…Những thứ vào miệng không độc, những thứ từ miệng tuôn ra mới độc. Tại sao lại như thế ? Chúng ta ăn cơm lành, canh ngọt, ăn quả chín, rau xanh, tại sao những lời chúng ta nói lại có thể như thuốc độc ?
Chúng ta đã học nói, phải chăng đến lúc chúng ta cũng phải học cách lặng im.
Chúng ta lặng im để không làm tổn thương người khác, không gây nghi kỵ lẫn nhau; để không phàn nàn, không phán xét, không chì chiết; để không nói ra những lời giả dối, sáo rỗng; để không khiến người ta nổi giận; để không mang những tiếng xấu gieo rắc trong đời.
Học lắng nghe để đừng rơi vào ảo tưởng của hoa mỹ giả dối, để đừng giận ghét người có tâm, để cúi đầu học hỏi được điều hay, để tránh được cạm bẫy như viên đạn bọc đường, để lưỡi không liếm lên lưỡi dao sắc nhọn quết đầy mật ngọt ngào.
Học lắng nghe để nói ít hơn, để thấu hiểu, để cảm thông.
Ta học nói xong từ năm 3 tuổi rồi, đã đến lúc học im lặng và học cách lắng nghe thôi, kẻo muộn mất rồi.
Lắng nghe hạnh phúc của chúng sinh để mừng và lắng nghe nỗi khổ của chúng sinh để chia sẻ. Nói như vậy để thấy mình thường đem tâm ganh tỵ khi nghe người có hạnh phúc và sung sướng ảo khi nghe người lâm vào tình trạng đau khổ. Thái độ dại dột này là thái độ của ma vương vì xa rời chúng sinh, lấy phiền não về xây nhà cửa mà không biết.
Mừng cho hạnh phúc của người là tâm hỷ và không chỉ thế, mình sẵn sàng hy sinh hạnh phúc bản thân để người có hạnh phúc. Người mẹ nhìn thấy đứa con khoẻ mạnh, thành đạt hay cuộc sống nhiều niềm vui, bà mừng như bắt được vàng. Nhưng lại có người thấy đứa con trai lập gia đình thì cho rằng mình đã mất đứa con, cô gái nào đó cướp đi đứa con của mình nên ra sức hành hạ con dâu, chuyện mẹ chồng nàng dâu vì thế xuất hiện. Bà làm khổ đứa con mà không biết, cứ tưởng nắm chặt đứa con trong tay là mang hạnh phúc đến cho nó.
Lắng nghe hạnh phúc của con, đấng sinh thành cho con nhiều hạnh phúc, hạnh phúc ở đây là nhiều tự do, không bị ràng buộc bởi ý niệm chiếm giữ hay chăm sóc quá đáng. Đứa con cũng lắng nghe mẹ của mình, bà có tri giác sai lầm về tình thương, cứ nghĩ thương là phải giữ trong vòng tay, không biết thương là phải bung ra. Biết đau với nỗi khổ của người là tâm bi, tức là biết thông cảm, biết sẻ chia.
Thờ ơ với nỗi đau, thấy người đau mình khoái chí, khen ngợi nỗi đau của người hay lợi dụng nỗi đau là người hết sức vô cảm. Lắng nghe thấy người còn đau khổ nên người có suy nghĩ bạo đồng, lời nói thiếu chánh niệm và hành động sai lầm, nên thương người nhiều hơn.
Mình thích ca ngợi việc thiện và chống lại cái ác, nhưng lắng nghe kỹ sẽ thấy nhờ cái ác nên biết trân quý cái thiện, mình biết thương cái ác và giúp cho cái ác ngưng lại, không ra oai nữa rồi dần dần làm quen với cái thiện. Cái ác không phải là thứ phải tiêu diệt, nó cần sự giúp đỡ nhiều hơn và nhờ thực tập tình thương, cái ác sẽ tan chảy nhường chỗ cho tình thương vô bờ. Một tên tử tù bị kết án tử hình, nếu người này bị chết thì cái ác có tiêu diệt được không?
Thảo luận về post