Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nay thuộc nước Nepal phía Bắc Ấn Độ, nơi Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha Gautama) đản sanh.
Lâm Tỳ Ni tọa lạc dưới chân dãy Himalaya. Cách 25 km về phía đông của kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa, nơi Thái tử đã sống đến 29 tuổi, trước khi đi xuất gia thành Phật. Lâm Tỳ Ni có một số ngôi chùa và đền thờ trong đó có đền thờ Hoàng hậu Mada. Ngoài ra tại đây còn có ao Puskarini hoặc Holy, nơi Hoàng hậu Mada đã làm lễ nhúng nước trước khi sinh đức Phật ra đời. Ngoài ra nơi đây còn phần còn lại của cung điện Ca Tỳ La Vệ.
Trong thời gian của Phật
Vào thời Đức Phật tại thế, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp và đầy màu xanh nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Hoàng hậu Mada đã hạ sinh ra đức Phật tại đây khi đang trên đường trở về nhà cha mẹ để sinh con đầu lòng theo tục lệ truyền thống của Ấn Độ lúc bấy giờ. Các tấm phù điêu tại đây mô tả cảnh Hoàng hậu Mada với tay phải cầm một nhánh của cây Vô Ưu (Asoka), đứa trẻ sinh ra đã đứng thẳng trên những cánh hoa sen,với sự xuất hiện của các chư thiên của nhà trời đến tán thán và rải hoa cúng dường.
Năm 249 TCN, khi vua A-dục vương (Ashoka) đến thăm Lâm Tỳ Ni, nó còn là một ngôi làng phồn thịnh. Vua A Dục đã cho xây dựng bốn ngôi tháp và một cột trụ bằng đá. Cây cột trụ bằng đá được khắc chữ và dịch ra như sau: “Ta là vua A Dục, là niềm tin tưởng của chư thiên, trong 20 năm trị vì này, ta đã thực hiện một chuyến thăm của hoàng gia đến nơi đức Phật được sinh ra tại đây… Lâm Tỳ Ni được giảm một phần tám thuế (chỉ)”
Đền thờ hoàng hậu Mada
Lâm Tỳ Ni đã bị bỏ quên trong nhiều thế kỳ. Năm 1895, Feuhrer, một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Đức đã phát hiện các trụ cột lớn tại đây trong khi ông đi đến các vùng đồi thấp của dãy núi Churia. Tiến hành thăm dò và khai quật khu vực xung quanh người ta phát hiện một ngôi đền bằng gạch và đá sa thạch điêu khắc những cảnh sinh thành của đức Phật.
Các giả thuyết được đưa ra rằng ngôi đền của hoàng hậu Mada đã được xây dựng trên nền tảng của một ngôi đền trước lớn hơn nhiều. Về phía nam của ngôi đền này có một cái hồ nổi tiếng thiêng liêng được biết đến như Puskarni. Người ta tin rằng hoàng hậu Mada đã tắm trong hồ này trước khi hạ sinh đức Phật. Vào năm 1996 một phát hiện khảo cổ quan trọng về một hòn đá mà vua A Dục vào năm 249 TCN đã dùng để đánh dấu vị trí nơi sinh của đức Phật vào 2600 năm trước. Nếu đúng vậy phát hiện này sẽ đưa Lâm Tỳ Ni nổi bật hơn trên bản đồ cho hàng triệu người hành hương trên thế giới theo đạo Phật.
Phát hiện
Những thế kỷ sau đó, Lâm Tỳ Ni thực sự trở thành niềm ao ước và điểm đến của những hành giả và học giả Phật giáo. Hai vị danh tăng Trung Hoa là Pháp Hiển (337-422) và Huyền Trang (602-664) – ít nhiều đã ghi lại những dấu tích về Lâm Tỳ Ni trong các tác phẩm để đời của các Ngài sau những lần chiêm bái quê hương Đức Phật. Và cũng nhờ vào các bộ “ký sự” của hai vị sư này, vào năm 1896 nhà khảo cổ người Nepal đã khai quật và phát hiện “sắc dụ Asoka” (trụ đá A Dục) trên vùng đất có tên “Rummindei” sau gần mười thế kỷ Lâm Tỳ Ni hoang phế, điêu tàn và rơi vào quên lãng, kể từ ngày các thánh địa Phật giáo bị tàn phá, khủng bố dưới bàn tay những kẻ cuồng tín Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ 11 đầu thế kỷ thứ 12.
Ngày nay
Năm 1997, UNESCO chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni trở thành di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ Ni.
Lâm Tỳ Ni hiện giờ chỉ có thể xây dựng các tu viện không cho xây dựng các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng. Hiện nay, khu này được chia thành hai khu là khu phía Tây và khu phía Đông. Phía Đông có các tu viện của Phật giáo Nam Tông, phía Tây có các tu viện của Phật giáo Bắc Tông.
Lâm Tỳ Ni hiện giờ đã là tàn tích so với năm xưa bao gồm một cây bồ đề, một hồ tắm xưa, một trụ cột do vua A-dục vương dựng nên và đền thờ hoàng hậu Mada.
– DƯỚI CÂY VÔ ƯU THỊ HIỆN ĐẢN SANH
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thảo luận về post