Huyền Trang sang phương Tây thỉnh kinh luận pháp
Phó Lâm Tường: “Lịch sử Trung Hoa: Giao lưu và giao thông”
Ngô Trần Trung Nghĩa dịch
>>> Đại Đường Tây Vức Ký | Pháp sư Huyền Trang đời nhà Đường | Dịch Việt HT. Như Điển
Nhờ sự truyền bá rộng rãi của tiểu thuyết “Tây du ký” nên Đường Tăng Huyền Trang đi Tây thiên thỉnh kinh đã trở thành một câu chuyện mà ai ai cũng biết. Tuy tiểu thuyết và sự thật lịch sử có nhiều điểm khác nhau, không có Tôn Ngộ Không đồng hành, cũng không có yêu ma quỷ quái, nhưng Huyền Trang đúng là đã trải qua rất nhiều vất vả trên chuyến đi.
>>> Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang – Cuộc Đời & Công Hạnh
>>> TÌM HIỂU HÀNH TRÌNH THỈNH KINH CỦA ĐƯỜNG HUYỀN TRANG
THÂN THẾ CỦA ĐƯỜNG HUYỀN TRANG
Xuất thân
Huyền Trang họ Trần, tên Y, được dân chúng tôn kính gọi là “Tam Tạng pháp sư”, người Câu Thị, Lạc Dương (nay là vùng phụ cận thôn Trần Hà, huyện Yển Sư, Hà Nam), sinh vào năm Nhân Thọ thứ 2 đời Tùy Văn Đế (602, có thuyết nói là năm 600). Năm Huyền Trang 10 tuổi thì gia đình gặp phải chuyện bất trắc, ông theo người anh thứ hai là Trần Tố đã xuất gia lên chùa Tịnh Độ ở Lạc Dương học kinh Phật. Theo chế độ nhà Tùy, phải qua sự tuyển chọn và đề bạt của nhà nước, thực hiện xong thủ tục “độ tăng” thì tín đồ Phật giáo mới có thể xuất gia. Năm Đại Nghiệp thứ 10 đời Tùy Dưỡng Đế (614), Đại lý khanh Trịnh Thiện Quả tới Lạc Dương “độ tăng”, lúc bấy giờ có đến hàng trăm người ứng tuyển, Huyền Trang chỉ mới 13 tuổi nên không đủ tư cách tham dự. Nhưng ông có dung mạo xuất chúng, chí hướng bất phàm, khiến Trịnh Thiện Quả chú ý, do đó ông được đặc chuẩn cho xuất gia.
Tượng ngài Huyền Trang
Tu hành
Sau khi xuất gia, Huyền Trang vẫn tu tại chùa Tịnh Độ ở Lạc Dương. Vào buổi Tùy mạt Đường sơ, những lực lượng quân phiệt cát cứ, chỉ có thế cục Tứ Xuyên là tương đối ổn định, nên tăng nhân các xứ đều đua nhau tới Tứ Xuyên. Đến Tứ Xuyên rồi, Huyền Trang bỏ ra mấy năm để đọc hết Kinh tạng và Luận tạng trong Phật giáo. Thời gian này, ông còn du hành tới Kinh Châu (Giang Lăng, Hồ Bắc), Tương Châu (An Dương, Hà Nam), Triệu Châu (huyện Triệu, Hà Bắc). Cuối những năm Vũ Đức, cục diện cả nước đã trở lại yên bình, Huyền Trang bèn quay về Trường An. Học vấn của Huyền Trang càng cao thì những nghi vấn và vướng mắc của ông càng nhiều, song kinh Phật Trung Quốc và các cao tăng lại không thể giải đáp được. Thế là Huyền Trang quyết định sang Ấn Độ, nơi bắt nguồn của đạo Phật, để lấy kinh cầu pháp. Khéo thay, lúc bấy giờ có một vị cao tăng Ấn Độ tên Ba Pha Mật Đa La tới Trung Quốc, Huyền Trang gặp được ông ấy thì quyết tâm du hành càng thêm kiên định hơn.
HÀNH TRÌNH THỈNH KINH CỦA HUYỀN TRANG
Khởi hành
Năm Trinh Quán thứ nhất (627, có thuyết nói là năm Trinh Quán thứ hai hoặc thứ ba), Huyền Trang hai lần dâng biểu trần tình, xin đi Tây thiên lấy kinh. Nhà Đường vừa thành lập chưa lâu, sức mạnh quốc gia còn chưa đủ, để phòng ngừa sự xâm phạm của thế lực Đột Quyết bên Tây Vực, nhà nước nghiêm cấm dân chúng xuất cảnh sang miền Tây, do đó thỉnh cầu của Huyền Trang đã không được phê chuẩn. Mùa thu năm ấy, khu vực Quan Trung – nơi tọa lạc của kinh đô Trường An – xảy ra nạn sương muối, triều đình cho phép trăm họ được tha hương cầu thực, Huyền Trang nhân cơ hội đó chuẩn bị lên đường.
Ông xuất phát từ Trường An, băng qua Tần Châu (phía Bắc Thiên Thủy, Cam Túc) và Lan Châu, đi thẳng tới Lương Châu. Khi ông đến Qua Châu (Đông Nam An Tây, Cam Túc) thì phóng điệp (lệnh truy bắt) của Trường An bám sát ngay sau lưng, nói rằng: “Có một tăng nhân tên Huyền Trang muốn vào Tây phiên, các châu huyện sở tại phải canh chừng nghiêm ngặt và bắt giữ”. Như vậy, Huyền Trang không những phải đối mặt với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt mà còn phải lo trốn tránh sự truy đuổi của quan phủ.
Họa vô đơn chí
Một mình Huyền Trang xông pha vào nguy hiểm, suýt chút nữa thì trúng tên mất mạng dưới đồn biên phòng của phong hỏa đài. Vất vả lắm ông mới vượt qua phong hỏa đài thứ tư, rồi đi tới vùng Mạc Hạ Diên Thích rộng lớn vô biên nằm tại phía Đông Nam của Y Ngô (Kumul, Tân Cương). Mạc Hạ Diên Thích dài hơn 800 dặm, trên chẳng thấy chim bay, dưới không thấy thú chạy, cũng không có nước với cỏ, ban đêm gió rét đến cắt da cắt thịt, ban ngày thì gió nóng như thiêu đốt. Một hôm nọ, Huyền Trang mở bình nước định uống lấy một ngụm, nào ngờ họa bất đơn hành, do bình nước quá nặng nên đã tuột khỏi tay ông và rơi xuống, nước chảy hết ra mặt đất. Đi lại trong sa mạc mà không có nước uống thì xem như chắc chắn mất mạng. Huyền Trang “suốt năm ngày bốn đêm không một giọt nước chảy vào họng, bụng khô và nóng, mấy lần suýt ngã gục”. Nhưng ông có ý chí mạnh mẽ, kiên quyết tiến lên phía trước, nhất định không lùi bước về hướng Đông. Đến nửa đêm ngày thứ năm, nhờ gió mát thổi tới nên Huyền Trang dần hồi phục. Rồi một ngày kia, ngựa ông cưỡi đột nhiên chạy vào ngả rẽ chứ không chịu đi đường thẳng, song Huyền Trang cứ để tùy ý nó. Và kỳ tích đã xuất hiện, ông nhìn thấy “bãi cỏ xanh rộng mấy mẫu”, cách đó không xa còn có một cái ao, nước ngọt và trong vắt, uống nước xong, người ngựa đều cảm thấy khỏe hẳn. Huyền Trang thoát chết trong gang tấc, cuối cùng cũng ra khỏi Lưu Sa và tới được nước Y Ngô, cửa ngõ của Tây Vực.
Kiên quyết đến Tây Thiên
Tại Y Ngô, Huyền Trang gặp sứ giả nước Cao Xương (Turfan, Tân Cương). Sứ giả báo cáo tin tức về Huyền Trang lên quốc vương Khúc Văn Thái. Khúc Văn Thái là một tín đồ thành kính của Phật giáo, khi nghe tin thì lập tức gửi công hàm cho quốc vương Y Ngô, bảo ông ta đưa Huyền Trang đến Cao Xương, đồng thời tức tốc cho người ra nghênh tiếp, xin Huyền Trang hãy thay đổi lộ trình Tây du, ghé nước Cao Xương trước đã. Đáng lẽ Huyền Trang sẽ rời khỏi Y Ngô và băng qua thành Khả Hãn Phù Đồ (Jimsar, Tân Cương), men theo chân núi phía Bắc của Thiên Sơn để đi tới phương Tây, nhưng ông không thể từ chối lời thỉnh cầu của sứ giả, nên đành nghe theo họ. Ngay trong đêm Huyền Trang tới Cao Xương, đích thân quốc vương Khúc Văn Thái và vương phi đốt đuốc ra nghênh đón, họ đưa ông vào bảo trướng cao ngút ở hậu viện hoàng cung và thăm hỏi hết sức ân cần. Khúc Văn Thái rất mực tôn kính pháp sư Huyền Trang, vua mời ông giảng kinh hoằng pháp tại ngôi chùa bên cung điện, hơn nữa còn xin ông hãy ở lại Cao Xương luôn. Nhưng Huyền Trang đã quyết ý đi Tây thiên, có chết cũng không chịu tuân mệnh, ông đã tuyệt thực suốt bốn ngày liên tục, vua thấy vậy bèn để ông ra đi. Lúc chuẩn bị lên đường, Khúc Văn Thái cùng với các đại thần, tăng lữ và bách tính cả nước cùng nhau tới tiễn đưa, ai nấy đều bịn rịn lưu luyến. Vua còn phái 5 sa di và 20 tùy tùng theo hộ tống Huyền Trang, ban thêm 30 con ngựa cùng nhiều món vàng bạc, vải vóc, quần áo. Nhà vua còn đặc biệt viết thư gửi đến các nước dọc đường, mỗi phong thư có kèm theo một cuộn vải lăng lớn làm lễ vật, lại chuẩn bị hai xe hoa quả biếu tặng cho Diệp Hộ Khả Hãn (con trưởng của vị Khả Hãn này là em rể vua Cao Xương) ở Tây Đột Quyết, nhờ bọn họ chiếu cố đến đoàn người Huyền Trang. Tấm thịnh tình ấy của Khúc Văn Thái được Huyền Trang gọi là “khơi hết nước Giao Hà cũng không nhiều hơn đức ấy, nhấc cả núi Thông Lĩnh cũng không nặng bằng ơn kia”.
Đoạn cuối của hành trình
Sự giúp đỡ của vua Cao Xương đã cải thiện điều kiện hành trình của Huyền Trang rất nhiều. Đoàn người Huyền Trang cứ men theo đường Ngân Sơn ở chân núi phía Nam Thiên Sơn, đi tới nước A Kỳ Ni (Yên Kỳ, Tân Cương) và ở lại đó một đêm. Có thể do nước này không hoan nghênh họ, nên đến hôm sau thì họ tiếp tục khởi hành. Sau đó, mọi người vượt qua sông Khổng Tước và sông Vị Can (1) rồi đến nước Khuất Chi (tức Quy Từ, Kuchar, Tân Cương). Ở đại lộ ngoài cửa thành phía Tây nước Khuất Chi, họ nhìn thấy mỗi bên đường có một pho tượng Phật cao hơn 90 thước, cứ 5 năm lại có một kỳ đại hội Phật giáo được cử hành tại nơi này. Vào mùa thu hằng năm, tăng chúng cả nước đều tụ tập về đây, vua quan sĩ thứ cũng tạm gác lại công việc, phụng trì trai giới và đi nghe giảng kinh thuyết pháp. Các chùa chiền thì dùng gấm lụa quý giá trang sức cho tượng Phật, rồi lấy xe đầy màu sắc chở tượng Phật đi tham gia hoạt động rước tượng. So với nước Vu Điền thì quy mô lớn hơn nhiều, thời gian kéo dài đến 15 ngày, sau khi thực hiện nghi lễ tắm Phật thật long trọng xong thì mới tuyên bố kết thúc.
Huyền Trang ở lại nước Khuất Chi hai tháng rồi tiếp tục khởi hành, băng qua nước Bạt Lộc Già (vùng Aksu, cũng có khả năng là Bái Thành), men theo sông Aksu và sông Khố Mã Lực Khắc, tới được sơn khẩu Lăng Sơn tại chân núi phía Nam của Thiên Sơn. Đây là tuyến đường trọng yếu để vượt khỏi Thiên Sơn, nhưng cũng rất cheo leo và nguy hiểm, để bước qua tuyến đường này, nhiều người đã phải trả giá bằng mạng sống. “Ở thung lũng có chứa tuyết, mùa xuân mùa hạ vẫn còn đông cứng, có lúc băng tan nhưng rồi kết lại ngay. Đường đi hiểm trở, gió lạnh khủng khiếp. Bởi nhiều gian nan và khó nhọc nên phần lớn dùng để lưu đày phạm nhân. Do đó người đi đường này không được chuẩn bị áo tù đỏ, mang theo bầu nước và lớn tiếng gọi nhau, hễ có vi phạm thì tai họa lâm đầu. Gió lốc nổi lên, cát đá bay rào rào như mưa, ai gặp phải thì chết chắc, khó lòng bảo toàn tính mạng” (2). “Thông Lĩnh nằm ở Thiệm Bộ Châu, phía Nam giáp Tuyết Sơn, phía Bắc lên đến Nhiệt Hải, Thiên Tuyền, phía Tây sang nước Hoạt, phía Đông tới nước Ô Sát, Đông Tây Nam Bắc đều mấy ngàn dặm. Vách núi cao mấy trăm tầng, thung lũng thì sâu hoắm, lúc nào cũng có băng tuyết ngưng kết, gió lạnh kinh người” (3). Đây đều là miêu tả về Thông Lĩnh, từ đó có thể thấy được sự khắc nghiệt của khí hậu cao nguyên. Đi qua Tuyết Sơn là tới ao Đại Thanh (Nhiệt Hải, hay còn có tên Hàm Hải, nay là hồ Issyk Kul của Kyrgyzstan), men theo ao Đại Thanh tiến lên phía Bắc thì đến thành Tố Diệp (tức thành Suyab, nay là Ak-Beshim, cách thành phố Tokmok thuộc miền Đông thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan 8 km về phía Tây Nam). Huyền Trang đã gặp Diệp Hộ Khả Hãn của Tây Độ Quyết tại nơi đây, khi ông chỉ còn cách nha trướng hơn 30 bộ thì Khả Hãn ra nghênh đón. Khả Hãn lại phái sứ thần mang thư đến các thuộc quốc, thông báo việc Huyền Trang ghé qua. Huyền Trang rời khỏi nước Giả Thạch (còn có tên Thạch Quốc, nay là thủ đô Tashkent của Uzbekistan) nổi tiếng vùng Trung Á, vượt qua Dược Sát Thủy (sông Syr Darya ngày nay), lại lên cao nguyên Pamir, cuối cùng cũng tới được Thiên Trúc. Tăng nhân Thiên Trúc ai nấy đều thán phục tinh thần xả thân của Huyền Trang, họ chủ động dẫn ông đi chiêm bái những danh thắng Phật giáo tại các nước.
LUẬN PHÁP NGAY TRÊN QUÊ HƯƠNG CỦA ĐẠO PHẬT
Chuyên tâm học Phật pháp
Huyền Trang đã chuyên tâm học tập tại học viện Nalanda nổi tiếng nhất nước Magadha hết 5 năm, nghiên cứu cả kinh điển Phật giáo lẫn kinh sách Bà La Môn được cất giữ trong chùa, ông còn học thêm tiếng Phạn và rất nhiều phương ngữ Ấn Độ. Huyền Trang nhanh chóng trở thành một nhà thông thái trong ngành Phật học Ấn Độ, có địa vị rất cao trong giới Phật giáo nơi đây.
Sử liệu còn ghi: Khi ngài Huyền Trang học nơi đây đào tạo hơn 10.000 tăng sĩ, học viên; hơn 3000 giáo thọ
Học viện Nalanda, nơi Huyền Trang học Phật pháp. Sơ đồ 1 phần khai quật di tích
Dựa vào quyển nhật ký Tây du của Ngài Huyền Trang mà chúng ta xác định được vị trí phòng thất ngài ở học tại nơi đây
Mùa đông giá lạnh – Ngài cùng học viên phải chui vào trong phòng kín này để tránh thời tiết khắc nghiệt
Vua Harsha nước Kānyakubja tổ chức pháp hội với quy mô hoành tráng tại kinh thành Kannauj, hơn 3.000 người tới tham dự, gồm mười tám quốc vương lẫn quan lại và tăng lữ Ngũ Ấn Độ (4). Để chuẩn bị cho thắng hội lần này, vua đặc biệt cho xây cất Bảo Đài hành cung rất hoa lệ: “Vua (Harsha) cho dựng một tòa già lam lớn ở phía Tây sông trước. Phía Đông già lam thì cất Bảo Đài, cao hơn trăm thước, trong có tượng Phật vàng, lớn bằng thân vua. Phía Nam đài thì đắp bảo đàn, làm nơi tắm tượng Phật. Cách đó mười bốn, mười lăm dặm về hướng Đông Bắc, vua đặc biệt cho lập hành cung” (5). Người dự hội hoặc đi thuyền hoặc ngồi xe voi mà đến, dọc đường thì xe cộ chật ních, đánh trống thổi tù, vỗ huyền tấu quản, quả thật là cảnh tượng của một mùa thịnh hội.
Thể hiện tài năng
Trong kỳ pháp hội này, Huyền Trang làm luận chủ, đưa ra chủ đề tranh biện là “Chế ác kiến luận”. Ông ca tụng Đại thừa, phá bỏ mọi dị kiến, dùng kiến thức uyên bác và ngôn ngữ sâu sắc của bản thân để chinh phục những người tham dự. Về sau, 300 bài tụng “Tam thân luận” (6) do Huyền Trang viết lại được lưu truyền khắp Ngũ Ấn Độ, do đó mà ông được tôn xưng là “Đại Thừa Thiên”. Đương nhiên, thời đại của Huyền Trang đã khác xa thời Pháp Hiển, ngoài lấy kinh với học tập thì về mọi phương diện khác, ông đều có trình độ ngang với các tăng lữ Ấn Độ, đủ sức để cùng họ thảo luận và nghiên cứu Phật học.
Trở về Trung thổ
Mùa xuân năm Trinh Quán thứ 17 (643), Huyền Trang đã khéo léo từ chối sự lưu giữ của tăng chúng chùa Nalanda, ông mang theo 650 bộ kinh Phật cùng tượng Phật và hạt giống các loại hoa quả lên đường về nước. Lúc trở về, ông chọn con đường thuộc phía Bắc Pakistan ngày nay, băng qua Afghanistan, vượt thung lũng Wakhan ở góc Nam cao nguyên Pamir, lại đi qua Hòa Điền và Thả Mạt vùng Tân Cương, đến ngày 24 tháng Giêng năm Trinh Quán thứ 19 (645) thì Huyền Trang về đến thành Trường An mà ông đã xa cách bấy lâu nay.
Phó Lâm Tường: “Lịch sử Trung Hoa: Giao lưu và giao thông”
Ngô Trần Trung Nghĩa dịch
CHÚ THÍCH
(1) Tức sông Muzart, một chi lưu của sông Tarim.
(2) “Đại Đường Tây Vực ký”, quyển 1, trang 67, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 2000.
(3) “Đại Đường Tây Vực ký”, quyển 12, sđd, trang 964.
(4) Ngũ Ấn Độ là một danh từ Phật giáo. Sách Puranas chia khu vực Ấn Độ thành 5 phần là Pracya (Đông Ấn Độ), Aparanta (Tây Ấn Độ), Dakshinapatha (Nam Ấn Độ), Uttarapatha (Bắc Ấn Độ) và Majjhimdesa (Trung Ấn Độ).
(5) “Đại Đường Tây Vực ký”, quyển 5, sđd, trang 440.
(6) “Tam thân” (trikāya) là một thuật ngữ Phật giáo, chỉ pháp thân (dharmakāya), báo thân(saṃbhogakāya) và ứng thân (nirmāṇakāya).
Thảo luận về post