (Bảo Hành Vương-Chính Luận) Chân-Đế dịch.
- Catuhstara.
Lý thuyết Trung quán của Long Thọ là nhắm vào hai khuynh hướng Phật giáo bấy giờ là khuynh hướng Thực Tại luận của Hữu bộ (Sarvastivāda) và khuynh hướng Hư-Vô luận của Kinh bộ (Sautrantika). Đối với Hữu bộ, Ngài chỉ rõ tính chất duyên khởi của các pháp là vô-tự-tánh. Trong đoạn đầu của Trung quán, Ngài đã đứng trên lập trường Không lý để phê phán từng nguyên lý sinh thành và hoại diệt của các pháp mà theo đó Hữu bộ dựa vào để thành lập khuynh hướng thực tại luận, khuynh hướng này công nhận các pháp thực hữu ở cả hai phương diện là thời gian và không gian, được nói trong công thức Chư pháp hằng hữu và Tam thế thực hữu. Nguyên lý sinh thành và hoại diệt của các pháp được nằm trong ba phạm trù Nhân duyên quả. Nhưng Long Thọ đã cho ta hay rằng ba phạm trù ấy chỉ là ảo giác của trí tuệ mê lầm được tạo nên do đối lập và mâu thuẫn của nhận thức. Nhận thức bị giam cầm trong giới hạn của mâu thuẫn và đối lập đó nên nó luôn luôn đứng ở cực đoan này hay đứng ở cực đoan kia, và kết quả là không bao giờ nhìn thẳng được vào bản thân của thực tại Bát-bất-trung-đạo của Long Thọ là tẩy trừ cả hai cực đoan của nhận thức. Tẩy trừ đó mang tính chất vừa phá hủy vừa kết hợp của biện chứng.
Biện chứng pháp đó không những chỉ áp dụng cho quá trình gạn lọc tri thức mà còn phê phán cả những đối lập và mâu thuẫn của các học phái Phật giáo. Không những chỉ phê phán các học phái Phật giáo mà còn phê phán các giáo thuyết trong truyền thống Upanishad hay không Upanishad.
Với Kinh bộ, quan điểm hư vô của họ cũng bị chỉnh giáo. Không phải các pháp vì là giả hợp mà không, không phải vì nay còn mai mất mà không. Có hay không đều là hai cực đoan đối lập và mâu thuẫn của nhận thức. Phải vượt ra ngoài giới hạn kềm hãm của hai cực đoan ấy mới nhận thức chính xác được các pháp.
Pháp là Không, pháp phải nương vào nhiều pháp mới thành Thể, Thể lại vừa có Không (sinh, diệt), Thể cũng vừa Đi vừa Đến (khứ, lai), là tại sao vậy? Là bởi Thể có cái Dụng thuộc phần Tướng của Thể. Tướng ấy vừa đối lập nhau, vừa nương lẫn nhau mà trở nên Dụng. Long Thọ nói: Cái Dụng bởi nơi chủ động là cái Năng Tác Dụng mà có, Năng Tác Dụng vì chỗ sở Dụng mà thành. Năng Tác Dụng là cái Dụng của Tướng cũng là lẽ Động và Tĩnh của thực thể trong thế gian. Động và Tĩnh cùng hỗ trợ tương hủy diệt và cùng hỗ tương sinh thành. Ví như nước là thực thể. Nước dâng lên thành sóng để cho sóng tan đi, thế là nó vừa nương nhau mà sinh lại vừa phá nhau cho tan. Đấy là lẽ Động. Cái sóng tan đi thời nó lại trở lại Tĩnh: Tuy nhiên, trong cái Tĩnh ấy đã lại đương nuôi dưỡng cái sóng thứ hai cho nổi lên để là lại tan đi nữa. Như thế, là lẽ Động tĩnh vừa xung khắc lại vừa hòa hợp để cho thành cái Có và Không ấy vừa là thực tướng, vừa là hư tướng: và cái thực thể phải tựa vào cái Không mà thành Có, mới gọi là cái Có nhưng giả hình.
Trên đây là chủ trương Có mà Không, Không mà Có: nương nhau để phá hoại nhau, phá hoại nhau để nương nhau, xung khắc để hòa hợp, hòa hợp để xung khắc, trong quan niệm Trung quán của Long Thọ và về Trung đạo nhận để phủ nhận của Phật Thích Tôn theo phái Đại Thừa. Ý nghĩa của Trung Quán và Trung Đạo thực là sâu sắc nhiệm màu, con người chỉ có thể lấy trí tuệ mà chính giác, chứ khó mà dùng lời hay lấy bút mô tả cho xiết được.
Về lẽ nhận để phủ nhận của Phật Thích Tôn (như nhận là có Pháp, nhưng lại bảo Pháp là Không), Long Thọ còn thuyết rằng, muốn nắm vững được Trung Đạo nhận để phủ nhận ấy, phải thấu triệt đến Chân đế (paramārtha) của Phật giáo. Chân đế có hai: Nhất đế và Nhị đế. Nhất đế hay đệ nhất nghĩa đế, hay Thắng Nghĩa đế; Nhị đế là Thế đế hay Tục đế. Thắng nghĩa đế là phần Phật thuyết cao diệu để cứu độ bực trí tuệ hướng thẳng vào Trung quán để đến ngay Trung đạo (tức chứng quả thành Phật); nếu mê chấp thực hữu, thực vô thì chỉ ở tầm Nhị đế, dẫu có kiên trì tu đạo cũng phải qua cả trăm kiếp mới đắc quả Tục đế. Cho nên, người tu đạo Đại thừa là phải lý hội đến tận căn thâm về Lý của Pháp ấy là Không, để rồi từ Không ấy mà vào Trung đạo.
Về nguyên lý của “Pháp lý Không”, Long Thọ đã giải thích bằng thuyết Duyên Khởi (Pratityasamutpada). Sở dĩ các Pháp là Không mà trở thành Có là vì chúng do Duyên mà phát khởi; bởi đấy, Tướng ấy mới là Giả, cũng như cái Ta đây là phi-bản-ngã, là cái ta mượn, là có ta mà Không ta (vô ngã) vậy. Bởi phải có Duyên nên mới khởi, nên giáo thuyết Đại thừa mới là vô-tuyệt-đối chỉ có Tương-đối của Trung đạo mà thôi.
Nhân duyên sở sanh Pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc danh vi giả danh
Diệc danh Trung đạo nghĩa.
Đấy là tóm tắt cả lập trường căn bản của Trung quán luận; và đấy cũng chính là trọng tâm học thuận của học thuyết Trung Quán (Madhyamika) do Long Thọ lập nên.
Với Long Thọ thì Niết bàn không phải là có, cũng không phải là chẳng có, mà Niết-bàn là Không (Phi hữu, phi vô, duy không) – Ngài nói rằng: “Con người do ngũ uẩn tạo nên hình hài. Hình hài bởi nhân duyên mà bị chằng chịt vào các vòng Sinh, Tử, Vãng, Lai. Nay chính giác mà tự tháo bỏ ra ngoài cõi nhân duyên thì đấy là Niết-bàn. Cho nên, Luân hồi với Niết-bàn vốn không có khoảng cách; nhưng cả hai lại cùng chia để cùng nằm ở cả trong hai khoảng thực tại: mê chấp và chính giác. Mê chấp ấy là tự trói buộc bằng nhân duyên luân hồi; Chính giác ấy là tự thoát ra ngoài nhân duyên để sang Niết-bàn”. Tuy nhiên theo cái Lý của Trung đạo, cách tự giải thoát nhiệm mầu nhất là không cần biết đến có luân hồi hay có Niết bàn, không tham sống, không sợ chết, không quan niệm đến nhân duyên, không nhìn đến Pháp tướng, không biết thế nào là trói buột, không màng thế nào là giải thoát, lòng lâng lâng với quảng Không là đủ.
THÍCH MÃN GIÁC
[Tạp chí Tư tưởng số 1 – 1967]
Thảo luận về post