Giới thiệu Di sản văn hóa Phật Giáo trong các tự viện truyền thống Bắc truyền PG Việt Nam thời xưa.
* Triển bát (mở ứng khí)
Như lai ứng lượng khí, ngã kim đắc phu triển, nguyện cọng nhất thế chúng, đẳng tam luân không tịch. Án tư ma ma ni sa ha (3 lần).
(Ứng khí của Như lai, nay con được mở ra, nguyện cùng với mọi người, ba luân đều vắng lặng)
* Y tiếng Phạn là Chi phược la (kasaya); dịch là bất chính sắc, nhiễm sắc, trọc sắc… Có ngũ y, thất y, đại y khác nhau.
Trong luật Tứ phần nói về duyên khởi Phật chế Tỳ kheo mặc y như sau:
“Bấy giờ Đức Thế Tôn ra khỏi thành Vương Xá, du hành trong nhân gian ở phương Nam, giữa đường thấy ruộng làm rất khéo, những thửa ruộng có bờ ngay ngắn. Thấy rồi bảo A Nan: – Thầy thấy những đám ruộng này không?
Đáp: – Bạch Thế Tôn đã thấy.
Phật hỏi A Nan: – Thầy có thể vì chư Tỷ kheo may y pháp như thế này không?
Đáp: – Có thể.
Đức Phật nói với A Nan: – Thầy hãy chỉ dạy cho các Tỷ kheo.
Bấy giờ A Nan từ chỗ đó trở về thành Vương Xá, chỉ dạy các Tỷ kheo, cắt may y; đây là điều dài, đây là điều ngắn, đây là dài vải, đây là may đường thứ nhất, đây là may đường thứ hai, đây là may giữa, điều và dãy, vải này hai hướng. Bấy giờ ở thành Vương Xá có nhiều người cắt may y mặc theo lối này.
Lúc Đức Thế Tôn du hành trong nhân gian ở phương Nam trở về thành Vương Xá, thấy chư Tỷ kheo nhiều người cắt may y mặc, bảo rằng: “A Nan thông minh đại trí tuệ, Ta mới nói sơ mà có thể hiểu rõ. Trong thời quá khứ chư Như Lai vô sở trước và đệ tử của Phật cũng mặc y như thế, như ta ngày nay”.
Ở đây chúng ta thấy rõ Đức Phật khẳng định rằng chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật vị lai đều mặc y phước điền vô thượng này. Vì sao? Vì y phước điền này tiêu biểu cho ruộng phước, một thầy Tỷ kheo tu hành thanh tịnh, giới hạnh đoan nghiêm là ruộng tốt cho chúng sanh gieo vào, giống như một thửa ruộng mà có phân, có nước thì hạt giống gieo vào tức khắc đâm chồi nảy lộc. Cũng vậy, Tăng bảo thường còn ở thế gian, là báo hiệu cho các loài hữu tình, nhờ nhân duyên các thầy tu tập thanh tịnh, đi đúng con đường Chánh pháp của chư Phật, thì đó là cơ hội tốt cho chúng sanh gieo vào.
Như vậy muốn ruộng chúng ta tươi tốt, để chúng sanh gieo hạt vào được đơm bông kết trái, thì mỗi vị hành giả phải luôn luôn thu thúc sáu căn trau dồi giới đức. Được như thế thì chúng ta khi thọ nhận sự cúng dường, là ta tin chắc rằng: Hạt giống của chúng hữu tình sẽ đâm chồi nảy hạt.
Do đó khi đắp y, đệ tử Như Lai thầm tụng:
– Ngũ y (pháp y 5 điều)
Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y, ngã kim đảnh đới thọ, thế thế bất xả ly. Án tất đà da sa ha (3 lần).
(Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, nay tôi kính tiếp nhận, đời đời không rời bỏ).
– Thất y (pháp y 7 điều)
Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y, ngã kim đảnh đới thọ, thế thế thường đắc phi. Án độ ba độ ba sa ha (3 lần).
(Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, nay tôi kính tiếp nhận, đời đời thường khoác mặc).
– Đại y (pháp y lớn từ 9 đến 25 điều)
Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y, phụng trì Như lai mạng, quảng độ chư chúng sanh. Án ma ha ca bà ba tra tất đế sa ha (3 lần).
Lành thay áo giải thoát, áo ruộng phước tối thượng, phụng hành lịnh Như lai, hóa độ cho tất cả).
Năng lực của phước điền y, tức là áo giải thoát. Ở đây chư Phật vì lòng thương của chúng sanh mà thị hiện việc hàng ngày, sai bảo Tôn giả A Nan chế tác ra áo phước điền vô thượng cho chư thiên và loài người, để họ kết thiện duyên với Tam Bảo. Do đó người học đạo luôn luôn phấn phát hướng thượng đời đời kiếp kiếp không rời bỏ manh áo giải thoát này. Vì sao? Vì trong Kinh Phật nói rất rõ: “Sa môn dù có kiết sử, dù có ô nhiễm, nhưng mang hình tướng Sa môn, mặc áo ca sa thì vào thời Phật Di Lặc cho đến Phật Lâu Chí sẽ vào được Niết Bàn không sót một người”.
Như vậy, áo giải thoát có công năng đưa người phàm đến quả vị Thánh, trong từng sát na của niệm. Thật vậy! Một người dù cho có ô nhiễm đến đâu, song một khi họ đắp y cà sa vào, cũng không dám khởi niệm ác mà chỉ một bề hướng đến Tam Bảo.
Do đó trong Kinh Đại Tập, Phật dạy:
“Những người cạo tóc mặc cà sa, trì giới và phá giới, trời người nên cúng dường để thường không thiếu thốn. Cúng dường những người như thế là cúng dường cho Ta. Nếu có người tôn kính pháp, quy y và cạo tóc, thân mặc áo cà sa, thì người đó là con Ta. Giả sử có hủy cấm giới vẫn trụ ở địa vị bất thối. Nếu ai đánh đập người đó chính là đánh đập thân Ta. Nếu ai mạ nhục người đó chính là mạ nhục thân Ta. Người đó tâm sắp tịch diệt thì đèn chánh pháp sáng ngời. Vì tiền của thì cùng đấu tranh, hám lợi thì đồng sanh sân hận”.
Ở đoạn văn Kinh Này, Đức Phật nói rõ người nào đã mang hình tướng sa môn, đắp y cà sa của Phật thì người đó chính là Tăng bảo thường trụ ở thế gian. Vì phước điền y là đức danh của ca sà, là những đám ruộng tốt tăng trưởng những điệu thiện, do đó mình với người đều được lợi lành, giống như người nông phu tới mùa gieo giống trong ruộng, nên đến mùa thu có thể gặt hái.
Sách Tăng Huy Ký nói:
“Thửa ruộng chứa nước sinh trưởng lúa non tốt, để nuôi sống con người; ruộng pháp y thấm nhuần nước vì bốn lợi thì thêm cho lúa non ba điều thiện (không tham – sân – si) để nuôi lớn pháp thân huệ mạng”.
Như vậy, một người đã từ bỏ con đường thế tục, cắt ái từ thân, là đang đi trên con đường giác ngộ của chư Phật. Do đó phước điền y còn là biểu tướng của mười phương chư Phật, là chiếc thuyền đưa mình và người vượt qua bến khổ.
Nên trong Kinh Bi Hoa đức Phật đã từng phát đại nguyện và tán thán sự năng lực của cà sa như sau:
“Thuở xưa Đức Như Lai ở trước Phật Bảo Tạng phát đại nguyện: Nguyện lúc con thành Phật, cà sa sẽ có năm công đức.
1. Tứ chúng đã vào trong giáo pháp của con, có phạm giới trọng tà kiến… Nếu trong một niệm, tâm cung kính tôn trọng cà sa, thì ắt sẽ được thọ ký Tam thừa.
2. Trời, rồng, người, quỷ nếu cung kính cà sa một chút, thì liền được Tam thừa bất thối.
3. Nếu có người, quỷ, thần được cà sa, thậm chí chỉ bốn tấc thì đồ ăn uống được đầy đủ.
4. Nếu chúng Tăng không hòa hợp nhau, thì nhớ đến lực của cà sa, họ liền sanh tâm từ bi.
5. Nếu ở giữa quân trận mà cầm một phần nhỏ của cà sa với lòng cung kính tôn trọng, thì thường được thắng trận”.
Đây là lời đại bi nguyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài còn hành hạnh Bồ tát. Ngài đã đối diện với Đức Phật Bảo Tạng, phát đại bi nguyện, vì lợi ích và an lạc cho chúng sanh. Thật vậy! Nếu mỗi hành giả nào khi đi, đứng, nằm, ngồi luôn luôn tôn kính cà sa thì tâm thái thường an ổn và hạnh phúc. Vì sao? Vì năng lực của cà sa chỉ có Phật mới hiểu thấu được. Tuy nhiên ta chưa thành Phật, song một khi ta nhớ lại đại bi nguyện của Đức Phật, tức là ta đã diện kiến với Ngài và sống trong ánh hào quang Phật lực của Ngài, thì thử hỏi làm sao không được an ổn và hạnh phúc? Do đó, hành giả khi mặc áo cà sa vào tức là mặc áo nhu hòa nhẫn nhục, hành giả khi mặc áo cà sa vào, tức là quyến thuộc của Tiên Thánh…
Trong Kinh Tâm Địa Quán Phật dạy cà sa có 10 lợi ích:
1. Che thân khỏi mắc cỡ mà đầy đủ hổ thẹn.
2. Ngăn nóng lạnh và ruồi muỗi
3. Biểu thị hình tướng của sa môn.
4. Là bảo tràng tướng của trời người, sinh phước thuộc cõi Phạm thiên.
5. Lúc mặc sinh tướng tháp báu, diệt các tội ác.
6. Màu hoại sắc không khiến phát sanh tham dục.
7. Cà sa là y thanh tịnh của Phật, đoạn hẳn phiền não và là ruộng lúa tốt.
8. Tiêu tội và sinh mười điều lành.
9. Như ruộng tốt làm tăng trưởng mầm Bồ đề.
10. Như giáp trụ mũi tên độc phiền não không làm hại được. Do đó, chư Phật ba đời đều mặc.
Như vậy, y phước điền có công năng giải thoát cho mình và người, thì tất cả các hành giả luôn luôn tôn kính cà sa, không một phút giây lơi lỏng, như máu ở trong thân, như chim có đủ cánh, nếu trong thân không có máu thì chết, chim không cánh thì không bay.
BBT CHUATUTAM.NET
Thảo luận về post