Kushinagar (Câu Thi Na) Nơi Đức Phật thị hiện Nhập Niết Bàn
Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha parinibbana sutta, DN 16) ghi lại các sự kiện trong năm cuối cùng của cuộc đời Đức Phật.
Từ thành Vương Xá (Rajagaha) Đức Phật đi bộ khoảng 90 km đến Xá Vệ (Vesali, Vaishali). Ngài nghỉ lại đó trong vài tháng mùa mưa. Sau đó từ Xá Vệ ngài đi lên phía bắc. Trên bản đồ lộ trình đi, có vẻ như ngài muốn đi về thành phố quê hương Kapilavastu của mình gần đó. Một thầy tu 80 tuổi, già nua yếu bệnh, qua cuộc bộ hành gần 400 km, hoàn toàn kiệt sức. Ngài đã đến Kushinagar và nhập diệt tại đây.
Vào thời Đức Phật, Kushinagar (Kusinara) là kinh đô của nước Mala. Bây giờ Kushinagar là một ngôi làng thuộc quận Kushinagar, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, rất gần biên giới với Nepal.
Khi Phật sắp nhập Niết bàn, Anan rất lo lắng cho tương lai, khi các đệ tử Phật không còn có sự hiện diện của đấng Thế Tôn trên cõi đời này. Đức Phật đã dăn dò lúc cuối rằng sau khi ngài nhập diệt, kẻ thiện tín nên viếng thăm bốn nơi được gọi là Thánh tích:
Này Ananda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?
“Ðây là chỗ Như Lai đản sanh“. Này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
“Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác“, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
“Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
“Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư Niết-bàn”, này Ananda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
Này Ananda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”, “Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, Nhập Vô dư y Niết-bàn”.
Này Ananda, và những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên.
…
Vào mùa an cư cuối cùng tại Vaishali, đức Phật tuyên bố rằng ngài sẽ nhập niết-bàn vô dư tại Kushinagar khi ngài tròn 80 tuổi, hoàn tất sứ mệnh truyền bá chân lý và đạo đức, chuyển mê, khai ngộ, giúp nhiều người giác ngộ, giải thoát.
Giữa rừng cây Ta-la, bên bờ sông Hiranyavati thuộc Kushinagar, đức Phật nằm nghiêng bên phải, chân trái áp lên chân phải, trong tư thế chánh niệm, làm chủ toàn thân, rồi nhắc nhở: “Này các đệ tử, tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ đừng buông lung”. Nói xong, đức Phật nhập vào thiền định và vô dư niết-bàn.
Lễ hỏa thiêu đức Phật được cử hành trọng thể tại Mukut Bandhan (Rambhar), tại đây, ngôi tháp lớn được xây dựng, về sau được đại đế A-dục trùng tu.
Sau lễ hỏa thiêu, dưới sự điều phối của Bà-la-môn Dona, toàn bộ xá-lợi của đức Phật được phân thành 8 phần, chia đều cho 8 vua trị vì 8 vương quốc miền Bắc Ấn Độ để xây tháp đá tôn thờ. Tám vương quốc được vinh dự nhận xá-lợi của Phật gồm:
1) Vua A-xà-thế (Ajatasattu) nước Ma-kiệt-đà (Magadha),
2) Bộ tộc Licchavi của vương quốc Tỳ-xá-ly (Vaishali),
3) Bộ tộc Thích-ca (Sakya) của Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu),
4) Bộ tộc Bulias của vương quốc Allakappa,
5) Bộ tộc Koliyans của vương quốc Ramagama,
6) Bà-la-môn ở Vethadipa,
7) Bộ tộc Malla ở Pava,
8 ) Bộ tộc người Malla ở Kushinagar.
Đến thế kỷ III TTL, các xá-lợi Phật được đại đế Asoka phân chia và tôn thờ trong 84.000 tháp do ông sắc dựng. Ngày nay các xá-lợi xương của Phật được tôn trí trong nhiều tháp khắp nơi trên thế giới.
Chúng tôi đến viếng nơi Phật nhập diệt, Kusinagar, vào lúc sáng sớm. Trời thật lạnh và dày đặc sương mù. Mới tờ mờ sáng mà con đường đến tháp tưởng niệm đã rất đông người.
Đoàn chúng tôi cũng chuẩn bị y để dâng cúng cho Đức Như Lai, và cùng nhau niệm Phật, đi kinh hành 3 vòng. Tâm chúng tôi như chợt lặng yên, xúc động và rơi lệ xót thương Như Lai và nghĩ mình thiếu phước duyên không sinh cùng thời Người để nghe người thuyết pháp chỉ dạy, để thoát khỏi kiếp nhân sinh đầy khổ đau, trầm luân…
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Thảo luận về post