>>> Đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp | Tuệ Sỹ
Người trí xưa nay lấy trí tuệ làm sự nghiệp, kẻ ngu thích quyền cao chức trọng mà làm khổ đau thiên hạ. Không có tài năng và đạo đức càng làm lớn càng giết hại con người, xưa và nay chết vì chiến tranh không bao nhiêu mà chết vì ngu dốt mới là đáng trách.
Đức Phật khuyên chúng ta, nghe được một điều gì, phải suy nghĩ xem có đúng với chân lý hay không, khi đem ra thực hành có lợi mình, lợi người hay không, nếu có thì mới tin, không nên tin một cách mù quáng, thiếu trí tuệ.
Chúng ta cũng nên học đức Phật, đầu tư vào sự nghiệp trí tuệ. Muốn có trí tuệ thì chúng ta phải học. Đạo Phật gọi trí tuệ có được nhờ việc học là “văn tuệ”. Học ít thì biết ít, học nhiều thì biết nhiều, không học thì không biết. Giáo lý của đức Phật rất nhiều, được chép lại trong tam tạng kinh điển. Chúng ta học một bộ kinh thì biết một bộ kinh, học hai bộ kinh thì biết hai bộ kinh, học ba bộ kinh thì biết ba bộ kinh, học nhiều bộ kinh thì biết nhiều bộ kinh.
Tại sao đức Phật phải thuyết rất nhiều kinh? Vì chúng sinh có rất nhiều phiền não. Cũng giống như có nhiều loại bệnh thì cần phải có nhiều loại thuốc để đối trị. Chúng sinh nhiều phiền não khác nhau, nên đức Phật chỉ dạy nhiều phương pháp để giúp chúng sinh đối trị với các phiền não đó.
Bởi vậy, người học Phật cần phải học rộng nghe nhiều, không nên nói rằng: “Tôi tu chỉ cần tụng một bộ kinh Vô Lượng Thọ, hoặc một bộ kinh Pháp Hoa, hoặc một bộ kinh Đại Bảo Tích, hoặc một bộ kinh Hoa Nghiêm… là đủ, không cần tụng kinh gì khác nữa”. Nếu tụng một bộ kinh là đủ thì đức Phật dạy chúng ta nhiều bộ kinh để làm gì? Đức Phật là bậc tỉnh thức.
Trong mười danh hiệu của đức Phật, có ba danh hiệu là: Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc và Thế Gian Giải. Chánh Biến Tri là bậc hiểu biết đúng đắn khắp tất cả pháp. Minh Hạnh Túc là bậc có đầy đủ trí tuệ và từ bi. Thế Gian Giải là bậc hiểu biết tất cả mọi điều về thế gian. Trí tuệ và sự hiểu biết của đức Phật rộng lớn như biển nên Ngài mới có ba danh hiệu đó, và mới đủ tư cách làm thầy của trời, người. Là người học Phật, noi theo gương Ngài, chúng ta cũng phải mở rộng kiến thức của mình ra. Muốn trí tuệ của mình rộng như biển thì chúng ta phải thâm nhập kinh tạng, phải học Phật pháp.
Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, đức Phật cũng đã dạy chúng ta phải học rộng nghe nhiều mới có thể tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa tất cả mọi người, đến chỗ an vui, hạnh phúc. Muốn giáo hóa người khác, khuyên họ đi chùa, tìm hiểu hoặc tu học Phật pháp, trước tiên, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu rộng, nếu không thì không thể thuyết phục được họ.
Trong bốn lời nguyện lớn của một người học Phật, có một lời nguyện là: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Chúng ta phải học hết tất cả pháp môn, đọc hết tất cả kinh điển. Chúng ta đọc một bộ thì hiểu được một bộ, đọc hai bộ thì hiểu được hai bộ, càng đọc nhiều thì kiến thức của chúng ta càng mở rộng thêm. Người học Phật đừng bao giờ nghĩ rằng mình chỉ đọc một bộ kinh là đủ. Trên thực tế, nếu đọc tam tạng kinh điển, ta sẽ thấy đức Phật nói đến rất nhiều kiến thức từ Phật pháp, đến xã hội, và cả con người. Trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật đã nói về sự hình thành và phát triển của thai nhi qua từng tháng một, từ lúc mới thụ thai cho đến khi sinh ra. Nếu Ngài không có kiến thức về y học thì làm sao Ngài nói được chuyện như vậy. Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng mình chỉ cần biết tu thôi, không cần biết cái gì khác nữa. Nếu thế thì mình không thể là bậc đại trí, không thể là người học rộng hiểu nhiều được.
Người học Phật phải phát huy trí tuệ. Sau khi nghe xong một bài giảng của quý thầy, hoặc đọc xong một bộ kinh nào đó, chúng ta cần phải suy nghĩ, nếu thấy đúng thì tin, còn không đúng thì có quyền không tin. Cái hay của đạo Phật là không bắt người Phật tử phải tin tuyệt đối vào lời đức Phật dạy, hay lời quý thầy giảng. Đức Phật khuyên chúng ta, nghe được một điều gì, phải suy nghĩ xem có đúng với chân lý hay không, khi đem ra thực hành có lợi mình, lợi người hay không, nếu có thì mới tin, không nên tin một cách mù quáng, thiếu trí tuệ.
Sau khi đã suy nghĩ thật thấu đáo, thấy những lời dạy trong kinh, hay những lời giảng của quý thầy, là đúng thì chúng ta bước vào tu tập, thực hành. Đã thấy con đường đúng thì phải cất bước đi. “Lộ bất hành bất đáo, sự bất tác bất tri”. Biết đường mà không đi thì không thể nào đến đích. Biết chùa Hoằng Pháp mà cứ ngồi hoài ở nhà làm sao đến chùa được? Muốn đến thì phải đi, muốn no thì phải ăn. Nhìn một mâm cơm, thấy hết các loại thức ăn, biết món nào ngon món nào dở, nhưng không ăn thì không thể nào no bụng. Giáo pháp của đức Phật cũng vậy. Khi chúng ta đã học và hiểu rồi thì phải thực hành, có như thế mới đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội ở hiện tại cũng như tương lai.
Thảo luận về post