Con đường hoàn thành Phật đạo thật ra vẫn còn vô số chông gai thử thách có muôn ngàn duyên nghiệp sẳn sàng khảo đảo đời sống của người hành trì cũng như gây nên rất nhiều chướng ngại trên bước đường tu tập. Những sự khảo đảo ấy có rất nhiều chi tiết sai biệt, được tóm tắt đại cương trong sáu phần sau đây:
1/ Thứ nhất là Nội Khảo.
Có người trong lúc tu tập bỗng khởi lên những tâm niệm Tham lam giận hờn, dục nhiễm, ganh ghét khinh mạn, nghi ngờ, hoặc Si mê hôn trầm buồn ngủ. Những tâm niệm ấy đôi khi phát lộ rất mãnh liệt, và gặp duyên sự nhỏ cũng dễ sanh ra cau có bực mình. Nhiều lúc trong giấc mơ lại thấy các hình tướng thiện ác biến chuyển. Gặp cảnh này, hành giả phải ý thức đó là do công năng hành trì nên nghiệp tướng phát hiện. Ngay lúc ấy nên Giác ngộ rằng các thứ nghiệp tướng đều như huyễn hóa, phải nêu cao Chánh niệm thì tự nhiên các tướng ấy lần lượt tiêu tan. Nếu không nhận thức rõ ràng tất bị nó xoay chuyển làm cho thối đọa.
Tiên đức dạy rằng: chẳng sợ nghiệp khởi sớm: chỉ e Giác ngộ chậm. Có người đang lúc niệm Phật bỗng phát sanh tán loạn, mỏi nhọc khó cưỡng lại nổi, ngay khi ấy nên đứng lên lễ Phật hoặc đi kinh hành, hoặc tạm xả công phu lui ra đọc vài trang sách, chờ cho tâm tư thanh tịnh sẽ trở vào niệm Phật. Chớ nên cưỡng cầu, chớ nên tự ép buộc cho mau nhất tâm thì càng cố gắng, lại càng rối loạn. Nếu thấy quá cô tịch thì phải phụ thêm bái sám, tụng kinh, trì chú. Ðây chỉ là sự uyển chuyển trong lúc dụng công, để con đường hành trì trở nên dễ dàng và dễ chịu hơn.
2/ Thứ hai, là Ngoại Khảo.
Ðây là những nghịch cảnh thuộc về bên ngoài, làm duyên khó khăn thối đọa cho hành giả, như là sự nóng bức, ồn ào, uế tạp, hoặc ở chỗ quá rét buốc hay nhiều muỗi mòng, gặp những cảnh như thế này thì phải nên uyển chuyển chứ đừng chấp nê theo hình thức của mình, mà phải nhẫn nại để cố giữ cho vững khóa trình trì niệm. Ðừng bao giờ tỏ ra cái ý mong cầu hoàn cảnh bên ngoài phải thuận theo lòng mình.
3/ Thứ ba là: Nghịch Khảo.
Trên đường hành đạo nhiều khi hành giả bị chướng duyên làm cho trở ngại. Có người bị cha mẹ, anh em, hay vợ chồng hoặc con cái ngăn trở, phá hại sự hành trì, có người thì xác thân mang cố tật hoặc đau yếu mãi không lành. Có kẻ bị oan gia đeo đuổi ám hại. Hoặc có người bị vu oan, giá họa khiến bị tra tấn hay tù đày, hoặc bị ganh ghét bêu rao nhiều tiếng xấu xa làm cho lòng khó an khó nhẫn.
Tất cả các việc ấy đều do sự tác động của nghiệp quá khứ hoặc nghiệp hiện tiền, mà muốn vượt qua thì hành giả cần phải ẩn nhẫn sám hối một cách kiên trì, chớ buồn phiền oán trách mà phải xem đó như là những thử thách của A Di Ðà để trui luyện tín tâm của mình. Và điều cần yếu nhất là phải thường xuyên cầu nguyện sự gia hộ của chư Phật và chư Bồ tát.
4/ Thứ tư là: Thuận Khảo
Có người không gặp nghịch cảnh mà gặp thuận cảnh, và cầu mong gì đều được toại ý, Nhưng những sự đắc ý ấy lại là duyên ràng buộc chứ không phải là duyên tiến tu. Ðây là những cảnh thuận theo duyên đời, quyến rũ người tu rồi dẫn lần đến các sự phiền toái khác làm mất cả đạo niệm.
Người ta chết vì lửa thì ít mà chết vì nước thì nhiều cho nên trên đường hành trì thì thuận cảnh thật ra đáng sợ hơn nghịch cảnh.
Vì sao thế? Vì nghịch cảnh phần nhiều làm cho hành giả khổ đau nên sớm tỉnh ngộ và dễ thoát ly ý niệm Tham đắm, đôi khi còn phẫn chí mà lo tu hành. Ngược lại, thuận cảnh làm cho con người âm thầm thối đọa lúc nào không hay không biết. Ðến khi bừng tỉnh mới rõ mình đã lăn xa xuống dốc, khó mà cứu vãn cho kịp. Người xưa nói rằng: Việc thuận tốt đến ba – Mê lụy người đến già. Cho nên sự thử thách của thuận cảnh rất là vi tế và khó đối trị. Do đó cần phải chú ý.
5/ Thứ năm là Minh Khảo.
Ðây là sự thử thách rõ ràng trước mắt mà không chịu cảnh giác để tỉnh ngộ. Chẳng hạn như có một vị tài đức không bao nhiêu nhưng được nhiều người nịnh bợ, khen là nhiều đức hạnh, có phước lớn, rồi sanh ra tự kiêu, tự đắc, khinh thường mọi người làm những điều càn rỡ, kết cuộc bị thảm bại. Hoặc có một vị có đủ khả năng tiến xa trên đường đạo, nhưng bị kẻ khác cản trở, dọa nạt, khích bác, thuyết phục phải bỏ đạo, rồi sanh ra e dè lo sợ để rồi thối thất lòng tin. Hoặc có những kẻ tự mình biết nếu tiến hành Tham vọng nào đó thì sẽ rước lấy sự lỗi lầm, thất bại, nhưng vì mù quáng và tự ái, vẫn đeo đuổi theo cho đến khi thân bại danh liệt.
Hoặc có kẻ tuy biết các duyên bên ngoài đều là giả huyễn, nhưng vì định lực yếu kém, lòng tin lung lay, cho nên không buông bỏ được, rồi sau đó tự chuốc lấy sự buồn khổ.
Có nhiều người tuy có đức tin và có hành trì, nhưng tính tình quá nhẹ dạ, nên hay bị phỉnh gạt và bị lôi cuốn vào việc đời cho đến nỗi thân bị mang lụy. Khi mà chưa diệt được lòng Tham lam, thì rất dễ bị người khác dùng tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp lôi cuốn. Hoặc nếu còn tánh nóng nảy và khí khái tất dễ bị kẻ khác khích động mà gánh vác những việc phiền phức vào thân.
Ðây là cạm bẫy của Ðời mà cũng là của Ðạo, nếu không dè dặt để cảnh giác thì sẽ vướng vào vòng chướng nghiệp. Ðối với những duyên thử thách lộ liễu như thế, hành giả phải nhận định cho sáng suốt và phải quả quyết tiến theo ánh sáng của Chánh kiến mới vượt thẳng được
6/ Thứ sáu là Ám Khảo.
Ðây là sự thử thách âm thầm không lộ liễu, mà hành giả nếu không khéo lưu tâm thì chắc chắn khó hay khó biết.
Có người ban sơ tinh tấn niệm Phật, rồi bởi gia kế lần lần sa sút, công việc làm ăn thất bại, cho nên sanh lòng trễ nãi sự tu. Có người công việc mưu Sinh từ từ phát đạt, rồi ham mê theo lợi lộc mà xao lãng hành trì. Có người vì thiếu sự cứu xét nội tâm cho nên phiền não càng ngày càng tăng thêm, lần lần sanh ra lười biếng kinh kệ.
Có người vì thời cuộc bên ngoài thay đổi, tuy sự sống vẫn đầy đủ nhưng nhà cửa nay đổi mai dời, tâm trí cứ hoang man hướng ngoại, bất giác bỏ quên sự trì niệm hồi nào không hay.
Trên đây, đều là ảnh hưởng diễn biến của nghiệp thiện ác. Nhưng có sức âm thầm lôi kéo hành giả, làm cho bê trễ sự tu học, nên gọi là Ám Khảo.Do vậy mà người niệm Phật phải lưu tâm, chú ý nhiều hơn nữa và phải luôn luôn bái sám cùng cầu nguyện sự gia bị của chư Phật cũng như oai thần lực của chư Bồ tát để vượt qua những thử thách vi tế và âm thầm.
Trích Niệm Phật Sám Pháp Phẩm Thứ Chín: Niệm Phật Phải An Nhẫn Các Chướng Duyên Hòa thượng Thích Thiền Tâm
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
A Di Đà Phật
Thảo luận về post