Vua Ba Tư Nặc đến hỏi đạo Tỳ Kheo Ni Khema. Vua hỏi: Sau khi Phật Niết bàn có còn chăng?
Bà Khema đáp: Câu này Thế Tôn thường không trả lời.
Vua hỏi: Như vậy sau khi Phật Niết bàn không còn chăng?
Bà đáp: Câu này Thế Tôn thường không trả lời.
Vua hỏi tiếp: Sau khi Phật Niết bàn cũng còn, cũng không còn chăng? Chẳng phải còn, chẳng phải không còn chăng?
Bà Khema cũng đáp: Câu này Thế Tôn thường không trả lời.
Vua lại hỏi: Vì sao không trả lời?
Bà đáp: Ví như trong nước có nhà toán học giỏi, thử bảo toán xem cát sông Hằng là bao nhiêu, toán được không?
Vua đáp: Không thể toán được.
Bà hỏi: Lại bảo toán xem nước biển đại dương là bao nhiêu đấu, toán được không?
Vua cũng đáp: Không thể toán được.
Bà nói: Cũng vậy, Thế Tôn đã dứt sạch sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không thấy có ta và của ta. Ngài đã vào chỗ thâm sâu không thể nghĩ lường được nên Phật không trả lời.
Vua lại đến hỏi Phật, Phật cũng đáp như vậy. Vua khen: Hay thay! Hay thay! Phật và đệ tử Phật đều nói không khác.
***
HT. Thích Thanh Từ trích kinh (phần trên) và bàn thêm (phần sau đây):
Sở dĩ hỏi Như Lai còn hay không còn, là bởi trong lòng còn chứa niệm ta và của ta. Vì chấp năm uẩn là thật nên ta băn khoăn thắc mắc sợ tu hành rốt sau rồi không còn gì để nương tựa nữa. Ðó là còn nghĩ đến thân để thụ hưởng. Rõ ràng người đặt câu hỏi này hoàn toàn chưa thoát khỏi năm uẩn. Người đạt năm uẩn không thật, chẳng còn có niệm ta và của ta thì sự còn mất của nó đâu còn quan trọng nữa!
Ví dụ: có người đứng trên bến tàu thấy người lên kẻ xuống tấp nập, nhưng không hề ngó ngàng gì đến cả. Bất chợt có người thân trong đó liền chạy đến hỏi han: Ði đâu? Bao giờ trở lại? v.v. Vì sao thế? Vì có liên hệ đến ta; còn thấy có ta là còn vương vấn. Trái lại bao nhiêu người khác vì không dính dáng gì đến ta nên mặc tình họ đi đâu thì đi không cần để ý.
Kết luận điểm này, hể còn nghiệp là còn sanh, còn sanh là còn chỗ để nói. Như Lai đã hết nghiệp nên không chỗ sanh, không chỗ sanh nên không thể nói, do đó chỉ im lặng, dứt hết hý luận.
Thảo luận về post