KHƯƠNG TĂNG HỘI
Bài này được Huỳnh Kim Quang trích dịch từ tác phẩm “The Buddhist Conquest of China” của E. Zurcher, xuất bản bởi Công ty Thạnh Xương, Đài Bắc, Đài Loan, 1959, từ trang 51 đến trang 55.
Vào năm 247, một vài năm sau khi Chi Khiêm rời khỏi kinh đô Kiến Nghiệp, Khương Tăng Hội, một vị cao tăng gốc miền Trung Á, đã đến đây. Ngài đến từ Giao Chỉ, thủ phủ của Giao Châu ở miền cực Nam của đế quốc Trung Hoa (gần Hà nội ngày nay). Gia đình của Ngài đã sinh sống ở Ấn độ trải qua nhiều thế hệ; thân phụ của Ngài, một thương gia, đến định cư ở thành phố thương mại quan trọng này.
Vào lúc đó, Giao Chỉ đã nghiễm nhiên trở thành là một trung tâm của nền văn hóa Trung Hoa. Bỡi vì vào các thập niên cuối của thế kỷ thứ hai, rất nhiều quan lại và trí thức Trung Hoa từ các tỉnh thuộc Trung bộ và miền Bắc chạy trốn đến khu vực thịnh vượng và tương đối bình yên này, nơi mà họ phải kiến lập cái tinh hoa của Tàu trong một lãnh địa tự trị thật sự. Nhưng, ngoài những người Trung Hoa đến định cư ở đây, số lượng những người ngoại quốc khác cũng không phải là ít. Vào thế kỷ thứ hai, những nhà du hành đi theo con đường từ Ấn Độ và các nước phương Đông thuộc La Mã đi dọc theo Phù Nam (khu vực thuộc hạ lưu sông Mê Kông), Lâm Ấp (Chàm), Nhật Nam, và Giao Châu. Vào năm 226 Tây lịch, Tần Luân, một thương gia gốc từ các nước phương Đông thuộc La Mã đến ở đây. Cùng một vị vua của Phù Nam, người mà vào năm 243 Tây lịch đã gởi một sứ thần đến Tôn Quyền, một vài năm sớm hơn đã giao nhiệm vụ cho một trong những người thân của ông với tư cách là phái bộ truyền giáo đến Ấn Độ. Như thế, trên miền đất giao thoa giữa hai trung tâm văn minh Trung Hoa và Ấn Độ này, tầng lớp trí thức phải chịu những ảnh hưởng từ cả hai phía. Ơ? Giao Chỉ, những ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa rõ ràng đã chiếm ưu thế: Sĩ Nhiếp (177-266), là Thái Thú của Giao Châu vào năm 204, đã trở thành là một trong những vị bảo trợ lớn nhất của văn hóa Trung Hoa ở miền Nam. Nhưng, trên một bình diện khác, chúng ta đọc thấy cách mà vị Thái Thú này và những anh em của ông ấy (gia đình của những người này đã sống ở lãnh địa này từ đầu thế kỷ thứ nhất) đã chịu sự ảnh hưởng của bối cảnh phi Trung Hoa của họ như thế nào; ngay khi họ đến, như là những vị Thái Thú thật sự, đi theo với họ là những nhạc sĩ thổi sáo, rung chuông, đánh trống và tùy tùng bỡi hàng trăm người không có văn hóa (người Hồ), những người đi với cả hành lý và hương trầm của họ. Vị Thái Thú khác nữa của Giao Châu, Trương Tân, có lẽ còn đi xa hơn trong thái độ phi Trung Hoa của ông ấy: “Ông ta đã từ bỏ những quy tắc và giáo điển của những bậc Thánh Hiền trước và hủy bỏ những luật lệ và quy chế của người Hán, và ông ta thường đội khăn đỏ tía, thổi sáo, đốt trầm hương, đọc kinh điển thuộc các tôn giáo thông tục và không chính thống; ông ta nói rằng điều này đã góp phần vào sự ảnh hưởng chuyển đổi (đối với sự cai trị của ông ta).
Khương Tăng Hội đã trở thành đứa bé mồ côi lúc Ngài ở vào những năm mười tuổi. Sau khi song thân của Ngài mãn kiếp Ta Bà, Ngài đã gia nhập vào Tăng đoàn – sự kiện này chứng tỏ được sự hiện hữu của một cộng đồng Phật giáo có tổ chức ở Giao Chỉ vào đầu thế kỷ thứ ba. Chúng ta không biết gì về vị Bổn sư đầu tiên của Ngài người mà Ngài đã đề cập đến hai lần với sự tôn kính và qúy mến tột bực; dường như là họ đã tịch diệt trước khi Ngài đến miền Bắc. Chắc chắn là Khương Tăng Hội biết tiếng Phạn, và Ngài đã được xưng tụng là xuất chúng bỡi vì kiến thức uyên áo của Ngài về Tam Tạng (có lẽ là một thể tán dương mà không phải được viết bằng cách từ chương). Nhưng, ở một mặt khác, Ngài rất bác lãm Lục thư của Nho gia, tinh thông về thiên văn và chiêm tinh, điều này ngụ ý rằng Ngài đã tiếp thu nền giáo dục chính thống của Trung Hoa, và sự thật này được chứng thực qua phẩm tính của những tác phẩm của Ngài. Tất cả điều này chứng minh rằng tại miền cực Nam, một hình thái tổng hợp của Phật giáo ảnh hưởng mãnh liệt bỡi những quan kiến Trung Hoa đã phát triển, và rằng một vài dạng thức hội tụ nào đó đã có mặt giữa hàng Tăng lữ ngoại quốc và thành phần thiểu số văn hóa Trung Hoa trên lãnh địa ấy. Quyển sách có tính cách truyền giáo nổi tiếng được biết là “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử có lẽ là thành quả của nền Phật giáo độc lập thật cao này, mặc dù trong quan điểm của chúng ta (so sánh ở trên, chương một) điều ấy chắc chắn không phải có từ cuối thế kỷ thứ hai như nó tự xác minh và có thể không sớm hơn thế kỷ thứ tư.
Một thời gian ngắn sau khi Ngài đến thành Kiến Nghiệp (năm 247 sau Tây lịch), Khương Tăng Hội dường như đã có tiếp xúc với triều đình và hoàng tộc. Không may là bản lược sử về cuộc đời của Ngài mà như đã được cung cấp trong “Xuất Tam Tạng Ký Tập” chương 13 và “Cao Tăng Truyện” chương 1 thì bị làm mờ đi bởi truyền thuyết. Theo những tiểu sử này thì Ngài đã bị bắt bởi lệnh của nhà vua và được mang vào triều đình để thẩm vấn. Khi được yêu cầu đưa ra chứng liệu cụ thể đối với chân lý của đạo giáo mới, Ngài đã thi thiết sự thị hiện kỳ diệu của báo thân Phật, sau đó Tôn Quyền đã xây dựng cho Ngài ngôi tu viện Phật giáo đầu tiên ở Thủ đô phương Nam đó là chùa Kiến Sơ. Tôn Hạo, vị vua thứ tư và cuối cùng của nhà Ngô trị vì từ năm 264 đến 280, đã không chia xẻ thái độ thiện chí của ông nội ông ta đối với Phật giáo; tuy nhiên, kế hoạch của ông ta để tiêu diệt tất cả chùa chiền Phật giáo đã bị bãi bỏ sau khi Khương Tăng Hội biện hộ một cách hùng hồn quyền hiện hữu của giáo điển. Những tiểu sử ghi nhận những gì đề cập đến là sử liệu của cuộc tranh luận này, mà nếu nó xác thật thì đây là một văn kiện cực kỳ lý thú; thí dụ, nó có thể là trường hợp đầu tiên trong đó giáo lý về nghiệp báo của những hành động thiện và ác đã được kết hợp với quan điểm của Trung Hoa về sự cảm ứng trong bản tính, siêu nhiên phản ứng một cách tự nhiên đối với tội lỗi và công đức của nhà vua qua sự biểu hiện những điềm tốt hay xấu. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện dường như là ngụy tác.
Những khuynh hướng muốn bài trừ Thánh tượng của Tôn Hạo vẫn còn kiên định. Khi một hình tượng thuộc Phật giáo được đào lên trong vườn hậu cung, ông cho đem đến nơi cầu xí và đích thân tổ chức cái mà ông gọi là “lễ tắm Phật”, để làm trò cười cho đám quần thần của ông. Ngay tức thì bị tấn công bỡi chứng bệnh ngặc nghèo và đau đớn, vị bạo chúa này mới chịu quy phục đối với năng lực nhiệm mầu của đức Phật. Ông ta thọ nhận Ngũ giới, đại trùng tu chùa Kiến Sơ và ra lệnh tất cả quần thần phải tôn thờ Phật. Vào năm 280, vương quốc của nhà Ngô bị nhà Tấn xâm lăng, và cùng năm này Khương Tăng Hội nhập diệt.
Thật khó nói phần tiểu sử của vị Thánh này có căn cứ lịch sử hay không. Có hai sự kiện phải được ghi nhận. Sự kiện thứ nhất, quả thật là có sự ngược đãi Phật giáo mặc dầu nó đã xảy ra nhiều năm trước khi Tôn Hạo lên ngôi. Hơn nữa, điều này không nhằm trực tiếp chỉ chống lại Phật giáo, nhưng còn chống lại các giáo phái không chính thống. Theo tiểu sử của Tôn Lâm, đại thể như thế này:
“Sỉ nhục các vị Thần linh (mà được tôn kính bởi) nhân dân. Ông ta bèn đốt ngôi miếu thờ của Ngô Tử Hứa ở Ta-ch’iao-t’ou; ông ta cũng thiêu hủy các ngôi chùa Phật giáo và xử trảm các vị tu sĩ”.
Những biện pháp hung bạo của Tôn Lâm dường như nhằm chống lại giáo phái Phật giáo rộng lớn; chùa Kiến Sơ thì không thấy được đề cập.
Sự kiện thứ hai, không chắc là Khương Tăng Hội đã thật sự liên kết trong phương cách nào đó với triều đình trong khoảng những năm sau cùng của triều đại Tôn Quyền. Chúng ta đã có nói về truyền thống mà làm cho Chi Khiêm chiếm giữ được vị thế trong triều đình. Tôn Quyền dường như tin tưởng một cách mãnh liệt vào lý thuyết và thực nghiệm của những vị thuật sĩ Lão giáo, đặc biệt là vào những năm cuối đời của ông ta. Vào năm 241 sau Tây lịch, Tôn Đăng thúc giục ông ta “tu dưỡng theo nghệ thuật của Hoàng Lão và bằng cách ấy nuôi dưỡng sự sáng suốt của tinh thần”. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba có một “vị thần nhân tên là Vương Biểu đi lang thang giữa quần chúng, nói năng, say sưa và ăn uống như những người khác.” Vào năm 251 Tôn Quyền triệu Ngài đến triều đình xây cho Ngài một ngôi nhà ở bên ngoài cửa Thương Long và từ đó thường sai quần thần đem biếu Ngài rượu và thức ăn. Vương Biểu thường nói với nhà vua về những việc sắp xảy ra trong tương lai như bão lụt và hạn hán, “và những lời Ngài nói luôn luôn là sự thật”; chính vị thần nhân này vào năm 251 sau Tây lịch đã nói với Tôn Quyền thay đổi tên của niên hiệu thành Thái Viên. Các quan đại thần và các vị tướng thường đến thăm viếng Ngài và thỉnh phước. Năm 252 Tôn Quyền băng hà và Vương Biểu biến mất khỏi Kinh đô. Ơ? đây chúng ta có một người thuộc Lão giáo tương tự như Khương Tăng Hội người mà theo tiểu sử của Ngài, cũng sử dụng những phép màu để tác động nhà lãnh đạo và người cũng cùng cảm thấy bắt buộc “thu hẹp giáo thuyết của mình đối với (việc viện dẫn) những bằng chứng rõ ràng về (sự hiện thực của) nghiệp báo”. Nhìn lại những sự kiện này thì thật sự không chắc là Khương Tăng Hội đã gắn bó với triều đình như một loại “thuật sĩ Phật giáo”, điều ấy cũng đã tái diễn với những vị đạo sư Phật giáo khác trong quá trình diễn biến của thế kỷ thứ tư.
Những hoạt động của Khương Tăng Hội như là một dịch giả thì còn bị giới hạn hơn. Danh sách các tác phẩm được công nhận là của chính Ngài còn lưu lại hai tuyển tập của avadàna được cho là của Ngài: Lục Độ Tập Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 152) và (cựu) Tạp Thí Dụ Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 206; tác phẩm sau, tuy nhiên, không được đề cập đến trong những thư mục xưa nhất. Hơn nữa Đạo An nhắc đến một tác phẩm gọi là Ngô Phẩm gồm năm quyển và mười phẩm có lẽ là bản dịch của Bát Nhã Bát Thiên Tụng (Astasàhasrikà Prajnà- pàramità)? Tác phẩm đã bị mất vào thời đại của Tăng Hữu.
Phật giáo của Khương Tăng Hội hình thành sự kế tục của trường phái phía Bắc của An Thế Cao, An Huyền và Nghiêm Phật Điều với sự tập chú vào Thiền (Dhyàna). Cùng với một Trần Huệ nào đó từ Hội Kê, ông ấy đã viết một bản chú giải về Kinh An Bang Thủ Ý, là kinh văn căn bản của trường phái này, mà mặc dù với tựa đề của nó vẫn không có những nét đặc thù của một quyển kinh; nội dung của nó gần giống với phần về An Ban Sổ Tức Quán (Ànàpànasmrti) trong những luận thuyết có tính cách học viện như Sangharaksa’s Yogacàrabhùmi và Đại Tỳ Bà Sa (Mahàvibhàsa). Bản hiện tại của Kinh An Ban Thủ Ý (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 602) được nhập chung với bản chú giải xưa, mà có lẽ bao gồm cả những giải thích của Trần Huệ và Khương Tăng Hội và những chú giải được thêm vào bởi Đạo An (312-285). Khương Tăng Hội cũng viết một bản chú giải về Kinh (Đại Thừa) Pháp Kính được phiên dịch bởi An Huyền và Nghiêm Phật Điều. Những lời tựa của Ngài cho hai bản chú giải này hiện vẫn còn được bản tồn (cf. note 149); chúng chứa đựng một vài điểm đặc dị thích thú về chính cuộc đời Ngài: Song thân của Ngài quá vãng như thế nào lúc Ngài còn là một cậu bé, sự đau buồn khủng khiếp của Ngài về sự tịch diệt của bổn sư Ngài (ở Giao Chỉ), những năm chiến tranh và tao loạn trong khoảng thời gian mà hầu như không thể thực nghiệm được đời sống tôn giáo, nỗi vui mừng lớn lao của Ngài khi gặp được ba vị học Tăng xuất sắc từ trường phái của An Thế Cao.
Từ quan điểm giáo nghĩa, những tài liệu lý thú nhất thì rõ ràng những phẩm giới thiệu cho năm trong số sáu phần của Lục Độ Tập Kinh của Khương Tăng Hội (Đai Chánh Nhất Thiết Kinh 152) – phẩm về Bát Nhã Ba La Mật (Prajnàpàramità) đã bị mất – được viết bởi chính Khương Tăng Hội. Mối liên hệ của Ngài với trường phái “Thiền” xuất hiện từ sự kiện rằng phẩm thứ năm, một diễn tả chi tiết về bốn giai đoạn nhập định, thì dài bằng cả bốn phần giới thiệu của bốn phẩm kia nhập lại.
Hai bản chú giải rất sớm khác cũng đã được bảo tồn; những trích dẫn từ các kinh văn Phật giáo mà chúng chứa đựng điểm thời gian đối với giữa thế kỷ thứ ba như là thời điểm sáng tác của chúng và đối với nhà Ngô như là địa điểm nơi phát sinh của chúng. Bản “chú giải về Ấm Trì Nhập Kinh” (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 1694) hoàn toàn thuộc về trường phái Thiền Tiểu Thừa được phát hiện bởi An Thế Cao, Người mà tài năng và đức hạnh được tán dương trong lời mở đầu của bản chú giải này. Trong danh sách các tác phẩm được công nhận là của chính tác gỉa, tác phẩm được cho là của “Ngài” hay Trần Huệ, cùng một Người mà viết chung với Khương Tăng Hội bản chú giải về Kinh An Bang Thủ Ý, nhưng trong lời mở đầu tác gỉa đã gọi chính ông là Mật. Về lý lịch của Ngài hay của bổn sư của Ngài chúng ta không biết gì cả; nhiều chú giải được ghi ở đầu bằng những chữ “Đại sư nói”. “Đại sư” có thể là Khương Tăng Hội, như trong số mười ba chữ được trích trong bản chú giải mà chúng ta tìm thấy “Sự giải thích của An Ban”, An Ban Giải, có lẽ chỉ cho bản chú giải của Khương Tăng Hội về kinh An Ban Thủ Ý đã đề cập ở trên. Điều cần phải được lưu ý là tác phẩm đang được đề cập – một chú giải đối với kinh văn Tiểu thừa – nhiều lần nói đến các bản Đại thừa để làm sáng tỏ những đoạn văn từ bộ “Kinh” này; chúng ta phát hiện, trong số những sự kiện khác, ba sự trích dẫn từ Đại Minh Độ Kinh (Astasàhasrikà Prajnàpàramità) và một từ Duy Ma Cật Kinh (Vimalakìrtisùtra), cả hai đều được dịch bởi Chi Khiêm.
Sự việc tương tự có thể được quan sát trong bản chú giải thứ hai: những bản chú giải vô danh được bao gồm trong chương thứ nhất của Đại Minh Độ Kinh của Chi Khiêm (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 225). Chúng rất có thể là sáng tác của cùng trường phái như tác phẩm đã đề cập ở trên: cùng những kinh văn (cả Đại thừa và Tiểu thừa) được trích dẫn, và hầu hết những chú giải được giới thiệu bởi “vị Đạo sư nói-“. Thuật ngữ và văn phong cho thấy rằng “vị Đạo sư ” này hoặc là một người Trung Hoa hoặc là một người ngoại quốc rất thông thạo. Một bản nghiên cứu chi tiết của ba bản chú giải Phật giáo Trung Hoa cổ nhất còn được bảo tồn sẽ là một đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta về những khía cạnh giáo điển của thời kỳ sớm sủa nhất này của Phật giáo Trung Hoa.
Để xét đoán từ những sự trích dẫn chứa đựng trong hai bản chú giải này, những tác phẩm dưới đây có thể được xem như là những kinh văn nền tảng nhất của Phật giáo phương Nam vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba:
A. An Ban Thủ Ý Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 602), Ấm Trì Nhập Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 603), Đạo Địa Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 607; Yogàcàrabhùmi), Pháp Kính Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 322); Ugra (datta) – pariprcchà), tất cả những sáng tác rất sớm của trường phái của An Thế Cao ở Lạc Dương.
B. Truân Chơn Kinh, có nghĩa là Truân Chơn Đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 624, Drumakennararàjapariprcchà), có lẽ đã được dịch bởi Chi Lâu Ca Sấm.
C. Đại Minh Độ Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 225; Astasàhasrikà Prajnàpàramità), Duy Ma Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 474; Vimalakìrtinirdesa), Lão Mẫu Kinh (Lão Nữ Nhân Kinh, Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 559; Mahallikàpa- riprcchà), Huệ Ấn Tam Muội Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 632, Tathàgatajnànamudrasamàdhi) và Liễu Bổn Sanh Tử Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 708), tất cả đều được phiên dịch bởi Chi Khiêm.
D. Pháp Cú Kinh (Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 210; Dharmapada), cũng được nhắc đến như những “bài kệ”; được dịch bởi Duy Để Nan và được tán rộng và sửa chữa bởi Trúc Tướng Viêm và Chi Khiêm.
E. Trung Tâm Kinh (Trung Tâm Chánh Hạnh Kinh, Đại Chánh Nhất Thiết Kinh 743), một bản dịch không tên vào đầu thế kỷ thứ ba, trong Lịch Đại Tam Bảo Ký (597 sau Tây lịch) và những thư mục về sau gán ghép sai đối với một dịch gỉa cuối thế kỷ thứ tư Dharmaratna (Trúc Vân Vô Lan).
Huỳnh Kim Quang
Thảo luận về post