Cõi “địa ngục” nằm ở đâu? Nằm sâu trong lòng trái đất này hay giữa những hòn núi to lớn trong vũ trụ? Hay địa ngục chỉ là trạng thái của tâm thức?
>>> 10 CỬA ĐIỆN ĐỊA NGỤC – Thập Điện Diêm La
Khái niệm “địa ngục” trong một số kinh sách Phật giáo – Thích Nữ Chơn Ngọc
(Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021)
Đặt vấn đề:
Từ ngàn xưa đến nay, câu hỏi “Sau khi chết con người đi về đâu?” vẫn luôn là một bài toán đố gây nhiều tranh cãi. Phần lớn các tôn giáo trên thế giới đều quan niệm rằng những ai sống trong hiện đời làm việc thiện lành thì sau khi chết được sinh lên cõi Trời, vui hưởng lạc thú. Còn ai tạo các ác nghiệp thì phải chịu đọa lạc trong những cõi xấu ác, bị rơi vào địa ngục thọ khổ hình không bao giờ cùng tận.
Vậy, cõi “địa ngục” nằm ở đâu? Nằm sâu trong lòng trái đất này hay giữa những hòn núi to lớn trong vũ trụ? Hay địa ngục chỉ là trạng thái của tâm thức? Nếu vậy, tại sao trong kinh điển Nguyên thủy là A Hàm và Nikaya, đức Phật không những nhắc đến mà còn miêu tả tường tận vị trí, số lượng, tên gọi và các cực hình trong địa ngục? Đặc biệt, kinh Địa Tạng, trong kinh sách Phật giáo Đại thừa tin theo lại càng miêu tả rõ ràng hơn nữa về cảnh giới này.
Có ý kiến cho rằng, Phật giáo Trung Quốc bịa đặt ra địa ngục, sáng tạo ra kinh Địa Tạng để hỗ trợ cho các nhà sư trong việc trì tụng, cúng tế, ma chay, húy kỵ, cầu siêu cho các hương linh? Địa Tạng Bồ Tát là nhân vật không có thật, hình dáng được miêu tả giống như một vị sư Trung Hoa thân đắp hồng y, đầu đội mão, tay cầm tích trượng. Tất cả những nghi vấn này về góc độ nghiên cứu lịch sử kinh luật luận cần được giải mã rõ.
Ai vào địa ngục?
Ấn Độ là nước có nền văn hóa lâu đời, khoảng 3.000(1) năm trước Công nguyên. Vào thời kỳ sớm nhất, thổ dân Ấn Độ sinh sống dựa vào săn bắn và hái lượm, sau đó phát triển trồng trọt, chăn nuôi, làm đồ gốm hoặc dệt vải. Thời điểm khoảng 2000 năm trước Tây lịch, những người Aryan chịu ảnh hưởng của làn sóng di dân trên thế giới, rời bỏ Trung Á di cư đến vùng Tây Bắc Ấn Độ.
Aryan là giống dân du mục mạnh mẽ, sức vóc to lớn, gan dạ và chiến đấu giỏi. Tín ngưỡng của họ là đa thần giáo, trong đó những năng lực thiên nhiên như mưa, gió, sấm, sét đều được thần thánh hóa. Lúc đầu, họ không phải là đội quân xâm lăng mà chỉ là dân du mục, dẫn theo nhiều loại gia súc, thú vật nhập cư vào Ấn Độ một cách hòa bình. Tuy nhiên, qua một thời gian cư trú, họ đối mặt với sự phản kháng, chống đối của người bản xứ. Từ đây, mâu thuẫn xung đột giữa các sắc dân địa phương và người Aryan phát sinh, chiến tranh nổ ra. Vốn là những chiến binh thiện chiến, chẳng bao lâu, người Aryan làm chủ cả miền Bắc Ấn Độ, dần đánh chiếm và xâm lấn về phía Đông dọc lưu vực sông Indus và Gangas cho đến khi chinh phục hoàn toàn miền Hindustan. Khi đã làm chủ Ấn Độ, họ bắt đầu đặt ách thống trị lên người bản xứ.(2)
Để duy trì quyền lực và sự đô hộ của mình đối với Ấn Độ, dân Aryan dựa vào sức mạnh của tôn giáo. Những bộ Thánh điển Veda được hình thành, trong đó quy định đấng Phạm Thiên là chúa tể sinh ra vũ trụ và vạn vật trên thế giới này. Con người được chia làm 4 chủng tính: Thứ nhất, Bà La Môn, các tăng lữ chuyên đảm trách việc tế tự, cầu đảo và giáo dục, họ có địa vị cao nhất, được xem là cầu nối giữa thần thánh và nhân gian; Thứ hai, Sát Đế Lợi, là vương tộc, vua chúa và võ sĩ, nắm quyền lực chính trị và quân sự của quốc gia; Thứ ba, Phệ xá, hàng thứ dân chuyên làm các nghề nông công thương dưới sự thống trị và bảo hộ của vương tộc Sát Đế Lợi; Thứ tư là Thủ Đà La, những người dân bản địa Ấn Độ có làn da đen, là nô lệ cho ba giai cấp trên, bị đối xử như trâu ngựa, tước đoạt mọi nhu cầu thiết yếu của một con người, kể cả quyền được tín ngưỡng tôn giáo.
Những người thuộc ba giai cấp trên được gọi là “Tái sinh tộc” (được tái sinh sang các kiếp khác) – tức là dựa vào các sinh hoạt tôn giáo, đọc tụng kinh kiển Veda, cầu nguyện, tế tự mà có thể tái sinh. Còn dòng Thủ Đà La được gọi là “Nhất sinh tộc” (chỉ được làm kiếp nô lệ, không được tái sinh), không có bất kỳ quyền lợi tôn giáo nào, không có kiếp sau.(3)
Với vị thế tối cao của mình, giai cấp Bà La Môn được xem như thánh thần tại nhân gian và hưởng nhiều biệt đãi. Từ biệt đãi, họ tham đắm trong dục lạc, sống xa hoa trong những thành lũy được bao bọc bởi chiến hào, có cửa thành hạ xuống và chiến sĩ đứng canh gác hộ vệ; mặc toàn đồ trắng, tắm rửa chải chuốt, sửa soạn râu tóc; ăn thức ăn thượng vị được hầu hạ bởi những thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp(4)… Những hành động này khiến giai cấp Bà La Môn dần mất đi vị thế của mình, bị vương tộc và thứ dân phản đối. Đồng thời, trong nước xuất hiện nhiều tư tưởng tự do, chống lại giáo lý Nhất Thần quyền của kinh điển Veda. Những vị này được gọi là sa môn, sống ẩn cư trong núi rừng, khất thực để sinh sống và chiêm nghiệm về chân lý, tiêu biểu là lục sư ngoại đạo. Họ đưa ra những triết thuyết khác nhau, phản đối lại tư tưởng Bà La Môn, tạo thành một cục diện hết sức rối ren và khủng hoảng về niềm tin tôn giáo đối với nhân dân.
Trong bối cảnh xã hội đầy dẫy khổ đau như chốn địa ngục trần gian, con người không những chịu các nỗi khổ về thân như sinh, già, bệnh, chết mà còn về tâm, do thương yêu phải chia lìa, oán thù gặp gỡ, cầu mong không được toại ý, hình thành từ sự phân biệt giai cấp. Đức Phật ra đời, sau khi tự mình nỗ lực tu tập và giác ngộ dưới cội Bồ Đề, ngài tuyên bố trở thành Bậc Chính Đẳng Chính Giác, một nhân cách vĩ đại đến thế gian để chỉ rõ nguyên nhân của khổ và con đường thoát khổ vì “lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”(5).
Chân lý mà Ngài chứng ngộ là thuyết Duyên sinh: “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh; Cái này không, nên cái kia không, cái này diệt cho nên cái kia diệt” (Kinh 298, Tạp A Hàm). Đây là chân lý hình thành và hoại diệt của tất cả các pháp tâm lý và vật lý trên thế gian, dù đức Phật có sinh ra đời hay không thì chân lý này không bao giờ thay đổi. Thuyết nhân duyên sinh của Phật giáo vô tình làm tan vỡ cái mộng toàn năng của Nhất thần quyền cho rằng thế giới do Phạm Thiên sáng tạo(7), vạch trần bộ mặt xấu xa của chế độ giai cấp đối với cuộc sống con người.
Từ chân lý trên, đức Phật giảng dạy các pháp vốn do duyên sinh nên chúng không thể tồn tại độc lập mà phải nương tựa lẫn nhau để hình thành, do đó bản chất của chúng là vô thường, biến đổi liên tục. Dù pháp ấy thuộc về tâm lý hay vật lý thì cũng không ngoài quy luật này. Tuy nhiên, con người không chấp nhận sự thay đổi nên tạo thành tâm lý bất an, đau khổ. Muốn hết khổ, con người chỉ còn cách chấp nhận sự vô thường biến đổi thì tâm tự nhiên an lạc, đó gọi là vô ngã. Ba chân lý trên là nền tảng căn bản của Phật pháp. Tùy hoàn cảnh xã hội, căn cơ và nhận thức của chúng sinh mà đức Phật có những bài pháp thích hợp giúp họ thoát khổ đau.
Trong bốn bộ A Hàm và Nikaya, hai nguồn tư liệu được xem là gần với nguyên thủy gìn giữ được diện mạo Phật giáo thời đại đức Phật(8), có rất nhiều kinh trong đó đức Phật đề cập đến địa ngục như là một trong ba ác đạo mà một người phải đọa lạc nếu lúc sinh tiền họ thực hiện những ác hạnh về thân, lời và ý. Có thể đơn cử một số ví dụ tiêu biểu: “Này các Hiền giả, những tôn giả này làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người nay sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”(9)
Đoạn kinh với nội dung như trên được lặp lại trong các bài kinh: Kinh sợ hãi và khiếp đảm (Số 4, Trung Bộ 1), Kinh Ước Nguyện (Số 6, Trung Bộ 1), Đại kinh Sư tử hống (Số 12, Trung Bộ 1), Đại kinh khổ uẩn (Số 13, Trung Bộ 1), Tiểu kinh dụ dấu chân voi (Số 27, Trung Bộ 1), Đại kinh Saccaka (Số 36, Trung Bộ 1), Đại kinh xóm ngựa (Số 39, Trung Bộ 1), Kinh Tiểu nghiệp phân biệt (Số 135, Trung Bộ 2), Kinh Đại nghiệp phân biệt (Số 136, Trung Bộ 2)… và rất nhiều kinh khác thuộc Trường Bộ (Trường A Hàm), Tăng Chi (Tăng Nhất), Tương Ưng (Tạp A Hàm). Đặc biệt, trong Trường Bộ kinh, Kinh Phúng tụng do tôn giả đại trí Xá Lợi Phất tổng hợp cũng có đề cập: “Này các Hiền giả, có năm Pháp được Thế Tôn chơn chính giảng dạy, Năm thú: Địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, Người, chư Thiên”(10). Hay trong Kinh Tệ Tú(11), thuộc Trường A Hàm ghi lại đối thoại giữa tôn giả Ca Diếp và ngoại đạo Tệ Tú về sự tồn tại hay không tồn tại của Địa ngục và cõi Trời. Tệ Tú quan điểm rằng tạo 10 ác nghiệp đọa địa ngục hay làm 10 thiện nghiệp được sinh thiên là không có thật vì từ trước đến nay chưa có người nào, sau khi mạng chung, trở về báo cho ông biết. Vì thế ông không tin rằng có thế giới khác, có hóa sinh, có quả báo thiện ác.
Ca Diếp trả lời bằng hai ví dụ. Thứ nhất, một tên đạo tặc làm những điều gian trá, vi phạm phép cấm của của nhà vua, bị xử tử hình. Trước khi chịu tội, tên cướp dùng lời mềm mỏng xin được trở về thăm bà con xóm làng, nói lời từ biệt sau đó trở lại thi hành án sau. Yêu cầu của tên tội phạm này đương nhiên không được chấp nhận. Cũng vậy, những người tạo ác nghiệp, bị đọa địa ngục, âm dương cách trở, ngục tốt lại không có lòng từ tâm, vì thế không thể nào trở về báo tin. Nhưng không phải vì thế mà phủ nhận không có địa ngục.
Thứ hai, những người tạo thiện nghiệp, sau khi mạng chung được sinh Thiên, thụ hưởng những sự vui sướng, cao đẹp. Họ coi cõi Diêm Phù là nơi nhiễm ô bất tịnh, dù cách hàng trăm do tuần mà mùi xú uế còn bốc lên nồng nặc, vì vậy họ không chịu trở lại cõi Diêm Phù đầy ô trược. Cũng như người được vớt lên từ hầm phân hôi thối, sau khi được tắm rửa sạch sẽ bằng nước thơm, thay y phục đẹp đẽ, hưởng thụ thức ngon vị ngọt thì từ đó về sau không bao giờ muốn rơi vào hầm xí nữa. Hơn nữa, thời gian ở cõi trời lâu hơn rất nhiều so với trần gian, họ chưa kịp về báo thì bà con thân thuộc đều đã qua đời, cho nên không thể biết được về nơi chốn thác sinh của họ.
Như vậy, cảnh giới địa ngục, cũng như chư Thiên, là một cảnh giới có thật, tồn tại song song với cõi người, nhưng do chúng ta không có thần lực như đức Phật nên không thể nhìn thấy, từ đó cho rằng không thật có.
Quan niệm về thế giới địa ngục
Tuy nhiên, cũng có thể nhận định rằng, đức Phật tùy căn cơ mà hóa độ. Quần chúng nhân dân trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ vốn đã được giáo dục và huân tập về khái niệm cõi Trời và cảnh giới địa ngục từ kinh điển Veda, do đó, để khuyến khích tinh thần nỗ lực tu tập, hầu mong được sinh về một thế giới an lành, tốt đẹp hơn trên Thiên giới mà đức Phật thường đề cập đến Chư Thiên. Đồng một ý nghĩa như vậy, con người thường dễ duôi theo những ác nghiệp, phương cách hữu hiệu nhất để giúp họ xa lìa các ác nghiệp ấy là miêu tả về một cảnh giới đầy đau khổ, sợ hãi, đáng chán ngán để răn đe con người, khiến họ dừng lại các ác hạnh.
Cảnh giới địa ngục được miêu tả trong kinh có thể lấy từ những hình thức trị tội của vua Asoka. Trước khi quy y Phật pháp, Asoka được xem là một nhà vua tàn bạo, được mệnh danh là Candāsoka – A Dục vương bạo tàn. Vua xây dựng một tòa nhà lộng lẫy bên ngoài, nhưng bên trong đầy những ngục hình ghê rợn và đặt tên là Địa ngục ở thiên đường. Ngoài ra, Asoka còn cho một tên đao phủ tên Girika, người đối xử ác độc với cả cha mẹ mình, làm chủ ngục. Tên này bắt chước những cách xử tội trong kinh Bāla Pandita để ra tay với tội nhân và bất kỳ người nào lỡ bước chân vào khu nhà này(12).
Bản kinh Bāla Pandita chính là Kinh Hiền ngu (Số 129, Trung Bộ 2) tương đương với Kinh Si Tuệ Địa (số 199 Trung A Hàm). Theo nội dung kinh này, một người ngu si, làm các ác hành về thân, khẩu, ý thì thân và tâm của họ sẽ phải thọ khổ ngay trong đời hiện tại, bị người chê cười ghét bỏ, bị vua bắt xử và hành hình, hối hận vì những ác hành của mình nên mạng chung sinh cõi dữ, đọa lạc vào địa ngục, nơi không hề khả ái, khả ý, khả lạc mà đầy đau khổ.
“Lại nữa, này các Tỳ kheo, người ngu thấy các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi; họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò) họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu”.(13)
Mục tiêu giáo dục của Phật giáo là làm thế nào để phát huy trí tuệ, diệt trừ tham, sân, si, những trạng thái thuộc về tâm lý không phải vật lý. Do đó, đức Phật ra đời hướng dẫn chúng sinh thoát khổ, không phải thoát cái khổ của sinh, già, bệnh, chết mà là giáo dục để chúng sinh có một quan niệm đúng đắn, thấu rõ bản chất của những hiện tượng này để tâm không còn vướng mắc, chấp trước, khổ đau mà được an lạc, Niết Bàn.
Do vậy, ở đây, cần phải hiểu ý nghĩa của Địa ngục một cách chân thật. Hán dịch Địa ngục gồm 6 ý nghĩa, đó là: Vô lạc, Khả yếm, Khổ khí, Khổ cụ, Hữu và Vô. Vô lạc nghĩa là không có niềm vui; Khả yếm là chỉ cảm thấy đau khổ; Khổ khí là không khí làm cho con người cảm thấy bứt rứt, khổ đau; Khổ cụ là những dụng cụ tạo nên khổ đau; Hữu là có; Vô là không. Như vậy, Địa ngục là nơi không có một chút niềm vui, chỉ toàn là đau khổ, được bao vây bởi một không khí bức bối và xung quanh đầy dẫy những dụng cụ tra khảo, hành hình.
Nhìn ở nghĩa rộng hơn, bất cứ nơi nào có 6 yếu tố trên thì nơi ấy chính là địa ngục. Hay chỉ cần một yếu tố xuất hiện sẽ kéo theo những yếu tố còn lại như quy luật tất yếu của lý duyên sinh. Nơi nào chúng ta cảm thấy đau khổ thì nơi ấy không có niềm vui (hoặc giả có đi nữa chúng ta cũng không thể cảm nhận được niềm vui đó dù nó đang hiện diện). Nơi đó sẽ có một bầu không khí bất an, ngột ngạt bởi nhìn đâu cũng thấy thứ làm cho ta phiền lòng. Mà nguyên nhân phiền lòng ấy xuất phát từ sự chấp trước Có – Không của chính chúng ta.
Như vậy, thì cảnh địa ngục có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Nơi nào con người còn chấp trước, tà kiến, si mê, bị vô minh che lấp thì nơi ấy địa ngục hiện diện. Và một khi con người diệt trừ được những tham, sân, si thì địa ngục không còn mà Niết bàn hiển lộ. Như ánh sáng chiếu đến thì bóng tối tự tan.
Để truyền bá Phật pháp tại thế gian, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ, Đại thừa Phật giáo mượn hình thức thần thánh hóa các vị Phật – Bồ tát để tạo sự hấp dẫn trong quần chúng, đưa Phật giáo vào xã hội. Đứng về phương diện khoa học thì ngày sinh, nơi sinh rất quan trọng để xác định một người có thật hiện hữu hay không. Nhưng về mặt tâm linh thì điều đó không cần thiết. Như tình thương là một cái gì đó có thật, con người sống trong thế giới đầy khổ đau luôn khao khát có được tình thương. Không ai nói tình thương không có mặt, nhưng chỉ nói không thì rất trừu tượng, nên Phật giáo đã nhân cách hóa tình thương, trở thành một nhân vật có thật để làm đối tượng tôn thờ, đó là Bồ tát Quán Thế Âm.
Phật giáo Đại thừa có rất nhiều vị Bồ tát được xuất hiện như thế. Mỗi vị đại diện cho một đức tính. Đại diện cho đại trí là Bồ tát Văn Thù, đại bi là đức Quán Âm, đại hạnh là ngài Phổ Hiền và đại nguyện là Bồ tát Địa Tạng(14). Họ không phải là những con người bằng xương bằng thịt, nhưng họ cũng là những thực thể. Đại từ, đại bi, đại nguyện là một cái gì đó có thật trong mỗi con người dưới dạng những hạt giống. Nhưng vì con người khó tiếp xúc với những hạt giống ấy, những nguồn năng lượng lành ấy nên đã nhân cách hóa lên để giúp tín đồ có một điểm tựa tinh thần, để làm đối tượng để phấn đấu thực hành theo.
Trong Phật giáo Đại thừa, không nhất thiết phải có một nhân vật lịch sử. Đối tượng cho sự kính ngưỡng được tạo ra bởi tâm thức cộng đồng. Phương tiện quyền xảo là một đặc tính của Phật giáo Đại thừa. Bất cứ giáo lý nào, bất cứ sự thực tập nào đem lại cho con người sự vững chãi, thảnh thơi, giúp cho con người bớt khổ thì đều có thể được chế biến ra. Do có cái nhìn rộng rãi, phóng khoáng nên Phật giáo Đại thừa có nhiều tự do để chế tác những giáo pháp mới, phương pháp hành trì mới mà động lực là lòng từ bi và tuệ giác. Một trong những phương tiện thiện xảo ấy là bản kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện.
Kinh Địa Tạng được trích dịch từ Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luận, cuốn 1, tập 13 của Hán tạng từ trang 721 đến 726 (Bản dịch của HT.Trí Quang, Sài Gòn, 1976)(15) trình bày hạnh nguyện độ sinh của Địa Tạng Đại sĩ. Kinh ví tâm thể như đất và gọi là đất tâm (tâm địa). Có thể quán tưởng tính chất của tâm qua tính chất của đất để giác tỉnh và an trú. Nghĩa tên kinh là ý nghĩa của danh hiệu Bồ tát Địa tạng: U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.
U Minh Giáo Chủ: là giáo chủ cõi địa ngục, cảnh giới của tối tăm, đầy tà kiến và khổ đau. Đại sĩ đã mở đường cho chúng sinh đi vào ánh sáng của nhơn, thiên và giải thoát bằng chính nỗ lực của chúng sinh.
Bổn Tôn: là gốc đáng tôn quý, đáng là nơi nương tựa của chúng sinh. Gốc ở đây là nguồn tâm giải thoát.
Địa Tạng: chỉ tính dung chứa của đất, nói lên tính dung chứa vô tận của tâm thể.
Đất là kho dinh dưỡng vô tận của sinh vật; tâm là nguồn nghiệp công đức của các loài chúng sinh. Như đất bình đẳng và bất động trước cấu, tịnh; tâm thể cũng bình đẳng và tự tại trước các pháp. Đất thì vô nhiễm; tâm cũng thế. Đất tồn tại bền bỉ; cũng thế tâm thể không bị hoại diệt.
Ở đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng, những kinh điển Đại thừa đều y cứ trên nền tảng kinh điển Nguyên thủy. Bàn về tâm lượng rộng lớn, không phân biệt như đất, tôn giả Xá Lợi Phất, bậc thành tựu trí tuệ bậc nhất trong các đại đệ tử của đức Thế Tôn, khi bị người vu cáo rằng đụng ngã họ rồi bỏ đi không lời xin lỗi, đã dùng ví dụ về đất để trình bày tâm lượng của mình:
“Bạch Thế Tôn, cũng như mặt đất dung nạp tất cả đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Đất không vì thế mà khởi sự thương ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như mặt đất kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.”(16). Đây là điểm y cứ để hình thành khái niệm tâm địa và được nhân cách hóa qua hình tượng bồ Tát Địa Tạng.
Ma Ha Tát: Chỉ cho bậc đại sĩ giác ngộ thuộc hàng thập địa, cũng chỉ cho khả năng giác ngộ của tâm thức chúng sinh. Nếu bản chất nguyên thủy của tâm ngay cả một người phàm phu cũng thanh tịnh thì mọi người đều có khả năng chứng đắc Phật quả.(17)
Như vậy, Kinh Địa tạng có thể được xếp vào loại Quyền giáo, ngôn ngữ được sử dụng trong kinh là ngôn ngữ biểu tượng. Địa Tạng là nguồn tâm thể, Địa ngục là ác tâm và tà kiến, si mê, và cõi trời là những thiện tâm, từ tâm. Từ nền tảng Hiếu đạo, bản kinh giúp con người xây dựng tâm Bồ tát và tâm giải thoát, hướng dẫn chúng sinh ra khỏi ác thú, đọa xứ, địa ngục để bước vào an lạc, hạnh phúc. Hạnh nguyện độ sinh này không chỉ của riêng một mình Bồ tát Địa Tạng mà là sứ mạng của chư Bồ tát mười phương, Bồ Tát Địa Tạng chỉ là một trong số ấy.
Giới thiệu về cảnh giới địa ngục, tên gọi và các loại hành hình trong địa ngục, Phẩm thứ 5 bản kinh Địa Tạng có đề cập:
“Thưa Nhân giả! Nay tôi nương oai thần của Ðức Phật cùng oai lực của Ngài mà nói danh hiệu của các địa ngục, cùng những sự về tội báo và ác báo. Thưa Nhân giả! Phương Ðông của Diêm Phù Ðề có dãy núi tên là Thiết Vi. Dãy núi đó tối thẳm không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, trong đó có địa ngục lớn tên là Cực Vô Gián. Lại có địa ngục tên là Ðại A Tỳ, Tứ Giác, Phi Ðao, Hỏa Tiễn, Giáp Sơn, Thông Thương, Thiết Xa, Thiết Sàng, Thiết Thù, Ða Sân…” (18)
Nội dung này được căn cứ từ Kinh Thiên Sứ (Số 130 – Trung Bộ 2, Số 64 Trung A Hàm) và Phẩm thứ 4, Kinh Thế ký thuộc Trường A Hàm như sau:
“Bên ngoài của bốn châu thiên hạ này, có tám nghìn thiên hạ bao quanh ngoài. Lại có biển lớn bao quanh tám nghìn thiên hạ. Kế đó có núi Đại Kim Cang bao bọc biển lớn. Bên ngoài núi Đại Kim Cang này lại có núi Đại Kim Cang thứ hai. Giữa hai núi này là một cảnh giới mờ mịt, tối tăm; mặt trời, mặt trăng, các vị thần, trời dù có uy lực cũng không thể dùng ánh sáng soi chiếu đến đó được. Ở nơi này có tám địa ngục lớn, mỗi địa ngục lớn có mười sáu địa ngục nhỏ. Địa ngục lớn thứ nhất gọi là Tưởng. Thứ hai là địa ngục Hắc thằng. Thứ ba là địa ngục Đôi áp. Thứ tư là địa ngục Khiếu Hoán. Thứ năm là địa ngục Đại Khiếu Hoán. Thứ sáu là địa ngục Thiêu Chích. Thứ bảy là địa ngục Đại Thiêu Chích. Thứ tám là địa ngục Vô Gián”.(19)
Qua một số tên gọi trong bài kinh, ta có thể nhận thấy ý nghĩa sâu xa được gói ghém bên trong lớp vỏ mang màu sắc ghê sợ của địa ngục. Ví dụ, địa ngục Tưởng, nơi chúng sinh trong đó bị Tưởng chi phối, luôn ôm lòng ác độc não hại lẫn nhau, quấy phá nhau bằng những loại vũ khí, sau đó tưởng rằng mình chết đi nhưng một cơn gió thổi qua liền sống lại.
Vì ý niệm của con người liên tục bất tận khởi lên khi 6 căn tiếp xúc 6 trần, khởi vọng tâm phân biệt, tốt xấu đúng sai thương ghét. Những ý niệm bất thiện này khởi lên rồi diệt đi là một lần con người trải qua sinh tử cùng với ý niệm đó. Một niệm bất thiện khởi lên, có thể là đầu đề cho một kiếp sống. Trong kiếp sống đó lại tiếp tục tạo thêm nhiều nghiệp mới trong khi trả những nghiệp quá khứ. Những khởi niệm mới đó lại trở thành đầu đề cho những kiếp sống khác nữa. Như vậy, một ngày, một tháng, một năm, một cuộc đời con người sinh khởi không biết bao nhiêu vọng niệm, liên tục nối tiếp nhau không ngừng dứt, như những đợt sóng biển cái sau xô cái trước, liên tục tấp vào bờ, nối dài mãi con đường sinh tử luân hồi vô tận vô biên.
Để thoát sinh tử, phải giữ chính niệm, không còn vọng tâm phân biệt. Không phân biệt không có nghĩa là không còn tư tưởng, tri giác hay nhận thức để phân biệt thế giới mà là dùng chính niệm để nhận biết những ý niệm đó sinh khởi, tồn tại rồi hoại diệt một cách rõ ràng như người gác cổng. Không tìm cách chặn những ý niệm hay chạy trốn bằng giấc ngủ, cũng không khởi tâm chán ghét, ưa thích hay ghê sợ để bị lôi cuốn theo những ý niệm đó. Chỉ đơn giản là dùng chính niệm để rõ biết thì ý niệm tự sinh tự diệt. Khi đó, ngắt được một niệm bất thiện ban đầu có thể đoạn được một dây phiền não, ngắt được một chuỗi sinh diệt diệt sinh trong tương lai. Đó là lý do tại sao đức Phật luôn đề cao việc giữ chính niệm.
Gốc của từ niệm (smr-ti) nguyên nghĩa là “nhớ”, có thể được định nghĩa là việc nghĩ nhớ để ngăn ngừa tư tưởng bị phân tán, chống lại tính hay quên, bất cẩn và xao lãng.(20) Để có chính niệm, thời đức Phật, các đệ tử thực hành thiền định. Đối với thời đại ngày nay, phật tử mượn hạt chuỗi, mượn câu Phật hiệu để kéo tâm mình quay về với chính niệm. Trong kinh Địa Tạng, chính nàng Quang Mục cũng phải ngồi nhất tâm niệm danh hiệu Giác Hoa Định Tự Tại Vương mới có thể xuống địa ngục để thăm mẹ. Đây là nền tảng căn bản của Phật giáo, tu tập Giới – Định – Tuệ.
Tản mạn chuyện địa ngục và cô hồn
Để dẫn dắt chúng sinh từ vùng ác kiến, ác hạnh ra khỏi tăm tối của vô minh dày đặc, Địa Tạng Đại sĩ đã chỉ dạy họ hiếu đạo, bố thí tài vật, giữ năm giới, thập thiện, chiêm lễ, cúng dường và tô họa hình tượng Phật, Bồ tát, tụng đọc kinh điển Đại thừa, tin hiểu nhân quả. Bởi vì đối tượng giáo hóa là những người còn chìm ngập trong khổ đau và si mê, Đại sĩ không thể nào nói các giáo lý cao sâu như Tứ Đế, 12 nhân duyên… mà thông qua những trình bày cụ thể về sự khổ đau nơi địa ngục bằng hình ảnh sống động, đối tượng giáo hóa tự mình chiêm nghiệm. Biết rằng chính những nghiệp Thiện hay Ác mình gây tạo là nhân dẫn dắt mình đến những cảnh giới an lạc hay khổ đau.
Như trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt và Đại nghiệp phân biệt của Trung Bộ kinh. Nếu như Tiểu nghiệp phân biệt đức Phật nói cho thanh niên Todeyya về những hiện tượng nhân quả mang tính hình thức bên ngoài, những hiện tượng có thể bắt gặp trong đời sống hàng ngày như giàu nghèo, đẹp xấu, sống lâu hay chết yểu… Những lĩnh vực của vật lý này được đức Phật nói cho những thính chúng chưa hiểu biết nhiều về Phật pháp, chưa ý thức được tầm quan trọng của sự tu tập nội tâm.
Đối với người xuất gia, cụ thể là tôn giả Ananda, đức Phật dạy 4 trường hợp, trong đó người làm ác có thể sinh cõi ác hoặc cõi lành; người làm lành có thể sinh cõi lành hay cõi dữ đều căn cứ trên tâm thức của người ấy. Nếu một người có chính kiến, lúc lâm chung, dù trước đây họ có làm ác, có tà kiến đi nữa thì vẫn được sinh vào cõi lành. Ngược lại, những người mang theo tà kiến trước lúc lâm chung sẽ đọa lạc dù trước đây họ có thực hành rất nhiều điều thiện(21). Vì thế, nhân quả trong Phật giáo không thể xét ở bề nổi mà cần phải có sự thấu hiểu một cách rốt ráo.
Nội dung bản kinh Địa Tạng cũng làm một việc tương tự. Nên xem kinh Địa Tạng như một Hiếu kinh cần được giới thiệu ý nghĩa cho những người đang sống hiểu rõ để xây dựng chính kiến và chính tín, hầu có một tập quán nghiệp và một cận tử nghiệp tốt, mở đường đi vào thiện thú, thiên giới sau khi chết. Trì tụng chỉ là bước đầu sửa soạn để cho mình khởi thiện tâm để hành các thiện hạnh. Với công đức tu tập này, nếu hồi hướng, cha mẹ qua đời chỉ hưởng được một phần bảy. Công đức đó chỉ là trợ duyên tốt, ví như một làn gió mát xoa dịu khách bộ hành dưới trời nắng cháy. Nhân tố chuyển nghiệp chính vẫn là ở thiện tâm của mỗi người.
Cảnh giới địa ngục trong kinh được mở ra như một tấm gương soi cho người thấy rõ tâm mình mà cảnh giác xa rời các ác niệm và ác hạnh. Nó không hoàn toàn là một cảnh giới, mà là các tâm tà kiến, độc hại, có thể được xoa dịu bởi các hiếu tâm, từ tâm và thiện tâm. Ý nghĩa Địa tạng cứu thoát chúng sinh ở địa ngục là như thế.
Qua ý bản kinh này, chúng ta có thể thấy được lập trường và quan điểm của Phật giáo Đại thừa, đặc biệt chú trọng tinh thần giảng dạy của đức Phật, và bằng mọi cách vận dụng tinh thần ấy vào đời sống cụ thể từng nhóm người và từng xã hội, không câu nệ hoặc cố chấp bất kỳ hình thức nào, dù có đi ngược lại hình thức của ‘giới luật’, miễn sao việc làm đó mang đến giác ngộ và giải thoát cho mình và cho mọi người(22).
Thế nên Phật giáo Đại thừa đã khẳng định một cách hùng hồn rằng Phật giáo Đại thừa chỉ nghe và làm theo những điều đức Phật đã dạy, không nghe theo bất cứ một ai, dù người đó là ai, mệnh danh gì, chứng quả gì; Thứ nữa, Phật giáo Đại thừa làm theo tinh thần ý nghĩa mà đức Phật muốn chuyển tải, không phải làm theo kiểu rập khuôn theo chữ nghĩa khi những ngôn từ ấy đã thay đổi theo thời gian và không gian, mà là vận dụng một cách linh hoạt, tùy thời đại, tùy căn cơ và trình độ nhận thức của đối tượng mà hình thành phương thức giáo dục khác nhau. Mục đích cuối cùng vẫn là dắt dẫn họ đạt đến giác ngộ giải thoát.
Kết luận
Giáo dục Phật giáo hướng đến mục đích giải thoát con người khỏi những tà kiến, mê lầm, chấp trước để đạt được giải thoát và an lạc trong tâm. Cuộc hành trình chiến đấu chống lại những tâm thức xấu ác được đức Phật miêu tả bằng những hình ảnh sinh động và cụ thể. Như trận chiến của Ngài chống lại Ma Ba Tuần cùng những nàng con gái yêu kiều trong một đêm mưa giông, bão táp trước ngày thành đạo là bức tranh cụ thể của nội tâm Ngài. Cảnh giới an nhàn, hạnh phúc, đầy những trân bảo, lưu ly, xa cừ của cõi Tịnh Độ Tây phương nào có nằm ngoài bản tâm thanh tịnh của mỗi con người.
Do đó, cảnh giới địa ngục, không xét rằng có hay không thật có bởi giới hạn của mắt thường phàm phu, nhưng đứng trên phương diện của tâm thức, đó chính là những tâm lý phiền não, những ác tâm, hại tâm mỗi ngày một nung nấu và gặm nhấm khiến con người quay cuồng trong những tham lam và dục vọng của chính mình. Khác nào người khát uống nước muối, người cầm đuốc đi ngược gió, thiêu đốt bản thân mình. Thế nên, diệt trừ những phiền não cấu uế trong tâm bằng cách tu tập Giới – Định – Tuệ trên nền tảng thấu rõ bản chất của các pháp là Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, con người sẽ tìm đến được mảnh đất tâm thanh tịnh, trong sáng của chính mình, tự cứu thoát mình ra khỏi những khổ đau, đồng thời dang tay cứu giúp những người còn đang lặn ngụp trong sầu khổ. Đó là ý nghĩa thiết thực mà Phật giáo mang đến cho nhân sinh.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021
Chú thích:
(1) Vu Lăng Ba, Thích Hạnh Bình – Phương Anh dịch, “Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo nguyên thủy”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. 35.
(2) Thích Viên Trí, “Ấn Độ Phật giáo sử luận”, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, 2006, tr. 16- 17.
(3) Vu Lăng Ba, Thích Hạnh Bình – Phương Anh dịch, “Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo nguyên thủy”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. 41.
(4) HT. Minh Châu dịch, “Trường Bộ Kinh”, tập 1, 3. Kinh Ambattha, VNCPHVN, 1991, tr. 187 – 189.
(5) HT. Minh Châu dịch, “Tăng Chi Bộ kinh”, Tập 1, Chương 1 Một Pháp XIII. Phẩm Một Người, VNCPHVN, 2001, tr. 46.
(6) Thích Hạnh Bình, “Những vấn đề cốt lõi trong kinh Tạp A-hàm”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr. 76.
(7) Thích Quảng Liên, “Sử cương triết học Ấn Độ”, Nxb. Bồ Đề, Sài Gòn, 1965, tr. 115.
(8) Thích Hạnh Bình, “Nghiên cứu khái niệm A La Hán trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. 23.
(9) HT. Minh Châu dịch, “Trường Bộ Kinh”, tập 1, 2. Kinh Sa Môn quả, VNCPHVN, 1991, tr. 152.
(10) HT. Minh Châu dịch, “Trường Bộ Kinh”, tập 2, 33. Kinh Phúng tụng, VNCPHVN, 1991, tr. 600.
(11) Thích Hạnh Bình, “Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường A-hàm”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr. 143-144.
(12) Lê Tự Hỷ, “Đại đế Aśoka – Từ huyền thoại đến sự thật”, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2018, tr. 125.
(13) HT. Minh Châu, “Trung Bộ kinh”, tập 2, 129. Kinh Hiền Ngu, VNCPHVN, 2012, tr. 495-496.
(14) Thích Nhất Hạnh, “Những con đường đưa về núi Thứu”, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, 2015, tr. 196.
(15) Thích Chơn Thiện, “Tư tưởng kinh Đại thừa”, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, HCM, 2018, tr. 83.
(16) Thích Hạnh Bình, “Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trung A Hàm”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr. 152.
(17) Hirakawa Akira, Thích Nguyên Hiệp dịch, “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ – Từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ”, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 450-451.
(18) HT.Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Nxb: Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr 74,75.
(19) Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm Hán dịch, Tuệ Sỹ dịch Việt, Kinh Trường A Hàm Tập 1, Kinh Thế Ký phẩm thứ tư, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, Năm 2007, Tr 595- 596.
(20) Edward Conze, Hạnh Viên dịch, “Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ”, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM, 2017, tr. 78.
(21) Thích Hạnh Bình, “Tìm hiểu giáo lý Phật giáo nguyên thủy”, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, 2007.
(22) Thích Hạnh Bình, “Đức Phật và những vấn đề thời đại”, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, 2014, tr. 147.
Tài liệu tham khảo:
1. HT. Minh Châu dịch, “Trường Bộ Kinh”, tập 1,2,3. Kinh Ambattha, VNCPHVN, 1991.
2. HT. Minh Châu, “Trung Bộ kinh”, tập 2, 129. Kinh Hiền Ngu, VNCPHVN, 2012
3. HT. Minh Châu dịch, “Tăng Chi Bộ kinh”, Tập 1, Chương 1 Một Pháp XIII. Phẩm Một Người, VNCPHVN, 2001.
4. HT.Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Nxb: Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.
5. Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm Hán dịch, Tuệ Sỹ dịch Việt, Kinh Trường A Hàm Tập 1, Kinh Thế Ký phẩm thứ tư, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, Năm 2007.
6. Vu Lăng Ba, Thích Hạnh Bình – Phương Anh dịch, “Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo nguyên thủy”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019.
7. Thích Viên Trí, “Ấn Độ Phật giáo sử luận”, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, 2006.
8. Thích Hạnh Bình, “Những vấn đề cốt lõi trong kinh Tạp A-hàm”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018.
9. Thích Quảng Liên, “Sử cương triết học Ấn Độ”, Nxb. Bồ Đề, Sài Gòn, 1965.
10. Thích Hạnh Bình, “Nghiên cứu khái niệm A La Hán trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019.
11. Thích Nhất Hạnh, “Những con đường đưa về núi Thứu”, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, 2015.
12. Lê Tự Hỷ, “Đại đế Aśoka – Từ huyền thoại đến sự thật”, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2018.
13. Hirakawa Akira, Thích Nguyên Hiệp dịch, “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ – Từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ”, Nxb. Văn hóa
– Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2018.
14. Thích Hạnh Bình, “Tìm hiểu giáo lý Phật giáo nguyên thủy”, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, 2007.
15. Thích Hạnh Bình, “Đức Phật và những vấn đề thời đại”, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, 2014
Thảo luận về post