Hồi nhỏ, đọc câu chuyện này làm tôi suy nghĩ. Có một ông thầy đi ngang cây cổ thụ, một đứa trẻ rắn mắt ngồi trên cây, chờ ông tới thì tiểu trên đầu ông. Ông thầy kêu đứa bé xuống và cho nó hai quan tiền. Thằng nhỏ lấy làm lạ, tiểu lên đầu mà lại cho tiền, nó đâu biết đó là một ông thầy ác. Thằng nhỏ được cho tiền như vậy, nên sau đó nó thấy ông quan đi ngang, nghĩ rằng chắc ông này giàu, mình tiểu lên đầu ổng thì ổng sẽ cho tiền nhiều hơn; và rồi chuyện gì đã xảy ra thì ai cũng biết. Coi chừng cái tốt ẩn cái xấu là mượn tay người khác để giết người. Lòng thương người, lòng trắc ẩn thì khác. Nếu thầy này tốt thiệt thì phải dạy thằng bé, thậm chí đánh đòn nó để nó hiểu rằng nó đã làm lỗi, sau không được phạm lỗi như vậy.
– Có câu chuyện tiền thân Phật tu làm Sa-môn hiền lành, muông thú thường tới vây quanh Ngài. Một hôm, Ngài rời bỏ nơi này đi giáo hóa nơi khác, muông thú đến với Ngài như thường lệ thì Ngài đánh đuổi chúng. Người ngoài trông thấy nói ông thầy này ác. Phật nói rằng vì Ta thương mà đánh đuổi chúng, để khi Ta rời nơi này, người khác tới mà chúng không biết, cứ tưởng là họ hiền lành thương yêu chúng như Ta đã từng săn sóc chúng bằng tình thương, thì chúng đến gần sẽ bị những người ác sát hại.
Đôi khi có thể hành động bên ngoài ác, nhưng thực sự việc làm phát xuất từ lòng thương bên trong. Vì vậy, người Việt có câu nói thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.
Trên bước đường tu, chúng ta nên nhớ ý này. Có người tốt, nhưng ta phải cẩn thận với cái tốt đó, vì nó chứa đựng ẩn ý xấu. Trái lại, người dám chỉ điều dở để giúp chúng ta đi lên, đó là người tốt.
_()_Nam Mô A Di Đà Phật_()_
_()_Nam Mô A Di Đà Phật_()_
_()_Nam Mô A Di Đà Phật_()_
Thảo luận về post