Thiền sư Vĩnh Minh Trí Giác, sống vào thời Ngũ Đại, cuối đời Đường, Tổ thứ 6 của Tông Tịnh Độ, Tổ thứ 3 của Tông Pháp Nhãn, người đất Dư Hàng, phủ Lâm An (huyện Hàng, tỉnh Chiết Giang), Trung Quốc. Sư họ Vương, tự Trọng Huyền, hiệu Diên Thọ, Bào Nhất Tử. Lúc còn trẻ, sư làm quan, năm 30 tuổi theo thiền sư Thúy Nham Lệnh Tham xuất gia ở chùa Long Sách. Sau sư đến núi Thiên Thai tham kiến Quốc sư Đức Thiều, tu tập Thiền định và đạt được ý chỉ huyền diệu. Trong thời gian ở chùa Quốc Thanh, sư hành Pháp Hoa Sám Pháp. Buổi sáng sư phóng sanh các loài, buổi chiều cúng thí quỷ thần, đọc tụng kinh Pháp Hoa, chuyên tu Tịnh Nghiệp. Sư hoằng pháp rất thịnh hành ở núi Tuyết Đậu, Minh Châu và phục hưng lại chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu. Năm 961, nhận lời mời của Ngô Việt Vương Tiền Thúc, sư về đạo tràng Vĩnh Minh, tiếp tăng độ chúng nên người đời gọi là Vĩnh Minh Đại Sư. Sư đề xướng Thiền Tịnh song tu, lấy tâm làm tông. Sư trụ trì ở Vĩnh Minh suốt 15 năm, mọi người kính phục và tôn sư là Di-lặc hạ sanh. Sư đã triệu tập các vị Cao tăng của 3 tông Từ Ân, Hiền Thủ, Thiên Thai để nghiên cứu, thảo luận tất cả những tác phẩm nổi tiếng của 200 vị Thánh hiền Ấn Độ và Trung Quốc mà soạn thành bộ Tông Cảnh Lục 100 quyển. Đối với tôn chỉ khác nhau giữa các tông phái, sư luôn có thái độ ôn hòa. Vua nước Cao Ly xem bộ Tông Cảnh Lục này, liền sai sứ đến đảnh lễ xin làm đệ tử và phái 36 vị tăng trong nước đến cầu pháp với sư. Từ đó Thiền phong của Tông Pháp Nhãn rất thịnh hành ở Hải Đông. Sư thị tịch vào năm 975, hưởng thọ 72 tuổi, vua ban Thụy hiệu Trí Giác Thiền sư.
Thảo luận về post