Hán Dịch: Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch Việt
Thay Lời Tựa
Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.
Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatamsaka, có nghĩa là đóa hoa thanh khiết tuyệt đẹp nhất trần gian, ngát hương khắp mười phương các cõi pháp giới.
Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với Tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chơn lý Phật tánh, suốt thông pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát hạnh môn. Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng-sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng trong nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Ðó là bản tánh vô ngại của Tâm. Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và vô tình; lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh bất tư nghì vô ngại giải thoát làm thể. Ðó là ý nghĩa căn cốt của Kinh Hoa Nghiêm.
Bởi thế, nếu Kinh Ðại Bát Nhã tiêu biểu cho tư tưởng Phật Pháp đại thừa về lý chơn không vô ngại, thì Kinh Hoa Nghiêm đại biểu cho tư tưởng Phật Pháp đại-thừa về lý hữu hóa duyên sanh của vạn pháp.
Ngoài ra Kinh Hoa Nghiêm còn là một thông điệp, một bài học phong phú sinh động muôn đời, trao gởi cho hành giả có tâm hướng thượng đại-thừa, tu là cần phải học phải hành qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử tham bái cầu học đạo với năm mươi ba vị thiện tri thức, là bằng chứng cho ta thấy rằng tu học đạo bồ-đề điều tiên quyết cần phải khắc phục nội tâm cống cao ngã mạn, dục vọng loạn tưởng; ngoài thân khiêm cung cầu tiến hành trì phương pháp Hoa Nghiêm tuyệt đỉnh, tìm chân sư liễu ngộ mới mong hiển lộ được Phật tánh chơn tâm của mình.
Nên nghiên tầm ý nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm là khai mở quang lộ trở về bản tánh chơn tâm thanh tịnh sáng suốt thường nhiên ; là biết được tự thể của các pháp hiện hành trong thế giới vũ trụ ; là thấu suốt cội nguồn sanh sanh hóa hóa của hữu tình và vô tình chúng-sanh; là quán chiếu bí yếu mật nghĩa viên dung tương quan của tâm và cảnh, để rồi từ đó có thể thống triệt lý viên dung vô ngại chủ và khách của vạn pháp, hiện hành sanh hóa, tương duyên tương nhơn quả, tương sanh tương diệt. Tất cả vạn pháp toàn triệt ảnh hiện trên đài gương chơn như thể tánh. Thế nên, thọ trì Kinh Hoa Nghiêm là bước vào cửa phương tiện cầu tu học đạo, là nhân tố đặc thù hy hữu ly vọng hoàn chơn.
Bởi công đức đặc thù nhiệm mầu vi diệu của Kinh Hoa Nghiêm như thê, nên người có thiện duyên thấy Kinh Hoa Nghiêm mà biết phát tâm thành kính tin sâu, thì như chính mình được thấy Phật. Người thành tâm đọc Kinh Hoa Nghiêm như trực tiếp nghe Phật khai thị. Người chí thành phụng thờ Kinh Hoa Nghiêm như chính mình trực tiếp phụng thờ Phật. Người phát tâm bồ-đề ấn tống Kinh Hoa Nghiêm có công-đức như được cúng dường Phật, như được thỉnh Phật trụ thế chuyển pháp luân, như được dự vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm cao sâu, nhiệm mầu vi diệu như thế, nên những ai thành kính phát tâm ấn tống thọ trì kinh này, thì phải biết rằng người đó nhiều đời gieo thiện duyên bồ-đề, đã từng làm sứ giả của Phật và đã từng ở trong ngôi nhà chánh pháp.
Phật-Học-Viện Quốc-Tế nhận thấy thời mạt pháp này, pháp nhược ma cường, để cho chánh pháp đại thừa được trường tồn phổ cập nhân gian, làm rường cột cho niềm tin chánh đạo, ngõ hầu thức tỉnh quần mê sớm hồi đầu về bến giác. Nên nguyện cùng chư Phật tử bốn phương, đồng chí hướng đại thừa vô lượng đạo, đồng tâm thành kính in lại bộ kinh đại thừa quý giá này, để kết thiện duyên vô thượng bồ-đề, cùng các bạn hiền đang hướng nguyện tiến bước theo gót chân Phật trở về giác tánh chân như.
Ngưỡng nguyện chư tôn thiền đức và các bậc thiện hữu tri thức Phật tử gần xa phát tâm hoan hỷ hộ trì.
Thành tâm kính lậy Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo tác đại chứng minh.
Phật Ðản 2532 – Mậu Thìn 1988
THÍCH ÐỨC NIỆM
Lời Nói Ðầu Của Dịch Giả
Khảo cứu theo truyền sử trong đại-tạng, khi thành đạo Vô-thượng Chánh-giác, chưa vội rời đạo-tràng Bồ-Ðề, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật với pháp-thân Tỳ-Lô-Giá-Na, cùng chư đại Bồ-Tát chứng giải-thoát-môn, tuyên thuyết Kinh Hoa-Nghiêm.
Sau khi đức Phật nhập diệt lối sáu trăm năm, do Long-Thọ Bồ-Tát, Kinh Hoa-Nghiêm này mới được lưu truyền bằng phạn-văn. Toàn bộ Kinh chữ Phạn có một trăm ngàn bài kệ, chia làm bốn mươi tám phẩm.
Ðến nhà Ðường, Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà từ nước Vu-Ðiền mang bổn Kinh chữ Phạn này sang Trung-Quốc dịch ra Hán văn. Nhưng Ðại-Sư chỉ dịch ra được ba mươi chín phẩm, từ phẩm ‘Thế-Chủ Diệu-Nghiêm’ đến phẩm ‘Nhập-Pháp-Giới’, cộng có ba mươi sáu ngàn bài kệ theo Phạn-văn, còn lại chín phẩm sáu mươi bốn ngàn bài kệ Phạn-văn chưa được dịch ra Hán-văn.
Kế đó, Pháp-Sư Bác-Nhã, người Kế-Tân dịch thêm phẩm Phổ-Hiền-Hạnh-Nguyện ra Hán-văn, thành phẩm thứ bốn mươi của bộ Kinh Hoa-Nghiêm này.
Nguyên bổn chữ Hán chia ra làm tám mươi mốt quyển. Vì xét thấy chia quyển ra như thế, có nhiều phẩm bị cắt ra làm hai ba quyển hoặc nhiều hơn, thành thử mạch văn bị gián đoạn, nên khi phiên dịch ra Việt-văn, tôi chỉ lấy phẩm mà không theo quyển của bổn chữ Hán. Tuy nhiên, tôi vẫn chia số quyển của bổn chữ Hán trong bổn Việt-văn này, để tiện sự so cứu cho người đọc.
Kinh này gọi đủ là ‘Ðại-Phương-Quảng Phật Hoa-Nghiêm’, ta quen gọi là Kinh Hoa-Nghiêm.
Nội dung của Kinh này đứng trên cảnh-giới bất-tư-nghì giải-thoát, chư pháp-thân Ðại-Sĩ thừa oai thần của đức Phật tuyên dương công-đức cùng cảnh-giới của chư Phật và xương minh nhơn hạnh xứng tánh bất-tư-nghì của chư đại Bồ-Tát.
Kinh Hoa-Nghiêm này đã hoàn toàn ở trong lãnh vực xứng tánh bất-tư-nghì giải-thoát mà xương minh, nên mỗi lời mỗi câu trong Kinh này đều lấy toàn thể pháp-giới tánh làm lượng. Ðã là toàn thể pháp-giới tánh nên tất cả Giáo, Lý, Hạnh, Quả nơi đây đều dung thông vô-ngại, nên cũng gọi là vô-ngại pháp-giới.
Từng bực cứu cánh của vô-ngại pháp-giới là Sự-sự vô-ngại pháp-giới, chỗ chứng nhập hoàn toàn của chư Phật mà chư pháp-thân Bồ-Tát thời được từng phần.
Muốn hiểu thấu phần nào cảnh-giới trên đây, người học đạo cần phải biết rõ bốn pháp-giới, bốn cấp bực mà chư đại-thừa Bồ-Tát tuần tự tu chứng :
1. Lý vô-ngại pháp-giới
2. Sự vô-ngại pháp-giới
3. Lý sự vô-ngại pháp-giới
4. Sự-sự vô-ngại pháp-giới
‘Lý’ tức là chơn-lý thật-tánh, là thể tánh chơn thật của tất cả pháp, nên cũng gọi là pháp-tánh hay pháp-giới-tánh, chơn-như-tánh. Tất cả pháp trong vũ trụ đều đồng một thể tánh chơn thật ấy. Thể-tánh ấy dung thông vô-ngại, nên gọi là ‘Lý vô-ngại pháp-giới’. Người chứng được lý vô-ngại này chính là bực thành-tựu căn-bổn-trí, mà bắt đầu dự vào hàng pháp-thân Bồ-Tát.
Tất cả pháp ‘Sự’ đều đồng một thể-tánh chơn-thật, tức là đồng lấy pháp-tánh làm tự thể. Toàn-thể ‘Sự’ là pháp-tánh, mà pháp-tánh đã viên-dung vô-ngại, thời toàn sự cũng vô-ngại, nên gọi là ‘Sự vô-ngại pháp-giới’. Người chứng được pháp-giới này chính là bực pháp-thân Bồ-Tát thành-tựu sai-biệt-trí (cũng gọi là quyền-trí, tục-trí, hậu-đắc-trí).
Lý là thể-tánh của ‘Sự’ (tất cả pháp), ‘Sự’ là hiện-tượng của ‘Lý-tánh’. Vậy thời lý-tánh tức là lý-tánh của sự, còn sự lại là sự-tướng của lý-tánh. Chính Lý-tánh là toàn-sự, mà tất cả sự là toàn Lý-tánh, nên gọi là ‘Lý-sự vô-ngại pháp-giới’. Người chứng được lý-sự pháp-giới này thời là bậc pháp-thân Bồ-Tát đồng thời hiển phát cả hai trí (căn-bổn-trí và sai-biệt-trí).
Tất cả sự đã toàn đồng một thể-tánh mà thể-tánh thời dung thông không phân chia riêng khác, nên bất luận là một sự nào cũng đều dung nhiếp tất cả sự, và cũng đều tức là tất cả sự, một sự nhiếp và tức tất cả sự, tất cả sự nhiếp và tức một sự. Thế là sự-sự vô-ngại tự-tại, nên gọi là ‘Sự-sự vô-ngại pháp-giới’. Người chứng được Sự-sự pháp-giới này là bực pháp-thân Bồ-Tát thành-tựu nhứt-thiết chủng-trí. Viên-mãn trí này chính là Ðấng Vô-Thượng-Giác (Phật Thế-Tôn ).
Sự-sự vô-ngại pháp-giới dung thông tự-tại, nội dung của toàn bộ Kinh Hoa-Nghiêm, được chứng minh trên toàn thể văn Kinh này. Nay xin lược dẫn một vài đoạn văn rõ nhứt để chư học-giả tiện tham cứu:
Sự-sự là tất cả sự hoặc là tất cả pháp, tức là toàn thể không-gian và thời-gian.
Về không-gian dung thông vô-ngại văn Kinh nói:
Bao nhiêu vi-trần trong thế-giới
Trong mỗi vi-trần thấy các cõi
Bửu quang hiện Phật vô lượng số
Cảnh-giới tự-tại của Như-Lai
……….
Vô-lượng vô-số núi Tu-Di
Ðều đem để vào một sợi lông,
Một thế-giới để vào tất cả
Tất cả thế-giới để vào một,
Thể tướng thế-giới vẫn như cũ
Vô-đẳng vô-lượng đều cùng khắp.
……….
Trong một chân lông đều thấy rõ
Vô-số vô-lượng chư Như-Lai
Tất cả chân lông đều thế cả
Tôi nay kính lạy tất cả Phật
……….
Về thời-gian dung-thông vô-ngại văn Kinh nói :
Kiếp quá-khứ để hiện, vị-lai,
Kiếp vị-lai để quá, hiện-tại,
Ba đời nhiều kiếp là một niệm
Chẳng phải dài vắn : hạnh giải-thoát.
……….
Tôi hay thâm nhập đời vị-lai
Tất cả kiếp thâu làm một niệm,
Hết thảy những kiếp trong ba đời
Làm khoảng một niệm tôi đều nhập.
……….
Về không-gian và thời-gian dung thông vô-ngại nhau, văn Kinh nói:
Khắp hết mười phương các cõi nước
Mỗi đầu lông đủ có ba đời
Phật cùng quốc-độ số vô-lượng
Tôi khắp tu hành trải trần kiếp.
Trong một niệm tôi thấy ba đời
Tất cả các đấng Nhơn-Sư-Tử
Cũng thường vào trong cảnh-giới Phật
Như-huyễn, giải-thoát và oai-lực.
Tất cả sự không ngoài thời-gian và không-gian. Thời-gian dung thông thời-gian, không-gian dung thông không-gian, thời-gian dung thông không-gian, không-gian dung thông thời-gian. Một không-gian dung thông tất cả không-gian, một thời-gian dung thông tất cả thời-gian, tất cả dung thông với một, thời-gian với không-gian, một cùng tất cả cũng đều dung thông như vậy. Ðây chính là Sự-sự vô-ngại pháp-giới, mà cũng chính là cảnh-giới giải-thoát bất-tư-nghì mà Kinh Hoa-Nghiêm này lấy đó làm nội-dung như đã nói ở trên.
…………
Lược giải một vài điều, để giúp phần nào cho học-giả khi cần thấy phải thấu triệt nội-dung của Kinh này. Vị nào muốn nghiên cứu đầy đủ xin xem bộ Hoa-Nghiêm đại-sớ của Tổ Thanh-Lương và Thập-huyền-môn của Tổ Hiền Thủ.
Tôi thành kính đem công-đức phiên dịch Việt-văn này hồi hướng cho tất cả chúng-sanh đồng về Tịnh-Ðộ, đồng sớm thành Phật.
Viết tại chùa Vạn Ðức
Thủ Ðức ngày Phật nhập Niết-Bàn
Rằm tháng Hai 2508
Dịch-Giả Hân-Tịnh Tỳ-Kheo / Thích Trí Tịnh
Trì tụng kinh Phổ Hiền sẽ có công đức vô lượng
“Này Thiện nam tử! Mười phương Phật nói công đức của Như Lai trải số kiếp nhiều như cực vi trần trong bất khả thuyết; bất khả thuyết cõi Phật, cũng không nói hết được. Ai muốn trọn đủ công đức ấy phải tu mười đại hạnh nguyện Phổ Hiền!”.
Nói đến Bồ tát Phổ Hiền là nói đến Đức hạnh, sự tu hành tinh tấn, giới luật nghiêm minh. Đại nguyện của Ngài là đại nguyện của chư Bồ Tát nói chung, biểu hiện cho giới đức, cho sự tinh tấn tu tập, đưa giáo pháp của Đức Phật đến với mọi chúng sinh, cho đến khi cùng với mọi chúng sinh được giải thoát tối hậu Niết bàn.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, Đức Phật dạy về hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền như sau: “Các ông nghe hạnh nguyện vương mà chớ sinh lòng ngờ, phải nên chân thật nhận lấy, nhận rồi nên đọc, đọc rồi nên tụng, tụng rồi nên trì, cho đến biên chép, nói rộng cho người. Những người ấy trong một niệm, tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, đạt được vô lượng vô biên công đức, có thể ở trong biển khổ phiền não lớn cứu vớt chúng sinh, khiến họ xuất ly, đều vãng sinh thế giới Cực Lạc của Phật A-Di-đà”. Tin theo lời Phật, chúng ta tin và hành theo Bồ tát Phổ Hiền, đặc biệt là sự nỗ lực trì tụng và thực hành hết khả năng theo mười hạnh nguyện của Ngài.
Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ 28 – Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát – ngài Phổ Hiền có nguyện với Phật về 500 năm sau có ai thọ trì Kinh Pháp Hoa, ngài sẽ cỡi voi trắng đến hộ trì, không cho ma, quỷ đến não hại.
Ngài dạy rằng nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu ngài; thấy và chạm đến thân ngài; hay nằm mộng thấy ngài; hoặc tưởng niệm đến ngài trong một ngày đêm hay nhiều hơn thì không còn thối chuyển. Chúng sinh nào nghe thấy thân ngài thanh tịnh thì tất được sinh trong thân thanh tịnh.
Vì thế nên nếu người trì tụng nguyện này, thì đi trong thế gian không bị chướng ngại, như mặt trăng giữa lừng ra khỏi mây mù, các Ðức Phật, Bồ Tát đều khen ngợi, tất cả hàng Nhân Thiên đều nên lễ kính, tất cả chúng sinh đều nên cúng dường. Người Thiện Nam Tử này trọn được thân người, đầy đủ bao nhiêu công đức của ngài Phổ Hiền, chẳng bao lâu sẽ như Phổ Hiền Bồ Tát mau được thành tựu sắc thân vi diệu, đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, nếu sinh ở cõi người hay trời thì thường ở dòng cao quý, trọn có thể phá hoại tất cả đường ác, trọn có thể xa lìa tất cả bạn dữ, trọn có thể chế phục tất cả ngoại đạo, trọn có thể giải thoát tất cả phiền não, như sư tử vương dẹp phục bầy thú. Kham lãnh thọ sự cúng dường của tất cả chúng sinh.
Này Thiện Nam Tử! Các chúng sinh kia hoặc nghe, hoặc tin nơi nguyện vương rộng lớn này, rồi thọ trì đọc tụng và giảng nói cho người nghe. Công đức của chúng sinh kia chỉ có Ðức Phật Thế Tôn biết, ngoài ra không ai hiểu thấu. Vì thế nên những người được nghe Mười điều nguyện vương này chớ sinh lòng nghi ngờ, nên phải lãnh thọ, thọ rồi nên đọc, đọc rồi có thể tụng thuộc, tụng thuộc rồi nên gìn giữ luôn, cho đến biên chép vì người mà giảng nói. Những người như vậy, trong một niệm tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, được phúc vô lượng vô biên. Có thể ở trong biển khổ phiền não cứu vớt chúng sinh, khiến chúng được giải thoát, đều được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà.
(Trích Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền)
KINH VĂN
(Khi trì tụng các kinh, hành giả thực hành theo các nghi thức khai kinh thường tụng: Đảnh lễ Tam bảo, tụng chú Đại bi, tụng Kinh văn, Bát nhã, Hồi hướng)
PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN
THỨ BỐN MƯƠI
Hán bộ quyển thứ 81
Lúc bấy giờ ngài Phổ Hiền đại Bồ Tát khen ngợi công đức thù thắng của đức Như Lai rồi, bèn bảo các vị Bồ Tát và Thiện Tài rằng: “Này Thiện Nam Tử! Công đức của Như Lai, giả sử cho tất cả các đức Phật ở mười phương, trải qua số kiếp nhiều như cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật diễn nói không ngừng, cũng không thể trọn hết được.
Nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn. Những gì là mười điều?
Một là kính lễ các đức Phật.
Hai là khen ngợi đức Như Lai.
Ba là rộng sắm đồ cúng dường.
Bốn là sám hối các nghiệp chướng.
Năm là tùy hỉ các công đức.
Sáu là thỉnh đức Phật thuyết pháp.
Bảy là thỉnh đức Phật ở lại đời.
Tám là thường học tập theo Phật.
Chín là hằng thuận lợi chúng sanh.
Mười là hồi hướng khắp tất cả.
Thiện Tài bạch rằng: “Ðại Thánh! Lễ kính như thế nào? cho đến hồi hướng như thế nào?”.
Phổ Hiền Bồ Tát bảo Thiện Tài rằng: “Này thiện nam tử ! Nói “Lễ kính các đức Phật” là như vầy:
Bao nhiêu các đức Phật Thế Tôn nhiều như số cực vi trần trong cõi Phật khắp pháp giới hư không giới mười phương ba đời, tôi do nơi hạnh nguyện của Phổ Hiền thâm tâm tín giải như đối trước mắt, đều dùng thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh thường tu hạnh lễ kính. Nơi mỗi đức Phật đều hóa hiện thân nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi thân đều khắp lễ kính các đức Phật nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Cõi hư không kia hết, sự lễ kính của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không chẳng cùng tận nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận. Nhẫn đến cõi chúng sanh hết, nghiệp chúng sanh hết, phiền não chúng sanh hết, sự lễ kính của tôi mới dứt. Nhưng cõi chúng sanh cho đến phiền não chẳng hết, nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử! “Nói “Khen ngợi đức Như Lai” là như vầy:
Bao nhiêu số cực vi trần trong cõi nước khắp cùng hư không pháp giới mười phương ba đời, trong mỗi cực vi đều có các đức Phật nhiều như số cực vi trong tất cả thế gian. Nơi mỗi đức Phật, đều có rất đông Bồ Tát vây quanh nhóm họp. Tôi phải trọn dùng sức thậm thâm thắng giải tri kiến hiện tiền, đều dùng lưỡi vi diệu hơn Biện Tài Thiên Nữ. Mỗi lưỡi phát xuất vô tận âm thinh hải. Mỗi âm thinh phát xuất tất cả ngôn từ hải, khen ngợi các công đức hải của tất cả đức Như Lai, ca ngợi đến tột đời vị lai nối luôn không dứt, khắp cả pháp giới, không sót chỗ nào. Như vậy hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não đều hết, thời sự khen ngợi công đức chư Phật của tôi đây mới cùng tận. Nhưng cõi hư không kia cho đến phiền não của chúng sanh chẳng cùng tận, nên sự khen ngợi của tôi cũng không cùng tận, nên sự khen ngợi của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử! “Nói “Rộng sắm đồ cúng dường” là như vầy:
Bao nhiêu số vi trần trong khắp cõi Phật cùng hư không pháp giới mười phương ba đời, trong mỗi cực vi trần đều có chư Phật như số cực vi trong tất cả thế giới, nơi mỗi đức Phật có vô số Bồ Tát vây quanh nhóm họp. Tôi dùng sức hạnh nguyện của Ngài Phổ Hiền mà khởi lòng tín giải rất sâu và hiện tiền tri kiến, đều đem đồ cúng dường thượng diệu mà cúng dường pháp hội của Phật. Như là mây hoa, mây tràng hoa, mây âm nhạc cõi trời, mây tàn lọng cõi trời, mây y phục cõi trời, các thứ hương trời: hương xoa, hương đốt, hương bột. Các thứ mây trên đây thảy đều nhiều lớn như núi Tu Di. Lại thắp các thứ đèn, đèn tô lạc, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm mỗi tim đèn lớn như núi Tu Di, dầu trong đèn như nước bể cả. Ðem các thứ đồ cúng dường như trên để thường cúng dường.
Thiện nam tử ! Trong các thứ cúng dường, pháp cúng dường là hơn hết. Pháp cúng dường là: Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sanh để cúng dường, chịu khổ thế cho chúng sanh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường, siêng năng tu tập căn lành để cúng dường, không bỏ hạnh Bồ Tát để cúng dường, chẳng rời tâm Bồ Ðề để cúng dường.
Thiện nam tử ! Như vô lượng công đức của sự cúng dường trước kia sánh với một niệm công đức của pháp cúng dường, thời không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn, cu chi na do tha, một phần ca la, một phần toán, một phần số, một phần dụ, cũng chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà. Vì sao? Vì các đức Như Lai tôn trọng chánh Pháp. Vì theo đúng như lời Phật dạy mà tu hành thì sanh ra các đức Phật. Nếu các Bồ Tát thật hành pháp cúng dường, thì trọn nên sự cúng dường Phật. Tu hành như vậy mới thật là sự cúng dường. Nên Pháp cúng dường là sự cúng dường rộng lớn hơn tất cả. Cõi hư không cùng tận cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự cúng dường của tôi mới cùng tận, nhưng cõi hư không cho đến phiền não chẳng cùng tận nên sự cúng dường của tôi cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân, khẩu, ý nghiệp không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử! Nói “Sám hối nghiệp chướng” là như vầy:
Bồ Tát tự nghĩ rằng: Tôi từ vô thỉ kiếp về qúa khứ, do lòng tham lam, giận dữ, ngu si khiến thân, khẩu, ý tạo vô lượng vô biên nghiệp ác. Nếu các nghiệp ác này mà có hình tướng, thì khắp cõi hư không cũng chẳng thể đựng chứa hết được. Nay tôi đem trọn cả ba nghiệp trong sạch đối trước các đức Phật và chúng Bồ Tát khắp cực vi trần cõi nước trong Pháp giới, thành tâm sám hối, về sau không tái phạm nữa, thường an trụ nơi giới pháp trong sạch đầy đủ công đức lành. Như vậy hư không giới cùng tận, chúng sanh giới cùng tận, chúng sanh nghiệp cùng tận, chúng sanh phiền não cùng tận, thì sự sám hối của tôi mới cùng tận, nhưng hư không giới cho đến chúng sanh phiền não chẳng cùng tận, nên sự sám hối của tôi đây cũng không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở thân, khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử! “Nói “Tùy hỉ công đức” là như vầy:
Bao nhiêu đức Phật như số vi trần trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời, từ khi mới phát tâm vì muốn chúng sanh Nhứt thiết trí mà siêng tu cội phước chẳng tiếc thân mạng, trải qua số kiếp như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi kiếp đều thí xả đầu, mắt, tay, chân v.v…nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật, làm tất cả những hạnh khó làm như vậy, đầy đủ các món ba la mật, chứng nhập các trí địa của Bồ Tát, trọn nên qủa Vô Thượng Bồ Ðề của chư Phật, cho đến nhập Niết Bàn phân chia xá lợi. Bao nhiêu căn lành ấy tôi đều tùy hỷ cả.
Ðến các loài lục thú, tứ sanh trong tất cả mười phương thế giới kia có bao nhiều công đức, dầu nhỏ như mảy trần, tôi đều tùy hỷ.
Mười phương ba đời tất cả các vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, hữu học và vô học có bao nhiêu công đức tôi đều tùy hỷ.
Tất cả chư Bồ Tát tu hạnh cần khổ khó làm, chí cầu qủa Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ Ðề công đức rộng lớn, tôi đều tùy hỷ. Như vậy, hư không giới cùng tận, chúng sanh giới cùng tận, chúng sanh nghiệp cùng tận, chúng sanh phiền não cùng tận, sự tùy hỷ của tôi đây không có cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử ! Nói “Thỉnh đức Phật thuyết pháp” là thế này:
Trong số cực vi khắp hư không pháp giới mười phương ba đời tất cả cõi Phật. Mỗi cực vi đều có cõi Phật rộng lớn nhiều như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi cõi trong một niệm đều có tất cả chư Phật thành Chánh Ðẳng Chánh Giác số đông như số cực vi trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật, tất cả chúng Bồ Tát nhóm họp vây quanh. Tôi đều đem thân, khẩu, ý ba nghiệp dùng những phương tiện ân cần khuyên mời tất cả Phật nói pháp nhiệm mầu. Như vậy, hư không giới cùng tận, chúng sanh nghiệp cùng tận, chúng sanh phiền não cùng tận, tôi luôn khuyên mời tất cả các đức Phật chuyển pháp luân chơn chánh không cùng tận, niệm niệm nối ý luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử! “Nói “Thỉnh Phật ở lại đời” là như vầy:
Các đức Như Lai như số cực vi trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời toan muốn thị hiện nhập Niết Bàn, cùng các Bồ Tát, Thinh Văn, Duyên Giác, hữu học, vô học, cho đến tất cả các bậc thiện tri thức, tôi đều khuyên mời xin đừng nhập Niết Bàn, xin ở lại đời trải qua số kiếp như vi trần trong tất cả cõi Phật, vì muốn cho tất cả chúng sanh được lợi lạc. Như vậy, cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự khuyên mời của tôi đây vẫn không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử! “Nói “Thường học tập theo Phật” là như vầy:
Như đấng Tỳ Lô Giá Na Phật ở cõi Ta Bà đây, từ khi mới phát tâm tinh tấn không trễ lui, đem bất khả thuyết bất khả thuyết thân mạng ra mà bố thí. Lột da làm giấy, chẻ xương làm viết, chích máu làm mực, dùng biên chép kinh điển chất cao như núi Tu Di, vì tôn trọng chánh pháp nên Phật không tiếc thân mạng, huống là ngôi vua, thành ấp, cung điện, vườn, rừng v.v..
Cùng thật hành bao nhiều hạnh khó làm khác, nhẫn đến ngồi dưới cây thành qủa đại Bồ Ðề, thị hiện các thứ thần thông, khởi các sự biến hóa, hiện các thân Phật ở trong những chúng hội: hoặc ở trong chúng hội đạo tràng của các vị đại Bồ Tát, hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Thinh Văn, Duyên Giác, hoặc ở trong đạo tràng của Chuyển Luân Vương, các vị Tiểu Vương cùng quyến thuộc, hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Cư Sĩ, Trưởng Giả, Bà La Môn cùng Sát Ðế Lợi, nhẫn đến hoặc ở trong đạo tràng của chúng hội Thiên, Long, Bát Bộ, Nhơn, Phi Nhơn v.v…ở trong các chúng hội như vậy, dùng tiếng viên mãn như đại lôi chấn, tùy theo căn tánh của mỗi loại mà giáo hóa cho chúng sanh đều được thành thục. Nhẫn đến thị hiện nhập Niết Bàn. Cả thảy hạnh đức như thế tôi đều học tập theo. Như đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na hiện nay, các đức Phật Như Lai như số vi trần trong tất cả cõi Phật khắp hư không pháp giới mười phương ba đời cũng như thế ấy, trong mỗi niệm tôi đều học tập theo. Như vậy, cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự tùy học của tôi đây vẫn không cùng tận niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân, khẩu, ý không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử! “Nói “Hằng thuận lợi chúng sanh” là như vầy:
Bao nhiêu chúng sanh sai khác trong tất cả cõi ở mười phương pháp giới, hư không giới, chính là những loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, các loài nương nơi chất tứ đại mà sanh, có giống nương nơi hư không cùng cây cỏ mà sanh. Các giống sanh loại: các thứ sắc thân, các thứ hình trạng, các thứ tướng mạo, các thứ thọ lượng, các thứ tộc loại, các thứ danh hiệu, các thứ tâm tánh, các thứ tri kiến, các thứ dục lạc, các thứ ý hành, các thứ oai nghi, các thứ y phục, các thứ ăn uống, ở trong các thôn dinh, thành ấp, cung điện, nhẫn đến tất cả Thiên, Long, Bát Bộ, Nhơn, Phi Nhơn v.v…loài không không chân, loài hai chân, bốn chân, nhiều chân, loài có hình sắc, loài không có hình sắc, loài có tâm tưởng, loài không có tâm tưởng, loài chẳng phải có tâm tưởng chẳng phải không tâm tưởng. Các loài như vậy tôi đều tùy thuận tất cả mà thật hành các sự vâng thờ, cúng dường, như kính cha mẹ, như thờ bậc thầy, cùng A La Hán, nhẫn đến như đức Như Lai đồng nhau không khác. Trong các loài ấy, nếu là kẻ có bịnh thì tôi vì họ mà làm lương y, nếu ai bị lạc đường thì tôi vì họ mà chỉ cho con đường chánh, nơi đêm tối tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng, người nghèo thiếu tôi làm cho được của báu. Bồ Tát bình đẳng lợi ích cho chúng sanh như vậy.
Vì sao thế? Vì Bồ Tát nếu có thể tùy thuận chúng sanh, thì chính là tùy thuận cúng dường các đức Phật. Còn tôn trọng và thừa sự chúng sanh thì chính là tôn trọng và thừa sự các đức Như Lai. Nếu làm cho chúng sanh vui mừng thì chính là làm cho tất cả đức Như Lai vui mừng. Vì sao thế? Vì các đức Như Lai dùng tâm đại bi mà làm thể. Nhơn nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bi, nhơn lòng đại bi mà phát tâm bồ đề, nhơn vì nơi tâm bồ đề mà thành bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Ví như giữa chốn sa mạc có cây thọ vương to lớn, nơi gốc cây ấy được nước rưới nhuần, thì cành lá hoa qủa thảy đều sum suê tươi tốt.
Cây thọ vương Bồ đề ở chốn sá mạc sanh tử rộng lớn cũng như vậy: tất cả chúng sanh là gốc rễ, Bồ Tát là hoa, Phật là qủa. Dùng nước đại bi đượm nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể trổ bông Bồ Tát trí huệ kết thành qủa Phật toàn giác.
Vì sao thế? Bởi các Bồ Tát dùng nước đại bi làm lợi ích chúng sanh, thì có thể thành tựu qủa Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Cho nên qủa Bồ Ðề thuộc về chúng sanh, vì nếu không chúng sanh, tất cả Bồ Tát trọn không thể thành đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Này thiện nam tử! Ông ở nơi nghĩa ấy nên hiểu như thế.
Bởi đối với chúng sanh mà tâm bình đẳng thì có thể sanh lòng đại bi đầy đủ hoàn toàn. Dùng tâm đại bi mà tùy thuận chúng sanh thì có thể thành tựu pháp cúng dường Như Lai. Bồ Tát tùy thuận chúng sanh như thế ấy.
Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự tùy thuận chúng sanh của tôi vẫn không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.
Lại này thiện nam tử! “Nói “Hồi hướng khắp tất cả” là như vầy:
Từ sự lễ kính ban đầu nhẫn đến tùy thuận có bao nhiêu công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không pháp giới. Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, không các bịnh khổ, muốn thật hành pháp ác thảy đều không thành, còn tu nghiệp lành thì đều mau thành tựu. Ðóng chặt cửa của tất cả các ác thú, mở bày đường chánh Nhơn Thiên Niết Bàn. Nếu các chúng sanh nhơn vì trước kia chứa nhóm các nghiệp ác nên chiêu cảm tất cả qủa rất khổ, tôi đều chịu thế cho, khiến chúng sanh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu qủa Vô Thượng Bồ Ðề. Bồ Tát tu hạnh hồi hướng như vậy. Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận, sự hồi hướng của tôi vẫn không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mỏi.
Này thiện nam tử ! Ấy là mười điều nguyện lớn đầy đủ viên mãn của đại Bồ Tát. Nếu các vị Bồ Tát ở nơi mười điều nguyện lớn này mà tùy thuận tu hành, thì có thể thuần phục tất cả chúng sanh, thì có thể tùy thuận đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thì có thể trọn đủ các hạnh nguyện hải của ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Này thiện nam tử! Do cớ ấy ở nơi các nghĩa trên đây ông nên hiểu biết như vậy.
Nếu có thiện nam tử, thiên nữ nhơn dùng bảy món báu thượng diệu và đồ an lạc tối thắng của Nhơn Thiên, rất nhiều đến nỗi dẫy đầy tất cả thế giới như số cực vi trong vô lượng vô biên bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật khắp mười phương, đem bố thí cả cho bao nhiêu chúng sanh trong ngần ấy thế giới, cúng dường cả cho các đức Phật cùng Bồ Tát trong ngần ấy thế giới trải qua vô số kiếp như số cực vi trong ngần ấy cõi Phật nối luôn không dứt, cúng dường bố thí như vậy được bao nhiêu công đức, đem sánh với công đức của người một phen nghe mười điều nguyện vương này, thì công đức trước không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, nhẫn đến cũng không bằng một phần ưu ba ni sa đà của công đức nghe kinh này.
Hoặc có người dùng lòng tin sâu chắc ở nơi mười điều nguyện rộng lớn này thọ trì đọc tụng, cho đến biên chép một bài kệ bốn câu, thì sớm có thể dứt trừ được năm nghiệp vô gián, cả thảy thân bệnh, tâm bệnh, khổ não trong thế gian, cho đến tất cả các ác nghiệp nhiều như số cực vi trong cõi Phật đều được tiêu trừ, tất cả các quân ma, qủi Dạ Xoa, Qủy La Sát, hoặc qủi Cưu Bàn Trà, Tỳ Xá Xà, Bộ Ða v.v.. các quỷ thần hung ác uống máu ăn thịt thảy đều lánh xa. Hoặc là có gần đến thì là hạng phát tâm theo hộ trì.
Vì thế nên nếu người trì tụng nguyện này, thì đi trong thế gian không bị chướng ngại, như mặt trăng giữa lừng ra khỏi mây mù, các đức Phật, Bồ Tát đều khen ngợi, tất cả hành Nhơn Thiên đều nên lễ kính, tất cả chúng sanh đều nên cúng dường. Người thiện nam tử này trọn được thân người, đầy đủ bao nhiêu công đức của ngài Phổ Hiền, chẳng bao lâu sẽ như Phổ Hiền Bồ Tát mau được thành tựu sắc thân vi diệu, đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, nếu sanh ở cõi người hay trời thì thường ở dòng cao qúy, trọn có thể phá hoại tất cả đường ác, trọn có thể xa lìa tất cả bạn dữ, trọn có thể chế phục tất cả ngoại đạo, trọn có thể giải thoát tất cả phiền não, như sư tử vương dẹp phục bầy thú. Kham lãnh thọ sự cúng dường của tất cả chúng sanh.
Lại người này lúc lâm chung, phút cuối cùng, tất cả căn thân đều hư hoại, tất cả thân thuộc đều phải bỏ lìa, tất cả oai thế đều bị thối thất, cho đến các quan phụ tướng đại thần, cung thành trong ngoài, voi ngựa xe cộ, trân bảo kho đụn v.v… tất cả đều không đem một món nào theo được. Chỉ có mười nguyện vương này chẳng rời người mà thôi. Trong tất cả thời gian nó thường ở trước dẫn đường, trong khoảnh khắc liền sanh về cõi Cực Lạc. Ðến Cực Lạc rồi liền thấy đức A Di Ðà Phật cùng các ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, v.v… các vị Bồ Tát này sắc tướng đoan nghiêm, công đức đầy đủ chung cùng vây quanh. Lúc bấy giờ người ấy tự thấy mình gá sanh nơi hoa sen báu, được đức Phật xoa đầu thọ ký. Sau khi được thọ ký rồi, trải qua vô số trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp, khắp cả mười phương bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới, dùng sức trí huệ tùy theo tâm của chúng sanh mà làm lợi ích. Chẳng bao lâu sẽ ngồi nơi Bồ Ðề đạo tràng hàng phục quân ma, thành bực Chánh Ðẳng Chánh Giác giảng nói pháp mầu vì diệu. Có thể làm cho chúng sanh trong những cõi Phật như số cực vi trần của chúng sanh mà dạy dỗ cho thành thục, nhẫn đến cùng tận kiếp hải, có thể làm lợi ích tất cả chúng sanh một cách rộng lớn.
Này thiện nam tử! Các chúng sanh kia hoặc nghe, hoặc tin nơi nguyện vương rộng lớn này, rồi thọ trì đọc tụng và giảng nói cho người nghe. Công đức của chúng sanh kia chỉ có đức Phật Thế Tôn biết, ngoài ra không ai hiểu thấu. Vì thế nên những người được nghe mười điều nguyện vương này chớ sanh lòng nghi ngờ, nên phải lãnh thọ, thọ rồi nên đọc, đọc rồi có thể tụng thuộc, tụng thuộc rồi nên gìn giữ luôn, cho đến biên chép vì người mà giảng nói. Những người như vậy, trong một niệm tất cả hạnh nguyện đều được thành tựu, được phước vô lượng vô biên. Có thể ở trong biển khổ phiền não cứu vớt chúng sanh, khiến chúng được giải thoát, đều được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà.
Lúc bấy giờ, Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát muốn nói lại nghĩa ấy, Ngài quan sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:
Tất cả chư Phật trong ba đời
Ở nơi thế giới khắp mười phương
Tôi đem thân ngữ ý trong sạch
Khắp lạy chư Phật không hề sót
Sức oai thần hạnh nguyện Phổ Hiền
Phân thân hiện khắp trước Như Lai
Một thân lại hiện sát trần thân
Mỗi thân lạy khắp sát trần Phật
Sát trần Phật ở trong một trần
Ðều ngồi giữa chúng hội Bồ Tát.
Vô tận pháp giới cũng như vậy
Sâu tin chư Phật đều đầy đủ,
Tôi đều dùng tất cả âm thinh.
Khắp thổ vô tận lời nói hay
Tột tất cả kiếp thưở vị lai
Khen công đức sâu dầy của Phật.
Sắm đồ rất đẹp: nào tràng hoa
Kỹ nhạc, hương, hoa cùng tàn lọng
Các thứ trang nghiêm đẹp như vậy
Tôi dùng cúng dường chư Như Lai.
Nào là y phục, các thứ hương:
Phấn hương, hương xông cùng đèn đuốc
Mỗi món đều như núi Tu Di
Tôi đem cúng dường các đức Phật.
Do nơi tâm thắng giải rộng lớn
Sâu tin tất cả Phật ba đời
Sức oai thần hạnh nguyện Phổ Hiền
Khắp đem cúng dường các đức Phật.
Từ xưa đã tạo nhiều nghiệp ác
Ðều do ba độc tham, sân si
Từ thân khẩu ý mà gây nên
Tất cả nay tôi đều sám hối.
Vô lương công đức của Chư Phật
Của Bồ Tát, Thinh Văn, Duyên Giác
Hữu học, vô học cùng chúng sanh
Tất cả nay tôi đều tùy hỷ.
Các đấng soi đời khắp mười phương
Vừa mới chứng nên đạo Chánh Giác
Tất cả nay tôi đều khuyến thỉnh
Chuyển xe chánh pháp diệu vô thượng.
Chư Phật nếu muốn nhập Niết Bàn
Tôi xin thành tâm đều mời thỉnh
Cúi mong ở lại lâu trong đời
Cho chúng sanh được nhờ lợi lạc.
Bao nhiêu phước đức bởi cúng dường
Ngợi khen, thỉnh pháp, mời trụ thế
Tuỳ hỷ, sám hối các căn lành
Hồi hướng, chúng sanh cùng Phật đạo.
Tôi nay theo học với Như Lai
Tu tập viên mãn hạnh Phổ Hiền
Cúng dường chư Phật về qúa khứ
Cùng với mười phương hiện tại Phật.
Vị lai tất cả Thiên Nhân Sư
Hết thảy tâm nguyện đều viên mãn
Nguyện theo học khắp ba đời Phật
Mau chứng nên qủa đại Bồ Ðề.
Cả thảy cõi cùng khắp mười phương
Rộng lớn thanh tịnh trang nghiêm đẹp
Chúng hội vây quanh các Như Lai
Ðều ở dưới cội Bồ Ðề thọ,
Bao nhiêu chúng sanh trong mười phương
Nguyện lìa lo khổ thường an lạc
Ðều được lợi ích chánh pháp mầu
Dứt hết phiền não không còn thừa.
Khi tôi vì Bồ Ðề mà tu
Trong các loài đều biết túc mạng
Thường được xuất gia tu tịnh giới
Không nhơ không lỗi cũng không hư.
Trời, Rồng, Dạ Xoa, Bàn Trà quỉ
Nhẫn đến loài Người cùng Phi Nhơn
Tất cả ngôn ngữ của chúng sanh
Ðều dùng các tiếng tăm nói pháp.
Siêng tu Ba La Mật trong sạch
Tâm Bồ Ðề hằng gìn không mất
Dứt trừ chướng nhơ không để thừa
Tất cả hạnh mầu đều thành tựu
Ở nơi các hoặc, nghiệp cảnh ma
Trong vòng thế gian được giải thoát
Cũng như hoa sen không dính nước
Nào khác Nhật, Nguyệt chẳng dừng không.
Dứt hết tất cả khổ ác đạo
Khắp đồng ban vui cho quần sanh
Như thế trải qua vô số kiếp
Lợi ích mười phương không cùng tận.
Tôi thường tùy thuận các chúng sanh
Cùng tận tất cả vị lai kiếp
Hằng tu hạnh lớn của Phổ Hiền
Viễn mãn qủa Bồ Ðề Vô Thượng.
Những người cùng tôi đồng một hạnh
Cầu tất cả chỗ chung nhóm họp
Thân khẩu ý nghiệp đều đồng nhau
Hết thảy hạnh nguyện cùng tu học
Các thiện tri thức lợi ích tôi
Vì tôi chỉ bày hạnh Phổ Hiền
Nguyện cùng tôi thường chung hội họp
Ðối với tôi lòng luôn hoan hỷ.
Nguyện thường diện kiến các Như Lai
Và hàng Phật tử vây quanh Phật
Tôi đều sửa sang cúng dường lớn
Tột thưở vị lai không nhàm mỏi.
Nguyện gìn pháp mầu của Như Lai
Rõ bày cả thảy hạnh Bồ Ðề
Rốt ráo thanh tịnh hạnh Phổ Hiền
Trọn kiếp vị lai thường tu tập.
Tôi ở trong tất cả các cõi
Tu phước vô tận, trí vô tận
Ðịnh, huệ, phương tiện và giải thoát
Ðược những tạng vô tận công đức.
Trong một trần có trần số cõi
Mỗi mỗi cõi có nan tư Phật
Mỗi mỗi Phật ở giữa chúng hội
Tôi thấy hằng giảng hạnh Bồ Ðề.
Khắp hết mười phương các cõi nước
Mỗi đầu lông đủ có ba đời
Phật cùng quốc độ số vô lượng
Tôi khắp tu hành trải trần kiếp.
Lời của Như Lai đều thanh tịnh
Một lời đủ cả các âm thinh
Theo tiếng chúng sanh lòng ưa thích
Biện tài của Phật đều ban khắp.
Tất cả chư Phật trong ba đời
Dùng những ngữ ngôn vô tận kia
Hằng chuyển pháp mầu rất lý thú
Nhờ trí sâu tôi đều lãnh thọ.
Tôi hay thâm nhập đời vị lai
Tất cả kiếp thâu làm một niệm
Hết thảy những kiếp trong ba đời
Làm khoảng một niệm tôi đều nhập,
Trong một niệm tôi thấy ba đời
Tất cả các đấng Nhơn Sư Tử
Cũng thường vào trong cảnh giới Phật
Như huyễn, giải thoát và oai lực.
Trong các cực vi đầu sợi lông
Xuất hiện cõi trang nghiêm ba thuở
Mười phương trần sát các đầu lông
Tôi đều thâm nhập để nghiêm tịnh.
Vị lai các đấng Chiếu Thể Ðăng
Thành đạo chuyển pháp độ chúng sanh
Phật sự xong xuôi hiện nhập diệt
Tôi đều đến gần để hầu hạ.
Sức thần thông rộng khắp chóng mau
Sức phổ môn khắp nhập Ðại Thừa
Sức trí hạnh khắp tu công đức
Sức oai thần từ bi khắp che
Sức phước trang nghiêm khắp thanh tịnh
Sức trị huệ không trước không trệ
Sức định, huệ, phương tiện, oai thần
Sức khắp hay chứa đạo Bồ Ðề
Sức thanh tịnh tất cả nghiệp lành
Sức xô dẹp tất cả phiền não
Sức hàng phục tất cả loài ma
Sức viễn mãn các hạnh Phổ Hiền.
Khắp hay nghiêm tịnh các cõi nước
Giải thoát cho hết thảy chúng sanh
Khéo hay phân biệt các pháp mầu
Có thể sâu vào biển trí huệ
Khắp tu thanh tịnh các công hạnh
Các chí nguyện thảy đều viên mãn
Gần gũi cúng dường các đức Phật
Tu hành vô lượng kiếp không mỏi
Tất cả Như Lai trong ba đời
Những hạnh nguyện bồ đề tối thắng
Tôi đều cúng dường tu tập đủ
Dùng hạnh Phổ Hiền ngộ Bồ Ðề.
Tất cả Như Lai có trưởng tử
Danh hiệu Ngài là đức Phổ Hiền
Tôi nay hồi hướng các căn lành
Nguyện các trí hạnh đều đồng đó.
Nguyện thân, khẩu, ý hằng thanh tịnh
Công hạnh cõi nước cùng sạch trong
Trí huệ ấy gọi rằng Phổ Hiền
Nguyện tôi cùng Ngài đề đồng đẳng.
Vì khắp thanh tịnh hạnh Phổ Hiền
Các nguyện lớn của Văn Thù Sư Lợi
Trọn sự nghiệp kia không thừa sót
Ðến kiếp vị lai hằng không mỏi,
Tôi tu các hạnh đều vô lượng
Ðược các công đức cũng không lường
An trụ trong những hạnh vô lượng
Suốt thấu tất cả sức thần thông,
Sức trí mạnh mẽ các Văn Thù
Huệ hạnh Phổ Hiền cũng dường ấy
Tôi nay hồi hướng các căn lành
Thường theo các Ngài mà tu học.
Chư Phật ba đời luôn khen ngợi
Những nguyện rộng lớn khó sánh bằng
Tôi nay hồi hướng các căn lành
Ðể được Phổ Hiền hạnh thù thắng.
Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung
Trừ hết tất cả các chướng ngại
Tận mặt gặp Phật A Di Ðà
Liền được vãng sanh cõi Cực Lạc,
Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi
Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này
Cả thảy tròn đủ không thừa thiếu
Lợi lạc tất cả các chúng sanh.
Chúng hội Di Ðà đều thanh tịnh
Tôi từ hoa sen nở sinh ra
Thân thấy đức Phật Vô Lượng Quang
Liền thọ ký tôi đạo Bồ Ðề.
Nhờ đức Phật kia thọ ký rồi
Tôi hóa vô số vạn ức thân
Trí huệ rộng lớn khắp mười phương
Khắp lợi tất cả chúng sanh giới.
Nhẫn đến hư không thế giới tận
Chúng sanh, nghiệp và phiền não tận
Nhưng bốn pháp ấy không cùng tận
Nguyện tôi rốt ráo hằng vô tận
Cõi nước vô biên khắp mười phương
Trang nghiêm các báu cúng dường Phật
Sắm đồ an lạc thí trời người
Trải kiếp vi trần luôn cúng thí,
Nếu có người nơi nguyện vương này
Một phen nghe liền sanh tín kính
Mong cầu khát ngưỡng qủa Bồ Ðề
Ðược công đức nhiều hơn tài thí.
Nhờ đây thường xa các bạn ác
Thoát khỏi tất cả ba đường dữ
Mau thấy đức Phật Vô Lượng Quang.
Ðầy đủ nguyện Phổ Hiền tối thắng.
Người này được thọ mạng lâu dài
Trong loài người ở bậc tôn qúy
Người nay không lâu sẽ trọn nên
Công hạnh như Phổ Hiền Bồ Tát.
Ngày trước đó vì không trí huệ
Tạo ra năm nghiệp vô gián ác
Chuyên tụng nguyện vương Phổ Hiền này
Tất cả tội ác mau tiêu diệt.
Sanh ra dòng họ cùng dung sắc
Tướng tốt, trí huệ đều đầy đủ
Các ma, ngoại đạo không phá được
Kham làm phước điền cho ba cõi.
Mau đến cội Bồ Ðề thọ vương
Ngồi an hàng phục các chúng ma
Thành đạo Chánh Giác nói pháp mầu
Khắp lợi tất cả các hàm thức
Nếu người ở nơi mười nguyện này
Ðọc, tụng, thọ trì và diễn nói
Qủa báo chỉ Phật mới biết được
Quyết định sẽ được đạo Bồ Ðề.
Nếu người tụng nguyện Phổ Hiền này
Tôi nói chút ít phần căn lành:
Trong một niệm thảy đều viên mãn
Thành tựu chúng sanh nguyện thanh tịnh.
Hạnh Phổ Hiền thù thắng của tôi
Phước lớn vô biên đều hồi hướng
Khắp nguyện chúng sanh đang chìm đắm
Mau sanh cõi Phật Vô Lượng Quang.
Lúc ngài Phổ Hiền đại Bồ Tát ở trước đức Như Lai nói bài kệ hạnh nguyện thanh tịnh rộng lớn rồi. Thiện Tài đồng tử vui mừng vô lượng, các Bồ Tát cùng đều hoan hỷ, đức Như Lai khen rằng: “Lành thay! Lành thay!”.
Bấy giờ, lúc đức Thế Tôn cùng hàng Thánh Chúng đại Bồ Tát diễn nói pháp môn thù thắng cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì như vậy, ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát làm bậc thượng thủ trong các vị đại Bồ Tát và sáu ngàn thầy Tỳ Kheo của Ngài giáo hóa. Ðức Di Lặc Bồ Tát làm thượng thủ trong các vị đại Bồ Tát ở Hiền Kiếp. Ðức Vô Cấu Phổ Hiền Bồ Tát đứng đầu các bậc nhất sanh trụ quán đảnh vị Bồ Tát, cùng các vị Ðại Bồ Tát đông như số vi trần trong các thế giới ở mười phương khắp đồng đến nhóm hội. Trong hàng đại Thanh Văn thì có ngài Ðại Trí Xá Lợi Phất, ngài Ðại Mục Kiền Liên v.v…làm thượng thủ. Cùng những hàng Trời, Người, các bậc chúa tể trong đời, Bát Bộ, Thiên Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà, Nhơn, Phi Nhơn, v.v..tất cả đại chúng nghe Phật thuyết pháp đều rất vui mừng, đồng tín thọ phụng hành.
HẾT
Thảo luận về post